Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cổ bản Kinh Thánh Vatican—Tại sao quý giá?

Cổ bản Kinh Thánh Vatican—Tại sao quý giá?

Cổ bản Kinh Thánh Vatican—Tại sao quý giá?

Nhà thờ Vatican là nơi lưu giữ nhiều điều quý giá, chẳng hạn như những bức bích họa, tác phẩm điêu khắc và kiến trúc đẹp lộng lẫy, rất giá trị. Tuy nhiên, một trong số những điều quý báu nhất nơi đây đã được cất giữ suốt mấy trăm năm và chỉ rất ít người được chiêm ngưỡng. Đó là bản chép tay quý giá ghi lại nội dung của nhiều phần trong Kinh Thánh—tác phẩm cổ được viết cách đây nhiều ngàn năm. Bản chép tay này hiện lưu giữ ở Thư viện Vatican và được gọi là cổ bản Kinh Thánh Vatican *.

Cổ bản Alexandrine và Sinaitic là hai bản Kinh Thánh xưa khác được các học giả đánh giá cao. Điều đáng chú ý là những sự kiện xoay quanh việc tìm thấy và bảo vệ hai cổ bản này khá thú vị, nhưng nguồn gốc của cổ bản Vatican thì lại bị che giấu.

Kho tàng giấu kín

Cổ bản Vatican đến từ đâu? Tài liệu xưa nhất đề cập đến cổ bản này là vào thế kỷ 15, trong danh mục của Thư viện Vatican. Một số học giả cho rằng có lẽ nó ra đời ở Ai Cập, thành phố Caesarea hoặc thậm chí ở La Mã. Tuy nhiên, sau khi xem xét các giả thuyết trên, giáo sư J. Neville Birdsall của trường Đại học Birmingham, Anh Quốc, kết luận: “Chúng ta không biết chắc ngày tháng và nơi xuất xứ của cổ bản Vatican, cũng như không biết rõ lịch sử của nó trước thế kỷ 15 dù một số học giả bỏ ra nhiều công sức nghiên cứu”. Tuy nhiên, cổ bản Vatican được xem là một trong những bản chép tay Kinh Thánh quan trọng nhất. Tại sao như vậy?

Trải qua nhiều thế kỷ, một số nhà sao chép đã mắc lỗi khi sao chép Kinh Thánh. Thế nên, các dịch giả muốn dịch Kinh Thánh chính xác thì phải tìm một bản chép tay đáng tin cậy, ghi chép đúng với bản gốc. Vì vậy, hãy hình dung các học giả háo hức thế nào để nghiên cứu cổ bản Vatican, một bản chép tay tiếng Hy Lạp có từ thế kỷ thứ tư công nguyên (CN), chưa đến 300 năm sau khi toàn bộ Kinh Thánh được viết ra! Cổ bản này bao gồm cả phần Kinh Thánh tiếng Do Thái cổ và phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, ngoại trừ một vài phần bị thất lạc.

Trong một thời gian dài, giới chức có thẩm quyền của Vatican không muốn cho phép các học giả Kinh Thánh xem cổ bản này. Tuy nhiên sau đó, một học giả nổi tiếng nghiên cứu văn bản Kinh Thánh là Sir Frederic Kenyon cho biết: “Vào năm 1843, sau nhiều tháng chờ đợi, [học giả Kinh Thánh là ông Konstantin von] Tischendorf được phép xem cổ bản này trong sáu tiếng... Năm 1845, học giả vĩ đại người Anh là ông Tregelles được phép xem xét cổ bản này nhưng không được sao chép một từ nào cả”. Ông Tischendorf đã xin được đọc lại cổ bản này, nhưng sau tám ngày, ông đã sao chép 20 trang nên không được phép xem nữa. Tuy nhiên, theo Sir Kenyon cho biết, “việc nài xin được xem lại cổ bản này đã cho ông Tischendorf cơ hội nghiên cứu thêm sáu ngày, tổng cộng lần này ông có 14 ngày, mỗi ngày ba tiếng. Nhờ ông đã tận dụng tất cả thời gian đó, kết quả là năm 1867, ông đã có thể cho ra đời bản chép tay Kinh Thánh chính xác nhất thời bấy giờ”. Về sau, nhà thờ Vatican đã xuất bản một bản sao tốt hơn.

“Bảo tồn chính xác”

Cổ bản Kinh Thánh Vatican là cổ bản như thế nào? Sách về lịch sử Kinh Thánh (The Oxford Illustrated History of the Bible) cho biết cổ bản này có “lối viết chính tả nhất quán và sao chép chính xác, thế nên đây là một bản chép tay có chất lượng”. Ngoài ra, sách này nói thêm: “Có thể kết luận rằng cổ bản này là sản phẩm của quá trình sao chép theo phương pháp truyền thống một cách chuyên nghiệp”.

