Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự sinh lại—Mang lại điều gì?

Sự sinh lại—Mang lại điều gì?

Sự sinh lại​—Mang lại điều gì?

Tại sao Chúa Giê-su dùng cụm từ ‘nhờ thánh-linh mà sanh’ khi nói về việc báp têm bằng thánh linh? (Giăng 3:5). Theo nghĩa bóng, từ “sanh” có nghĩa là “khởi đầu”. Vì vậy, từ “sanh lại” muốn nói đến “khởi đầu một điều mới”. Thế nên, nghĩa bóng của từ “sanh” và “sanh lại” nhấn mạnh một sự khởi đầu mới trong mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và những người được báp têm bằng thánh linh. Mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và họ đã hoàn toàn thay đổi như thế nào?

Khi giải thích cách Đức Chúa Trời chuẩn bị cho những người được lên trời để cai trị, sứ đồ Phao-lô dùng một thí dụ từ đời sống gia đình. Ông cho các môn đồ thời bấy giờ biết là họ sẽ “làm con nuôi”, và vì thế Đức Chúa Trời sẽ đối xử với họ “như con” (Ga-la-ti 4:5; Hê-bơ-rơ 12:7). Để hiểu việc được nhận làm con nuôi giúp một người báp têm bằng thánh linh có sự thay đổi nào, chúng ta hãy nhớ lại minh họa về sinh viên muốn xin học tại trường chỉ dành cho người bản xứ.

Được nhận làm con nuôi mang lại thay đổi nào?

Trong minh họa, sinh viên ấy không thể vào trường vì không phải là người bản xứ. Nhưng hãy hình dung một ngày kia, có một sự thay đổi lớn là anh được nhận làm con nuôi hợp pháp trong một gia đình bản xứ. Việc này ảnh hưởng thế nào đến anh? Giờ đây, anh có thể có quyền như bao sinh viên bản xứ khác, kể cả quyền theo học trường đó. Nhờ được nhận làm con nuôi, tương lai sinh viên ấy đã hoàn toàn thay đổi.

Minh họa này giúp chúng ta hiểu ý nghĩa lớn lao của những điều sẽ xảy ra cho người được sinh lại. Hãy xem một số điểm tương đồng. Sinh viên trong minh họa được nhận vào trường chỉ khi anh hội đủ điều kiện, đó là trở thành người bản xứ. Tuy nhiên, một mình anh không thể làm được điều đó. Tương tự, một số người sẽ được cai trị trong Nước Trời, tức chính phủ trên trời, chỉ khi họ đáp ứng điều kiện—được “sanh lại”. Nhưng một mình họ không thể đáp ứng điều đó vì sự sinh lại tùy thuộc vào Đức Chúa Trời.

Điều gì thay đổi tình trạng của người sinh viên? Đó là tiến trình pháp lý của việc nhận con nuôi. Dĩ nhiên, tiến trình này không thay đổi bản chất của anh. Sau khi được nhận nuôi, anh vẫn là con người ấy. Dù vậy khi đã hoàn tất thủ tục nhận nuôi, anh có vị thế mới, một sự khởi đầu mới, hoặc có thể nói anh được “sanh lại”. Anh trở thành con của người bản xứ, điều này cho anh quyền vào học ở trường đó và là thành viên của gia đình cha nuôi.

Tương tự, Đức Giê-hô-va thay đổi tình trạng của một nhóm người còn mang tội tổ tông bằng một tiến trình hợp pháp là nhận họ làm con. Sứ đồ Phao-lô, thuộc nhóm người ấy, đã viết cho anh em đồng đức tin: “Anh em... đã nhận lấy thần-trí của sự làm con nuôi, và nhờ đó chúng ta kêu rằng: A-ba! Cha! Chính [thánh-linh] làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con-cái Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8:15, 16). Đúng vậy, qua tiến trình nhận con nuôi, các môn đồ ấy trở thành thành viên của gia đình Đức Chúa Trời, tức ‘con-cái Ngài’.—1 Giăng 3:1; 2 Cô-rinh-tô 6:18.

Dĩ nhiên, việc Đức Chúa Trời nhận họ làm con nuôi không thay đổi bản chất của họ, họ vẫn mang tội tổ tông (1 Giăng 1:8). Tuy nhiên, như Phao-lô giải thích thêm, sau khi tiến trình nhận con nuôi hoàn tất, họ có vị thế mới. Cùng lúc đó, thánh linh Đức Chúa Trời tác động khiến họ có niềm tin mạnh mẽ rằng mình sẽ sống với Chúa Giê-su trên trời (1 Giăng 3:2). Niềm tin chắc chắn này giúp họ có một cái nhìn hoàn toàn mới về đời sống (2 Cô-rinh-tô 1:21, 22). Thật vậy, họ cảm nghiệm một sự khởi đầu mới—sự sinh lại.

Kinh Thánh nói về việc Đức Chúa Trời nhận con nuôi như sau: “Những người ấy sẽ làm thầy tế-lễ của Đức Chúa Trời và của Đấng Christ, cùng sẽ trị-vì với Ngài trong một ngàn năm” (Khải-huyền 20:6). Cùng với Chúa Giê-su, những người này sẽ làm vua trong Nước Trời, tức chính phủ trên trời. Sứ đồ Phi-e-rơ nói với các anh em đồng đức tin rằng họ sẽ nhận được “cơ-nghiệp không hư đi, không ô-uế, không suy-tàn, để dành trong các từng trời” (1 Phi-e-rơ 1:3, 4). Quả là một di sản quí giá!

Tuy nhiên, sự cai trị này cũng nêu lên một nghi vấn. Nếu những người được sinh lại sẽ cai trị trên trời, thì thần dân của họ là ai? Câu hỏi này sẽ được xem xét trong bài kế tiếp.

[Hình nơi trang 10]

Phao-lô nói gì về việc nhận con nuôi?