Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Họ yêu mến Lời Đức Chúa Trời

Họ yêu mến Lời Đức Chúa Trời

Họ yêu mến Lời Đức Chúa Trời

Những thông điệp quan trọng thường được dịch ra nhiều ngôn ngữ để cho càng nhiều người hiểu càng tốt. Kinh Thánh, tức Lời Đức Chúa Trời, chứa đựng một thông điệp quan trọng. Dù được viết cách đây rất lâu, những điều trong Kinh Thánh nhằm mục đích “dạy-dỗ chúng ta”, đem lại niềm an ủi và hy vọng cho tương lai.—Rô-ma 15:4.

Vậy, điều hợp lý là Kinh Thánh, cuốn sách chứa đựng thông điệp quan trọng nhất từ xưa đến nay, phải được dịch ra nhiều ngôn ngữ. Trong suốt lịch sử, con người đã phấn đấu để dịch Kinh Thánh dù bị bệnh nặng, chính quyền cấm đoán hoặc ngay cả bị đe dọa đến tính mạng. Tại sao như thế? Vì họ yêu mến Lời Đức Chúa Trời. Bài này sẽ giới thiệu một vài sự kiện trong lịch sử đáng chú ý của việc dịch Kinh Thánh.

“Tốt hơn, người Anh nên học luật Đấng Ki-tô bằng tiếng Anh”

Ông John Wycliffe ra đời khoảng năm 1330. Thời đó, các buổi lễ ở Anh Quốc diễn ra bằng tiếng La-tinh. Trái lại, người dân dùng tiếng Anh trong giao tiếp hằng ngày. Họ nói chuyện với nhau và ngay cả cầu nguyện với Đức Chúa Trời bằng tiếng Anh.

Ông Wycliffe là một linh mục Công giáo thông thạo tiếng La-tinh. Tuy nhiên, ông cảm thấy việc sử dụng tiếng La-tinh—ngôn ngữ mà ông cho rằng chỉ dành cho giới thượng lưu—để dạy Kinh Thánh là sai. Ông viết: “Sự hiểu biết về luật pháp Thiên Chúa nên được truyền đạt trong ngôn ngữ mà người ta dễ hiểu nhất, vì đó là lời của Thiên Chúa”. Do vậy, ông Wycliffe và những người bạn lập ra một nhóm để dịch Kinh Thánh sang tiếng Anh. Công việc này mất khoảng 20 năm.

Sự kiện sắp có một bản dịch mới không được Giáo hội Công giáo ủng hộ. Sách The Mysteries of the Vatican (Lẽ mầu nhiệm của tòa Vatican) giải thích lý do giáo hội chống đối: “[Qua bản dịch này] giáo dân có thể so sánh tính đơn giản của đạo Ki-tô thời ban đầu với Giáo hội Công giáo đương thời... Sự khác biệt to lớn giữa lời dạy của Đấng sáng lập Ki-tô giáo, và người tự cho là phó vương của ngài [giáo hoàng] là rõ ràng biết bao”.

Giáo hoàng Gregory XI ban hành 5 sắc lệnh kết tội ông Wycliffe. Thế nhưng, dịch giả này vẫn tiếp tục công việc. Ông đáp: “Người Anh tốt hơn là nên học luật Đấng Ki-tô bằng tiếng Anh. Môi-se đã nghe luật pháp Thiên Chúa bằng tiếng mẹ đẻ, các tông đồ của Đấng Ki-tô cũng thế”. Khoảng năm 1382, trước khi ông Wycliffe qua đời ít lâu, bản dịch trọn bộ Kinh Thánh đầu tiên bằng tiếng Anh đã được nhóm Wycliffe phát hành. Khoảng mười năm sau, một trong những người bạn của ông đã cho ra đời một bản hiệu chỉnh và dễ đọc hơn.

Vì lúc đó máy in chưa được phát minh, nên mỗi bản Kinh Thánh được sao chép tỉ mỉ bằng tay, công việc này có thể mất mười tháng! Tuy nhiên, vì những bản sao Kinh Thánh này sắp được phổ biến nên giáo hội lo sợ đến mức một tổng giám mục dọa dứt phép thông công bất kỳ ai đọc bản Kinh Thánh ấy. Hơn 40 năm sau khi ông Wycliffe qua đời, theo lệnh của một hội đồng giáo hoàng, giới tăng lữ khai quật hài cốt, đốt xương và quăng tro của ông xuống sông Swift. Thế nhưng, những người thành thật đi tìm chân lý vẫn muốn đọc Kinh Thánh của ông Wycliffe. Giáo sư William M. Blackburn ghi lại: “Nhiều bản Kinh Thánh của ông Wyclif đã được sao chép, phổ biến rộng rãi và được lưu truyền qua thế hệ sau”.

