Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Đời vua Hê-rốt”

“Đời vua Hê-rốt”

“Đời vua Hê-rốt”

Trong nỗ lực mưu sát em bé Giê-su, Hê-rốt Đại Đế của nước Giu-đê cử sứ giả giết hết mọi bé trai ở thành Bết-lê-hem. Lịch sử ghi nhận nhiều sự kiện diễn ra trong “đời vua Hê-rốt”. Những sự kiện này cho chúng ta hiểu rõ hơn về bối cảnh xoay quanh đời sống và công việc rao giảng của Chúa Giê-su.—Ma-thi-ơ 2:1-16.

Điều gì khiến vua Hê-rốt muốn giết Chúa Giê-su? Tại sao lúc Chúa Giê-su sinh ra, dân Do Thái có một vua, nhưng khi Chúa Giê-su chết thì Bôn-xơ Phi-lát, một người La Mã, cai trị họ? Để hiểu đầy đủ về vai trò của vua Hê-rốt trong lịch sử và tại sao ông là nhân vật quan trọng đối với độc giả Kinh Thánh, chúng ta hãy quay lại vài thập niên trước khi Chúa Giê-su sinh ra.

Tranh giành quyền lực ở Giu-đê

Vào nửa đầu thế kỷ thứ hai trước công nguyên (TCN), nước Giu-đê bị vua Seleucid ở nước Sy-ri cai trị, một trong bốn triều đại hình thành sau khi đế quốc của A-léc-xan-đơ Đại Đế tan rã. Tuy nhiên vào khoảng năm 168 TCN, khi vua Seleucid cố thay thế việc thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời bằng việc tôn sùng thần Zeus (Giu-bi-tê) tại đền thờ Giê-ru-sa-lem, gia đình Maccabee đã dẫn đầu người Do Thái nổi loạn. Nhà Maccabee, hay Hasmonea, cai trị nước Giu-đê từ năm 142-63 TCN.

Vào năm 66 TCN, hai hoàng tử người Hasmonea là Hyrcanus II và người em Aristobulus tranh giành ngôi vua. Sau đó nội chiến đã xảy ra và cả hai anh em cầu viện ông Pompey, vị tướng La Mã lúc đó đang ở nước Sy-ri. Ông Pompey liền nắm lấy cơ hội để xen vào chuyện của họ.

Người La Mã đã mở rộng ảnh hưởng về phía đông. Vào thời ấy, họ kiểm soát nhiều vùng ở Tiểu Á. Tuy nhiên, những vua không có năng lực sau đó của nước Sy-ri đã để cho nhiều vùng chìm đắm trong hỗn loạn. Điều này đe dọa sự thanh bình mà người La Mã muốn duy trì ở Phương Đông. Vì thế, ông Pompey dần dần kiểm soát nước Sy-ri.

Về sự tranh giành ngôi vua của hai hoàng tử người Hasmonea, giải pháp của ông Pompey là giúp đỡ hoàng tử Hyrcanus. Thế nên vào năm 63 TCN, người La Mã đột ngột chiếm Giê-ru-sa-lem để lập Hyrcanus lên làm vua. Tuy nhiên, Hyrcanus không được tự do cai trị, vì người La Mã đã can dự vào chính sự ở đó nên họ không muốn rút lui. Ông Hyrcanus trở thành người cai trị một vùng trong đế quốc La Mã. Ông có được quyền lực là nhờ vào mối quan hệ và sự giúp đỡ của người La Mã. Ông có thể điều hành công việc nội bộ theo ý mình, nhưng những việc ngoài địa hạt thì ông phải làm theo chính sách của La Mã.

Hê-rốt nổi lên

Ông Hyrcanus không phải là nhà cai trị mạnh mẽ, nhưng được hỗ trợ bởi Antipater, một người Ê-đôm và là cha của Hê-rốt Đại Đế. Antipater nắm quyền và chi phối vua. Ông không để các nhóm người Do Thái chống đối lộng hành và nhanh chóng kiểm soát nước Giu-đê. Ông giúp Giu-lơ Sê-sa đánh bại kẻ thù ở Ai Cập và người La Mã đã phong cho ông Antipater làm Thượng thư, nhưng ông phải trình cho họ những điều sẽ làm. Sau đó, Antipater bổ nhiệm hai con trai làm chư hầu: Phasael cai trị Giê-ru-sa-lem còn Hê-rốt cai quản Ga-li-lê.

