Trong cảnh tật nguyền vẫn tìm được niềm vui
Trong cảnh tật nguyền vẫn tìm được niềm vui
Do Paulette Gaspar kể lại
Lúc mới sinh, tôi cân nặng 3kg nhưng bác sĩ thấy có vấn đề nghiêm trọng với tôi. Xương tôi bị gãy. Tôi bị căn bệnh osteogenesis imperfecta, thường gọi là bệnh xương thủy tinh. Các bác sĩ phải chuyển tôi đi phẫu thuật ngay, nhưng họ không hy vọng gì nhiều và nghĩ tôi sẽ chết trong vòng 24 giờ.
T ôi sinh ra ở Canberra, thủ đô nước Úc, vào ngày 14-6-1972. Trái với mọi dự đoán, tôi đã qua khỏi ngày đầu tiên ấy. Nhưng rồi tôi bị viêm phổi. Các bác sĩ nghĩ rằng khả năng sống của tôi rất mong manh nên quyết định không chữa trị và để “chuyện gì đến thì nó sẽ đến”. Hóa ra chuyện xảy đến là tôi vẫn sống!
Tôi nghĩ cha mẹ hẳn đã rất vất vả trong thời gian đó. Khi cho rằng tôi chẳng còn sống được bao lâu, các bác sĩ và y tá có thiện chí khuyên cha mẹ không nên quyến luyến nhiều với tôi. Thật ra suốt ba tháng đầu tiên ở bệnh viện, cha mẹ không được phép chạm vào tôi vì cơ thể tôi rất dễ bị thương. Sau đó, khi thấy là tôi sống được, các bác sĩ đề nghị cha mẹ gửi tôi vào viện nuôi trẻ khuyết tật.
Tuy nhiên, cha mẹ quyết định mang tôi về nhà nuôi. Lúc bấy giờ, mẹ tôi mới bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va, và những điều mẹ học được làm mẹ càng cảm thấy phải có trách nhiệm với tôi. Nhưng có lẽ mẹ khó thể hiện tình cảm với tôi vì mọi tâm trí và sức lực mẹ đã dồn hết vào việc chăm sóc tôi, cũng như thường phải đem tôi đi bệnh viện. Chỉ việc tắm hoặc hắt hơi cũng có thể làm xương tôi bị vỡ.
Rơi vào tình trạng trầm cảm
Khi lớn lên, chiếc xe lăn trở thành bạn đồng hành của tôi vì tôi không thể đi được. Dù gặp khó khăn đến thế nhưng cha mẹ vẫn hết lòng chăm sóc cho tôi.
Hơn nữa, mẹ tôi cũng cố gắng gieo vào lòng tôi thông điệp an ủi của Kinh Thánh. Mẹ dạy rằng trong tương lai, Đức Chúa Trời sẽ biến cả trái đất thành địa đàng, lúc đó mọi người sẽ có sức khỏe hoàn hảo về thể chất lẫn tinh thần và hoàn toàn có thể làm đẹp lòng Ngài (Thi-thiên 37:10, 11; Ê-sai 33:24). Tuy nhiên, mẹ tôi cũng thừa nhận là mẹ không tin tôi sẽ hạnh phúc trong đời sống hiện tại, chỉ trừ khi thế giới mới đến mà thôi.
Khi tới tuổi đi học, lúc đầu tôi đến trường chuyên biệt cho trẻ khuyết tật. Giáo viên ở
đó không hướng tôi đến một mục tiêu nào cả, và tôi cũng không có gì để vươn tới. Thật ra, chỉ việc đi học cũng là một thử thách lớn với tôi vì nhiều đứa trẻ ở trường đối xử với tôi rất tệ. Sau đó, tôi chuyển sang trường dành cho trẻ em lành lặn. Tôi phải học cách hòa đồng với bạn bè, điều đó khiến tôi mệt mỏi về thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, tôi quyết tâm học hết 12 năm phổ thông.Thời trung học phổ thông, tôi nhận thấy đời sống của nhiều người bạn dường như trống rỗng và không mục đích. Lúc ấy, tôi nhớ lại những điều trong Kinh Thánh mà mẹ đã dạy. Tôi biết những điều đó đúng là chân lý nhưng chưa động đến lòng tôi. Vì thế, trong thời gian đó, tôi chỉ nghĩ đến việc hưởng thụ đời sống mà không màng đến ngày mai.
