Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có biết?

Bạn có biết?

Bạn có biết?

Tại sao Chúa Giê-su nói “không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ”?

Vào thời Kinh Thánh, việc dùng bầu da thú để đựng rượu là thông dụng (1 Sa-mu-ên 16:20). Bầu được làm từ cả bộ da của gia súc như dê con hoặc dê trưởng thành. Để làm một bầu da, người ta cắt đầu và bàn chân của xác con thú, còn thân thì họ lột da cách cẩn thận để không rách phần da bụng. Sau đó, người ta mang da đi thuộc và khâu lại tất cả chỗ hở, trừ phần cổ hoặc một chân vì sẽ dùng làm cổ bầu. Cổ bầu sẽ được đóng lại bằng nút hoặc buộc bằng dây.

Với thời gian, da sẽ trở nên khô và mất độ dẻo. Vì thế, bầu da cũ không thích hợp để đựng rượu mới, là loại rượu còn tiếp tục lên men. Quá trình lên men rất có thể sẽ làm nứt bầu da cũ. Trái lại, bầu da mới thì mềm hơn và chịu được áp suất do quá trình lên men của rượu tạo ra. Đó là lý do Chúa Giê-su nói những lời trên mà thời ngài ai cũng biết. Ngài cho thấy hậu quả nếu một người đổ rượu mới vào bầu da cũ: “Rượu mới làm nứt bầu ra; rượu chảy mất và bầu cũng phải hư đi. Song rượu mới phải đổ vào bầu mới”.—Lu-ca 5:37, 38.

Ai là “kẻ cướp” được nói đến khi quân La Mã bắt Phao-lô?

Theo lời tường thuật của sách Công-vụ, khi náo loạn xảy ra tại đền thờ Giê-ru-sa-lem, viên chỉ huy quân đội La Mã đã bắt giam sứ đồ Phao-lô vì tưởng Phao-lô là kẻ cầm đầu bọn phản động gồm “bốn ngàn kẻ cướp” (Công-vụ 21:30-38). Những kẻ cướp này là ai?

Trong nguyên ngữ là tiếng Hy Lạp, từ được dịch “kẻ cướp” bắt nguồn từ một từ trong tiếng La-tinh là sicarii, có nghĩa “những người dùng sica” hay đoản kiếm. Sử gia Flavius Josephus, sống vào thế kỷ thứ nhất, miêu tả Sicarii là nhóm người Do Thái có tinh thần ái quốc cực đoan, chống lại La Mã một cách quyết liệt. Nhóm này thực hiện các vụ giết người vì chính trị một cách có tổ chức.

Ông Josephus tường thuật rằng Sicarii “giết người giữa thanh thiên bạch nhật và ngay giữa thành. Chúng ra tay chủ yếu trong các ngày lễ hội, bằng cách trà trộn vào đám đông và đâm chết kẻ thù với thanh đoản kiếm đã giấu sẵn trong quần áo”. Sau khi đâm chết nạn nhân, kẻ đâm giả vờ la lên vẻ phẫn nộ để đánh lạc hướng và lẩn mất. Ông Josephus cho biết thêm rằng sau này, chính Sicarii tham gia dẫn đầu cuộc nổi dậy của dân Do Thái chống lại quân La Mã vào năm 66-70 công nguyên. Vì vậy, viên chỉ huy quân đội La Mã háo hức khi tưởng mình đã bắt giữ kẻ tình nghi là thủ lĩnh của nhóm ấy.

[Lời chú thích nơi trang 15]

MỘT BẦU DA CŨ

[Lời chú thích nơi trang 15]

HÌNH MINH HỌA VỀ KẺ GIẾT NGƯỜI BẰNG ĐOẢN KIẾM