Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nghề đánh cá ở vùng Biển Ga-li-lê

Nghề đánh cá ở vùng Biển Ga-li-lê

Nghề đánh cá ở vùng Biển Ga-li-lê

Bạn có biết đời sống của một ngư dân ở vùng Biển Ga-li-lê vào thế kỷ thứ nhất như thế nào không? Biết câu trả lời sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nhiều lời tường thuật trong các sách Phúc âm, chẳng hạn như những câu chuyện được đề cập trong bài trước.

Thật ra, “Biển Ga-li-lê” là một cái hồ dài khoảng 21km và rộng khoảng 12km. Từ lâu, các ngư dân đã khai thác một lượng cá dồi dào ở đây. Cửa Cá của thành Giê-ru-sa-lem dường như là một chợ buôn bán cá, và Biển Ga-li-lê là một trong những nguồn cung cấp cá cho chợ này.—Nê-hê-mi 3:3.

Sứ đồ Phi-e-rơ đến từ một thị trấn ven Biển Ga-li-lê là Bết-sai-đa, có lẽ nghĩa là “Nhà của ngư dân”. Một thị trấn khác dọc theo hồ là Ma-ga-đan. Kinh Thánh cho biết một thời gian sau khi làm phép lạ đi bộ trên mặt nước, Chúa Giê-su đã hướng dẫn các môn đồ ngài đến thị trấn này (Ma-thi-ơ 15:39). Theo một tác giả, tên tiếng Hy Lạp của thị trấn Ma-ga-đan có thể dịch là “Làng chế biến cá”. Thị trấn ấy nổi tiếng có nhiều nơi chế biến cá rộng lớn. Sau khi đánh bắt cá ở đó, người dân đem phơi và ướp muối, hoặc ngâm giấm để chế biến ra một loại nước chấm và cất giữ trong các lọ bằng đất sét gọi là “amphoras”. Sản phẩm này được đóng gói và vận chuyển đến nơi khác, có lẽ đến khắp các vùng của nước Y-sơ-ra-ên và thậm chí còn ra nước ngoài.

Đánh bắt, chế biến và buôn bán cá là ngành kinh doanh quan trọng của vùng Ga-li-lê vào thời Chúa Giê-su. Vì thế, người ta dễ dàng nghĩ rằng ngành này mang lại nhiều lợi nhuận cho ngư dân vùng ấy. Tuy nhiên, không hẳn là như thế. Một học giả cho biết đánh bắt cá “không phải là “nghề tự do” như suy nghĩ của những người đọc phần Tân ước ngày nay”. Thật ra, ngành này “do chính quyền quản lý, và làm giàu cho tầng lớp quý tộc”.

Vua chư hầu Hê-rốt An-ti-ba là người cai trị vùng Ga-li-lê, do chính quyền La Mã bổ nhiệm. Ông có quyền quản lý đường xá, hải cảng cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên như hầm mỏ, lâm nghiệp, nông nghiệp và ngư nghiệp. Thu nhập của vua Hê-rốt phần lớn đến từ việc đánh thuế trên các nguồn tài nguyên này. Chúng ta không biết chi tiết về chính sách thu thuế ở vùng Ga-li-lê vào thế kỷ thứ nhất. Tuy nhiên, dường như Hê-rốt có chính sách không khác gì mấy so với các nhà cai trị Hy Lạp hoặc La Mã ở các tỉnh phía đông khác. Phần lớn lợi nhuận đến từ những hoạt động kinh tế và việc khai thác nguồn tài nguyên có lẽ hầu hết đều đổ vào túi của tầng lớp quý tộc, còn người dân lao động cực khổ thì không nhận được bao nhiêu.

Gánh nặng tiền thuế

Vào thời Chúa Giê-su, những vùng đất tốt nhất của Ga-li-lê thuộc về hoàng gia và được chia ra thành những điền trang lớn. Vua Hê-rốt An-ti-ba dùng những điền trang này để làm quà cho các nhà quý tộc hoặc những người thừa kế của ông. Thần dân phải đóng thuế để cung cấp cho đời sống vương giả, những dự án xây dựng đầy tham vọng, hệ thống quan liêu phức tạp cũng như những món tiền mà Hê-rốt tặng bạn bè hoặc cho những thành phố khác. Rõ ràng, tiền thuế và các loại lệ phí khác đã trở thành gánh nặng đè trên vai dân thường.

Vua Hê-rốt cũng hoàn toàn độc quyền về việc khai thác sông ngòi. Vì thế, đánh bắt cá trở thành một ngành quan trọng dưới sự quản lý của Hê-rốt hoặc của những người có quyền giám sát đất đai. Trong những vùng dưới sự trông coi trực tiếp của hoàng gia, người thu thuế chính (là những người giàu đã mua đấu giá quyền thu thuế) có quyền đặt ra những điều khoản trong hợp đồng cho các ngư dân thuê quyền đánh cá. Một số nhà bình luận nghĩ rằng vì nơi thu thuế của Ma-thi-ơ nằm ở Ca-bê-na-um, một trung tâm đánh bắt cá quan trọng của Biển Ga-li-lê, nên có lẽ ông đã làm việc cho những người thu thuế chính với tư cách là “người thầu địa phương làm những việc liên quan đến quyền đánh bắt cá của hoàng gia” *.

