Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nhân Chứng Giê-hô-va có quan điểm nào về việc hòa đồng tôn giáo?

Nhân Chứng Giê-hô-va có quan điểm nào về việc hòa đồng tôn giáo?

Câu hỏi độc giả

Nhân Chứng Giê-hô-va có quan điểm nào về việc hòa đồng tôn giáo?

▪ Theo một bách khoa từ điển (World Christian Encyclopedia), có khoảng “10.000 tôn giáo trên thế giới”. Những xung đột giữa các tôn giáo gây bao đau thương, nên nhiều tín đồ đặt kỳ vọng vào việc đối thoại liên tôn giáo. Họ nghĩ điều này có thể mang lại hòa bình và hợp nhất trong thế giới đầy dẫy sự chia rẽ này.

Đúng là Kinh Thánh khuyến khích người ta hợp nhất. Chẳng hạn, sứ đồ Phao-lô ví hội thánh của Chúa Giê-su như một thân thể, tất cả các bộ phận đều “kết hiệp và ăn khớp với nhau” (Ê-phê-sô 4:​16, Bản Dịch Mới). Sứ đồ Phi-e-rơ cũng khuyên anh em đồng đạo: “Hết thảy anh em phải đồng lòng”.​—1 Phi-e-rơ 3:8.

Các môn đồ Chúa Giê-su thời ban đầu sống trong một thế giới đa văn hóa và đa tôn giáo. Thế nhưng, nói đến việc các tôn giáo hòa nhập với nhau, sứ đồ Phao-lô hỏi: “Kẻ tin có phần gì với kẻ chẳng tin?”. Rồi ông kêu gọi các tín đồ “ra khỏi giữa chúng nó” (2 Cô-rinh-tô 6:​15, 17). Rõ ràng, ông Phao-lô lên án việc hòa đồng tôn giáo. Tại sao vậy?

Sứ đồ Phao-lô cho biết trong việc thờ phượng, một môn đồ chân chính của Chúa Giê-su kết hợp với một tín đồ đạo khác là sự phối hợp khập khễnh, như thể hai người không cân xứng mang chung ách (2 Cô-rinh-tô 6:​14). Sự kết hợp này chỉ làm hại cho đức tin của người tín đồ chân chính. Ông Phao-lô lo lắng như một người cha lo lắng cho con khi thấy một số đứa trẻ trong xóm có hành vi xấu. Người cha yêu thương sẽ sáng suốt đặt ra giới hạn, cho biết con không được chơi với bạn nào. Có thể người khác không đồng tình với cách làm đó. Tuy nhiên, việc em trẻ tách biệt với bạn xấu sẽ bảo vệ em khỏi ảnh hưởng tai hại của chúng. Tương tự thế, sứ đồ Phao-lô biết việc tách biệt với tôn giáo khác sẽ bảo vệ các tín đồ chân chính khỏi những thực hành tai hại.

Khi đưa ra quan điểm trên, ông Phao-lô noi theo bước chân của Chúa Giê-su. Dù Chúa Giê-su luôn khuyến khích mọi người sống hòa bình, nhưng ngài không sinh hoạt thờ phượng cùng các tôn giáo khác. Vào thời ngài, có nhiều giáo phái như phái Pha-ri-si, phái Sa-đu-sê, và ngài dạy các môn đồ phải “giữ mình​... về đạo của người Pha-ri-si và Sa-đu-sê”. Sau này, hai phái đó liên kết để chống lại ngài và lập mưu giết ngài. ​—Ma-thi-ơ 16:12.

Ngày nay thì sao? Sự dạy dỗ của Kinh Thánh liên quan đến vấn đề hòa đồng tôn giáo có còn được áp dụng không? Có, vì niềm tin khác nhau không thể dung hòa với nhau, như nước và dầu không thể hòa lẫn vào nhau. Thí dụ, khi tín đồ của các tôn giáo họp lại để cùng nhau cầu xin hòa bình, thì họ cầu nguyện đến ai? Chúa Ba Ngôi của khối đạo Ki-tô, thần Brahma của Ấn Độ giáo, ông Phật hay thần thánh nào?

Nhà tiên tri Mi-chê báo trước “trong những ngày sau-rốt”, các dân từ mọi nước sẽ nói: “Hãy đến, chúng ta hãy lên núi của Đức Giê-hô-va, nơi nhà của Đức Chúa Trời Gia-cốp! Ngài sẽ dạy chúng ta về đường-lối Ngài, và chúng ta sẽ đi trong các nẻo Ngài” (Mi-chê 4:​1-4). Thật vậy, sẽ có hòa bình và hợp nhất trên toàn cầu, không phải do tất cả các tôn giáo kết hợp lại mà bởi mọi người chọn theo một đạo chân chính.

[Hình nơi trang 27]

Chức sắc của các tôn giáo lớn trên thế giới tham dự hội nghị đối thoại liên tôn giáo vào năm 2008

[Nguồn tư liệu]

REUTERS/Andreas Manolis