Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tàu của Nô-ê đã được tìm thấy?

Tàu của Nô-ê đã được tìm thấy?

Tàu của Nô-ê đã được tìm thấy?

Thỉnh thoảng, người ta công bố về việc tìm kiếm tàu của Nô-ê. Thật dễ hiểu khi người ta tỏ ra hào hứng. Chiếc tàu khổng lồ giúp Nô-ê và gia đình sống sót qua trận Đại Hồng Thủy vào năm 2370-2369 trước công nguyên (TCN) chắc chắn sẽ là một khám phá nổi bật của ngành khảo cổ. Tuy nhiên, dù người ta đã bỏ ra nhiều nỗ lực, nhưng cuộc tìm kiếm con tàu Nô-ê vẫn tiếp tục. Bên cạnh mọi suy đoán và những lời tuyên bố giật gân, sự thật là gì?

Kinh Thánh cho biết tàu Nô-ê “tấp trên dãy núi A-ra-rát” (Sáng-thế Ký 8:4, Bản Dịch Mới). Vùng A-ra-rát gồm đỉnh núi dễ thấy mà hiện nay được gọi là núi A-ra-rát, thuộc phía đông Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới Armenia và I-ran.

Qua nhiều cuộc hành trình đến vùng này để tìm kiếm tàu Nô-ê, người ta đã đưa ra những lời tuyên bố thú vị nhưng không có bằng chứng thuyết phục. Những tấm ảnh lý thú chụp từ trên không, những mảnh gỗ phủ hắc ín được phát hiện và các báo cáo về việc tìm thấy con tàu, đã thúc đẩy những cuộc đi tìm bằng chứng thật sự. Tuy nhiên, việc tìm kiếm rất khó khăn. Một khu vực mà người ta thường nói đến nằm ở độ cao khoảng 4.600m trên triền núi A-ra-rát. Ngoài ra, vì tình hình căng thẳng chính trị tại khu vực ấy, những đoàn thám hiểm nước ngoài không phải lúc nào cũng được phép đi lên ngọn núi này.

Thế nhưng, nhiều người hăng say tìm kiếm con tàu muốn có thêm nhiều đoàn người đi đến khu vực này. Họ tin rằng có những bộ phận của con tàu vẫn còn nguyên vẹn, hầu như quanh năm bị vùi lấp dưới băng tuyết trên núi A-ra-rát. Họ cho rằng chỉ trong những năm có mùa hè ấm áp, người ta mới có hy vọng thấy và đến được chỗ con tàu.

Một số báo cáo làm cho người ta nuôi hy vọng ấy. Sử gia người Do Thái sống vào thế kỷ thứ nhất công nguyên là ông Josephus đã đề cập đến vài sử gia trước thời ông, họ nói rằng con tàu vẫn thấy được trên dãy A-ra-rát. Thậm chí, người ta kể có người lấy những mảnh gỗ được phủ hắc ín của con tàu về làm kỷ niệm. Trong số những người được sử gia Josephus trích dẫn có ông Berossus, một người Ba-by-lôn ghi chép biên niên sử, sống vào thế kỷ thứ ba TCN.

Trong thế kỷ vừa qua, một trong những báo cáo gây nhiều chú ý là của ông George Hagopian, người Armenia. Ông kể vào đầu những năm 1900, khi còn là một cậu bé, ông đã theo chú đến chỗ chiếc tàu và ngay cả leo lên nó. Ông Hagopian đã qua đời vào năm 1972, nhưng những điều ông kể vẫn gây thích thú và kinh ngạc cho nhiều người.

Nền tảng thật cho đức tin?

Có nền tảng thật sự để chúng ta tin những nhà thám hiểm đã hoặc sẽ tìm ra con tàu không? Có lẽ có, nhưng dường như có thêm nhiều lý do để nghi ngờ về cuộc tìm kiếm ấy. Hãy nhớ rằng Kinh Thánh không nói chính xác nơi con tàu tấp vào khi nước lụt rút. Kinh Thánh chỉ cho biết chung chung là trên “dãy núi A-ra-rát”.