Khi 18 tuổi, tôi dọn đến sống với một nhóm bạn đồng cảnh ngộ. Ban đầu, tôi cảm thấy vừa vui vừa sợ nhưng tôi thích đời sống mới này, được tự do, độc lập và có nhiều bạn. Với thời gian, nhiều người bạn của tôi đã lập gia đình, khiến tôi cũng ao ước có được tình yêu và một người bạn đời. Nhưng vì căn bệnh của mình, ao ước đó là điều quá xa vời. Tôi rất buồn khi nhận ra sự thật này.
Tuy nhiên, tôi không bao giờ đổ lỗi cho Đức Chúa Trời. Những điều tôi học về Đức Giê-hô-va đủ cho tôi biết là Ngài không bất công (Gióp 34:10). Tôi cố gắng bằng lòng với cuộc sống hiện tại, thế nhưng tôi vẫn rơi vào tình trạng trầm cảm.
Dần dần hồi phục tinh thần
Tốt thay mẹ tôi biết được tâm trạng của tôi và nhờ một trưởng lão trong hội thánh ở gần nhà tôi đến giúp. Anh gọi điện thoại và mời tôi đến tham dự buổi nhóm tại phòng họp của Nhân Chứng Giê-hô-va. Ngoài ra, một chị trong hội thánh ấy cũng hướng dẫn tôi học Kinh Thánh mỗi tuần.
Nhờ được nhắc lại về chân lý Kinh Thánh mà mẹ đã dạy nhiều năm trước, tôi bắt đầu có cái nhìn lạc quan hơn về cuộc sống. Tôi cũng rất thích giao tiếp với các anh chị trong hội thánh. Tuy nhiên, từ lâu tôi đã quen kiềm chế cảm xúc vì sợ bị tổn thương. Có lẽ vì lý do đó mà tôi cảm thấy khó yêu thương Đức Chúa Trời sâu đậm. Dù thế, tôi biết rằng dâng đời sống để phụng sự Ngài là điều đúng, nên tôi biểu trưng sự dâng mình qua phép báp têm vào tháng 12 năm 1991.
Tôi dọn khỏi căn nhà đang sống và tìm một căn hộ riêng. Dù sự thay đổi này tốt cho tôi nhưng cũng có những khó khăn. Một trong số đó là tôi cảm thấy rất cô đơn. Hơn nữa, chỉ nghĩ đến có người lạ đột nhập vào nhà là tôi đã thấy sợ. Chẳng bao lâu sau tôi bị trầm cảm trở lại. Dù ngoài mặt tôi tươi cười và có vẻ mạnh mẽ, nhưng trong lòng không phải thế. Tôi ao ước có một người bạn tốt và đáng tin cậy.
Tôi cảm nhận rằng Đức Giê-hô-va đã cho tôi một người bạn như thế. Các trưởng lão trong hội thánh đã sắp xếp cho một chị có gia đình là chị Suzie giúp tôi tiếp tục tìm hiểu Kinh Thánh. Chị ấy không chỉ là người dạy mà còn trở thành bạn thân thiết và yêu quý của tôi.
Chị Suzie hướng dẫn tôi cách chia sẻ điều tôi học với người khác khi có cơ hội hoặc khi rao giảng từng nhà. Tôi bắt đầu quý mến những đức tính của Đức Chúa Trời hơn. Tuy nhiên, dù đã báp têm, tôi vẫn chưa yêu thương Ngài sâu đậm. Thậm chí có lần tôi còn muốn ngưng phụng sự Ngài. Tôi tâm sự điều đó với chị Suzie, và chị đã giúp tôi vượt qua sự nản lòng.
