Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Người quá cố có phù hộ người sống không?

Người quá cố có phù hộ người sống không?

Người quá cố có phù hộ người sống không?

Tamba *, một thanh niên sống ở Tây Phi sắp trải qua một kỳ thi. Mẹ anh buộc anh cầu xin người thân quá cố phù hộ cho anh thi đậu. Ở thành phố Palermo, đảo Sicily, nước Ý, du khách tham quan các hầm mộ nơi người ta lưu giữ cẩn thận hàng trăm thi hài. Một số người tin rằng những xác ướp này phù hộ cho người sống. Hằng năm, người ta đến thị trấn Lily Dale, thuộc miền tây bang New York, Hoa Kỳ. Thị trấn này nổi tiếng là có nhiều đồng cốt. Nhiều người đến đấy với hy vọng có thể liên lạc với thân nhân hoặc bạn bè quá cố để được phù hộ.

Trên khắp thế giới, niềm tin rằng người chết có thể phù hộ người sống vẫn rất phổ biến. Còn bạn nghĩ sao? Có lẽ bạn đã được dạy về điều đó hoặc có bạn bè hay người thân ủng hộ niềm tin này. Ao ước gặp lại người thân yêu quá cố là điều tự nhiên. Những người đồng cốt hứa họ sẽ thực hiện được ước muốn ấy. Tạp chí Time trích dẫn lời của một bà đồng cốt rằng thế giới bên kia “luôn sẵn sàng giúp nếu được kêu cầu”. Điều đó có đúng không? Người chết có thể phù hộ người sống không? Lời giải đáp rõ ràng của Kinh Thánh có lẽ khiến bạn ngạc nhiên.

Người quá cố có đang sống ở nơi nào không?

Kinh Thánh dùng những từ giản dị và dễ hiểu để giải thích tình trạng của người chết. Hãy lưu ý Truyền-đạo 9:5 nói: “Kẻ sống biết mình sẽ chết; nhưng kẻ chết chẳng biết chi hết”. Người chết có cảm xúc không? Câu 6 trả lời: “Sự yêu, sự ghét, sự ganh gỗ của họ thảy đều tiêu-mất từ lâu; họ chẳng hề còn có phần nào về mọi điều làm ra dưới mặt trời”. Cũng hãy lưu ý đến câu 10 trong chương ấy cho biết “dưới Âm-phủ, là nơi ngươi đi đến, chẳng có việc làm, chẳng có mưu-kế, cũng chẳng có tri thức hay là sự khôn-ngoan”. Từ “Âm-phủ” ở đây trong tiếng Do Thái cổ là “Sheol”, có nghĩa “mồ mả chung của nhân loại”. Điều đáng chú ý là từ Hy Lạp tương đương “Hades” được dùng trong Kinh Thánh để chỉ về nơi Chúa Giê-su đi đến trong một khoảng thời gian ngắn sau khi chết.—Công-vụ 2:31.

Khi sống Chúa Giê-su đã giúp nhiều người nhưng ngài biết rằng ngài sẽ chết. Ngài có mong đợi sẽ tiếp tục giúp người khác trong thời gian ngài ở trong mồ không? Không. Chúa Giê-su so sánh sự chết sắp đến của ngài như ban đêm, lúc không thể làm việc được (Giăng 9:4). Chúa Giê-su biết rõ rằng khi chết người ta hoàn toàn bất lực, “chẳng biết chi hết”.—Truyền-đạo 9:5.

Chúa Giê-su cũng dùng một so sánh khác có cùng ý nghĩa. Khi bạn thân của ngài là La-xa-rơ qua đời, Chúa Giê-su ví sự chết như giấc ngủ (Giăng 11:11-13). Chúng ta không mong người đang ngủ giúp chúng ta, phải không? Người ngủ không ý thức, không thể hành động để giúp người khác.

Có phần nào tồn tại sau khi con người chết không?

Nhiều người được dạy rằng linh hồn là một phần vô hình của con người còn tồn tại sau khi chết, nhưng Kinh Thánh dạy khác. Sách đầu tiên của Kinh Thánh là Sáng-thế Ký cho biết linh hồn là gì. Sáng-thế Ký 2:7 nói khi người đầu tiên được tạo ra, ông “trở nên một linh hồn sống” (Bản Dịch Mới). Vì thế, cả con người là một linh hồn, và thú vật cũng là linh hồn * (Sáng-thế Ký 1:20-25). Vậy, điều hợp lý là khi con người hoặc thú vật chết, linh hồn chết. Kinh Thánh khẳng định điều này.—Ê-xê-chi-ên 18:4.