Antipater dạy con mình là không thể làm thành điều gì nếu không được phép của người La Mã. Hê-rốt nhớ rõ bài học đó. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông làm theo đòi hỏi của những người La Mã bảo trợ ông, đồng thời làm vui lòng dân chúng người Do Thái. Bên cạnh đó, ông có khả năng tổ chức và tài thao lược. Hê-rốt được 25 tuổi khi làm chư hầu, ông nhanh chóng chiếm được cảm tình của dân Do Thái và La Mã, vì đã quyết liệt loại trừ các băng cướp khỏi địa hạt của mình.

Sau khi Antipater bị kẻ thù đầu độc vào năm 43 TCN, Hê-rốt trở thành người có quyền lực nhất nước Giu-đê. Tuy nhiên, ông cũng có kẻ thù. Tầng lớp quý tộc ở Giê-ru-sa-lem xem ông là kẻ soán ngôi và cố gắng thuyết phục La Mã truất phế ông. Nỗ lực của họ đã thất bại. Người La Mã vẫn nhớ những gì Antipater làm và họ quý khả năng của con trai ông.

Làm vua Giu-đê

Giải pháp của ông Pompey về sự tranh giành quyền lực của người Hasmonea 20 năm trước đó đã làm nhiều người cay đắng. Phe của ông Aristobulus tiếp tục cố gắng giành lại quyền lực, mãi đến năm 40 TCN, nhờ sự trợ giúp của người Bạt-thê, kẻ thù của La Mã, họ mới thực hiện được mục tiêu. Lợi dụng sự hỗn loạn của cuộc nội chiến tại La Mã, họ xâm chiếm Sy-ri, truất phế Hyrcanus và lập một thành viên có tư tưởng chống La Mã trong gia đình Hasmonea lên cai trị.

Hê-rốt trốn sang La Mã và được tiếp đón nồng nhiệt tại đây. Người La Mã muốn đuổi người Bạt-thê ra khỏi Giu-đê và trả xứ này lại cho họ kiểm soát dưới quyền cai trị của một người được họ chấp nhận. Họ cần một đồng minh đáng tin cậy và nhận thấy Hê-rốt là người như thế. Vì vậy, Thượng viện La Mã phong Hê-rốt làm vua Giu-đê. Hê-rốt phải nhượng bộ nhiều điều để củng cố quyền lực. Ông thể hiện điều này qua việc dẫn đầu một đoàn người đi từ Thượng viện đến đền thờ thần Jupiter (Giu-bi-tê), tại đó ông dâng tế lễ cho các thần ngoại giáo.

Được quân đoàn La Mã giúp đỡ, Hê-rốt đánh bại kẻ thù trong nước Giu-đê và khẳng định quyền lực của mình. Bất cứ ai chống đối ông đều bị trả thù một cách tàn bạo. Ông trừ khử người Hasmonea và tầng lớp quý tộc Do Thái đã ủng hộ họ cũng như bất cứ ai tỏ ra khó chịu khi có một người bạn La Mã cai trị họ.

Hê-rốt củng cố quyền lực

Vào năm 31 TCN, khi đánh bại Mark Antony tại Actium, Octavius được mọi người ủng hộ làm vua cai trị La Mã. Ngay lúc đó, Hê-rốt nhận ra rằng tình bạn lâu bền của ông với Mark Antony sẽ làm cho người ta nghi ngờ. Vì thế, Hê-rốt vội vàng chứng minh lòng trung thành của mình với Octavius. Sau đó, hoàng đế mới của La Mã xác nhận Hê-rốt là vua Giu-đê và mở rộng bờ cõi của Hê-rốt.

