Bạn có biết?
Bạn có biết?
Cửa thành là một nơi như thế nào mà Kinh Thánh nhiều lần đề cập?
▪ Vào thời Kinh Thánh, hầu hết các thành đều được bao bọc bởi các bức tường kiên cố. Trong nhiều cửa thành, có những nơi để người ta gặp gỡ nhau, mua bán và trao đổi tin tức. Đây cũng là nơi để đọc cáo thị và có lẽ các nhà tiên tri công bố thông điệp của họ (Giê-rê-mi 17:19, 20). Sách Đất thánh và Kinh Thánh (The Land and the Book) cho biết: “Hầu như mọi giao dịch công cộng đều diễn ra tại hoặc gần cửa thành”. Vào thời dân Y-sơ-ra-ên xưa, cửa thành gần giống như nhà văn hóa của các tỉnh thành ngày nay.
Chẳng hạn, Áp-ra-ham mua đất của Ép-rôn để làm mộ địa cho gia đình “trước mặt có các dân họ Hếch cùng mọi người đến cửa thành” (Sáng-thế Ký 23:7-18). Ông Bô-ô mời mười trưởng lão của thành Bết-lê-hem ngồi tại cửa thành. Trước mặt họ, ông thu xếp để Ru-tơ và di sản của người chồng quá cố sao cho phù hợp với luật pháp liên quan tới việc tái hôn với anh hoặc em chồng (Ru-tơ 4:1, 2). Khi trưởng lão của một thành thực hiện vai trò quan xét, họ sẽ ngồi tại cửa thành để lắng nghe sự việc, ra phán quyết và thi hành án.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 21:19.
Kinh Thánh nói đến loại vàng hảo hạng có ở Ô-phia, vậy địa danh này ở đâu?
▪ Gióp là sách đầu tiên đề cập đến “vàng Ô-phia” và xem nó tương đương với “vàng ròng” (Gióp 28:15, 16). Khoảng 600 năm sau thời của Gióp, vua Đa-vít gom “vàng Ô-phia” để xây đền thờ của Đức Giê-hô-va tại Giê-ru-sa-lem. Con ông là Sa-lô-môn cũng thu vàng từ Ô-phia về.—1 Sử-ký 29:3, 4; 1 Các Vua 9:28.
Theo Kinh Thánh, Sa-lô-môn có một đoàn tàu được đóng tại Ê-xi-ôn-Ghê-be, trên Biển Đỏ, đã mang vàng từ Ô-phia về (1 Các Vua 9:26). Các học giả xác định Ê-xi-ôn-Ghê-be nằm ở đầu vịnh Aqaba, gần vùng mà ngày nay gọi là Elat và Aqaba. Từ đây, đoàn tàu có thể đi đến bất cứ nơi nào của Biển Đỏ hoặc những trạm thông thương xa xôi của bờ biển châu Phi hoặc Ấn Độ, những nơi này có thể là địa danh Ô-phia. Tuy nhiên, những người khác tin rằng Ô-phia là ở Ả Rập, nơi mà người ta tìm thấy những mỏ vàng thời xưa và thậm chí ngày nay vẫn còn khai thác vàng tại đây.
Dù các mỏ vàng của Sa-lô-môn chỉ là truyền thuyết (như một số người nghĩ thế) nhưng nhà nghiên cứu Ai Cập cổ đại là ông Kenneth A. Kitchen viết: “Vàng Ô-phia không là truyền thuyết. Một mảnh gốm của người Do Thái có lẽ có từ thế kỷ thứ 8 [trước công nguyên] có khắc vắn tắt: “Vàng Ô-phia gửi đến Bết-Hô-rôn, 30 siếc lơ [340g]”. Vậy, Ô-phia là nơi có vàng, giống như “vàng của Amau”, “vàng của Punt” hoặc “vàng của Kush” trong các văn bản của người Ai Cập—vàng trong mỗi trường hợp đó mang tên của vùng đất, loại đất hoặc chất lượng đất”.
[Hình nơi trang 15]
Áp-ra-ham tại cửa thành, đang tìm mua đất
[Hình nơi trang 15]
Mảnh gốm của người Do Thái có khắc tên Ô-phia
[Nguồn tư liệu]
Collection of Israel Antiquities Authority, Photo © The Israel Museum, Jerusalem