Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Các vì sao có ảnh hưởng đến bạn không?

Các vì sao có ảnh hưởng đến bạn không?

Các vì sao có ảnh hưởng đến bạn không?

Vào đêm không mây, quan sát từ nơi không có ánh đèn, bầu trời trông như tấm vải nhung đen tuyền đính vô số hạt kim cương lấp lánh. Khoảng ba thế kỷ rưỡi qua, con người mới hiểu rằng các ngôi sao là những thiên thể cực lớn và cách xa trái đất. Ngày nay, chúng ta bắt đầu hiểu những lực mạnh mẽ đang điều khiển vũ trụ bao la.

Từ xưa, con người đã quan sát sự chuyển động chính xác của các thiên thể, và vị trí của chúng trên bầu trời theo từng mùa (Sáng-thế Ký 1:14). Điều này khiến nhiều người thán phục như vị vua của dân Y-sơ-ra-ên là Đa-vít, cách đây khoảng 3.000 năm, đã nói: “Khi tôi nhìn-xem các từng trời là công-việc của ngón tay Chúa, mặt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã đặt, loài người là gì, mà Chúa nhớ đến?”.—Thi-thiên 8:3, 4.

Dù chúng ta có nhận ra hay không, các thiên thể và sự chuyển động của chúng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người. Mặt Trời—ngôi sao mà Trái Đất quay quanh—ấn định độ dài của ngày và năm, là những đơn vị đo thời gian căn bản của con người. Mặt Trăng “chỉ thì-tiết” hay “phân định mùa” (Thi-thiên 104:19; Bản Dịch Mới). Nhờ những ngôi sao, các thủy thủ xác định vị trí một cách chắc chắn, và những phi hành gia có thể định hướng tàu vũ trụ. Vì thế, một số người thắc mắc ngoài việc ấn định thời gian, phân định mùa và khiến chúng ta thán phục công trình của Đức Chúa Trời, các ngôi sao còn làm gì cho chúng ta không? Liệu chúng có cho biết tương lai và những tai họa sắp xảy ra?

Nguồn gốc và mục đích của thuật chiêm tinh

Thuật xem sao tìm điềm để định hướng trong cuộc sống bắt nguồn từ vùng Mê-sô-bô-ta-mi, và có lẽ có từ 3.000 năm trước công nguyên (TCN). Các chiêm tinh gia thời xưa là những người chăm chỉ quan sát bầu trời. Thiên văn học ra đời từ những cố gắng của họ trong việc phác thảo bản đồ về đường đi của các thiên thể, ghi lại vị trí các ngôi sao, lập lịch và dự đoán nhật thực, nguyệt thực. Tuy nhiên, các nhà chiêm tinh không chỉ quan sát ảnh hưởng tự nhiên của mặt trời, mặt trăng đối với môi trường của chúng ta. Họ còn cho rằng vị trí của mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao và chòm sao báo trước những biến cố lớn sẽ xảy ra trên trái đất, và ngay cả định đoạt số mệnh của mỗi người. Như thế nào?

Một số chiêm tinh gia xem các thiên thể để tìm điềm báo trước việc lành và dữ, họ tin người ta có thể dùng sự hiểu biết đó và được lợi ích về nhiều khía cạnh. Số khác nghĩ nhờ thuật chiêm tinh, chúng ta biết được số mệnh và thời điểm tốt nhất để làm một công việc gì đó. Những tiên đoán này dựa trên việc quan sát vị trí của các thiên thể quan trọng, cũng như nghiên cứu sự tương tác giữa các thiên thể với nhau và với trái đất. Các chiêm tinh gia cho rằng ảnh hưởng của các thiên thể đối với một người tùy thuộc vị trí của chúng vào thời điểm người ấy sinh ra.

Những chiêm tinh gia thời xưa tin rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ, các hành tinh và ngôi sao nằm trong những hình cầu lồng vào nhau theo từng lớp bao quanh trái đất. Họ cũng tin là Mặt Trời chuyển động trên bầu trời giữa các ngôi sao và chòm sao theo đường nhất định trong một năm. Họ gọi đường chuyển động biểu kiến của Mặt Trời là hoàng đạo và chia thành 12 vùng hoặc cung. Mỗi cung được đặt tên theo chòm sao mà Mặt Trời đi qua, về sau gọi là 12 cung hoàng đạo. Mỗi cung là chốn thiên thai hay nơi ở của một vị thần. Tuy nhiên sau này, các nhà khoa học khám phá ra rằng Mặt Trời không quay quanh Trái Đất nhưng chính Trái Đất quay quanh Mặt Trời. Sự khám phá này giáng một đòn chí tử vào ngành chiêm tinh học.