Kinh Thánh dành cho cậu bé đi cày

Trong khoảng 200 năm, tiếng Anh dùng trong bản dịch của Wycliffe gần như lỗi thời. Một nhà truyền giáo trẻ ở gần Bristol cảm thấy nản lòng vì ít người có thể hiểu được Kinh Thánh. Vào một dịp nọ, người truyền giáo này là ông William Tyndale nghe một người trí thức nói rằng thà thiếu luật Thiên Chúa còn hơn thiếu luật giáo hoàng. Ông Tyndale đáp lại là nếu Thiên Chúa cho phép, chẳng bao lâu nữa ông sẽ làm cho một cậu bé đi cày biết Kinh Thánh nhiều hơn người trí thức ấy.

Ông Wycliffe đã dịch từ bản Kinh Thánh Vulgate tiếng La-tinh và bản dịch của ông được sao chép bằng tay. Vào năm 1524, Tyndale đã rời Anh sang Đức, ông bắt đầu dịch trực tiếp từ tiếng Do Thái và Hy Lạp nguyên thủy. Sau đó, ông thuê một người có máy in ở Cologne để in Kinh Thánh. Không lâu sau, kẻ thù của Tyndale biết công việc dịch thuật của ông và thuyết phục thượng nghị viện ở Cologne ra lệnh tịch thu tất cả các bản sao.

Ông Tyndale chạy trốn sang thành phố Worms, nước Đức, và tiếp tục công việc. Chẳng bao lâu, các bản sao phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp (thường được gọi là Tân ước) bằng tiếng Anh của Tyndale được bí mật chuyển đến nước Anh. Trong vòng sáu tháng, các bản sao bày bán nhiều đến mức các giám mục triệu tập một cuộc họp khẩn cấp và ban lệnh đốt Kinh Thánh.

Để ngăn cản sự phổ biến của việc đọc Kinh Thánh và những điều được cho là dị giáo của Tyndale, giám mục ở Luân Đôn đã giao cho Sir Thomas More nhiệm vụ công kích Tyndale qua các bài viết. Ông More rất khó chịu khi ông Tyndale dùng từ “hội thánh” thay vì “nhà thờ”, “trưởng lão” thay vì “linh mục”. Những từ này nêu nghi vấn về thẩm quyền của giáo hoàng, sự khác biệt giữa giới tăng lữ và giáo dân. Thomas More cũng chỉ trích bản Kinh Thánh của Tyndale dịch từ Hy Lạp a·gaʹpe là “yêu thương” thay vì “bố thí”. Sách If God Spare My Life (Nếu Thiên Chúa cho tôi sống) cho biết: “Ý niệm này cũng gây nguy hiểm cho giáo hội vì dường như không còn nhấn mạnh việc bố thí nữa, khiến người ta ít đóng góp tiền, tài vật để được ân xá hầu được lên thiên đàng”.

Ông Thomas More đẩy mạnh việc thiêu những người theo “dị giáo”. Vì vậy, ông Tyndale bị thắt cổ và xác ông bị thiêu trên cây cột vào tháng 10-1536. Về phần Thomas More, sau này vì làm mất lòng vua nên ông bị chém đầu. Tuy nhiên, ông được Giáo hội Công giáo La Mã phong thánh vào năm 1935, và vào năm 2000 Giáo hoàng Gioan Phao-lồ II tôn ông More là vị thánh của những nhà chính trị.

Ông Tyndale không hề nhận được sự tôn vinh nào như thế. Tuy nhiên, trước khi chết, bạn ông là Miles Coverdale đã kết hợp bản dịch của hai người thành một cuốn Kinh Thánh hoàn chỉnh—bản dịch đầu tiên từ tiếng nguyên thủy sang tiếng Anh! Giờ đây, mọi cậu bé đi cày đều có thể đọc Lời Đức Chúa Trời. Còn những bản Kinh Thánh được dịch ra các thứ tiếng khác thì sao?

“Dường như không thể thực hiện được”

Giáo sĩ người Anh là Robert Morrison hoàn toàn tập trung vào ước nguyện xuất bản trọn bộ Kinh Thánh tiếng Trung Hoa. Vì thế, vào năm 1807, vượt qua sự ngăn cản của gia đình và bạn bè, ông căng buồm đến Trung Quốc. Công việc dịch thuật của ông không dễ dàng. Ông Charles Grant, giám đốc công ty East India vào thời đó, xác nhận: “Nhiệm vụ ấy dường như không thể thực hiện được”.

Khi đến nơi, ông Morrison biết rằng chính phủ Trung Quốc sẽ tử hình những ai dạy tiếng của họ cho người nước ngoài. Để bảo vệ bản thân và những ai đồng ý dạy tiếng Hoa cho ông, Morrison không đi ra ngoài trong một thời gian. Một báo cáo cho biết: “Sau hai năm học ngoại ngữ, ông có thể nói, đọc, viết tiếng Phổ thông và hơn một phương ngữ”. Trong lúc đó, hoàng đế ban chiếu chỉ rằng việc in ấn các sách của Ki-tô giáo là một tội sẽ bị tử hình. Dù thế, vào ngày 25-11-1819, ông Morrison đã hoàn tất việc dịch trọn bộ Kinh Thánh ra tiếng Trung Hoa.