Tính chính xác của cổ bản Vatican đã gây ấn tượng mạnh với hai học giả nổi tiếng là ông B. F. Westcott và ông F. J. A. Hort. Vì thế, họ đã dựa trên cổ bản Vatican và Sinaitic để cho ra đời một bản Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp (New Testament in the Original Greek, xuất bản năm 1881). Bản ấy vẫn còn là nền tảng chính cho nhiều bản dịch Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp sau này, gồm bản The Emphasised Bible của J. B Rotherham và bản dịch Thế Giới Mới (New World Translation).

Tuy nhiên, một số nhà phê bình nghĩ rằng hai ông Westcott và Hort đã sai lầm khi tin tưởng cổ bản Kinh Thánh Vatican. Cổ bản này có sao chép chính xác theo bản gốc không? Câu trả lời có liên quan đến bản Kinh Thánh bằng giấy cói có tên gọi là Bodmer. Được xuất bản khoảng từ năm 1956 đến 1961, bản giấy cói Bodmer đã nhanh chóng chiếm được sự chú ý của các học giả, vì có các phần của sách Lu-ca và Giăng được sao chép vào đầu thế kỷ thứ ba CN. Liệu bản giấy cói Bodmer có hòa hợp với cổ bản Vatican không?

Ông Philip B. Payne và ông Paul Canart viết trong cuốn Novum Testamentum (Tân ước) như sau: “Có một sự tương đồng rõ rệt giữa cổ bản Vatican và những gì còn lại của bản giấy cói Bodmer”. Họ cho biết thêm: “Theo sự tương đồng này, thật hợp lý khi kết luận rằng người sao chép bản Vatican đã dựa trên một bản chép tay tương tự với bản giấy cói Bodmer. Vì thế, người sao chép bản Vatican hẳn đã chép từ một bản chép tay rất xưa hoặc một bản dựa trên một bản chép tay rất xưa”. Giáo sư Birdsall cho biết: “Hai bản chép tay này có liên hệ chặt chẽ với nhau... [Cổ bản Vatican] được sao chép rất cẩn thận theo phương pháp truyền thống và là một tác phẩm bảo tồn chính xác nội dung Kinh Thánh”.

Công cụ hữu ích cho các dịch giả

Dĩ nhiên, những bản chép tay xưa nhất không có nghĩa là luôn chính xác nhất so với bản gốc. Tuy nhiên, nhờ so sánh cổ bản Kinh Thánh Vatican với những bản chép tay khác, các học giả có thể biết rõ hơn nội dung của văn bản gốc. Thí dụ, phần còn lại của cổ bản Kinh Thánh Sinaitic, cũng được xuất bản vào thế kỷ thứ tư CN, không có các sách lịch sử từ Sáng-thế Ký đến 1 Sử-ký. Nhưng trong cổ bản Vatican thì có các sách ấy. Dựa vào đó, người ta có thể xác nhận chúng nằm trong chính điển của Kinh Thánh.

Theo sách về lịch sử Kinh Thánh được đề cập ở trên, “những đoạn Kinh Thánh nói về Chúa Giê-su và Chúa Ba Ngôi” đặc biệt gây tranh cãi giữa các học giả. Làm sao cổ bản Vatican làm sáng tỏ những đoạn Kinh Thánh này?

Hãy xem một thí dụ. Theo Bản Dịch Mới, nơi Giăng 3:13, Chúa Giê-su nói: “Chưa có ai từng lên trời, trừ ra Đấng từ trời xuống, tức là Con Người”. Một số dịch giả thêm vế “vẫn ở trên trời” vào câu này. Vế thêm vào ngụ ý rằng Chúa Giê-su ở trên trời và trên đất cùng một lúc—một niềm tin ủng hộ Chúa Ba Ngôi. Vế này xuất hiện trong một vài bản chép tay từ thế kỷ 5 đến 10 CN. Tuy nhiên, vì không có vế này trong cổ bản Kinh Thánh Vatican và Sinaitic, nên nhiều học giả hiện nay đã loại bỏ nó. Điều này giúp xóa bỏ những nhầm lẫn về Chúa Giê-su cũng như đem lại sự hòa hợp cho những phần còn lại của Kinh Thánh. Thay vì ở hai nơi cùng một lúc, Chúa Giê-su đã đến trái đất từ trời và sẽ trở về trời, “lên cùng Cha”.—Giăng 20:17.

Cổ bản Kinh Thánh Vatican cũng giúp chúng ta hiểu rõ ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất. Một thí dụ là theo Bản Diễn Ý, sứ đồ Phi-e-rơ báo trước rằng “địa cầu và mọi công trình trên đó đều bị thiêu huỷ cả” (2 Phi-e-rơ 3:10). Các bản dịch khác cũng dịch tương tự vì chúng đều dựa trên cổ bản Kinh Thánh Alexandrine thế kỷ thứ năm CN và những bản chép tay khác sau này. Vì thế, nhiều người có lòng thành đọc Kinh Thánh đã nhầm lẫn kết luận rằng Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt trái đất.

