Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phải chăng chúng ta đã mất ý thức về tội lỗi?

Phải chăng chúng ta đã mất ý thức về tội lỗi?

Phải chăng chúng ta đã mất ý thức về tội lỗi?

Cách đây không lâu, những người đi lễ thường nghe giảng một cách hùng hồn về cái được gọi là “bảy mối tội đầu”, gồm dâm dục, mê ăn uống, tham lam, làm biếng, giận dữ, ghen ghét và kiêu ngạo. Người thuyết giáo thường mô tả các hậu quả thảm khốc của tội lỗi và thúc giục giáo dân hối cải. Một tác giả cho biết: “Ngày nay đa số các bài giảng tôn giáo không đề cập đến những đề tài gây khó chịu về tội lỗi, mà tập trung vào những đề tài dễ nghe”.

Những người phụ trách chuyên mục của các tờ báo cũng nhận thấy như thế. Sau đây là vài lời nhận xét trích từ các bài báo:

“Phạm trù trước đây về tội lỗi, sự hối cải và cứu rỗi đã lỗi thời, ngày nay việc nói những điều dễ nghe về lòng tự trọng và tự kỷ là phổ biến”.—Star Beacon, thành phố Ashtabula, bang Ohio.

“Ý thức về tính nghiêm trọng của tội lỗi cá nhân gần như đã biến mất”.—Newsweek.

“Chúng ta không còn hỏi: “Chúa đòi hỏi gì nơi tôi?”, nhưng lại hỏi: “Chúa có thể làm gì cho tôi?””.—Chicago Sun-Times.

Trong xã hội đa văn hóa và tự do ngày nay, người ta ngại phán xét về đạo đức. Chúng ta được bảo rằng làm như thế là không lịch sự. Dường như tội lớn nhất là phán xét hành động của người khác. Vì thế, người ta nghĩ là: “Điều bạn tin có thể đúng đối với bạn, nhưng bạn không nên cố áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác. Ngày nay người ta sắp xếp đời sống của họ theo các giá trị đạo đức khác nhau. Bạn không phải là người duy nhất biết điều phải điều trái. Như bạn, những người khác cũng có các giá trị đạo đức riêng mà họ thấy đúng”.

Lý luận theo cách này dẫn đến sự hình thành một số cụm từ khác để diễn tả nhẹ hơn. Ví dụ, từ “ngoại tình” được diễn tả một cách khác là “lập phòng nhì” hoặc “mèo mỡ”, còn “đồng tính luyến ái” là “giới tính thứ ba”.

Rõ ràng, những gì người ta sẵn lòng chấp nhận là “bình thường” hoặc lên án là “tội lỗi” đã thay đổi. Nhưng tại sao lại có sự thay đổi như thế? Phải chăng tội lỗi đã không còn? Quan điểm của bạn về tội lỗi có quan trọng không?