Từ nơi xuất phát là Mê-sô-bô-ta-mi, thuật chiêm tinh lan rộng gần khắp thế giới. Hầu hết những nền văn minh lớn đều có thuật chiêm tinh dưới các hình thức khác nhau. Sau khi người Ba Tư chinh phục Ba-by-lôn, thuật chiêm tinh lan đến Ai Cập, Hy Lạp và Ấn Độ. Từ Ấn Độ, qua những thầy tu Phật giáo, thuật này lan rộng đến miền Trung Á, Trung Quốc, Tây Tạng, Nhật Bản và Đông Nam Á. Người Maya cũng chăm chỉ xem sao như người Ba-by-lôn, nhưng chúng ta không rõ bằng cách nào thuật này đến với họ. Hình thức xem sao của thời cận đại dường như phát triển ở Ai Cập đã bị Hy Lạp hóa, và hình thức này ảnh hưởng đáng kể đến niềm tin của một số tín đồ Do Thái giáo, Hồi giáo và Ki-tô giáo.

Dân Y-sơ-ra-ên xưa cũng chịu ảnh hưởng bởi thuật chiêm tinh, ngay cả trước khi bị lưu đày sang Ba-by-lôn vào thế kỷ thứ bảy TCN. Kinh Thánh kể rằng một vị vua trung thành với Đức Chúa Trời là Giô-si-a đã thực hiện chiến dịch dẹp bỏ việc thờ cúng “mặt trời, mặt trăng, mười hai cung hoàng đạo và các cơ binh trên trời”.—2 Các Vua 23:5, Trần Đức Huân.

Ai khởi xướng thuật chiêm tinh?

Thuật chiêm tinh dựa trên sự hiểu biết sai về cấu trúc và vận động của vũ trụ. Vì thế, thuật này chắc chắn không đến từ Đức Chúa Trời. Do căn cứ trên giả thuyết sai, nên thuật chiêm tinh không thể là nguồn đáng tin cậy để báo trước tương lai. Điều này được chứng minh qua hai trường hợp sau đây.

Dưới triều vua Nê-bu-cát-nết-sa của nước Ba-by-lôn, các thầy tế lễ và chiêm tinh gia đã không thể giải mộng cho nhà vua. Ông Đa-ni-ên, một nhà tiên tri của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, cho biết lý do sự việc đó: “Sự kín-nhiệm mà vua đã đòi, thì những bác-sĩ, thuật-sĩ, đồng-bóng, thầy bói đều không có thể tỏ cho vua được. Nhưng có một Đức Chúa Trời ở trên trời tỏ ra những điều kín-nhiệm; và đã cho vua Nê-bu-cát-nết-sa biết điều sẽ tới trong những ngày sau-rốt” (Đa-ni-ên 2:27, 28). Thay vì dựa vào mặt trăng, mặt trời hoặc các ngôi sao, ông Đa-ni-ên hướng đến Đức Chúa Trời là Đấng “tỏ ra những điều kín-nhiệm” và ông giải được mộng cho nhà vua.—Đa-ni-ên 2:36-45.

Người Maya có những tính toán thật chính xác về sự vận động của các thiên thể, nhưng điều này không cứu vãn được nền văn minh của họ bị sụp đổ vào thế kỷ thứ chín công nguyên (CN). Hai trường hợp này không những chứng tỏ thuật chiêm tinh là sự lừa gạt, chẳng thể tiên đoán bất cứ điều gì, mà còn cho thấy rõ mục đích của nó: ngăn cản người ta hướng đến Đức Chúa Trời để biết về tương lai.

Biết được thuật chiêm tinh căn cứ trên những giả thuyết sai lầm cũng giúp chúng ta vạch trần kẻ khởi xướng thuật này. Chúa Giê-su nói về quỉ Sa-tan: “[Nó] chẳng bền giữ được lẽ thật, vì không có lẽ thật trong nó đâu. Khi nó nói dối, thì nói theo tánh riêng mình, vì nó vốn là kẻ nói dối và là cha sự nói dối” (Giăng 8:44). Sa-tan mạo làm “thiên-sứ sáng-láng” và các quỉ đội lốt “kẻ giúp việc công-bình”. Là những kẻ lừa gạt, mục tiêu của chúng là khiến người ta mắc bẫy (2 Cô-rinh-tô 11:14, 15). Lời Đức Chúa Trời vạch trần những kẻ làm “đủ mọi thứ phép lạ, dấu dị và việc kỳ dối-giả” nhờ “quyền của quỉ Sa-tan”.—2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:9.

