Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

A-đam và Ê-va—Có thật không?

A-đam và Ê-va—Có thật không?

A-đam và Ê-va—Có thật không?

Đối với nhiều người, lời tường thuật về ông A-đam và bà Ê-va trong sách Sáng-thế Ký của Kinh Thánh chỉ là một câu chuyện cổ tích thú vị. Một lá thư gửi cho tòa soạn của tạp chí Time cho biết: “Xưa nay, các đạo chính của Ki-tô giáo vẫn xem những câu chuyện trong sách Sáng-thế Ký, như chuyện kể về ông A-đam và bà Ê-va, là dụ ngôn”. Nhiều học giả của Công giáo, đạo Tin lành và Do Thái giáo có quan điểm như vậy. Họ cho rằng phần lớn sách Sáng-thế Ký không hòa hợp với lịch sử hay khoa học.

Quan điểm của bạn là gì? Bạn có nghĩ rằng A-đam và Ê-va là người có thật không? Có bằng chứng cho thấy họ đã từng sống không? Nếu bác bỏ lời tường thuật trong Sáng-thế Ký và xem đó là truyền thuyết thì chúng ta sẽ đối mặt với những vấn đề nan giải nào?

Lời tường thuật của Sáng-thế Ký có hợp với khoa học không?

Chúng ta hãy xem xét những điểm then chốt trong lời tường thuật về sự sáng tạo người đầu tiên, A-đam. Kinh Thánh nói: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh-khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh-linh” (Sáng-thế Ký 2:7). Điểm này có hợp với khoa học không?

Sách Nanomedicine cho biết cơ thể của con người được cấu thành từ 41 nguyên tố hóa học. Những nguyên tố căn bản ấy gồm có carbon, sắt, oxygen, v.v. đều có trong “bụi đất”. Thật đúng như lời miêu tả nơi sách Sáng-thế Ký, con người được tạo ra từ “bụi đất”.

Làm sao các nguyên tố vô sinh đó phối hợp để cấu thành một con người sống? Đây là việc hết sức phức tạp. Để minh họa, hãy xem chiếc tàu vũ trụ của cơ quan không gian NASA là một trong những cỗ máy phức tạp nhất từng được chế tạo. Số bộ phận trong cỗ máy tối tân này thật khổng lồ, lên đến 2,5 triệu. Các nhóm kỹ sư phải mất nhiều năm để thiết kế và lắp ráp chiếc tàu đó. Bây giờ, hãy nghĩ đến cơ thể con người. Cơ thể được cấu thành từ 7 ngàn lũy thừa 9 nguyên tử, 100.000 tỷ tế bào, nhiều cơ quan và ít nhất 9 hệ thống chính *. Vậy, “cỗ máy sinh học” hết sức phức tạp với thiết kế kỳ diệu này do đâu mà có? Tự nhiên mà có hay do một thiết kế thông minh?

Hơn nữa, nguồn gốc sự sống của con người là gì? Khởi điểm của sự sống từ đâu? Các nhà khoa học thừa nhận là họ không biết. Thậm chí, họ chưa thống nhất về định nghĩa sự sống. Đối với những người tin có Đấng Tạo Hóa, câu trả lời hiển nhiên, nguồn sự sống là Đức Chúa Trời. *

Điểm khác là Ê-va được tạo ra từ xương sườn của A-đam (Sáng-thế Ký 2:21-23). Thay vì vội phản bác và cho lời tường thuật ấy là chuyện hoang đường hay truyền thuyết, hãy xem những sự kiện sau: Vào tháng 1 năm 2008, một nhóm nhà khoa học ở California, Hoa Kỳ, đã nhân bản phôi thai người đầu tiên từ tế bào da của người trưởng thành. Trên thực tế, các nhà khoa học từng nhân bản ít nhất 20 con vật bằng kỹ thuật tương tự. Nổi tiếng nhất là con cừu Dolly, được nhân bản vào năm 1996 từ tuyến vú của cừu trưởng thành. *

Chúng ta không biết những cuộc thí nghiệm này rồi sẽ đi đến đâu. Nhưng điểm muốn nói ở đây là: Nếu con người có thể dùng tế bào của một sinh vật để tạo ra một sinh vật khác cùng loài, lẽ nào Đấng Tạo Hóa toàn năng không thể tạo một con người từ bộ phận của một người khác? Điều đáng chú ý là các bác sĩ phẫu thuật thường dùng xương sườn trong phẫu thuật chỉnh hình vì xương sườn có thể tự tái tạo.

