Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Chỉ có cái chết mới chia lìa đôi ta”

“Chỉ có cái chết mới chia lìa đôi ta”

“Chỉ có cái chết mới chia lìa đôi ta”

Biết bao đôi nam nữ vui mừng hứa như thế vào ngày cưới! Nhưng mấy ai hiểu hết ý nghĩa của lời ấy. Tuổi già, bệnh tật, hay tai nạn là chuyện thường có thể cướp đi mạng sống của người chồng hoặc vợ, bỏ lại người hôn phối với nỗi cô đơn và sầu nhớ.—Truyền-đạo 9:11; Rô-ma 5:12.

Thống kê cho biết gần phân nửa phụ nữ từ 65 tuổi trở lên là góa phụ. Vì nguy cơ rơi vào cảnh góa bụa ở phụ nữ cao gấp ba lần so với nam giới, nên sự mất mát người bạn đời được gọi là “hiện tượng của nữ giới”. Điều này không có nghĩa là đàn ông không đau đớn khi mất vợ. Hàng triệu người cả nam lẫn nữ đang chịu cảnh đau buồn ấy. Đó có phải là hoàn cảnh của bạn không?

Dù là nam hay nữ, nếu ở trong hoàn cảnh này, bạn có thể làm gì? Kinh Thánh có lời khuyên nào giúp đương đầu với nỗi đau này? Một số người góa chồng hay vợ đã đương đầu như thế nào? Mỗi trường hợp mỗi khác nên không có giải pháp duy nhất, nhưng vẫn có những nguyên tắc và đề nghị hữu ích cho bạn.

Đương đầu với nỗi đau mất bạn đời

Một số người nghĩ rằng khóc là biểu hiện của sự yếu đuối, thậm chí gây hại. Tuy nhiên, đối với tiến sĩ tâm lý học Joyce Brothers, bản thân là một góa phụ, khóc là thao tác sơ cứu về mặt cảm xúc. Thật vậy, khóc là phản ứng tự nhiên trong giai đoạn đau buồn và làm dịu nỗi đau. Nếu bạn khóc thì không có gì đáng xấu hổ. Một câu chuyện trong Kinh Thánh cho thấy điều đó. Ông Áp-ra-ham là người có đức tin nổi bật, và nhận được vinh dự làm bạn với Đức Chúa Trời. Thế nhưng, khi người vợ yêu dấu qua đời, ông vẫn “than-khóc người”.—Sáng-thế Ký 23:2.

Muốn có những lúc một mình cũng là điều bình thường, nhưng đừng tự cô lập. Câu Châm-ngôn 18:1 cảnh báo chúng ta: “[Người] nào ở riêng cách tìm điều chính mình ưa-thích”. Tốt hơn, hãy tìm sự hỗ trợ của bà con và bạn bè biết đồng cảm với hoàn cảnh của mình. Về phương diện này, hội thánh đạo Đấng Christ là một sự sắp đặt tuyệt vời vì qua các anh có trách nhiệm, bạn có thể nhận sự hỗ trợ và lời khuyên đúng lúc.—Ê-sai 32:1, 2.

Đối với một số người, việc phúc đáp thư và thiệp chia buồn cũng giúp ích. Đây là cơ hội để bạn viết ra những kỷ niệm về người hôn phối và thời gian ở bên nhau. Làm một album kỷ niệm gồm những tấm ảnh, thư từ và thiệp cũng có thể giúp xoa dịu nỗi đau.

Khi bạn đời vừa mất, người còn lại cảm thấy bối rối và chơ vơ. Cảm thấy như thế cũng là điều tự nhiên, nhưng giữ nếp sinh hoạt đời thường rất cần thiết. Chẳng hạn, nếu có thói quen ngủ, thức dậy, ăn uống hoặc làm một số công việc vào giờ nhất định, bạn hãy cố gắng giữ theo nếp đó. Hãy nghĩ trước việc bạn sẽ làm vào cuối tuần và các ngày như kỷ niệm ngày cưới là những lúc nỗi buồn thường tràn về. Điều đặc biệt quan trọng là duy trì các sinh hoạt thờ phượng.—1 Cô-rinh-tô 15:58.