Những năm sau đó, Hê-rốt củng cố và làm cho vương quốc mình phồn vinh, biến Giê-ru-sa-lem thành trung tâm văn hóa Hy Lạp. Ông bắt tay vào những dự án xây dựng lớn: cất cung điện, thành phố cảng Sê-sa-rê và các dinh thự nguy nga tại đền thờ Giê-ru-sa-lem. Suốt khoảng thời gian đó, mối quan hệ tốt với người La Mã là nguồn sức mạnh của ông và nó cũng tác động nhiều nhất đến chính sách của ông.

Hê-rốt kiểm soát toàn bộ Giu-đê, ông hoàn toàn nắm uy quyền. Hê-rốt cũng thao túng thầy tế lễ thượng phẩm, bổ nhiệm chức vụ này cho bất kỳ ai ông muốn.

Giết người vì ghen tị

Đời tư của vua Hê-rốt có nhiều vấn đề. Trong số mười người vợ của ông có nhiều người muốn con mình lên nối ngôi. Những âm mưu của họ khiến ông trở nên nghi kỵ và tàn bạo. Vì ghen tị, Hê-rốt đã giết người vợ ông yêu quý nhất là Mariamne. Sau đó, hai con trai của bà bị siết cổ vì Hê-rốt nghĩ rằng chúng mưu tính chống lại ông. Vì thế, lời tường thuật của Ma-thi-ơ về cuộc tàn sát ở Bết-lê-hem hòa hợp với những điều người ta biết về tính khí của Hê-rốt và sự kiên quyết loại trừ địch thủ của ông.

Một số người nói rằng vì Hê-rốt nhận thấy mình không được dân chúng yêu thích, nên đã quyết định cái chết của mình phải làm cho dân chúng than khóc thay vì vui mừng. Để đạt được mục tiêu đó, ông đã bắt những người có thế lực trong dân Giu-đê và ban lệnh khi cái chết của ông được công bố, tất cả họ bị hành hình. Thế nhưng mệnh lệnh này không bao giờ được thi hành.

Di sản của Hê-rốt Đại Đế

Khi Hê-rốt băng hà, người La Mã ra lệnh cho A-chê-la-u lên nối ngôi cha cai trị nước Giu-đê và trao quyền cho hai người con trai khác của vua Hê-rốt: An-ti-ba cai trị Ga-li-lê và Phê-rê, còn Phi-líp trị vì Y-tu-rê và Tra-cô-nít. Nhưng A-chê-la-u không được thần dân và những người có quyền trên ông yêu mến. Sau một thập niên cai trị tồi tệ, người La Mã đã hạ bệ ông và bổ nhiệm một người khác, đó là người tiền nhiệm của Bôn-xơ Phi-lát. Trong thời gian này, An-ti-ba—người mà ông Lu-ca chỉ gọi là Hê-rốt—và Phi-líp vẫn cai trị lãnh thổ của họ. Đây là tình hình chính trị lúc Chúa Giê-su bắt đầu rao giảng.—Lu-ca 3:1.

Hê-rốt Đại Đế là một nhà chính trị sắc sảo và kẻ giết người tàn bạo, có lẽ hành động tồi tệ nhất của ông là cố tìm cách giết em bé Giê-su. Xem xét vai trò của Hê-rốt trong lịch sử rất hữu ích cho độc giả Kinh Thánh, giúp làm sáng tỏ những sự kiện quan trọng trong một giai đoạn, giải thích làm sao người La Mã cai trị người Do Thái và cho biết bối cảnh lúc Chúa Giê-su sống trên đất và làm công việc rao giảng.

[Bản đồ nơi trang 15]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Pha-lê-tin và những vùng lân cận vào thời vua Hê-rốt

SY-RI

Y-TU-RÊ

GA-LI-LÊ

TRA-CÔ-NÍT

Biển Ga-li-lê

Sông Giô-đanh

Sê-sa-rê

SA-MA-RI

PHÊ-RÊ

Giê-ru-sa-lem

Bết-lê-hem

GIU-ĐÊ

Biển Chết

Y-ĐU-MÊ

[Các hình nơi trang 13]

Hê-rốt là một trong những vua của nước Giu-đê trong hai thế kỷ trước khi Chúa Giê-su làm công việc rao giảng