Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nhân vật thay đổi thế giới

Nhân vật thay đổi thế giới

Nhân vật thay đổi thế giới

Đời người như chiếc bóng, hiện ra rồi mất đi. Chỉ ít người để lại dấu ấn trong lịch sử và ảnh hưởng đến đời sống chúng ta.

Buổi sáng thức dậy, bạn bật đèn lên để chuẩn bị đi làm. Bạn không quên uống thuốc kháng sinh theo đơn của bác sĩ vì đang bị bệnh. Rồi bạn mang theo tạp chí để đọc trên xe buýt. Vừa mới bắt đầu một ngày mà bạn đã hưởng được lợi ích từ những phát minh của một số nhà tài ba.

Michael Faraday: Nhà vật lý học người Anh, sinh năm 1791, phát minh ra động cơ điện và máy dynamo (máy biến cơ năng thành điện năng). Nhờ những phát minh này, điện được ứng dụng nhiều hơn vào đời sống của con người.

Alexander Fleming: Năm 1928, nhà bác học người Scotland này phát hiện ra một chất kháng sinh và đặt tên là penicillin. Ngày nay trên toàn cầu, thuốc kháng sinh được dùng để trị các bệnh nhiễm khuẩn.

Thái Luân: Là một triều thần của Trung Quốc, ông được xem là người nghĩ ra phương pháp chế tạo giấy vào khoảng năm 105 công nguyên. Từ đó, người ta bắt đầu sản xuất giấy với số lượng lớn.

Johannes Gutenberg: Khoảng năm 1450, nhà phát minh người Đức này đã sáng chế máy in bằng kỹ thuật xếp chữ. Nhờ phát minh ấy, ấn phẩm được sản xuất với giá thành rẻ. Điều này tạo cơ hội cho mọi người được đọc sách báo với đủ đề tài.

Rõ ràng, các phát minh của một số người đã mang lại tiện ích và sức khỏe tốt hơn cho hàng tỉ người.

Tuy nhiên, có một nhân vật vượt trội hơn cả, sống cách đây gần 2.000 năm. Dù không nổi tiếng về những phát minh khoa học hay y khoa và cũng không có địa vị, nhưng ngài đã để lại di sản vô giá: một thông điệp đem lại niềm hy vọng và an ủi. Nếu xét về tầm ảnh hưởng lớn của thông điệp ấy đối với đời sống con người trên toàn cầu thì quả thật ngài là nhân vật thay đổi thế giới!

Nhận vật ấy là Chúa Giê-su Ki-tô. Thông điệp của ngài là gì? Thông điệp ấy có thể thay đổi đời sống bạn như thế nào?