Khi tâm trạng bất ổn, một người có thể thiếu sáng suốt. Những người có động cơ xấu thường lợi dụng hoàn cảnh này. Vì thế, đừng quyết định vội vàng về những vấn đề như bán nhà, chuyển nhà, đầu tư hoặc tái hôn. Một câu châm ngôn nói: “Kế hoạch của người cần mẫn chắc chắn sẽ đưa đến dư dật, nhưng mọi kẻ hấp tấp sẽ đưa đến thiếu thốn” (Châm-ngôn 21:5, Bản Dịch Mới). Do đó, bạn nên hoãn lại bất kỳ quyết định lớn nào trong đời sống đến khi tinh thần ổn định hơn.

Việc thu xếp đồ đạc của người bạn đời có thể khiến bạn rất đau lòng, nhất là khi đã chung sống nhiều năm, nhưng đó là điều cần làm để nỗi đau dần nguôi ngoai. Nếu trì hoãn việc ấy, nỗi đau của bạn có thể kéo dài (Thi-thiên 6:6). Một số người muốn làm việc này một mình, số khác cảm thấy dễ dàng hơn nếu cùng làm với bạn thân vì có thể chia sẻ những ký ức về người đã khuất. Bạn cũng có thể nhờ bạn bè hoặc bà con giúp làm giấy tờ như làm giấy khai tử, báo với các cơ quan nhà nước và ngân hàng, thay đổi tên người sở hữu tài sản, làm đơn để hưởng quyền lợi sau khi người hôn phối mất, và thanh toán các chi phí điều trị.

Hãy nhớ rằng chúng ta sống trong thế gian suy đồi về đạo đức. Bây giờ, bạn đang cô đơn chiếc bóng, việc giữ trong sạch về đạo đức có thể là một thử thách. Vì thế, những lời sau của sứ đồ Phao-lô thích hợp hơn bao giờ hết: “Mỗi người phải biết giữ thân mình cho thánh-sạch và tôn-trọng, chẳng bao giờ sa vào tình-dục luông-tuồng như người ngoại-đạo, là kẻ không nhìn biết Đức Chúa Trời” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:4, 5). Cho nên, điều khôn ngoan là tránh những phim ảnh, sách báo và âm nhạc mang nội dung lãng mạn hoặc xoay quanh vấn đề tình dục.

Quan trọng hơn hết, bạn cần hiểu rằng chỉ có thời gian mới chữa lành vết thương lòng. Theo tờ USA Today, những cuộc nghiên cứu của Viện Khảo cứu Xã hội thuộc Đại học Michigan cho thấy người góa bụa phải mất ít nhất 18 tháng mới bắt đầu hồi phục về thể chất lẫn tinh thần. Để có sức chịu đựng, hãy cầu xin Đức Chúa Trời. Ngài sẽ ban thánh linh giúp bạn vun trồng bông trái hay đức tính cần thiết để tiếp tục chịu đựng (Ga-la-ti 5:22, 23). Dù hiện tại có thể bạn không nghĩ như thế, nhưng mỗi ngày trôi qua nỗi buồn sẽ vơi đi.

Cách đối phó của một số người

Sau 40 năm hạnh phúc trong hôn nhân, chồng của chị Anna là anh Darryl qua đời khiến chị vô cùng đau đớn. Chị kể: “Mẹ tôi mất khi tôi 13 tuổi, sau đó cha, hai anh và em gái cũng ra đi. Nhưng thành thật mà nói, không có sự mất mát nào lớn hơn là khi chồng tôi qua đời. Lúc ấy, lòng tôi đau như cắt”. Điều gì đã giúp chị đương đầu với nỗi đau này? Chị cho biết: “Tôi đã sưu tập thư điện tử và bưu thiếp chứa đựng những lời yêu thương và quý mến của bạn bè đối với chồng vì các đức tính của anh. Mỗi lời cho thấy một điều đặc biệt về anh. Tôi tin chắc Đức Giê-hô-va cũng nhớ đến anh và sẽ làm cho anh sống lại”.

Chị Esther 88 tuổi nói về điều giúp chị vững tinh thần: “Sau 46 năm sống có đôi, thử thách lớn nhất là sự cô đơn. Nhưng điều đã giúp tôi đối phó nỗi cô đơn là bận rộn với các hoạt động thờ phượng. Tôi không bỏ thói quen tham dự các buổi nhóm họp tại hội thánh, chia sẻ thông điệp Kinh Thánh với người khác và đọc Kinh Thánh. Một điều cũng giúp ích là không tự cô lập mình. Tôi tìm đến những người bạn biết lắng nghe. Dù có lúc họ không biết nói gì để an ủi tôi, nhưng tôi rất quý họ vì đã dành thời gian lắng nghe tôi”.