Đến năm 1836, Kinh Thánh tiếng Trung Hoa đã được ấn hành khoảng 2.000 cuốn trọn bộ, 10.000 bản Tân ước và 31.000 phần khác nhau. Sự yêu mến Lời Đức Chúa Trời đã khiến điều “dường như không thể thực hiện được” thành có thể.

Cuốn Kinh Thánh trong gối

Chỉ hai tuần sau khi kết hôn vào tháng 2-1812, giáo sĩ người Mỹ là ông Adoniram Judson cùng vợ là bà Ann thực hiện chuyến hành trình dài ngày và cuối cùng dừng chân tại Miến Điện * vào năm 1813. Ngay lập tức, họ bắt đầu học tiếng Miến Điện, một trong những ngôn ngữ khó nhất thế giới. Sau vài năm, ông Judson viết: “Chúng tôi học ngôn ngữ của một nhóm người sống bên kia quả địa cầu, có lối suy nghĩ hoàn toàn trái ngược với mình... Chúng tôi không có từ điển, cũng không có thông dịch viên để giải thích dù chỉ một từ”.

Những rào cản ngôn ngữ không khiến ông Judson bỏ cuộc. Vào tháng 6-1823, ông hoàn tất việc dịch phần Tân ước sang tiếng Miến Điện. Sau đó, nước Miến Điện lâm vào chiến tranh. Vì bị tình nghi là gián điệp, ông Judson phải ngồi tù, bị hạn chế do ba cái cùm nối với dây xích sắt buộc vào một cây cột dài để ông không di chuyển được. Trong một cuốn sách viết về cuộc đời ông Judson xuất bản năm 1853, ông Francis Wayland ghi lại: “Ngay sau khi được phép gặp và nói chuyện với bà Judson bằng tiếng Anh, một trong những điều đầu tiên ông Judson hỏi là thông tin về bản thảo của bản dịch phần Tân ước”. Vì sợ rằng bản thảo đã chôn dưới nhà có thể bị hư hại do ẩm ướt và nấm mốc, nên bà Ann may cuốn này vào bên trong cái gối rồi đem vào tù cho chồng. Dù trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, bản thảo ấy vẫn tồn tại.

Sau nhiều tháng ở trong tù, ông Judson được trả tự do. Tuy nhiên, niềm vui của ông không kéo dài được lâu. Cũng trong năm đó, bà Ann bị bệnh sốt trầm trọng và vài tuần sau, bà qua đời. Chỉ sáu tháng sau, con gái vừa tròn hai tuổi của ông là Maria cũng mất vì bệnh nan y. Dù rất đau lòng nhưng ông Judson đã làm việc trở lại. Cuối cùng, trọn bộ Kinh Thánh được hoàn tất vào năm 1835.

Bạn có yêu mến Lời Đức Chúa Trời không?

Lòng yêu mến Lời Đức Chúa Trời mà những dịch giả này thể hiện không có gì lạ. Vào thời dân Y-sơ-ra-ên xưa, người viết Thi-thiên hát: “Tôi yêu-mến luật-pháp Chúa biết bao! Trọn ngày tôi suy-gẫm luật-pháp ấy” (Thi-thiên 119:97). Kinh Thánh không chỉ là một tuyệt tác, mà còn chứa đựng một thông điệp quan trọng. Bạn có thể hiện lòng quan tâm đến Lời của Giê-hô-va Đức Chúa Trời qua việc thường xuyên đọc Lời ấy không? Bạn có thể tin chắc rằng nếu đọc và cố gắng áp dụng những điều học được từ Kinh Thánh, bạn sẽ “được hạnh phúc”.—Gia-cơ 1:25, Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

[Chú thích]

^ đ. 22 Nước và tiếng Miến Điện giờ đây được gọi là Myanmar.

[Câu nổi bật nơi trang 8]

“Tốt hơn, người Anh nên học luật Đấng Ki-tô bằng tiếng Anh”.​—JOHN WYCLIFFE

[Các hình nơi trang 9]

William Tyndale và một trang bản dịch Kinh Thánh của ông

[Nguồn tư liệu]

Tyndale: From the book The Evolution of the English Bible

[Hình nơi trang 10]

Robert Morrison và Kinh Thánh được ông dịch ra tiếng Trung Hoa

[Nguồn tư liệu]

In the custody of the Asian Division of the Library of Congress

Robert Morrison, engraved by W. Holl, from The National Portrait Gallery Volume IV, published c.1820 (litho), Chinnery, George (1774-1852) (after)/Private Collection/Ken Welsh/The Bridgeman Art Library International

[Các hình nơi trang 11]

Adoniram Judson và bản dịch Kinh Thánh tiếng Miến Điện

[Nguồn tư liệu]

Judson: Engraving by John C. Buttre/Dictionary of American Portraits/Dover

[Nguồn tư liệu nơi trang 8]

Wycliffe: From the book The History of Protestantism (Vol. I); Bible: Courtesy of the American Bible Society Library, New York