Đấng phán xét công bình
Đến gần Đức Chúa Trời
Đấng phán xét công bình
Các thẩm phán hay quan tòa loài người có thể đưa ra những phán quyết bất công hoặc khắt khe. Ngược lại, Giê-hô-va Đức Chúa Trời thì không như thế vì Ngài là Đấng “chuộng sự công-bình” (Thi-thiên 37:28). Dù kiên nhẫn nhưng Đức Chúa Trời không dễ dãi. Ngài luôn phán xét cách công bình. Hãy xem Đức Chúa Trời đã làm gì trong trường hợp dân Y-sơ-ra-ên lằm bằm và phản nghịch, như được ghi lại nơi sách Dân-số Ký chương 20.
Gần cuối cuộc hành trình trong đồng vắng, dân Y-sơ-ra-ên thiếu nước uống *. Dân sự bắt đầu cãi cọ với Môi-se và A-rôn: “Sao người đem hội-chúng của Đức Giê-hô-va vào đồng vắng nầy, làm cho chúng tôi và súc-vật của chúng tôi phải chết?” (câu 4). Họ than vãn rằng nơi đồng vắng là “chỗ độc”, “chẳng có cây vả, cây nho, cây lựu” (những loại trái cây mà các người do thám mang về từ Đất Hứa mấy năm trước), và “cũng không có nước uống” (câu 5; Dân-số Ký 13:23). Ý của họ muốn trách móc Môi-se và A-rôn rằng đồng vắng không phải như vùng đất màu mỡ Đức Chúa Trời đã hứa, nhưng họ quên rằng lý do họ vẫn ở đồng vắng là vì thế hệ trước không muốn vào Đất Hứa.
Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không từ bỏ dân sự. Thay vì vậy, Ngài nói Môi-se làm ba điều: cầm lấy cây gậy, nhóm dân sự lại và “nói cùng [vách đá] trước mặt hội-chúng, thì [vách đá] sẽ chảy nước ra” (Câu 8). Môi-se làm theo hai chỉ dẫn đầu, nhưng ông không vâng lời Đức Chúa Trời về chỉ dẫn thứ ba. Thay vì nói với lòng tin chắc về Đức Chúa Trời, ông cay đắng nói với dân sự: “Hỡi dân phản-nghịch! hãy nghe, chúng ta há dễ khiến nước chảy từ [vách đá] nầy ra cho các ngươi được sao?” (câu 10; Thi-thiên 106:32, 33). Rồi Môi-se đập vào vách đá hai lần và “nước bèn chảy tràn ra nhiều”.—Câu 11.
Vì thế, Môi-se và A-rôn đã phạm tội nghiêm trọng. Đức Chúa Trời phán với họ: “Các ngươi đã bội-nghịch điều-răn ta” (Dân-số Ký 20:24). Vì làm trái mệnh lệnh Đức Chúa Trời, Môi-se và A-rôn đã phản nghịch Đức Chúa Trời, tội mà họ đã gán cho dân sự. Phán quyết của Ngài thật rõ ràng: Môi-se và A-rôn sẽ không dẫn dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa. Điều này có quá đáng không? Hoàn toàn không, vì một số lý do.
Thứ nhất, Đức Chúa Trời không bảo Môi-se nói chuyện với dân sự, nhưng ông không những làm thế mà còn phán xét họ là phản nghịch. Thứ hai, Môi-se và A-rôn đã không làm vinh hiển Đức Chúa Trời. Vì vậy, Ngài phán: ‘Hai ngươi không tôn ta nên thánh’ (câu 12). Môi-se nói: ‘Chúng ta há dễ khiến nước chảy ra’, như thể ông và A-rôn là những người làm phép lạ, chứ không phải Đức Chúa Trời. Thứ ba, phán quyết này của Đức Chúa Trời cũng phù hợp với những phán quyết trước. Đức Chúa Trời đã không cho thế hệ phản nghịch trước đây vào xứ Ca-na-an, thế nên Ngài cũng làm thế với Môi-se và A-rôn (Dân-số Ký 14:22, 23). Thứ tư, Môi-se và A-rôn là những người dẫn dắt dân sự. Những ai càng được ban cho nhiều đặc ân như vậy thì càng chịu trách nhiệm nặng nề trước mặt Đức Chúa Trời.—Lu-ca 12:48.
Đức Giê-hô-va là Đấng phán xét công bình. Vì yêu sự công bình, nên Ngài không thể đưa ra những phán quyết bất công. Rõ ràng, Ngài là Đấng phán xét mà chúng ta cần tin cậy và kính trọng.
[Chú thích]
^ đ. 2 Sau cuộc hành trình ra khỏi xứ Ai Cập, dân Y-sơ-ra-ên sẵn sàng đi vào xứ Ca-na-an, vùng đất mà Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham. Nhưng mười người do thám đã báo cáo tin xấu, khiến dân sự lằm bằm chống lại Môi-se. Vì thế, Đức Giê-hô-va phạt họ đi trong đồng vắng 40 năm, khoảng thời gian đủ dài để cả thế hệ chống nghịch ấy đều chết.