Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Có thật sự là không lương thiện?

Có thật sự là không lương thiện?

Có thật sự là không lương thiện?

“Sửa lại bản tường trình tai nạn một chút, mọi việc sẽ ổn”.

“Sở thuế không cần biết mọi điều”.

“Quan trọng nhất là đừng để bị bắt”.

“Khi bạn không phải trả tiền thì tại sao lại trả?”.

Có lẽ bạn đã nghe những điều như thế khi xin lời khuyên về vấn đề tài chính. Dường như một số người có “giải pháp” thông minh cho mọi vấn đề. Câu hỏi được đặt ra là: Những giải pháp ấy có thật sự là lương thiện?

Sự không lương thiện rất phổ biến ngày nay đến nỗi một số người thường xem việc nói dối, gian lận và ăn cắp là những cách có thể chấp nhận được để kiếm tiền, tiến thân hoặc tránh bị phạt. Những người nổi tiếng trong xã hội thường là gương xấu về sự lương thiện. Vào năm 2006, tại một nước ở châu Âu, các trường hợp lừa đảo và biển thủ tăng 85% so với năm 2005. Đó là chưa kể đến nhiều trường hợp nhỏ khác mà mọi người gọi là “chuyện nhỏ” hoặc “bình thường thôi”. Có lẽ không ngạc nhiên gì khi những doanh nhân và nhân vật chính trị hàng đầu trong nước đó có liên quan đến một vụ bê bối mà họ bị phát hiện dùng bằng cấp giả để tiến thân.

Dù sự không lương thiện phổ biến trên thế giới, nhưng nhiều người muốn làm điều đúng. Có lẽ bạn cũng là một người như thế. Có thể vì yêu mến Đức Chúa Trời nên bạn muốn làm điều đúng trước mắt Ngài (1 Giăng 5:3). Bạn hẳn cảm thấy như sứ đồ Phao-lô, người đã nói: “Chúng tôi có lương tâm ngay lành, trong mọi sự muốn qua một đời lương thiện” (Hê-bơ-rơ 13:18, Nguyễn Thế Thuấn). Vì lý do đó, chúng tôi mời bạn xem xét một số tình huống có thể thử thách ước muốn sống “một đời lương thiện”. Chúng ta cũng sẽ xem xét các nguyên tắc Kinh Thánh có thể hữu ích trong những tình huống ấy.

Ai nên bồi thường tai nạn?

Một ngày kia, khi đang lái xe, một thiếu nữ tên là Lisa * đã phạm sai lầm và đâm vào một chiếc xe khác. Không ai bị thương, nhưng có hai chiếc xe bị hư. Tại nước của cô ấy, người lái xe trẻ tuổi phải đóng mức bảo hiểm xe cao hơn và mức tiền này sẽ tăng lên sau mỗi lần bị tai nạn. Vì anh họ của Lisa là Gregor đi chung với cô ấy, nên một người bạn đề nghị họ khai rằng anh Gregor là người lái xe. Nhờ thế, Lisa không phải trả mức bảo hiểm cao hơn. Giải pháp này có vẻ khôn ngoan. Lisa nên làm gì?

Các công ty bảo hiểm dùng số tiền người mua bảo hiểm đóng để chi trả cho các vấn đề. Vì thế, nếu làm theo lời đề nghị của người bạn, Lisa ép người mua bảo hiểm khác thanh toán cho tai nạn mình gây ra, và người ấy phải trả mức bảo hiểm cao hơn. Khi ấy, cô không chỉ tường trình sai mà còn lấy cắp của người khác. Việc khai gian để tăng mức tiền thanh toán bảo hiểm cũng tương tự như thế.

Luật pháp đưa ra những mức phạt để người dân tránh vi phạm những điều không lương thiện như thế. Nhưng một lý do quan trọng hơn để tránh trở thành người không lương thiện được tìm thấy trong Lời Đức Chúa Trời. Một điều trong Mười Điều Răn là: “Ngươi chớ trộm-cướp” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:15). Sứ đồ Phao-lô nhắc lại điều răn ấy cho các môn đồ của Chúa Giê-su khi nói: “Kẻ vốn hay trộm-cắp chớ trộm-cắp nữa” (Ê-phê-sô 4:28). Qua việc vâng theo Lời Đức Chúa Trời trong những vấn đề bảo hiểm, bạn sẽ không làm những điều Ngài lên án. Bạn cũng cho thấy mình yêu mến và tôn trọng luật pháp Đức Chúa Trời cùng người lân cận.—Thi-thiên 119:97.

“Trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa”

Anh Peter là một doanh nhân. Nhân viên kế toán gợi ý để anh xin giảm thuế về việc “mua” linh kiện máy vi tính đắt tiền. Đối với một doanh nghiệp như của anh Peter, việc mua những món hàng như thế là bình thường. Dù anh Peter chưa bao giờ mua món hàng ấy nhưng dường như chính phủ không điều tra những khoản chi phí như thế. Điều đó giúp anh Peter giảm được một số tiền đáng kể để trả thuế. Anh nên làm gì? Điều gì có thể hướng dẫn anh trong quyết định ấy?

Sứ đồ Phao-lô nói với các môn đồ Chúa Giê-su vào thời của ông: “Mọi người phải vâng-phục các đấng cầm quyền trên mình... Phải trả cho mọi người điều mình đã mắc: nộp thuế cho kẻ mình phải nộp thuế; đóng-góp cho kẻ mình phải đóng-góp” (Rô-ma 13:1, 7). Những ai muốn được Đức Chúa Trời chấp nhận phải trả thuế cho chính phủ theo quy định. Trái lại, nếu luật pháp có mức giảm thuế cho cá nhân hay doanh nghiệp nào đó thì việc xin hưởng lợi từ luật này không có gì sai, miễn là hội đủ điều kiện mà pháp luật yêu cầu.

Sau đây là một tình huống khác liên quan đến việc đóng thuế. Anh David có một cửa hàng bán đồ gia dụng. Tuy nhiên, bạn bè khuyến khích anh lập hai sổ kế toán. Anh dùng một sổ để ghi số liệu thật, còn sổ kia anh ghi số liệu thấp hơn. Điều này giúp anh không phải trả thuế cao. Anh sẽ trình cho sở thuế sổ có ghi số liệu thấp để họ quy ra tiền thuế. Vì muốn làm Đức Chúa Trời vui lòng, anh David nên có quan điểm nào về việc ghi sổ kế toán?

Dù một người làm thế có thể không bị phát hiện, nhưng anh ta không trả mức thuế mà chính phủ có quyền thu. Chúa Giê-su đưa ra mệnh lệnh: “Hãy trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa; và trả cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 22:17-21). Chúa Giê-su nói điều này để điều chỉnh lại suy nghĩ của người nghe liên quan đến việc trả thuế. Chính quyền mà Chúa Giê-su gọi là Sê-sa có quyền hợp pháp để thu thuế. Do đó, môn đồ Chúa Giê-su xem việc đóng mọi khoản thuế là nghĩa vụ mà Kinh Thánh đòi hỏi họ phải thực hiện.

Gian lận trong thi cử

Marta, một học sinh trung học, đang chuẩn bị cho kỳ thi cuối cùng. Vì phải đạt điểm cao để có công việc tử tế, chị dành nhiều thời gian cho việc học. Một số người bạn của chị cũng chuẩn bị, nhưng theo một cách khác. Họ dùng máy nhắn tin, máy tính và điện thoại di động để gian lận trong thi cử hầu đạt được điểm cao. Marta có nên làm điều mà dường như mọi người làm để đạt điểm cao không?

Vì sự gian lận là điều rất bình thường nên nhiều người cảm thấy không có gì sai. Họ lý luận: “Điều quan trọng là đừng để bị bắt”. Tuy nhiên, cách lý luận như thế không thể chấp nhận được đối với môn đồ chân chính của Chúa Giê-su. Dù giáo viên có lẽ không thấy được những ai gian lận, nhưng có người khác thấy. Giê-hô-va Đức Chúa Trời biết điều chúng ta làm và chúng ta sẽ chịu trách nhiệm về hành động của mình. Sứ đồ Phao-lô viết: “Chẳng có vật nào được giấu-kín trước mặt Chúa, nhưng thảy đều trần-trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại” (Hê-bơ-rơ 4:13). Chẳng phải việc biết rằng Đức Chúa Trời đang quan sát, quan tâm đến việc chúng ta làm điều đúng là động cơ để thúc đẩy chúng ta thành thật khi làm bài thi hay sao?

