Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thượng Đế làm gì?

Thượng Đế làm gì?

Thượng Đế làm gì?

“Đức Giê-hô-va ôi! Vì cớ gì Ngài đứng xa, lúc gian-truân tại sao Ngài ẩn mình đi?” *.—THI-THIÊN 10:1.

Chỉ cần lướt qua những tin trên báo chí, chúng ta thấy mình thật đang sống trong “lúc gian-truân”. Đôi khi, chính chúng ta cũng gặp đau khổ—mất người thân, bị tai nạn, là nạn nhân của tội ác. Lúc ấy, có lẽ chúng ta tự hỏi: Thượng Đế có thấy không? Ngài có quan tâm không? Sao Ngài ẩn mình đi?

Tuy nhiên, bạn có nghĩ chúng ta hay đặt những câu hỏi trên vì có cái nhìn hạn hẹp về Thượng Đế không? Để minh họa, hãy tưởng tượng một em nhỏ rất buồn vì cha không ở nhà với em do phải đi làm. Em nhớ cha và mong cha mau về. Em cảm thấy mình bị bỏ rơi, và cả ngày luôn miệng hỏi: “Cha đâu rồi?”.

Hẳn chúng ta nhận thấy cái nhìn của em nhỏ đó là chưa đúng, vì lúc này cha em đang làm việc để chăm lo cho gia đình. Vậy, khi hỏi: “Thượng Đế đâu rồi?”, có thể nào vấn đề là chúng ta cũng có cái nhìn hạn hẹp như thế?

Chẳng hạn, một số người xem Thượng Đế (Đức Chúa Trời) là Đấng hành phạt, họ muốn Ngài trừng trị ngay kẻ ác. Số khác coi Ngài không hơn gì một ông già Noel, có nhiệm vụ ban ân huệ như: việc làm, người bạn đời hay một vé số trúng giải độc đắc.

Với quan điểm trên, người ta cho rằng nếu Đức Chúa Trời không thi hành công lý ngay hoặc không đáp ứng điều họ mong ước, thì có nghĩa là Ngài chẳng quan tâm đến nỗi thống khổ cũng như chẳng đoái đến nhu cầu của họ. Tuy nhiên, điều này không đúng. Hiện giờ, Đức Chúa Trời đang làm việc để chăm lo cho nhân loại, dù không như ý nhiều người muốn.

Vậy, Đức Chúa Trời làm gì? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần trở lại buổi đầu lịch sử của nhân loại khi mối quan hệ giữa loài người với Đức Chúa Trời bị tổn hại nghiêm trọng, nhưng không phải là vô phương cứu chữa.

Hậu quả tai hại của tội lỗi

Thử tưởng tượng một ngôi nhà ban đầu rất đẹp, nhưng nay đang trong tình trạng tồi tệ. Mái nhà thì sập, cửa long ra và bên ngoài thì hư hại. Vì ngôi nhà hư hỏng nặng trong nhiều năm nên việc sửa chữa đòi hỏi nhiều công sức và thời gian.

Tương tự thế, nhân loại rơi vào tình trạng tồi tệ khi một thần linh tên là Sa-tan xúi giục tổ tiên của loài người nghịch lại Đức Chúa Trời, cách đây khoảng 6.000 năm. Ban đầu, tổ tiên của chúng ta là ông A-đam và bà Ê-va có sức khỏe hoàn hảo cùng triển vọng sống đời đời, con cháu của họ sau này lẽ ra cũng có triển vọng đó (Sáng-thế Ký 1:28). Thế nhưng, A-đam và Ê-va đã phạm tội, do đó họ hủy hoại tương lai của con cháu.

Chúng ta cần ý thức rõ hậu quả tai hại mà hành động phản nghịch đó gây ra cho loài người. Kinh Thánh cho biết: “Bởi một người [A-đam] mà tội-lỗi vào trong thế-gian, lại bởi tội-lỗi mà có sự chết” (Rô-ma 5:12). Không những gây ra sự chết, tội lỗi còn làm tổn hại mối quan hệ giữa loài người với Đức Chúa Trời, cũng như phương hại đến thể chất, trí tuệ và tinh thần của con người. Vì thế, tình trạng của nhân loại giống như một ngôi nhà xập xệ. Người công bình tên là Gióp nói tóm tắt như sau: “Tuổi đời [con người] ngắn ngủi, mà âu lo chồng chất”.—Gióp 14:1, Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

Tuy nhiên, Đức Chúa Trời có bỏ mặc loài người sau khi A-đam và Ê-va phạm tội không? Không, Ngài vẫn đang làm việc vì lợi ích của nhân loại. Để hiểu rõ hơn điều này, chúng ta hãy xem ba bước cần thiết hầu sửa chữa một ngôi nhà, rồi so sánh với những bước Đức Chúa Trời tiến hành nhằm cứu chữa nhân loại.

