Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc

Dạy con thành người có trách nhiệm

Dạy con thành người có trách nhiệm

Anh George *: “Tối nào cũng vậy, đứa con trai 4 tuổi của tôi là Michael bày đồ chơi bừa bãi khắp nhà. Tôi cố bảo cháu dọn dẹp đồ chơi trước khi cho cháu đi ngủ nhưng Michael trở nên kích động, la hét và giãy nảy. Đôi khi tôi quá bực mình đến mức la mắng cháu, nhưng điều đó chỉ làm hai cha con cảm thấy tệ hơn. Tôi muốn giờ đi ngủ phải được thoải mái. Vì thế, tôi không ép cháu nữa và tự dọn dẹp đống bừa bộn”.

Chị Emily: “Vấn đề bắt đầu khi con gái 13 tuổi của tôi là Jenny không hiểu rõ yêu cầu của cô giáo về bài tập. Khi về nhà, Jenny khóc cả tiếng đồng hồ. Tôi bảo cháu sao không hỏi cô nhưng cháu cứ nói rằng cô giáo rất khó tính nên cháu không dám nói chuyện với cô. Tôi muốn tới trường ngay để cho cô biết rõ tôi nghĩ gì về cô. Tôi nghĩ không ai có quyền làm con gái cưng của tôi khổ sở!”.

Bạn có bao giờ cảm thấy như anh George và chị Emily chưa? Như họ, nhiều bậc cha mẹ không muốn thấy con mình khổ sở đương đầu với vấn đề hoặc buồn bã. Việc cha mẹ cố bảo vệ con là điều tự nhiên. Nhưng, những tình huống được đề cập ở trên thật ra là cơ hội để cha mẹ dạy con bài học quý giá về tinh thần trách nhiệm. Dĩ nhiên, bài học mà một em 4 tuổi và một em 13 tuổi có thể học được thì khác nhau.

Sự thật là bạn sẽ không luôn luôn ở bên cạnh để che chở con cái trước những khó khăn của cuộc sống, vì sau này con cái cũng sẽ lìa cha mẹ và “gánh lấy riêng” phần trách nhiệm (Ga-la-ti 6:5; Sáng-thế Ký 2:24). Để giúp con cái có thể tự lo cho bản thân, cha mẹ nên tập trung vào mục tiêu dạy chúng trở thành người bất vị kỷ, biết quan tâm và có tinh thần trách nhiệm. Điều này không dễ làm!

Mừng thay, các bậc cha mẹ có được gương mẫu tuyệt hảo của Chúa Giê-su trong việc đối xử và huấn luyện các môn đồ. Chúa Giê-su không phải là một người cha. Tuy nhiên, khi chọn và huấn luyện các môn đồ, mục tiêu của ngài là giúp họ thực hiện công việc mà ngài đã khởi xướng, ngay cả tiếp tục thi hành công việc ấy sau khi ngài qua đời (Ma-thi-ơ 28:19, 20). Điều Chúa Giê-su đạt được tương tự với điều mà cha mẹ mong muốn: dạy con thành người có trách nhiệm. Chúng ta hãy xem xét ba khía cạnh mà Chúa Giê-su đã nêu gương cho các bậc cha mẹ.

Làm gương cho con.

Khi gần cuối đời, Chúa Giê-su bảo các môn đồ: “Ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi” (Giăng 13:15). Tương tự, cha mẹ cần giải thích và qua gương mẫu cho con thấy rõ thế nào là tinh thần trách nhiệm.

Hãy tự hỏi: “Tôi có thường nói về việc đảm đương trách nhiệm một cách tích cực không? Tôi có nói về sự thỏa lòng mình có khi bỏ công sức vì người khác không? Hay tôi thường than phiền và so sánh mình với những người dường như có đời sống thoải mái hơn?”.

Đành rằng, không ai hoàn hảo cả. Và có lúc chúng ta cảm thấy mệt mỏi. Nhưng gương của bạn có lẽ là cách tốt nhất để giúp con thấy được tầm quan trọng và giá trị của tinh thần trách nhiệm.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Nếu có thể thì thỉnh thoảng hãy dẫn con đến sở làm, cho con thấy bạn làm gì để chu cấp cho gia đình. Hãy làm công việc tình nguyện mà con có thể cùng tham gia với bạn. Sau đó, hãy nói về niềm vui bạn có được khi thực hiện trách nhiệm này.—Công-vụ 20:35.

Mong đợi hợp lý.

Chúa Giê-su biết rằng để các môn đồ có khả năng đảm nhận vai trò và trách nhiệm mà ngài mong chờ ở họ thì cần phải có thời gian. Chúa Giê-su có lần nói với họ: “Ta còn có nhiều chuyện nói với các ngươi nữa; nhưng bây giờ những điều đó cao quá sức các ngươi” (Giăng 16:12). Ngài không đòi hỏi các môn đồ phải tự làm việc gì ngay. Thay vì thế, ngài dành thời gian để dạy họ nhiều điều. Chỉ sau khi Chúa Giê-su thấy họ có đủ khả năng thì ngài mới để họ tự làm.