Tuy nhiên, một số người có thể thắc mắc: “Còn những chuyện người ta liên lạc với người chết, nghe tiếng nói hoặc thậm chí thấy họ thì sao?”. Đó là những câu chuyện thường nghe ở nhiều nơi trên thế giới, khiến tang quyến hoặc bạn bè thân thiết hy vọng. Thế nên họ tìm đến những người đồng cốt, là những người cho rằng có thể liên lạc được với người quá cố.

Những câu chuyện ấy có thật không? Nếu đúng, chẳng phải chúng mâu thuẫn với những điều Kinh Thánh dạy được đề cập ở trên sao? Chúa Giê-su nói những lời của Đức Chúa Trời được ghi trong Kinh Thánh là sự thật (Giăng 17:17). Sự thật không bao giờ tự mâu thuẫn. Thật ra, Kinh Thánh cho biết rõ chúng ta nên có quan điểm nào về những câu chuyện người chết phù hộ người sống. Kinh Thánh kể về một người đã cố tìm sự giúp đỡ từ người chết. Xem xét kỹ lời tường thuật này sẽ giúp chúng ta biết sự thật.

Một vị vua cầu hỏi người chết

Lúc ấy là ở chiến trường phía bắc Y-sơ-ra-ên. Vua Sau-lơ và đạo binh của ông phải đương đầu với đội quân hùng mạnh của Phi-li-tin. Khi Sau-lơ thấy trại binh của người Phi-li-tin, thì ông “sợ và lòng rung-động lắm”. Vào thời điểm này, vua Sau-lơ đã lìa bỏ sự thờ phượng thật. Vì thế, Đức Giê-hô-va không đáp lại những lời cầu xin của ông. Sau-lơ tìm sự giúp đỡ ở đâu? Lúc ấy, nhà tiên tri của Đức Chúa Trời là Sa-mu-ên đã qua đời.—1 Sa-mu-ên 28:3, 5, 6.

Sau-lơ đến cầu hỏi một người đồng cốt ở Ên-đô-rơ. Ông nài xin bà ấy “cầu Sa-mu-ên” trở về từ cõi chết. Bà đồng cốt đã gọi một hồn ma hiện hình. Hồn ma “Sa-mu-ên” này cho Sau-lơ biết quân Phi-li-tin sẽ chiến thắng, Sau-lơ và các con trai ông sẽ chết trong trận chiến (1 Sa-mu-ên 28:7-19). Sa-mu-ên có thật sự trở về từ cõi chết không?

Hãy suy nghĩ về điều này. Kinh Thánh nói khi chết người ta “trở về cát bụi” và “tư tưởng họ tiêu tan” (Thi-thiên 146:4, Bản Diễn Ý). Cả Sau-lơ lẫn Sa-mu-ên đều biết Đức Chúa Trời lên án việc liên lạc với đồng cốt. Thậm chí trước đây Sau-lơ đã dẫn đầu việc tẩy sạch những thực hành đồng cốt khỏi xứ!—Lê-vi Ký 19:31.

Hãy thử lý luận: Nếu Sa-mu-ên, người trung thành với Đức Chúa Trời, vẫn sống như một âm hồn, liệu ông có vi phạm luật pháp của Ngài và hợp tác với người đồng cốt để gặp Sau-lơ không? Đức Giê-hô-va đã từ chối nói chuyện với Sau-lơ. Vậy, một người đồng cốt có thể buộc Đức Chúa Trời Toàn Năng liên lạc với Sau-lơ bằng cách cầu hồn ông Sa-mu-ên không? Không. Rõ ràng, dù ở bất cứ hình thức nào, “Sa-mu-ên” này không phải là nhà tiên tri trung thành của Đức Chúa Trời. Đó là một thần linh, một ác thần giả dạng làm Sa-mu-ên.

Các ác thần là những thiên sứ chống lại uy quyền của Đức Chúa Trời vào thời đầu của lịch sử nhân loại (Sáng-thế Ký 6:1-4; Giu-đe 6). Các quỉ có thể quan sát loài người khi họ còn sống và biết cách nói năng, ngoại diện và hành động của mỗi người. Chúng muốn cổ vũ quan niệm rằng những gì Kinh Thánh nói là sai. Không ngạc nhiên gì khi Kinh Thánh lên án việc liên lạc với thế lực thần linh ác! (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:10-12). Những ác thần này vẫn còn hoạt động ngày nay.

Giờ đây chúng ta hiểu tại sao nhiều người nói rằng họ “nghe” hoặc “thấy” người thân yêu quá cố. Dù các hồn ma ấy đôi khi có vẻ thân thiện, nhưng thật ra là các thần linh ác quyết tâm lừa dối loài người * (Ê-phê-sô 6:12). Cũng hãy nghĩ đến điều này: Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời yêu thương và quan tâm đến chúng ta. Nếu người quá cố còn sống ở nơi nào đó và có thể giúp đỡ gia đình cũng như bạn bè, liệu Đấng Tạo Hóa yêu thương có cấm liên lạc với họ và gọi đó là điều “gớm-ghiếc” không? Chắc chắn không! (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:12; 1 Phi-e-rơ 5:7). Vậy, có nguồn giúp đỡ nào đáng tin cậy không?