1 Chủ nhà đánh giá mức thiệt hại của ngôi nhà rồi quyết định sửa chữa hay phá bỏ.

Ngay sau khi cặp vợ chồng đầu tiên phản nghịch, Đức Chúa Trời cho biết Ngài có ý định cứu chữa nhân loại. Ngài nói với thần linh cầm đầu cuộc phản nghịch: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng-dõi mầy cùng dòng-dõi người nữ nghịch-thù nhau. Người sẽ giày-đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người”.—Sáng-thế Ký 3:15.

Qua lời này, Giê-hô-va Đức Chúa Trời hứa sẽ diệt trừ kẻ chủ mưu (Rô-ma 16:20; Khải-huyền 12:9). Ngài cũng báo một “dòng-dõi” * sẽ đến để chuộc tội lỗi cho nhân loại (1 Giăng 3:8). Như vậy, Đức Chúa Trời hứa sẽ cứu chữa chứ không phá bỏ công trình sáng tạo của Ngài. Tuy nhiên, công việc cứu chữa nhân loại sẽ cần nhiều thời gian.

2 Kiến trúc sư chuẩn bị bản vẽ để tiến hành việc sửa chữa.

Giê-hô-va Đức Chúa Trời chọn dân Do Thái, rồi ban cho họ một bộ luật cùng kiểu mẫu đền thờ để họ thờ phượng Ngài. Về bộ luật và đền thờ, Kinh Thánh nói: “Ấy đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới” (Cô-lô-se 2:17). Những điều đó giống như bản vẽ chỉ mô phỏng những điều lớn hơn.

Chẳng hạn, dân Do Thái phải dâng những con thú làm lễ vật để chuộc tội (Lê-vi Ký 17:11). Nghi thức này là hình bóng cho một sự dâng hiến lớn hơn, vào nhiều thế kỷ sau. Sự dâng hiến ấy mới thật sự chuộc tội cho nhân loại *. Kiểu mẫu của đền tạm và đền thờ cũng là hình bóng cho những việc mà Dòng Dõi hay Đấng Giải Cứu sẽ làm như hy sinh mạng sống và lên trời.—Xin xem  khung nơi trang 7.

3 Thợ cả thực hiện việc sửa chữa theo bản vẽ.

Chúa Giê-su là Đấng Giải Cứu được hứa trước. Như thợ cả làm theo bản vẽ, Chúa Giê-su đã dâng hiến mạng sống để chuộc tội cho nhân loại, đúng theo nghi thức dâng lễ vật của dân Do Thái. Vì thế, Kinh Thánh gọi ngài là “Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội-lỗi thế-gian đi” (Giăng 1:29). Chúa Giê-su sẵn sàng đảm nhận sứ mệnh này, ngài nói: “Ta từ trên trời xuống, chẳng phải để làm theo ý ta, nhưng làm theo ý Đấng đã sai ta đến”.—Giăng 6:38.

Trong ý định của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su không những “phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người” mà còn ban Nước Đức Chúa Trời cho các môn đồ ngài (Ma-thi-ơ 20:28; Lu-ca 22:29, 30). Nước này là chính phủ mà Đức Chúa Trời đã lập ở trên trời để thực hiện ý định của Ngài đối với nhân loại, và sẽ trị vì khắp đất. Vì thế, thông điệp về Nước Đức Chúa Trời được gọi là ‘tin mừng’.—Ma-thi-ơ 24:14; Đa-ni-ên 2:44. *

Công việc cứu chữa vẫn tiếp tục

Trước khi lên trời, Chúa Giê-su ra lệnh cho các môn đồ: ‘Hãy đi dạy-dỗ muôn-dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và thánh-linh mà làm phép báp-têm cho họ... Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận-thế’.—Ma-thi-ơ 28:19, 20.

Như vậy, công việc cứu chữa nhân loại không chấm dứt khi Chúa Giê-su lên trời, mà vẫn tiếp tục cho đến kỳ cuối cùng của thời đại này, là thời kỳ Nước Đức Chúa Trời bắt đầu trị vì. Thời kỳ đó đến rồi. Chúng ta biết điều này vì những điềm Chúa Giê-su báo trước về thời kỳ ấy đang ứng nghiệm *.—Ma-thi-ơ 24:3-14; Lu-ca 21:7-11; 2 Ti-mô-thê 3:1-5.

