Dầu thơm xứ Ga-la-át—Dầu chữa bệnh
Dầu thơm xứ Ga-la-át—Dầu chữa bệnh
Lời tường thuật trong sách Sáng-thế Ký của Kinh Thánh kể về ông Giô-sép bị các anh bán cho một đoàn lái buôn người Ích-ma-ên đang trên đường tới Ai Cập. Những người lái buôn đó đến từ vùng Ga-la-át, ‘cỡi lạc đà chở dầu thơm’ cùng nhiều thứ khác (Sáng-thế Ký 37:25, Bản Dịch Mới). Lời tường thuật vắn tắt này cho thấy dầu thơm từ vùng Ga-la-át rất được ưa chuộng ở miền Trung Đông xưa vì có công dụng chữa bệnh vượt trội.
Tuy nhiên, vào thế kỷ thứ sáu trước công nguyên, nhà tiên tri Giê-rê-mi đã buồn rầu hỏi: “Phải chăng không còn dầu thơm ở Ga-la-át?” (Giê-rê-mi 8:22, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Điều gì khiến ông Giê-rê-mi nêu câu hỏi này? Ông nói đến loại dầu nào? Ngày nay, có dầu dùng để chữa bệnh không?
Dầu trong thời Kinh Thánh
Trong ngôn ngữ gốc, từ được dịch là “dầu thơm” là từ chung chỉ các loại nhựa thơm chứa dầu, do nhiều loài cây cỏ và cây bụi tiết ra. Tùy văn cảnh, từ này cũng được dịch là: nhũ hương, hương liệu, thuốc thơm. Loại dầu chiết từ nhựa cây thường được dùng làm hương đốt và nước hoa, nên rất quý giá và đắt tiền ở vùng Trung Đông xưa. “Hương-liệu” là một trong những nguyên liệu để pha chế dầu thánh và hương được dùng trong đền tạm, không lâu sau khi dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ai Cập (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:6; 35:8). “Thuốc thơm” cũng là một trong những món quà xa xỉ mà nữ vương Sê-ba dâng tặng vua Sa-lô-môn (1 Các Vua 10:2, 10). Nàng Ê-xơ-tê được chăm sóc sắc đẹp bằng phương pháp xoa bóp ‘dùng thuốc thơm trong sáu tháng’ trước khi vào trình diện vua Ba Tư là A-suê-ru.—Ê-xơ-tê 1:1; 2:12.
Dầu chiết từ nhựa thơm được sản xuất tại nhiều nơi ở Trung Đông, nhưng dầu của vùng Ga-la-át xuất xứ từ Đất Hứa, phía đông sông Giô-đanh. Tộc trưởng Gia-cốp xem “nhũ-hương” vùng này là một trong những “thổ-sản quí nhứt của xứ” và gửi nó đến Ai Cập làm quà (Sáng-thế Ký 43:11). Nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên liệt kê “nhũ-hương” trong số hàng hóa mà nước Giu-đa và Y-sơ-ra-ên xuất khẩu sang Ty-rơ (Ê-xê-chi-ên 27:17). Từ lâu, người ta biết nhựa thơm có nhiều công dụng chữa bệnh. Các tài liệu cổ thường đề cập đến tính năng trị bệnh và phục hồi của nhựa thơm, nhất là làm lành vết thương.
Dầu cho một dân đau bệnh
Ông Giê-rê-mi nêu câu hỏi: “Phải chăng không còn dầu thơm ở Ga-la-át?”. Tại sao? Để hiểu điều này, chúng ta hãy xem lại hoàn cảnh của dân Y-sơ-ra-ên vào thời của ông Giê-rê-mi. Trước thời đó, nhà tiên tri Ê-sai dùng cách miêu tả gợi hình để nói đến tình trạng suy đồi về tâm linh của dân này: “Từ bàn chân cho đến đỉnh đầu, chẳng còn nơi lành lặn: vết bầm, vết đánh, vết thương còn mới, chưa có ai lau chùi, chưa có ai băng bó, chưa có ai thoa dầu” (Ê-sai 1:6, GKPV). Thay vì nhìn nhận tình trạng nghiêm trọng của mình và tìm cách chữa trị, dân Y-sơ-ra-ên tiếp tục đi theo đường lối bất trung. Vì thế tới thời Giê-rê-mi, ông chỉ có thể than van: “Chúng nó đã bỏ lời của Đức Giê-hô-va; thì sự khôn-ngoan nó là thể nào?”. Giá mà dân Y-sơ-ra-ên quay lại với Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ cứu chữa họ. Do đó, ông Giê-rê-mi đặt câu hỏi khiến dân phải suy nghĩ: “Phải chăng không còn dầu thơm ở Ga-la-át?”.—Giê-rê-mi 8:9.