Nguồn giúp đỡ thật cho người sống và người quá cố

Theo những điểm thảo luận ở trên, chúng ta biết người chết không thể giúp người sống. Hơn nữa, mọi nỗ lực tìm sự giúp đỡ từ người chết không những vô ích mà còn vô cùng nguy hiểm, vì khi làm thế, chúng ta vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời và liều lĩnh đặt mình dưới ảnh hưởng của các quỉ.

Kinh Thánh hướng chúng ta đến Nguồn trợ giúp tốt nhất: Đấng Tạo Hóa là Đức Giê-hô-va. Ngài có thể giải thoát chúng ta khỏi sự chết, và ngày nay cũng sẵn sàng giúp chúng ta (Thi-thiên 33:19, 20). Vì thế, Đức Chúa Trời cho chúng ta hy vọng thật, còn những người đồng cốt chỉ đưa ra hy vọng giả dối.

Anh Tamba, được đề cập ở đầu bài, đã trực tiếp trải nghiệm sự khác biệt giữa hy vọng giả dối từ những người đồng cốt với sự thật đến từ Đức Giê-hô-va. Những người đồng cốt cho rằng nếu không cúng tổ tiên, anh sẽ thi rớt. Tamba đã bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Anh biết tình trạng thật của người chết, và hiểu rằng những ác thần giả làm tổ tiên mình. Dù bị mẹ gây áp lực để anh cầu hỏi người đồng cốt, Tamba từ chối và nói với mẹ rằng: “Nếu thi rớt, sang năm con sẽ cố gắng hơn”.

Kết quả là gì? Anh đã đậu thủ khoa! Mẹ anh kinh ngạc, không còn tin nơi những người đồng cốt và không bao giờ đề cập đến việc cúng kiến nữa. Tamba học biết rằng Đức Giê-hô-va cảnh báo chúng ta phải tránh “vì người sống mà hỏi kẻ chết” (Ê-sai 8:19). Nhờ tìm hiểu Kinh Thánh, anh Tamba tin chắc nếu anh yêu mến luật pháp Đức Chúa Trời, anh sẽ thành công.—Thi-thiên 1:1-3.

Vậy, còn những người thân yêu quá cố của chúng ta thì sao? Họ không có hy vọng gì sao? Ngoài việc giúp chúng ta là những người đang sống, Đức Giê-hô-va hứa sẽ giúp những người ở trong mồ mả. Hãy lưu ý lời của nhà tiên tri Ê-sai nơi chương 26, câu 19: “Những kẻ chết của Ngài sẽ sống... Hỡi kẻ ở trong bụi-đất, hãy thức dậy, hãy hát!”.

Bạn hãy hình dung! Hàng tỷ người đang yên nghỉ trong sự chết, không ý thức gì cả, sẽ được sống lại! Thật thế, Kinh Thánh cho biết Đức Giê-hô-va “đoái đến”, tức mong muốn làm người chết sống lại (Gióp 14:14, 15). Những lời hứa này có khó tin không? Chúa Giê-su tin chắc nơi hy vọng này đến độ ngài miêu tả người chết như đang sống trước mắt Đức Giê-hô-va.—Lu-ca 20:37, 38.

Bạn muốn có hy vọng như thế không? * Hãy tiếp tục thu thập sự hiểu biết chính xác về Kinh Thánh. Khi làm thế, bạn sẽ tin chắc Đức Giê-hô-va có thể giúp người sống cũng như người chết, và những lời hứa của Ngài đều “trung-tín và chân-thật”.—Khải-huyền 21:4, 5.

[Chú thích]

^ đ. 2 Tên đã đổi.

^ đ. 9 Để biết thêm thông tin, xin xem trang 209 của sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 18 Để biết thêm thông tin về đề tài này, xin xem sách mỏng Thần linh của người chết—Chúng có thể giúp bạn hay làm hại bạn không? Chúng có thực sự hiện hữu không?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 26 Để biết thêm thông tin về sự sống lại được nói đến trong Kinh Thánh, xin xem chương 7 của sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?.

[Câu nổi bật nơi trang 19]

Ao ước gặp lại người thân yêu quá cố là điều tự nhiên

[Hình nơi trang 20]

Nhà tiên tri Sa-mu-ên có trở về từ cõi chết và liên lạc với vua Sau-lơ không?