Ngày nay, trên 236 quốc gia và vùng lãnh thổ, Nhân Chứng Giê-hô-va đi loan báo tin mừng về Nước Đức Chúa Trời, theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su. Tạp chí bạn đang đọc được biên soạn nhằm giúp bạn biết về Nước này, và những gì Nước này sẽ thực hiện. Trên trang 2 của mỗi số Tháp Canh, bạn sẽ thấy lời mở đầu sau: “Tạp chí này rao tin mừng về Nước của Đức Chúa Trời để an ủi người ta. Nước này là một chính phủ có thật ở trên trời và không lâu nữa sẽ loại bỏ mọi điều ác, biến trái đất thành một địa đàng. Tạp chí khuyến khích người ta đặt đức tin nơi Chúa Giê-su Christ, đấng đã hy sinh mạng sống để chúng ta có thể nhận được sự sống vĩnh cửu, và ngài hiện đang cai trị với tư cách là vua Nước Trời”.

Hiện giờ, bạn vẫn nghe tin về những vụ khủng bố, thiên tai hoặc chính bạn cũng gặp cảnh đau thương. Tuy nhiên, khi tìm hiểu Kinh Thánh, bạn sẽ biết Đức Chúa Trời không ẩn mình đi. Trái lại, “Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta” (Công-vụ 17:27). Đức Giê-hô-va chắc chắn sẽ làm trọn lời hứa là cứu chữa nhân loại, và cho họ hưởng những gì mà tổ tiên đã đánh mất.—Ê-sai 55:11.

[Chú thích]

^ đ. 2 Giê-hô-va là danh của Thượng Đế, theo Kinh Thánh.

^ đ. 16 Muốn hiểu rõ về câu Sáng-thế Ký 3:15, xin xem sách Hãy đến gần Đức Giê-hô-va, chương 19, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 19 Muốn biết thêm thông tin, xin xem sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, chương 5, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 22 Muốn biết thêm thông tin về Nước Đức Chúa Trời, xin xem sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, chương 8.

^ đ. 25 Muốn biết thêm thông tin, xin xem sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, chương 9.

[Bảng thống kê/​Các hình nơi trang 7]

 (Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

“Kiểu-mẫu nơi thánh thật”​—Đền tạm là hình bóng cho điều gì?

BÀN THỜ

Việc Đức Chúa Trời sẵn lòng chấp nhận sự hy sinh của Chúa Giê-su.​—HÊ-BƠ-RƠ 13:10-​12.

THẦY TẾ LỄ THƯỢNG PHẨM

Chúa Giê-su.​—HÊ-BƠ-RƠ 9:​11.

1 Vào ngày Lễ Chuộc Tội, thầy tế lễ thượng phẩm dâng lễ vật để chuộc tội cho dân.​—LÊ-VI KÝ 16:15, 29-​31.

1 Vào ngày 14 tháng Ni-san năm 33 công nguyên, Chúa Giê-su hy sinh mạng sống vì chúng ta.​—HÊ-BƠ-RƠ 10:​5-​10; 1 GIĂNG 2:​1, 2.

NƠI THÁNH

Vị thế của Chúa Giê-su từ khi được xức dầu bằng thánh linh, với triển vọng lên trời.​—MA-THI-Ơ 3:​16, 17; RÔ-MA 8:​14-​17; HÊ-BƠ-RƠ 5:​4-6.

BỨC MÀN

Thân thể của Chúa Giê-su, điều ngăn cách đời sống trên đất và sự sống trên trời.​—1 CÔ-RINH-TÔ 15:​44, 50; HÊ-BƠ-RƠ 6:​19, 20; 10:19, 20.

2 Thầy tế lễ thượng phẩm sang bên kia bức màn ngăn nơi Thánh và nơi Chí Thánh.

2 Sau khi sống lại, Chúa Giê-su sang bên kia bức màn nghĩa là lên trời để “vì chúng ta hiện ra trước mặt Đức Chúa Trời”.​—HÊ-BƠ-RƠ 9:​24-​28.

NƠI CHÍ THÁNH

Trời.​—HÊ-BƠ-RƠ 9:​24.

3 Khi vào bên trong nơi Chí Thánh, thầy tế lễ thượng phẩm rảy chút huyết trước hòm giao ước.​—LÊ-VI KÝ 16:12-​14.

3 Chúa Giê-su trình giá trị của huyết ngài đã đổ ra, huyết của ngài mới thật sự chuộc tội cho chúng ta.​—HÊ-BƠ-RƠ 9:⁠12, 24; 1 PHI-E-RƠ 3:​21, 22.