Những bằng chứng khác ngay trong Kinh Thánh

Một số người ngạc nhiên khi biết A-đam và Ê-va được đề cập nhiều lần trong suốt Kinh Thánh. Điều này xác nhận tính chính xác của lời tường thuật trong sách Sáng-thế Ký như thế nào?

Thí dụ, hãy xem gia phả của dân Y-sơ-ra-ên trong sách 1 Sử-ký từ chương 1 đến 9, và sách Phúc Âm Lu-ca chương 3. Các bản gia phả này rất chi tiết. Bản thứ nhất ghi lại 48 thế hệ, bản thứ hai ghi lại 75 thế hệ. Lu-ca ghi chép gia phả của Chúa Giê-su, còn sách Sử-ký ghi lại gia phả của dòng vua và thầy tế lễ nước Y-sơ-ra-ên. Cả hai gia phả đều nhắc đến tên của những nhân vật nổi tiếng như Sa-lô-môn, Đa-vít, Gia-cốp, Y-sác, Áp-ra-ham, Nô-ê, và A-đam. Tất cả những nhân vật trong hai bản gia phả này đều có thật và chung một tổ tiên là A-đam, dĩ nhiên cũng phải có thật.

Ngoài ra, nhiều lần Kinh Thánh cho thấy A-đam và Ê-va là người có thật chứ không phải là nhân vật huyền thoại. Sau đây là vài thí dụ:

• “[Đức Chúa Trời] đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người”.—CÔNG-VỤ 17:26.

• “Bởi một người mà tội-lỗi vào trong thế-gian, lại bởi tội-lỗi mà có sự chết, thì... từ A-đam cho đến Môi-se, sự chết đã cai-trị”.—RÔ-MA 5:12, 14.

• “Người thứ nhất là A-đam có sự sống”.—1 CÔ-RINH-TÔ 15:45, Bản Diễn Ý.

• “A-đam được dựng nên trước nhứt, rồi mới tới Ê-va”.—1 TI-MÔ-THÊ 2:13.

• “Ấy cũng vì [kẻ ác] mà Hê-nóc, là tổ bảy đời kể từ A-đam, đã nói tiên-tri”.—GIU-ĐE 14.

Hơn hết, chính Chúa Giê-su, nhân chứng quan trọng nhất trong Kinh Thánh, xem A-đam và Ê-va là người có thật. Khi được hỏi về vấn đề ly dị, Chúa Giê-su đáp: “Từ lúc đầu sáng-thế, Đức Chúa Trời làm ra một người nam và một người nữ. Vì cớ đó, người nam lìa cha mẹ mình mà dính-díu với vợ; và hai người cùng nên một thịt mà thôi... Vậy, người ta không nên phân-rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối-hiệp” (Mác 10:6-9). Để lập một quy tắc mà mọi người cần tuân theo, lẽ nào Chúa Giê-su dùng câu chuyện không có thật? Chắc chắn, Chúa Giê-su xem câu chuyện nơi sách Sáng-thế Ký mà ngài trích là có thật.

Tóm tắt các bằng chứng trong Kinh Thánh, cuốn The New Bible Dictionary (Tân từ điển Kinh Thánh) kết luận: “Tân Ước xác nhận tính lịch sử của lời tường thuật trong những chương đầu sách Sáng-thế Ký”.

Phản ứng dây chuyền

Nhiều giáo dân có lòng thành nghĩ rằng không nhất thiết phải tin A-đam và Ê-va có thật mới là tín đồ tốt. Thoạt nhìn có vẻ là như vậy. Nhưng nếu nghĩ như thế, chúng ta sẽ đối mặt với những vấn đề nan giải nào?

Thí dụ, hãy nói về một giáo lý của Kinh Thánh mà hầu hết tín đồ đều coi trọng, đó là giá chuộc. Theo giáo lý này, Chúa Giê-su đã dâng mạng sống hoàn toàn làm giá chuộc để cứu nhân loại khỏi tội lỗi (Ma-thi-ơ 20:28; Giăng 3:16). Như chúng ta biết, giá chuộc là món tiền phải trả để chuộc lại hoặc lấy về một cái gì đã mất, có giá trị tương đương với cái đã mất. Kinh Thánh miêu tả Chúa Giê-su là “giá chuộc tương xứng” (1 Ti-mô-thê 2:6, NW). Tương xứng với điều gì? Kinh Thánh trả lời: “Trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống” (1 Cô-rinh-tô 15:22). Mạng sống hoàn toàn mà Chúa Giê-su đã hy sinh để cứu chuộc nhân loại tương xứng với mạng sống hoàn toàn mà A-đam đã đánh mất khi phạm tội trong vườn Ê-đen (Rô-ma 5:12). Rõ ràng, nếu A-đam không có thật thì giá chuộc của Chúa Giê-su hoàn toàn trở nên vô nghĩa.