Sau 48 năm chung sống, vợ anh Robert đã mất vì bệnh ung thư. Anh kể: “Thật đau khổ khi thiếu vắng người mà bạn vẫn cùng tâm sự, bàn bạc, đi du lịch và chia sẻ những niềm vui nỗi buồn thường ngày. Đương đầu với sự mất mát này là cả một thử thách, nhưng tôi quyết tâm không bỏ cuộc, và hướng về phía trước. Tôi chịu khó vận động cơ thể và trí não. Cầu nguyện cũng là nguồn an ủi lớn cho tôi”.

Cuộc sống vẫn ý nghĩa

Dù mất người bạn đời yêu dấu là một trong những nỗi đau lớn nhất mà một người có thể trải qua, nhưng không có nghĩa là mọi thứ đều sụp đổ. Nếu cố gắng nhìn vào mặt tích cực, có thể bạn sẽ thấy giờ đây mình có cơ hội tham gia các hoạt động mà trước đây có ít thời gian để làm, chẳng hạn một số trò tiêu khiển hoặc chuyến du lịch. Những hoạt động này có thể lấp bớt khoảng trống. Đối với một số người, giờ đây là cơ hội để tham gia nhiều hơn vào việc chia sẻ lẽ thật Kinh Thánh. Khi giúp người khác như thế, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được niềm vui và sự thỏa nguyện vì Chúa Giê-su nói: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”.—Công-vụ 20:35.

Đừng nghĩ rằng bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc trở lại. Nếu hướng về Đức Giê-hô-va, chắc chắn bạn sẽ được Ngài chăm sóc. Ông Đa-vít, người viết nhiều bài Thi-thiên, nói: ‘Đức Giê-hô-va nâng-đỡ người góa-bụa’ (Thi-thiên 146:9). Thật ấm lòng khi biết rằng Kinh Thánh không chỉ miêu tả Đức Giê-hô-va là “Cha hay thương-xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi”, mà còn nói Ngài “xòe tay ra, làm cho thỏa nguyện mọi loài sống” (2 Cô-rinh-tô 1:3; Thi-thiên 145:16). Thật vậy, là Đấng yêu thương và có quyền năng, Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẵn sàng giúp những ai khẩn thiết cầu xin Ngài. Mong sao bạn có niềm trông cậy như người Y-sơ-ra-ên xưa đã thể hiện trong lời hát: “Tôi ngước mắt lên trên núi: Sự tiếp-trợ tôi đến từ đâu? Sự tiếp-trợ tôi đến từ Đức Giê-hô-va, là Đấng đã dựng nên trời và đất”.—Thi-thiên 121:1, 2.

[Câu nổi bật nơi trang 19]

Hàng triệu người đang chịu cảnh đau buồn và cô đơn vì mất bạn đời. Đó có phải là hoàn cảnh của bạn không?

[Khung nơi trang 21]

Có nên tái hôn không?

Kinh Thánh cho biết cái chết chấm dứt sự ràng buộc của hôn nhân, nên người còn lại có quyền tái hôn (1 Cô-rinh-tô 7:39). Đây là quyết định cá nhân. Dù cha hoặc mẹ quyết định ra sao, điều quan trọng là con cái cần được biết và ủng hộ khi có thể (Phi-líp 2:4). Như trường hợp của Andrés, lúc đầu anh phản đối việc cha tái hôn vì rất yêu mẹ và cảm thấy không ai được thay thế vị trí của mẹ anh. Anh nói: “Tôi sớm nhận ra cha tôi đã quyết định đúng. Sau khi tái hôn, cha tôi vui vẻ trở lại và bắt đầu làm những việc mà cha đã ngưng một thời gian như đi du lịch. Và dĩ nhiên tôi rất biết ơn dì, vì dì chăm sóc chu đáo cho cha tôi về cả thể chất lẫn tinh thần”.

[Lời chú thích nơi trang 20]

Tiếp tục bận rộn và cầu xin Đức Chúa Trời ban sức chịu đựng sẽ giúp bạn dần nguôi ngoai