Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc
Trang bị cho con bước vào đời
“Trước đây, cha con tôi thường trò chuyện vui vẻ với nhau. Chúng thường lắng nghe tôi và luôn vâng lời. Nhưng bây giờ chúng đã là những thanh thiếu niên và thường bất đồng với tôi trong mọi chuyện. Thậm chí chúng tỏ ra miễn cưỡng với chương trình học Kinh Thánh của gia đình. Đôi khi chúng cằn nhằn: “Lúc nào cũng Kinh Thánh, Kinh Thánh!”. Tôi đã thấy vấn đề này xảy ra với nhiều gia đình, nhưng trước khi ba cậu con trai tôi đến tuổi dậy thì, tôi chưa bao giờ nghĩ chuyện đó sẽ xảy đến với gia đình mình”.—Anh Reggie *.
Phải chăng con bạn đã bước vào tuổi thanh thiếu niên? Nếu có thì bạn đang chứng kiến một trong những giai đoạn phát triển đặc biệt nhất của con. Tuy nhiên, đó cũng thường là giai đoạn khiến nhiều bậc cha mẹ mất ăn mất ngủ. Bạn có rơi vào một trong hai trường hợp sau đây không?
-
Khi còn nhỏ, con trai bạn như một chiếc thuyền được buộc chặt vào bến—bến đó chính là bạn. Bây giờ là một thanh thiếu niên, con bạn đang kéo mạnh dây buộc thuyền, háo hức ra khơi, còn bạn thì bị bỏ lại phía sau.
-
Khi còn nhỏ, con gái bạn thích kể cho bạn nghe mọi điều. Bây giờ ở tuổi thanh thiếu niên, con bạn “thành lập” một nhóm bạn thân thiết, và bạn cảm thấy như mình không có trong “danh sách” ấy.
Nếu gia đình bạn đang gặp trường hợp tương tự, đừng vội kết luận rằng con bạn đã hư hỏng. Vậy chuyện gì đang xảy ra? Để trả lời, chúng ta hãy xem vai trò quan trọng của tuổi dậy thì trong quá trình phát triển của con bạn.
Tuổi dậy thì—Một bước tiến quan trọng
Từ khi sinh ra, con bạn đã trải qua nhiều giai đoạn. Mỗi giai đoạn là một bước tiến mới, chẳng hạn những bước chập chững ban đầu, tiếng nói đầu đời, ngày đầu tiên đi học v.v... Cha mẹ vui sướng khi nhìn thấy mỗi bước tiến của con vì điều đó chứng tỏ con họ đang lớn lên như mong đợi.
Tuổi dậy thì cũng là một bước tiến mới. Nhưng khác với các giai đoạn trước đó, khi con đến tuổi này, cha mẹ cảm thấy lo lắng nhiều hơn là vui mừng. Điều đó cũng dễ hiểu. Làm sao cha mẹ có thể vui khi thấy con mình từ một đứa trẻ ngoan hiền trở thành một thanh thiếu niên tính tình thất thường? Đành thế nhưng tuổi dậy thì vẫn là giai đoạn tất yếu trong quá trình phát triển của con. Như thế nào?
Kinh Thánh cho biết sẽ có một ngày con cái “lìa cha mẹ”, hay ra ở riêng (Sáng-thế Ký 2:24). Tuổi thanh thiếu niên là giai đoạn chuẩn bị cho con về nhiều phương diện để sẵn sàng cho ngày vui buồn lẫn lộn ấy. Lúc đó, con bạn phải thực hiện được những điều như sứ đồ Phao-lô nói: “Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, tư-tưởng như con trẻ, suy-xét như con trẻ; khi tôi đã thành-nhân, bèn bỏ những điều thuộc về con trẻ”.—1 Cô-rinh-tô 13:11.
Đúng vậy, tuổi dậy thì là độ tuổi mà con bạn đang bỏ đi những đặc tính của trẻ con và học trở thành người lớn có trách nhiệm, tự quyết định, đủ trưởng thành để có thể rời gia đình và sống tự lập. Vì thế, một tài liệu tham khảo miêu tả tuổi thanh thiếu niên là “cuộc chia tay bịn rịn”.
Tuy nhiên, lúc này ý nghĩ đứa con “bé bỏng” sẽ ra ở riêng là điều bạn không thể tin được. Có lẽ bạn phân vân:
-
“Con trai tôi không tự giác dọn dẹp phòng, làm sao nó có thể giữ gìn nhà riêng sạch sẽ?”
-
“Con gái tôi không đáng tin trong việc đi về đúng giờ thì làm sao nó có thể giữ được việc làm sau này?”
Nếu bạn đang lo lắng về những điều đó thì hãy nhớ: Để trở thành người tự lập, con bạn không đơn giản chỉ cần bước qua một cánh cửa, mà phải đi một quãng đường dài mất nhiều năm mới đến đích. Nhưng hiện giờ rõ ràng bạn thấy “sự ngu-dại vốn buộc vào lòng con trẻ”.—Châm-ngôn 22:15.
Tuy nhiên, nếu được hướng dẫn đúng, con bạn có thể từ một thanh thiếu niên trở thành một người trưởng thành có trách nhiệm và biết dùng khả năng suy xét để “phân-biệt điều lành và dữ”.—Hê-bơ-rơ 5:14.
Bí quyết thành công
Để trang bị cho con vào đời, bạn cần giúp con phát triển khả năng suy xét để có thể tự quyết định cách khôn ngoan. Làm theo những nguyên tắc sau của Kinh Thánh có thể giúp bạn thành công.
