Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có biết?

Bạn có biết?

Bạn có biết?

Ngoài Kinh Thánh, có bằng chứng nào cho thấy Chúa Giê-su là một nhân vật có thật?

Một số tác giả sống gần thời Chúa Giê-su đã đề cập đến ngài một cách cụ thể. Trong số đó có ông Cornelius Tacitus, người đã ghi lại lịch sử La Mã dưới thời của các hoàng đế. Nói về một trận hỏa hoạn hủy phá thành Rô-ma vào năm 64 công nguyên (CN), ông Tacitus kể rằng có tin đồn hoàng đế Nero là người chịu trách nhiệm về thảm họa này. Ông Tacitus nói hoàng đế Nero đã cố đổ tội cho một nhóm người mà dân chúng gọi là tín đồ Đấng Christ. Ông viết: “Nhóm người này mang tên của Christus [Christ], là người bị quan tổng đốc Bôn-xơ Phi-lát xử tử dưới triều đại của Ti-be-rơ”.—Sách Annals, XV, 44.

Sử gia Do Thái là ông Flavius Josephus cũng đề cập đến Chúa Giê-su. Trong cuộc thảo luận về các sự kiện diễn ra sau cái chết của Phê-tu, quan tổng đốc La Mã cai trị Giu-đê khoảng năm 62 CN, đến lúc người kế nhiệm của ông là Albinus lên nắm quyền, Josephus viết thầy cả thượng phẩm An-ne “triệu tập các quan án của Tòa Công Luận và mang ra xử một người tên Gia-cơ, em của Giê-su cũng được gọi là Christ, và vài người khác”.—Sách Jewish Antiquities, XX, 200 (ix,1).

Tại sao Chúa Giê-su được gọi là Đấng Christ?

Các sách Phúc âm tường thuật rằng lúc thiên sứ Gáp-ri-ên hiện ra với bà Ma-ri để báo là bà sẽ mang thai, thiên sứ này bảo bà hãy đặt tên cho con mình là Giê-su (Lu-ca 1:31). Đây là tên khá phổ biến của người Do Thái vào thời Kinh Thánh. Sử gia Do Thái là ông Josephus viết về 12 người mang tên này, trừ những người được đề cập trong Kinh Thánh. Con trai của Ma-ri được gọi là “người Na-xa-rét”, điều này giúp nhận ra đó chính là Giê-su đến từ thành Na-xa-rét (Mác 10:47). Ngài cũng được biết đến với tên gọi “Đấng Christ”, hoặc “Giê-su Christ” (Ma-thi-ơ 16:16). Tên này có nghĩa gì?

Từ “Christ” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp là Khri·stos, tương đương với từ Ma·shiʹach (Mê-si) trong tiếng Do Thái. Cả hai từ này đều có nghĩa đen là “Đấng được xức dầu”. Từ này đã được áp dụng cho những người sống trước thời Chúa Giê-su. Chẳng hạn, Môi-se, A-rôn và vua Đa-vít đều chịu xức dầu, nghĩa là họ được Đức Chúa Trời bổ nhiệm vào vị trí gánh vác trách nhiệm và có uy quyền (Lê-vi Ký 4:3; 8:12; 2 Sa-mu-ên 22:51; Hê-bơ-rơ 11:24-26). Chúa Giê-su, Đấng Mê-si đã được báo từ trước, là người đại diện nổi trội nhất của Đức Giê-hô-va. Vì thế, Chúa Giê-su rất thích hợp để nhận danh hiệu “Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống”.—Ma-thi-ơ 16:16; Đa-ni-ên 9:25.

[Hình nơi trang 15]

Tranh vẽ ông Flavius Josephus