Tại sao nên tránh thuật chiêm tinh?

Thuật chiêm tinh dựa trên điều giả dối, nên Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời chân thật rất gớm ghiếc thuật này (Thi-thiên 31:5). Đó là lý do Kinh Thánh lên án và khuyên chúng ta tránh xa. Nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:10-12, Đức Chúa Trời phán rõ ràng: “Ở giữa ngươi... chớ nên có thầy bói, hoặc kẻ hay xem sao mà bói, thầy phù-thủy, thầy pháp,... người đi hỏi đồng-cốt, kẻ thuật-số, hay là kẻ đi cầu vong; vì Đức Giê-hô-va lấy làm gớm-ghiếc kẻ làm các việc ấy”.

Vì Sa-tan và các quỉ đứng đằng sau thuật chiêm tinh, nên ai tò mò hay thử hình thức bói toán này có nguy cơ rơi vào vòng ảnh hưởng của chúng. Giống như người thử ma túy có thể lệ thuộc người bán ma túy, người thử xem bói có nguy cơ lệ thuộc kẻ đại bịp là Sa-tan. Vì vậy, những ai yêu mến Đức Chúa Trời và sự thật thì phải tuyệt đối tránh xa thuật chiêm tinh, đồng thời làm theo lời khuyên dạy của Kinh Thánh: “Hãy ghét điều dữ mà ưa điều lành”.—A-mốt 5:15.

Thuật chiêm tinh đánh trúng tâm lý của con người là muốn biết tương lai. Vậy chúng ta có thể biết về tương lai không? Nếu có, thì bằng cách nào? Theo Kinh Thánh, chúng ta không thể biết chuyện sẽ xảy ra cho từng cá nhân vào ngày mai, tháng sau hoặc năm sau (Gia-cơ 4:14). Tuy nhiên, Kinh Thánh cho biết tương lai chung của cả nhân loại. Chẳng hạn, Kinh Thánh tiết lộ rằng Nước Đức Chúa Trời gần đến, như chúng ta cầu xin trong bài Kinh Lạy Cha (Đa-ni-ên 2:44; Ma-thi-ơ 6:9, 10). Mọi đau khổ sắp chấm dứt vĩnh viễn (Ê-sai 65:17; Khải-huyền 21:4). Thay vì định đoạt số mệnh con người, Đức Chúa Trời mời người ở khắp nơi cố gắng tìm hiểu về Ngài và những gì Ngài sẽ làm cho nhân loại. Làm sao chúng ta biết? Vì Kinh Thánh nói ý muốn của Đức Chúa Trời là “mọi người được cứu-rỗi và hiểu-biết lẽ thật”.—1 Ti-mô-thê 2:4.

Bầu trời kỳ vĩ và vô vàn thiên thể không phải hiện hữu để kiểm soát đời sống của con người. Thay vì thế, chúng làm chứng về Đức Giê-hô-va và quyền năng của Ngài (Rô-ma 1:20). Khi quan sát bầu trời, chúng ta muốn tìm đến Đức Chúa Trời và Lời Ngài để có sự hướng dẫn đáng tin cậy trong đời sống. Chúng ta cũng muốn tránh xa những điều giả dối. Vậy, “hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của [bạn]; phàm trong các việc làm của [bạn], khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của [bạn]”.—Châm-ngôn 3:5, 6.

[Câu nổi bật nơi trang 19]

Người Maya rất chăm chỉ xem sao

[Câu nổi bật nơi trang 20]

Người Maya có những tính toán chính xác về sự vận động của các thiên thể, nhưng điều này không cứu vãn được nền văn minh của họ bị sụp đổ

[Câu nổi bật nơi trang 20]

“Có một Đức Chúa Trời ở trên trời tỏ ra những điều kín-nhiệm; và đã cho... biết điều sẽ tới trong những ngày sau-rốt”

[Hình nơi trang 19]

Đài thiên văn El Caracol, Chichén Itzá, Yucatán, Mexico, năm 750-​900 CN.

[Nguồn hình ảnh nơi trang 19]

Pages 18 and 19, left to right: Stars: NASA, ESA, and A. Nota (STScI); Mayan calendar: © Lynx/Iconotec com/age fotostock; Mayan astronomer: © Albert J. Copley/age fotostock; Mayan observatory: El Caracol (The Great Conch) (photo), Mayan/Chichen Itza, Yucatan, Mexico/Giraudon/The Bridgeman Art Library