Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Truyền thuyết và sự thật về Chúa Giê-su

Truyền thuyết và sự thật về Chúa Giê-su

Truyền thuyết và sự thật về Chúa Giê-su

BẠN NGHĨ NHỮNG QUAN NIỆM SAU DỰA VÀO TRUYỀN THUYẾT HAY SỰ THẬT?

Chúa Giê-su sinh vào ngày 25 tháng 12.

Ba nhà thông thái đến thăm Chúa Giê-su lúc mới sinh.

Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập tự giá.

Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời xuống thế làm người.

Chúa Giê-su không chỉ là một vị thánh nhân.

Đa số người ta tin rằng những quan niệm trên đều dựa vào sự thật. Một số khác nghĩ khó mà biết thực hư ra sao, thậm chí không thể biết được. Họ cảm thấy điều đó không quan trọng, miễn là họ tin Chúa Giê-su.

Tuy nhiên, Kinh Thánh khuyên chúng ta nên có “sự thông-biết Chúa chúng ta là Jêsus-Christ” (2 Phi-e-rơ 1:8, Ghi-đê-ôn). Muốn đạt được sự hiểu biết thấu đáo ấy, chúng ta cần tra xem các sách Phúc âm. Các sách này cho biết sự thật về Chúa Giê-su, nhờ đó chúng ta phân biệt được đâu là truyền thuyết, đâu là sự thật. Vậy, chúng ta hãy xem các sách Phúc âm nói gì về những quan niệm trên.

QUAN NIỆM: Chúa Giê-su sinh vào ngày 25 tháng 12.

DỰA VÀO: TRUYỀN THUYẾT.

Không có câu nào trong Kinh Thánh nói rõ ngày tháng Chúa Giê-su sinh ra. Vậy, ngày 25 tháng 12 có nguồn gốc từ đâu? Theo Bách khoa từ điển Anh Quốc (The Encyclopædia Britannica), những người xưng mình là môn đồ Chúa Giê-su đã chọn ngày ấy vì “trùng với ngày lễ của dân La Mã ngoại giáo ăn mừng... đông chí là thời điểm mà ngày bắt đầu dài ra và mặt trời bắt đầu lên cao trên bầu trời”. Sách bách khoa trên cũng cho biết nhiều phong tục của Lễ Giáng Sinh bắt nguồn từ “những lễ thờ thần mặt trời và lễ hội nông nghiệp vào giữa mùa đông của ngoại giáo”.

Vậy thì, Chúa Giê-su có hài lòng khi chúng ta ăn mừng ngày sinh của ngài vào ngày 25 tháng 12 không? Hãy thử nghĩ: Chúng ta không biết rõ ngày Chúa Giê-su sinh ra. Không nơi nào trong Kinh Thánh dạy chúng ta phải ăn mừng ngày sinh của ngài, và cũng không có bằng chứng cho thấy các môn đồ thời ban đầu làm lễ đó. Ngược lại, Kinh Thánh cho biết rõ ngày chết của Chúa Giê-su và chính ngài truyền bảo các môn đồ phải làm lễ kỷ niệm ngày ấy (Lu-ca 22:19) *. Rõ ràng, Chúa Giê-su muốn họ xem ngày mà ngài dâng hiến mạng sống mới là quan trọng, chứ không phải ngày sinh của ngài.—Ma-thi-ơ 20:28.

QUAN NIỆM: Ba nhà thông thái (hoặc ba vị vua) đến thăm Chúa Giê-su lúc mới sinh.

DỰA VÀO: TRUYỀN THUYẾT.

Có lẽ bạn từng thấy tranh vẽ hoặc cảnh Chúa hài đồng nằm trong máng cỏ, chung quanh có ba nhà thông thái dâng quà cho ngài. Tuy nhiên, đây chỉ là một cảnh tưởng tượng.

Đúng là có một đoàn người từ phương đông đến thăm Chúa Giê-su, nhưng những người ấy thật ra là các nhà chiêm tinh (Ma-thi-ơ 2:1, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Lúc họ đến, Chúa Giê-su có còn nằm trong máng cỏ nữa không? Không, lúc ấy ngài đang sống trong một căn nhà. Hẳn là họ đến thăm khi Chúa Giê-su được vài tháng tuổi.—Ma-thi-ơ 2:9-11.

Bao nhiêu người đến thăm? 2, 3 hay 30? Kinh Thánh không nói rõ. Họ tặng ba loại quà, có lẽ vì thế mới có truyền thống cho rằng số người đến thăm là ba (Ma-thi-ơ 2:11) *. Một số người còn có ý tưởng là mỗi nhà thông thái đại diện cho một chủng tộc. Nhưng Kinh Thánh không nói đến điều này. Theo một cuốn bình luận các sách Phúc âm, ý tưởng này là của “một sử gia có trí tưởng tượng phong phú sống vào thế kỷ thứ tám”.

QUAN NIỆM: Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập tự giá.

DỰA VÀO: TRUYỀN THUYẾT.

Từ lâu trước thời Chúa Giê-su, người Ba-by-lôn dùng thập tự giá để thờ phượng thần sinh sản Tammuz. Việc sử dụng cây thập tự đã lan truyền đến Ai Cập, Ấn Độ, Syria và Trung Quốc. Tuy nhiên, những người thờ phượng Đức Chúa Trời không bao giờ dùng thập tự giá.