Trên nhiều phương diện, người trong thế gian ngày nay đầy những “vết bầm, vết đánh, vết thương còn mới”. Họ chịu đau khổ do nghèo túng, sự bất công, tư kỷ và vô tình, tất cả đều vì lòng yêu mến đối với Đức Chúa Trời và người đồng loại đã nguội lạnh (Ma-thi-ơ 24:12; 2 Ti-mô-thê 3:1-5). Nhiều người cảm thấy bị hắt hủi do sự phân biệt chủng tộc, gốc gác hoặc tuổi tác. Ngoài ra, đói kém, bệnh tật, chiến tranh và chết chóc cũng làm nhiều người điêu đứng. Như Giê-rê-mi, những người có lòng thành tự hỏi “không còn dầu thơm ở Ga-la-át” để xoa dịu nỗi đau tinh thần và chữa bệnh về tâm linh sao?
Tin mừng chữa lành
Vào thời Chúa Giê-su, nhiều người nhu mì cũng tự hỏi như thế, và họ nhận được câu trả lời. Trong nhà hội, tại thành Na-xa-rét vào đầu năm 30 công nguyên, Chúa Giê-su đọc cuộn sách Ê-sai, có chép: “CHÚA đã xức dầu cho Ta đặng loan báo tin mừng cho những kẻ nghèo khổ. Ngài sai Ta đi băng bó những tấm lòng tan vỡ” (Ê-sai 61:1, BDM). Chúa Giê-su áp dụng những lời này cho chính mình, và cho biết ngài là Đấng Mê-si có sứ mệnh loan báo một thông điệp an ủi lòng người.—Lu-ca 4:16-21.
Chúa Giê-su sốt sắng loan báo tin mừng về Nước Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 4:17). Trong Bài giảng trên núi, ngài hứa rằng hoàn cảnh của người đau khổ sẽ thay đổi: “Phước cho các ngươi hiện đương khóc-lóc, vì sẽ được vui-mừng!” (Lu-ca 6:21). Khi loan báo Nước Đức Chúa Trời sắp đến, Chúa Giê-su mang lại hy vọng cho người ta, như thể “băng bó những tấm lòng tan vỡ”.
Đến nay, tin mừng về Nước Đức Chúa Trời vẫn là nguồn an ủi cho nhiều người (Ma-thi-ơ 6:10; 9:35). Chẳng hạn, hãy xem trường hợp anh Roger và chị Liliane. Vào tháng Giêng năm 1961, lần đầu tiên vợ chồng anh Roger biết đến lời hứa của Đức Chúa Trời về sự sống vĩnh cửu, và điều đó như dầu xoa dịu nỗi đau của họ. Chị Liliane kể: “Tôi vui mừng, nhún nhảy quanh nhà bếp khi nghĩ về những điều tôi học được. Tôi thật hạnh phúc!”. Anh Roger, lúc ấy đã bị liệt một phần cơ thể mười năm rồi, cũng cho biết: “Tôi tìm được niềm vui lớn và yêu cuộc sống hơn nhờ hy vọng tuyệt vời là người chết sẽ sống lại, mọi bệnh tật và đau đớn sẽ không còn”.—Khải-huyền 21:4.
Vào năm 1970, con trai của anh chị ấy qua đời dù mới 11 tuổi. Tuy vậy, họ không để mình chìm đắm trong nỗi đau khổ. Họ cảm nghiệm được Đức Giê-hô-va “chữa lành người có lòng đau-thương, và bó [vết] của họ” (Thi-thiên 147:3). Niềm hy vọng đã an ủi lòng họ. Trong gần 50 năm qua, tin mừng về Nước Đức Chúa Trời đem lại cho họ sự bình an và thỏa nguyện.
Sự chữa lành sắp đến
Vậy, ngày nay có “dầu thơm ở Ga-la-át” không? Có, đó là dầu theo nghĩa bóng, tức tin mừng về Nước Đức Chúa Trời “băng bó những tấm lòng tan vỡ” vì đem lại niềm an ủi và hy vọng cho họ. Bạn có muốn nỗi đau được dịu bớt không? Điều bạn cần làm là mở lòng và tiếp nhận thông điệp của Kinh Thánh. Hàng triệu người đã và đang làm thế.
Dầu chữa lành này cũng là hình ảnh cho một sự chữa lành rộng lớn hơn trong tương lai. Không lâu nữa, Đức Giê-hô-va sẽ “chữa lành cho các dân” và ban cho họ sự sống vĩnh cửu. Lúc đó, “dân-cư sẽ không nói rằng: Tôi đau”. Đúng vậy, “còn dầu thơm ở Ga-la-át”!—Khải-huyền 22:2; Ê-sai 33:24.
[Hình nơi trang 23]
Như dầu chữa bệnh, tin mừng về Nước Đức Chúa Trời xoa dịu nỗi đau của các tấm lòng tan vỡ