Phi-líp 4:5, Bản Diễn Ý: “Hãy chứng tỏ tinh thần hòa nhã”. Con bạn xin bạn một điều, chẳng hạn xin về trễ hơn giờ quy định. Ngay lập tức bạn không cho. Con bạn than vãn: “Bố mẹ làm như con là con nít!”. Thay vì trả lời: “Đúng rồi còn gì!”, bạn hãy bình tĩnh nghĩ lại: Đúng là con trẻ thường muốn được tự do hơn mức độ nó có thể kiểm soát, nhưng cha mẹ cũng hay có khuynh hướng hạn chế tự do của con hơn mức thật sự cần thiết. Vậy, bạn có thể “hòa nhã” và thỉnh thoảng chiều theo ý con không? Sao không cố gắng xem sự việc từ góc nhìn của con?
HÃY THỬ XEM: Ghi ra một hoặc hai điều mà bạn có thể cho con thêm tự do. Hãy nói với con đây chỉ mới là thử. Nếu con tỏ ra có trách nhiệm thì cha mẹ sẽ cho con thêm tự do nữa. Còn nếu không, con sẽ phải giữ theo quy định cũ.—Ma-thi-ơ 25:21.
Cô-lô-se 3:21, International Children’s Bible: “Hỡi người làm cha, đừng trách mắng con cái quá nặng nề. Nếu quá khó tính, chúng sẽ bỏ cuộc”. Một số cha mẹ gần như theo dõi nhất cử nhất động của con và cố bắt con ở nhà. Họ chọn bạn cho con và nghe lén điện thoại của con. Nhưng những cách này thường phản tác dụng. Sự kèm cặp như thế chỉ khiến con muốn thoát khỏi vòng kiểm soát của cha mẹ. Càng chê bai bạn bè con thì con sẽ càng muốn chơi với chúng. Còn nếu cha mẹ cứ nghe lén điện thoại, con sẽ tìm cách khác để liên lạc với bạn bè. Bạn cố gắng kiểm soát con bao nhiêu, con bạn sẽ tuột khỏi tầm tay bạn bấy nhiêu. Ngoài ra, nếu bạn không cho con cơ hội tự quyết định khi còn ở nhà thì làm sao nó có thể biết cách quyết định sau này?
HÃY THỬ XEM: Lần tới khi nói chuyện với con về một vấn đề, hãy giúp con lý luận xem điều con lựa chọn ảnh hưởng thế nào đến danh dự của con. Chẳng hạn, thay vì chê bai bạn bè con, hãy lý luận: “Nếu bạn A bị cảnh sát bắt thì sao? Khi đó người ta sẽ nghĩ con là người như thế nào?”. Hãy giúp con nhận thấy rằng điều con lựa chọn có thể tạo tiếng tốt hoặc gây tiếng xấu cho con.—Châm-ngôn 11:17, 22; 20:11.
Ê-phê-sô 6:4: “Chớ chọc cho con-cái mình giận-dữ, hãy dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa mà nuôi-nấng chúng nó”. Từ “khuyên-bảo” không chỉ muốn nói đến việc truyền đạt kiến thức nhưng bao hàm việc khơi dậy ý thức đạo đức để thúc đẩy con hành động đúng đắn. Điều này đặc biệt quan trọng khi con bạn ở tuổi thanh thiếu niên. Một người cha tên là Andre nói: “Con bạn càng lớn bạn càng phải điều chỉnh cách trò chuyện và lý luận nhiều với con”.
HÃY THỬ XEM: Khi vấn đề nảy sinh, hãy thử đổi vai với con. Hỏi xem nếu con đóng vai cha mẹ, con sẽ cho lời khuyên nào. Hãy bảo con tìm thêm thông tin ủng hộ cho ý kiến của con, và cả những thông tin trái với ý nó. Hãy bàn lại vấn đề ấy sau một tuần.
Ga-la-ti 6:7: “Ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy”. Khi con còn nhỏ, bạn có thể dạy dỗ bằng cách dùng hình phạt, chẳng hạn không cho con đi ra ngoài hoặc chơi trò giải trí mà nó thích nhất. Nhưng khi con đã là một thanh thiếu niên, tốt hơn bạn nên giúp con thấy hậu quả của hành động mình làm.—Châm-ngôn 6:27.
HÃY THỬ XEM: Đừng “chạy tội” cho con bằng cách thay con trả nợ hoặc bào chữa với thầy cô về việc con bị điểm kém. Hãy để cho con chịu hậu quả hành động của mình, nhờ đó chúng sẽ rút ra được bài học đáng ghi nhớ.
Là bậc cha mẹ, có lẽ bạn mong muốn tuổi dậy thì của con giống như một đường băng rộng rãi và thoáng đãng mà con bạn có thể dễ dàng lấy đà để cất cánh bay vào đời. Trên thực tế thì ít khi suôn sẻ như vậy. Tuy thế, tuổi dậy thì của con vẫn là cơ hội quý báu để bạn ‘dạy cho con đường nó phải theo’ (Châm-ngôn 22:6). Các nguyên tắc Kinh Thánh thật sự sẽ là nguồn hướng dẫn đáng tin cậy giúp gia đình bạn thành công!
^ đ. 3 Tên đã đổi.
HÃY TỰ HỎI:
Khi bước vào cuộc sống tự lập, con tôi đã có thể làm những điều sau đây chưa?
-
duy trì chương trình học Kinh Thánh
-
lựa chọn và quyết định đúng
-
có kỹ năng giao tiếp tốt
-
tự chăm sóc sức khỏe
-
biết quản lý ngân sách
-
dọn dẹp và giữ gìn nhà cửa
-
biết tự giác