Việc bác bỏ hay xem thường lời tường thuật về A-đam và Ê-va tạo nên một phản ứng dây chuyền, hậu quả là phá vỡ nền tảng của hầu hết sự dạy dỗ trọng yếu trong Kinh Thánh *. Nhiều câu hỏi sẽ phát sinh mà không có lời giải đáp, và đức tin trở nên vô căn cứ.—Hê-bơ-rơ 11:1.

Cuộc sống có ý nghĩa hay không?

Cuối cùng, một vấn đề hết sức quan trọng mà chúng ta cần đề cập đến là: Nếu bác bỏ lời tường thuật trong sách Sáng-thế Ký, liệu con người có thỏa mãn được mong ước là tạo ra mục đích và ý nghĩa cho cuộc sống? Một người vô thần và đi đầu về thuyết tiến hóa là ông Richard Dawkins nói trong vũ trụ “không có sự thiết kế, không có mục đích, không có điều ác và điều lành, không có gì ngoại trừ sự hờ hững vô nghĩa”. Thật là một cái nhìn bi quan, hoàn toàn trái với bản tính con người!

Trái lại, Kinh Thánh đưa ra lời giải đáp thỏa đáng cho những câu hỏi quan trọng nhất: Loài người bắt nguồn từ đâu? Mục đích đời sống là gì? Tại sao có quá nhiều gian ác và đau khổ? Liệu có ngày sự gian ác sẽ chấm dứt? v.v... Hơn nữa, nhờ tin vào giá chuộc của Chúa Giê-su, chúng ta có hy vọng sống mãi mãi trong cảnh địa đàng, như vườn Ê-đen mà Đức Chúa Trời ban cho A-đam và Ê-va (Thi-thiên 37:29; Khải-huyền 21:3-5). Quả là một triển vọng tuyệt vời! *

Đành rằng lời tường thuật về A-đam và Ê-va không hòa hợp với thuyết tiến hóa nhưng nó vẫn hợp với kiến thức hiện thời của khoa học. Hơn thế, lời tường thuật đó hoàn toàn hòa hợp với các phần khác trong Kinh Thánh, là Lời soi dẫn của Đức Chúa Trời giúp đời sống chúng ta có mục đích và ý nghĩa.

Vậy, sao bạn không trực tiếp tìm hiểu thêm về Kinh Thánh? Nhân Chứng Giê-hô-va sẵn lòng giúp bạn làm điều đó.

[Chú thích]

^ đ. 7 Trong toán học, 7 ngàn lũy thừa 9 là 7 với 27 số 0 theo sau, và 100.000 tỷ là 100 với 12 số 0 theo sau.

^ đ. 8 Muốn biết thêm thông tin, xin xem sách Có một Đấng Tạo Hóa quan tâm đến bạn không?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 9 Dĩ nhiên, các nhà khoa học đó không tạo ra sự sống, họ chỉ sử dụng những tế bào sống có sẵn.

^ đ. 25 Những sự dạy dỗ này bao gồm: Quyền tối thượng của Đức Chúa Trời, lòng trung kiên của con người, điều thiện và điều ác, tự do ý chí, tình trạng người chết, hôn nhân, Đấng Mê-si được hứa, địa đàng trên đất, Nước Đức Chúa Trời và nhiều dạy dỗ khác.

^ đ. 28 Muốn biết thêm chi tiết, xin xem sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, nơi chương 3 có tựa đề “Ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất là gì?” và chương 5 có tựa đề “Giá chuộc—Món quà cao quý nhất từ Đức Chúa Trời”. Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Câu nổi bật nơi trang 14]

Rõ ràng, nếu A-đam không có thật thì giá chuộc của Chúa Giê-su hoàn toàn trở nên vô nghĩa

[Các hình nơi trang 12, 13]

Con tàu vũ trụ được thiết kế tỉ mỉ, cơ thể con người cũng vậy

[Hình nơi trang 15]

Chúa Giê-su xem A-đam và Ê-va là người có thật