Tương tự, thật không hợp lý khi cha mẹ đòi hỏi con đảm nhận các trách nhiệm của người lớn trước khi chúng có khả năng. Thậm chí khi con lớn dần, cha mẹ nên quyết định những việc nào là phù hợp với chúng. Chẳng hạn, cha mẹ cần dạy con tự biết trách nhiệm vệ sinh thân thể, dọn dẹp phòng, phải đúng giờ và biết cách dùng tiền. Khi con bắt đầu đi học, cha mẹ có quyền mong đợi con xem việc làm bài tập là trách nhiệm quan trọng.

Cha mẹ không chỉ giao trách nhiệm cho con mà cũng phải hỗ trợ khi con cố gắng hoàn thành trách nhiệm ấy. Anh George, người cha được đề cập ở trên, nhận ra một trong những lý do khiến Michael bực bội về việc dọn dẹp đồ chơi là vì việc đó dường như quá khó đối với em. Anh George nói: “Thay vì la và bắt cháu phải dọn đồ chơi, tôi cố gắng dạy cháu biết cách thu dọn”.

Cụ thể là anh đã làm gì? Anh George cho biết: “Trước tiên, tôi định giờ nào mỗi tối phải dọn dẹp đồ chơi. Sau đó, tôi cùng dọn với Michael, từng góc một. Tôi biến việc đó thành trò chơi, thậm chí thi xem ai làm nhanh nhất. Không lâu sau, việc này trở thành nề nếp trước giờ ngủ. Tôi hứa với Michael rằng nếu cháu dọn nhanh tôi sẽ đọc thêm cho cháu nghe một câu chuyện nữa. Nhưng nếu cháu rề rà, giờ đọc truyện sẽ bị cắt bớt”.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Hãy xem xét điều gì là hợp lý để mong đợi mỗi đứa con phải làm hầu công việc nhà được trôi chảy. Hãy tự hỏi: “Có việc gì tôi còn làm giùm con trong khi chúng có thể tự làm không?”. Nếu có, hãy cùng làm với con cho đến khi chúng có thể tự làm lấy. Hãy nói rõ cho con biết nếu hoàn thành nhiệm vụ thì con sẽ được gì, hoặc nếu không thì sẽ ra sao. Sau đó, cha mẹ hãy thực hiện những gì mình đã nói.

Hướng dẫn rõ ràng.

Chúa Giê-su cũng như các giáo viên giỏi biết rằng cách tốt nhất để học là thực hành. Chẳng hạn, vào lúc thích hợp, Chúa Giê-su phái các môn đồ theo “từng đôi đi trước Ngài, đến các thành các chỗ mà chính Ngài sẽ đi” (Lu-ca 10:1). Tuy nhiên, ngài không chỉ giao công việc rồi bỏ mặc họ. Trước khi phái các môn đồ đi, Chúa Giê-su cho họ những chỉ dẫn rõ ràng (Lu-ca 10:2-12). Khi họ trở về báo cáo thành quả, Chúa Giê-su đã khen và khích lệ họ (Lu-ca 10:17-24). Chúa Giê-su cho biết ngài tin nơi khả năng của môn đồ và hài lòng về họ.

Nếu con gặp khó khăn khi thực hiện trách nhiệm, bạn phản ứng thế nào? Bạn có tìm cách che chở con khỏi các vấn đề khiến chúng sợ hãi, bảo vệ chúng hầu chúng không chán nản hoặc thất bại không? Có lẽ phản ứng đầu tiên của bạn là “cứu” con mình hoặc gánh lấy phần của con.

Tuy nhiên, hãy xem xét điều này: Mỗi khi bạn lao vào để “cứu” con, thật ra bạn đang cho thấy điều gì? Bạn có cho thấy mình tin con có khả năng không? Hay bạn đang ngụ ý rằng con là một đứa trẻ kém cỏi, mọi việc đều phải nhờ cậy nơi bạn?

Chẳng hạn, chị Emily, được đề cập ở trên, đã phản ứng thế nào trước vấn đề của con? Thay vì can thiệp, chị đã để Jenny nói chuyện với cô. Chị Emily cùng Jenny viết ra một loạt câu hỏi để em đem đến trường. Sau đó, hai mẹ con bàn khi nào nên đến nói chuyện với cô, ngay cả dự đoán các tình huống và tập cách đối đáp. Chị Emily kể: “Cháu Jenny đã có được can đảm để nói chuyện với cô và cô giáo khen vì cháu đã chủ động đến gặp cô. Jenny cảm thấy tự hào và tôi cũng hãnh diện về con gái tôi”.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Hãy viết ra một khó khăn mà con bạn đang đối mặt. Kế đó, hãy viết ra những điều bạn có thể làm để giúp con đối phó mà không cần “cứu” con. Tập với con những cách để vượt qua khó khăn. Hãy cho con biết rằng bạn tin chúng có khả năng.

Nếu lúc nào bạn cũng che chở con trước khó khăn, có lẽ bạn đang làm con không phát huy được khả năng ứng phó với những trở ngại trong đời sống. Thay vì thế, bạn hãy giúp con có khả năng đảm nhận trách nhiệm. Khi làm như vậy, bạn đang cho con một trong những món quà quý giá nhất.

^ đ. 3 Một số tên đã đổi.

HÃY TỰ HỎI:

  • Tôi có mong đợi hợp lý nơi con mình không?

  • Tôi có nói và chỉ cho con biết chúng cần làm gì để thành công không?

  • Lần gần đây nhất tôi khích lệ hoặc khen con là khi nào?