Khi nói đến vật mà người ta dùng để hành hình Chúa Giê-su, các sách Phúc âm theo Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng dùng từ Hy Lạp stau·rosʹ. Từ này chỉ một cây cọc hoặc trụ thẳng đứng. Để nói đến vật đó, những người viết Kinh Thánh cũng sử dụng một từ khác đồng nghĩa với stau·rosʹ xyʹlon có nghĩa là cây gỗ, chứ không phải hai cây gỗ bắc chéo nhau (Công-vụ 5:30; 10:39; Ga-la-ti 3:13; 1 Phi-e-rơ 2:24). Mãi 300 năm sau khi Chúa Giê-su chết, người ta mới phổ biến ý tưởng là ngài chết trên thập tự giá. Ý tưởng này dựa trên truyền thống và do người ta hiểu sai từ Hy Lạp stau·rosʹ. Điều đáng lưu ý là một số hình vẽ thời xưa đã miêu tả cách người La Ma hành hình các tử tội trên một cây gỗ.

Hơn nữa, thờ thập tự giá không khác gì thờ hình tượng, là thực hành mà Kinh Thánh lên án (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:2-5; Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:25, 26). Sứ đồ Giăng nói lên quan điểm của môn đồ chân chính khi ông khuyên anh em đồng đạo: “Hãy giữ mình về hình-tượng!”.—1 Giăng 5:21.

QUAN NIỆM: Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời xuống thế làm người.

DỰA VÀO: TRUYỀN THUYẾT.

Khái niệm này là trọng tâm của giáo lý Chúa Ba Ngôi và đã có từ lâu, nhưng chưa có vào thời Chúa Giê-su. Cuốn Bách khoa từ điển Anh Quốc cho biết: “Trong Tân ước không có từ Chúa Ba Ngôi, cũng không dạy giáo lý đó một cách rõ ràng... Giáo lý này dần hình thành qua nhiều thế kỷ và nhiều cuộc tranh cãi”.

Tôn giáo tỏ ra thiếu tôn trọng Chúa Giê-su khi dạy rằng ngài là Đức Chúa Trời giáng thế làm người *. Vì sao? Hãy xem xét một minh họa: Vài công nhân xin người quản lý một điều gì đó, nhưng ông trả lời rằng điều đó không thuộc quyền hạn của ông. Nếu thật như vậy, thì người quản lý đã ý thức được quyền của mình có giới hạn. Còn nếu không, ông đã lừa dối công nhân vì ông có quyền đáp ứng điều họ xin nhưng không làm.

Chúa Giê-su trả lời thế nào khi hai môn đồ thân cận xin ngài cho họ địa vị cao? Ngài đáp: “Ngồi bên hữu hay bên tả ta, thì chẳng phải tự ta cho được; ấy là cho những người nào mà Cha ta đã sửa-soạn cho” (Ma-thi-ơ 20:23). Nếu Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời, ngài trả lời như thế chẳng phải là nói dối các môn đồ sao? Sự thật là ngài phó thác vấn đề cho Đấng có quyền cao hơn, qua đó ngài cho thấy mình không ngang hàng với Đức Chúa Trời và nêu gương về sự khiêm nhường.

QUAN NIỆM: Chúa Giê-su không chỉ là một vị thánh nhân.

DỰA VÀO: SỰ THẬT.

Chúa Giê-su nói rõ: “Ta là Con Đức Chúa Trời” (Giăng 10:36). Đành rằng, bất cứ ai cũng có thể nói như thế. Nhưng là bậc thánh nhân, Chúa Giê-su không lừa dối người khác.

Chính Đức Chúa Trời đã làm chứng Chúa Giê-su là Con Ngài. Hai lần Ngài phán từ trời: “Nầy là Con yêu dấu của ta” (Ma-thi-ơ 3:17; 17:5). Hãy thử nghĩ: Kinh Thánh chỉ kể lại vài lần Đức Chúa Trời phán từ trời, nhưng trong số đó có hai lần Đức Chúa Trời khẳng định Chúa Giê-su là Con Ngài. Đây là lời chứng hùng hồn nhất chứng tỏ Chúa Giê-su không giả trá.

Qua bài này, bạn biết thêm điều gì về Chúa Giê-su không? Nếu có, sao bạn không tìm hiểu tiếp các sách Phúc âm? Cuộc tìm hiểu này thật ý nghĩa và mang lại sự thỏa lòng. Vì chính Chúa Giê-su nói những ai học biết sự thật về ngài và Cha ngài sẽ được sống đời đời.—Giăng 17:3.

[Chú thích]

^ đ. 13 Chúa Giê-su chết vào ngày Lễ Vượt Qua hoặc ngày 14 tháng Ni-san, theo lịch Do Thái.—Ma-thi-ơ 26:2.

^ đ. 18 Sách Ma-thi-ơ tường thuật rằng những khách từ đông phương dâng quà cho Chúa Giê-su là vàng, nhũ hương và một dược. Những quà quý này được dâng đúng lúc vì gia đình ngài không giàu có và sắp phải đi lánh nạn.—Ma-thi-ơ 2:11-15.

^ đ. 27 Muốn xem xét thêm về giáo lý Chúa Ba Ngôi, xin xem sách Bạn có nên tin thuyết Chúa Ba Ngôi không?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Khung/​Hình nơi trang 14]

Vài điểm có thể bạn chưa biết

Chúa Giê-su là người như thế nào? Ngài có phải là người khô khan, lạnh lùng và xa cách dân chúng không? Một số người nghĩ như thế, và ngạc nhiên khi được biết Chúa Giê-su từng...

• tham dự bữa tiệc vui vẻ.—Giăng 2:1-11.

• khen ngợi người khác.—Mác 14:6-9.

• dành thời gian cho trẻ con.—Mác 10:13, 14.

• khóc trước mặt nhiều người.—Giăng 11:35.

• động lòng thương xót.—Mác 1:40, 41.