Tuy nhiên, khoảng một thế kỷ trước khi cổ bản Alexandrine ra đời, cổ bản Vatican (và cổ bản Sinaitic cùng thời) ghi lại lời tiên tri của Phi-e-rơ như sau “trái đất và mọi công trình trên đó sẽ bị phơi bày”. Điều này có hòa hợp với phần còn lại của Kinh Thánh không? Chắc chắn có! Trái đất theo nghĩa đen “sẽ không bị rúng-động đến đời đời” (Thi-thiên 104:5). Vậy trái đất sẽ bị “phơi bày” như thế nào? Những câu Kinh Thánh khác cho biết rằng từ “trái đất” có thể hiểu theo nghĩa bóng. “Trái đất” có thể hát và mừng rỡ (Thi-thiên 96:1; 97:1). Vì thế, “trái đất” có thể ám chỉ đến nhân loại hoặc xã hội loài người. Chúng ta được an ủi khi biết rằng Đức Chúa Trời sẽ không hủy diệt hành tinh này, nhưng Ngài sẽ “phơi bày” và chấm dứt sự gian ác cùng với những người ủng hộ nó.

‘Lời Đức Chúa Trời sẽ còn mãi đời đời’

Đáng buồn thay, cổ bản Kinh Thánh Vatican lại bị cất giữ nghiêm nhặt trong nhiều thế kỷ, và các độc giả Kinh Thánh thường hiểu sai ý nghĩa của một số câu Kinh Thánh. Tuy nhiên, kể từ khi được xuất bản, cổ bản Vatican và các bản dịch Kinh Thánh hiện đại, đáng tin cậy đã giúp cho nhiều người tìm kiếm chân lý hiểu được những điều Kinh Thánh thật sự dạy.

Các nhà sao chép thời ban đầu thường ghi chú trong bản chép tay của họ như sau: “Dù bàn tay sao chép có tan rã trong mồ, nhưng những lời này sẽ tồn tại mãi mãi”. Ngày nay, chúng ta rất cảm kích trước nỗ lực không mệt mỏi của những người sao chép vô danh ấy. Nhưng việc bảo tồn được Kinh Thánh đến nay cuối cùng cũng là nhờ Tác Giả của Kinh Thánh là Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Từ lâu Ngài đã soi dẫn cho một nhà tiên tri viết: “Cỏ khô, hoa rụng; nhưng lời của Đức Chúa Trời chúng ta còn mãi đời đời!”.—Ê-sai 40:8.

[Chú thích]

^ đ. 2 Cổ bản Kinh Thánh Vatican cũng được gọi là sách chép tay Vatican 1209 (Vatican Manuscript 1209) hoặc cổ bản Vaticanus (Codex Vaticanus) mang ký hiệu “B” theo cách gọi của các học giả. Cổ bản hay sách chép tay là dạng sách xưa nhất. Xin xem bài “Từ cuộn sách đến sách chép tay—Làm thế nào Kinh Thánh trở thành một cuốn sách” trong Tháp Canh số ra ngày 1-6-2007.

[Khung nơi trang 20]

Xác định niên đại của các cổ bản

Dù một số nhà sao chép có ghi lại ngày tháng hoàn tất bản sao của mình, nhưng hầu hết những bản chép tay phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp thì không có thông tin này. Vậy, làm sao các học giả xác định một cổ bản Kinh Thánh ra đời vào lúc nào? Giống như ngôn ngữ và tác phẩm nghệ thuật thay đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác, lối viết cũng như vậy. Chẳng hạn, vào thế kỷ thứ tư và hàng trăm năm sau người ta dùng kiểu chữ “ông-xi-an” (chữ “uncial”), viết hoa nét cong với các dòng dài bằng nhau. Nhiều bản chép tay Kinh Thánh được viết bằng kiểu chữ này nhưng không đề ngày tháng. Vì thế, các học giả đã cẩn thận so sánh chúng với những tài liệu bằng chữ ông-xi-an tương tự có đề ngày để xác định thời điểm chính xác hơn.

Dĩ nhiên, phương pháp này cũng có hạn chế. Giáo sư trường Thần học Princeton là ông Bruce Metzger cho biết: “Vì nét chữ của một người có lẽ ít thay đổi trong đời, nên chúng ta có thể xác định thời điểm [của bản chép tay] trong vòng 50 năm, nếu cố gắng tìm ra thời điểm chính xác hơn thì không thể được”. Dựa trên sự phân tích cẩn thận như thế, nhìn chung các học giả đồng ý rằng cổ bản Kinh Thánh Vatican xuất hiện vào thế kỷ thứ tư công nguyên.