Bạn có biết?
Bạn có biết?
Tại sao các lính La Mã rất muốn có áo dài trong của Chúa Giê-su?
Bốn người lính giám sát việc hành hình Chúa Giê-su đã chia nhau áo của ngài. Nhưng về áo dài trong, thì Giăng 19:23 cho biết: “Áo dài đó không có đường may, nguyên một tấm vải dệt ra, từ trên chí dưới”. Vì thế, họ quyết định không xé để chia nhau, mà bắt thăm xem ai nhận được áo này. Áo dài trong được may như thế nào?
Áo dài trong có lẽ được làm bằng vải lanh hoặc len, dài tới đầu gối hoặc mắc cá. Để may loại áo này, người ta thường dùng hai mảnh vải lớn hình chữ nhật hoặc hình vuông, may ba cạnh lại với nhau, chừa chỗ cho đầu và hai cánh tay.
Cũng có một loại khác mắc tiền hơn. Theo cuốn sách nói về Chúa Giê-su (Jesus and His World), loại áo này cũng được may tương tự, nhưng “chỉ dùng một mảnh vải dài, xếp đôi lại, ở chính giữa nếp gấp cắt một lỗ để làm cổ áo” và viền lai cổ, sau đó may lại ở hai bên hông.
Một loại khác chỉ có ở vùng Pha-lê-tin là loại hoàn toàn không có đường may, giống áo dài trong của Chúa Giê-su. Loại áo này được dệt bằng một khung dệt thẳng đứng. Khung dệt này có hai bộ sợi dọc, một ở mặt trước và một ở mặt sau thanh ngang của khung dệt. Thợ dệt sẽ luồn con thoi đi qua các sợi này, dệt từ mặt trước ra mặt sau. Một tài liệu tham khảo cho biết cách dệt này “tạo ra một mảnh vải hình ống”. Thật vậy, chiếc áo dài không có đường may dường như là loại áo hiếm thấy, thế nên những người lính rất muốn có được chiếc áo của Chúa Giê-su.
Có người nuôi ong vào thời dân Do Thái xưa?
Theo phần Kinh Thánh tiếng Do Thái cổ, Đức Chúa Trời hứa sẽ dẫn dân Do Thái vào ‘một xứ đượm sữa và mật’ (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:8). Dường như tất cả các câu Kinh Thánh đề cập đến mật ong đều ám chỉ mật của ong rừng. Dù Kinh Thánh không nói gì về việc nuôi ong, nhưng gần đây người ta khám phá rằng vào thời đó người dân ở thung lũng Bet She’an, Y-sơ-ra-ên, đã nuôi ong “với tầm mức kinh doanh”.
Tại nơi khai quật ở Tel Rehov, thuộc Bet She’an, một nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Do Thái của Viện Khảo Cổ Giê-ru-sa-lem đã tìm thấy một khu nuôi ong có từ thế kỷ 10 và 9 trước công nguyên (thời kỳ đầu của các vua Do Thái). Đây là lần đầu tiên người ta tìm thấy một khu nuôi ong ở Trung Đông. Người ta cho rằng khu nuôi ong này ban đầu có đến khoảng 100 tổ ong. Chúng được xếp thành hàng ngang và có ít nhất ba tầng.
Một báo cáo của trường đại học trên cho biết mỗi tổ ong “có hình trụ, làm từ đất sét... dài khoảng 80cm và có đường kính 40cm... Khi đến thăm khu vực này, những người nuôi ong có kinh nghiệm và các học giả đoán chừng là có đến nửa tấn mật ong được thu hoạch hằng năm”.
[Hình nơi trang 22]
Vùng khai quật ở Tel Rehov
[Nguồn tư liệu]
Institute of Archaeology/Hebrew University © Tel Rehov Excavations