Bạn sẽ làm gì?

Chị Lisa, anh Gregor, Peter, David, và chị Marta thấy được tính nghiêm trọng của các tình huống mà họ gặp. Họ quyết định hành động cách chân thật, nhờ thế họ giữ được lương tâm và đạo đức trong sạch. Bạn sẽ làm gì khi gặp phải những tình huống tương tự?

Đồng nghiệp, bạn học và hàng xóm có thể không băn khoăn về việc nói dối, gian lận hoặc ăn cắp. Trên thực tế, họ có thể chế nhạo để cố ép bạn làm theo họ. Điều gì có thể giúp bạn có quyết định đúng, bất chấp áp lực để làm điều không lương thiện?

Hãy nhớ rằng hành động hòa hợp với ý muốn Đức Chúa Trời sẽ giúp bạn có một lương tâm trong sạch cũng như được Ngài chấp nhận và ban ân huệ. Vua Đa-vít viết: “Hỡi Đức Giê-hô-va, ai sẽ ngụ trong đền-tạm Ngài? Ai sẽ ở trên núi thánh Ngài? Ấy là kẻ đi theo sự ngay-thẳng, làm điều công-bình, và nói chân-thật trong lòng mình... Kẻ nào làm các điều ấy sẽ không hề rúng-động” (Thi-thiên 15:1-5). Một lương tâm trong sạch và tình bạn với Đức Chúa Trời đáng giá hơn bất kỳ lợi ích vật chất nào nhận được qua sự không lương thiện.

[Chú thích]

^ đ. 10 Một số tên đã đổi.

[Câu nổi bật nơi trang 12]

“Kẻ vốn hay trộm-cắp chớ trộm-cắp nữa”.

Tôn trọng luật pháp Đức Chúa Trời và yêu thương người lân cận thôi thúc chúng ta thành thật trong các vấn đề về bảo hiểm

[Câu nổi bật nơi trang 12]

“Phải trả cho mọi người điều mình đã mắc: nộp thuế cho kẻ mình phải nộp thuế”.

Để được Đức Chúa Trời chấp nhận, chúng ta phải trả mọi khoản thuế mà pháp luật đòi hỏi

[Câu nổi bật nơi trang 13]

“[Mọi vật] đều trần-trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại”.

Dù giáo viên có lẽ không phát hiện việc gian lận, nhưng chúng ta muốn là người thành thật trước mắt Đức Chúa Trời

[Khung/​Hình nơi trang 14]

Kẻ trộm “vô hình”

Một người bạn đã mua một phần mềm vi tính mới nhất và bạn cũng muốn có nó. Anh ta đề nghị sẽ chép cho bạn phần mềm này để bạn tiết kiệm tiền. Đó có phải là không lương thiện?

Khi mua phần mềm vi tính, một người đồng ý tuân theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng của chương trình ấy. Hợp đồng đó có thể cho phép người mua cài đặt và sử dụng chương trình trong một máy vi tính mà thôi. Trong trường hợp này, việc sao chép phần mềm cho người khác là vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng và bất hợp pháp (Rô-ma 13:4). Việc sao chép như thế cũng là ăn cắp, vì nó làm người sở hữu bản quyền mất đi lợi tức mà người đó có quyền nhận.​—Ê-phê-sô 4:​28.

Một số người có thể lý luận: “Sẽ chẳng có ai biết”. Điều này có lẽ đúng, nhưng chúng ta nên ghi nhớ những lời của Chúa Giê-su: “Ấy vậy, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ” (Ma-thi-ơ 7:​12). Tất cả chúng ta vui khi được trả công xứng đáng và muốn người khác tôn trọng tài sản của mình. Do đó, chúng ta cũng nên làm thế với người khác. Chúng ta tránh trở thành kẻ trộm “vô hình”, như lấy quyền sở hữu trí tuệ * không thuộc về mình.​—Xuất Ê-díp-tô Ký 22:​7-9.

[Chú thích]

^ đ. 40 Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm những gì được bảo vệ bản quyền như: âm nhạc, sách hoặc phần mềm vi tính, dù chúng được in trên giấy hoặc lưu trữ dưới dạng điện tử. Thương hiệu, bằng sáng chế, bí quyết công nghệ và quyền bảo hộ chủ sở hữu cũng nằm trong phạm trù này.