Trong thế kỷ thứ nhất và thứ hai trước công nguyên, có bằng chứng cho thấy rằng đóng thuế ở vùng Pha-lê-tin là bằng “đồ vật”, không phải tiền mặt. Vì thế, các ngư dân chuyên nghiệp phải trả khoảng 25% đến 40% số cá mà họ đánh bắt được để mua quyền đánh cá. Các tài liệu cổ xưa cho biết tại một số vùng dưới sự cai trị của La Mã, việc đánh cá thuộc độc quyền nhà nước và dưới sự giám sát của các thanh tra. Tại vùng Bi-si-đi, một lực lượng có vai trò như cảnh sát theo dõi việc đánh cá phải có giấy phép và ngư dân chỉ được bán cá cho người trung gian có quyền, hoặc nhà bán sỉ (hoạt động của những người này cũng ở dưới sự giám sát và hệ thống thuế của chính quyền).

Một nhà phân tích cho biết mọi sự giám sát nói trên và việc đánh thuế cuối cùng cũng quy về một điều: “Nhà vua hoặc người sở hữu đất đai thu về cho mình lợi nhuận lớn, trong khi ngư dân thì chẳng được bao nhiêu”. Thu nhập của những người làm trong ngành nghề khác cũng không khá gì hơn vì bị đánh thuế quá nặng. Vì thế, người dân không hài lòng với hệ thống thuế. Hơn nữa, các sách Phúc âm tường thuật rằng người dân thời đó có tinh thần thù ghét những người thâu thuế. Tinh thần này chắc hẳn ngày càng tăng vì sự gian dối và tham lam của những người làm giàu qua việc bóc lột dân thường.—Lu-ca 3:13; 19:2, 8.

Ngư dân vào thời Phúc âm

Các sách Phúc âm cho biết rằng Si-môn Phi-e-rơ có bạn cùng làm nghề chài lưới. Vào lần Phi-e-rơ kéo được mẻ lưới nhờ phép lạ, những người đến giúp ông là ‘đồng-bạn ở thuyền khác’ (Lu-ca 5:3-7). Các học giả giải thích rằng vào thời ấy “các ngư dân họp lại thành nhóm... để mua hoặc thuê hợp đồng về quyền đánh cá”. Đó có thể là cách mà hai con trai của Xê-bê-đê, Phi-e-rơ, Anh-rê và những người bạn chài của họ có được quyền đánh cá.

Kinh Thánh không nói cụ thể là ngư dân ở vùng Ga-li-lê có sở hữu thuyền và các thiết bị đánh cá hay không. Nhưng một số người tin là có, và Kinh Thánh cũng tường thuật rằng Chúa Giê-su lên chiếc thuyền “của Si-môn” (Lu-ca 5:3). Tuy nhiên, một bài báo viết về đề tài này cho biết “có thể thật ra những người trung gian là người sở hữu những chiếc thuyền này và cho các nhóm đánh cá thuê”. Dù sao đi nữa, Kinh Thánh nói Gia-cơ và Giăng vá lưới của mình. Ngoài ra, hẳn các ngư dân cũng phải trả giá khi bán cá và nếu cần, thuê những người làm công theo ngày.

Vậy, các ngư dân vùng Biển Ga-li-lê vào thế kỷ thứ nhất có nhiều hoạt động hơn chúng ta nghĩ. Ngành nghề của họ là một phần trong hệ thống kinh tế phức tạp. Ghi nhớ những điều này sẽ giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của các sách Phúc âm và những lời Chúa Giê-su nói về nghề chài lưới và đời sống của ngư dân. Hơn thế nữa, những thông tin này cũng khiến chúng ta hiểu nhiều hơn về đức tin của Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ và Giăng. Nghề đánh cá là kế sinh nhai của họ. Dù họ có điều kiện kinh tế thế nào đi nữa, nhưng khi Chúa Giê-su gọi họ theo ngài, họ sẵn sàng từ bỏ cái nghề mang lại thu nhập ổn định cho mình để trở thành “tay đánh lưới người”.—Ma-thi-ơ 4:19.

[Chú thích]

^ đ. 9 Dường như sứ đồ Phi-e-rơ đã rời Bết-sai-đa để đến sinh sống ở Ca-bê-na-um, nơi ông hợp tác đánh bắt cá với em mình là Anh-rê cũng như với hai con trai của Xê-bê-đê. Chúa Giê-su cũng ở lại Ca-bê-na-um trong một thời gian.—Ma-thi-ơ 4:13-16.

[Bản đồ nơi trang 25]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Hồ Hula

Bết-sai-đa

Ca-bê-na-um

Ma-ga-đan

Biển Ga-li-lê

Giê-ru-sa-lem

Biển Chết

[Nguồn tư liệu]

Todd Bolen/Bible Places.com

[Nguồn tư liệu nơi trang 26]

Todd Bolen/​Bible Places.com