Chị Suzie cũng giúp tôi nhận ra rằng việc tôi cảm thấy nản lòng là do giao tiếp với Thi-thiên 28:7.
những người không hết lòng yêu thương Đức Giê-hô-va. Thế nên, tôi bắt đầu kết bạn với những người sốt sắng phụng sự Đức Chúa Trời, đặc biệt là những anh chị đồng đạo lớn tuổi. Đồng thời, tôi cũng hàn gắn mối quan hệ với mẹ và anh trai vì lâu nay mẹ và tôi không hòa thuận nhau. Tôi rất ngạc nhiên khi cảm nhận được niềm hạnh phúc mà trước đây tôi chưa từng có. Kể từ đó, các anh chị đồng đạo, gia đình tôi và trên hết là Đức Giê-hô-va đã trở thành nguồn sức mạnh và niềm vui của tôi.—Một hướng đi mới
Một lần nọ, khi tham dự hội nghị, tôi nghe một bài giảng nhấn mạnh về niềm vui mà nhiều anh chị đã trải nghiệm trong công việc rao giảng trọn thời gian. Tôi thầm nghĩ: “Mình có thể làm được công việc này!”. Dĩ nhiên, tôi biết điều này không dễ thực hiện vì tình trạng sức khỏe kém. Nhưng sau khi cầu nguyện và suy nghĩ kỹ, tôi quyết định nộp đơn tham gia công việc rao giảng trọn thời gian. Tôi bắt đầu hướng đi mới của mình vào tháng 4 năm 1998.
Làm sao tôi có thể đi rao giảng trong tình trạng như thế này? Tính tôi thích tự lập và không muốn trở thành gánh nặng cho người khác, phải phụ thuộc người khác đưa đón và giúp đỡ. Vì thế, chị Suzie và chồng chị, anh Michael, đã đề nghị tôi mua một chiếc xe máy! Nhưng làm sao tôi lái xe được? Như hình bên cho thấy, xe máy của tôi được thiết kế đặc biệt. Tôi thậm chí không cần phải nhấc thân thể nhỏ bé nặng 19kg của mình ra khỏi chiếc xe lăn!
Nhờ phương tiện mới này, tôi được độc lập hơn, có thể đến thăm và hướng dẫn người khác tìm hiểu Kinh Thánh vào những lúc thuận tiện cho cả hai bên. Phải công nhận là tôi rất thích lái xe máy của mình, và cảm giác khi có những làn gió mát thổi qua mặt quả là một niềm vui đối với tôi!
Tôi thích bắt chuyện với người ta trên đường phố, và phần lớn họ đều đối đáp với thái độ lịch sự, tôn trọng. Tôi cũng vui trong việc giúp người khác tìm hiểu Kinh Thánh. Tôi nhớ có lần đi rao giảng từng nhà với một anh rất cao. Khi anh chào chủ nhà, người ấy cứ tròn xoe mắt nhìn tôi và hỏi anh: “Cô ấy nói được không?”. Cả hai chúng tôi bật cười. Khi tôi rao giảng xong, hẳn bà hiểu là không những tôi biết nói mà còn nói nhiều nữa là đằng khác!
Giờ đây, tôi lạc quan yêu đời và yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời sâu đậm. Tôi rất biết ơn mẹ đã dạy tôi Kinh Thánh, và tôi vững tâm chờ đợi ngày mà Đức Chúa Trời không lâu nữa sẽ “làm mới lại hết thảy muôn vật”, trong đó có cơ thể bé nhỏ của tôi.—Khải-huyền 21:4, 5.
[Câu nổi bật nơi trang 30]
“Tôi cố gắng bằng lòng với cuộc sống hiện tại, thế nhưng tôi vẫn rơi vào tình trạng trầm cảm”