Điều tự nhiên là những nhà thám hiểm và những người suy đoán sẽ chú tâm đến đỉnh núi cao nhất trong vùng. Tuy nhiên, Kinh Thánh không nói cụ thể rằng Đức Chúa Trời sắp đặt để chiếc tàu tấp vào đỉnh núi A-ra-rát, ngày nay là nơi giá lạnh và cao ngất, cách mặt nước biển gần 5km *. Hãy nhớ rằng, Nô-ê và gia đình ông sống trong tàu vài tháng sau khi cập đất liền (Sáng-thế Ký 8:4, 5). Phải chăng sau khi ra khỏi tàu, gia đình Nô-ê và các loài thú phải đi xuống từ ngọn núi cao chót vót như những người có tài leo núi? Dường như là không. Vậy, khác với sự tưởng tượng của một số nhà thám hiểm ngày nay, có lẽ con tàu tấp vào địa hình dễ đi hơn nhưng đủ cao để phù hợp với lời miêu tả nơi Sáng-thế Ký 8:4, 5. Dù con tàu cập vào nơi nào ở vùng A-ra-rát, chẳng phải nó có thể biến mất hàng thế kỷ trước vì bị mục nát và lấy mất sao?

Hơn nữa, có điều đáng ngờ trong lời tuyên bố của những người đại diện cho chương trình thám hiểm nói về tầm quan trọng mang tính tôn giáo của cuộc tìm kiếm. Người tổ chức một cuộc thám hiểm cho rằng việc tìm được chiếc tàu “sẽ củng cố đức tin hàng triệu người... và sẽ khiến nhiều người có đức tin”. Tại một cuộc họp báo năm 2004, ông nói việc tìm kiếm con tàu sẽ “là sự kiện vĩ đại nhất kể từ khi Chúa Giê-su được sống lại”. Thế nhưng, cuộc tìm kiếm của ông sau đó bị hủy bỏ.

Liệu việc tìm thấy chiếc tàu Nô-ê thật sự củng cố và ngay cả tạo được niềm tin hay không? Kinh Thánh cho biết đức tin thật không tùy thuộc vào những vật chúng ta thấy và sờ được (2 Cô-rinh-tô 5:7). Một số người hoài nghi đến mức họ khăng khăng cho rằng chỉ những bằng chứng hữu hình mới có thể khiến họ tin nơi những lời tường thuật nào đó trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, sự thật là đối với những người đó, có bao nhiêu bằng chứng cũng không đủ tạo niềm tin nơi họ. Chính Chúa Giê-su nói một số người không chịu tin vào chân lý trong Kinh Thánh, ngay cả khi họ chứng kiến người chết sống lại!—Lu-ca 16:31.

Ngược lại, đức tin chân thành không phải là nhẹ dạ. Đức tin ấy dựa vào những bằng chứng vững chắc (Hê-bơ-rơ 11:1). Có bằng chứng vững chắc nào giúp những người phải lẽ ngày nay đặt đức tin nơi lời tường thuật của Kinh Thánh về trận Đại Hồng Thủy không? Chắc chắn có. Chúa Giê-su nói rõ: “Nô-ê vào tàu, và nước lụt đến” (Lu-ca 17:26, 27). Đây là bằng chứng tốt nhất. Tại sao?

Chúa Giê-su đã ở trên trời trước khi xuống trái đất (Giăng 8:58). Ngài đã quan sát việc đóng tàu; ngài đã thấy trận Đại Hồng Thủy. Vậy, bằng chứng nào thuyết phục bạn hơn? Lời chứng nhận của Đấng chứng kiến tận mắt, Đấng đã chứng tỏ là đáng tin và chứng minh ngài là Con Đức Chúa Trời? Hay một vài miếng gỗ xưa mà các nhà thám hiểm có thể sẽ tìm thấy trên đỉnh núi băng giá? Khi xem vấn đề theo cách nhìn ấy, bằng chứng chiếc tàu của Nô-ê đã hiện hữu là quá rõ ràng.

[Chú thích]

^ đ. 10 Ngọn núi mà ngày nay được gọi là núi A-ra-rát là núi lửa đã ngưng hoạt động kể từ năm 1840, có độ cao đến 5.165m và phủ tuyết quanh năm.

[Câu nổi bật nơi trang 13]

Có bằng chứng vững chắc nào chứng minh điều Kinh Thánh nói về Đại Hồng Thủy?

[Câu nổi bật nơi trang 14]

Chúa Giê-su nói rõ: “Nô-ê vào tàu, và nước lụt đến”