Sự thật về tội lỗi
Sự thật về tội lỗi
Có thể nào một người bị bệnh chứng tỏ ông hết sốt bằng cách đập vỡ nhiệt kế? Dĩ nhiên không! Tương tự thế, chỉ vì nhiều người bác bỏ quan điểm của Thiên Chúa hoặc Đức Chúa Trời về tội lỗi, thì điều đó không có nghĩa là không có tội lỗi. Lời của Ngài, tức Kinh Thánh, cho biết nhiều điều về đề tài này. Thật ra, Kinh Thánh dạy gì về tội lỗi?
Chúng ta đều lầm lỗi
Khoảng hai ngàn năm trước, sứ đồ Phao-lô tỏ ra bực bội về việc ‘ông không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn’ (Rô-ma 7:19). Nếu thành thật, chúng ta cũng thừa nhận mình ở trong hoàn cảnh tương tự. Có lẽ chúng ta muốn sống theo Mười Điều Răn hoặc một số tiêu chuẩn khác về đạo đức, nhưng dù gì đi nữa chúng ta đều lầm lỗi. Điều đó không có nghĩa là chúng ta cố tình vi phạm một tiêu chuẩn nào đó, nhưng chỉ vì chúng ta yếu đuối. Tại sao lại như vậy? Chính Phao-lô đưa ra câu trả lời: “Ví bằng tôi làm điều mình không muốn, ấy chẳng phải là tôi làm điều đó nữa, nhưng là tội-lỗi ở trong tôi vậy”.—Rô-ma 7:20.
Như Phao-lô, nhân loại khổ sở vì khuyết điểm bẩm sinh, đó là bằng chứng của tội di truyền và sự bất toàn, tức không hoàn thiện. Sứ đồ Phao-lô nói: “Mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời”. Điều gì gây ra tình trạng này? Ông nói tiếp: “Như bởi một người [A-đam] mà tội-lỗi vào trong thế-gian, lại bởi tội-lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội”.—Rô-ma 3:23; 5:12.
Dù nhiều người bác bỏ ý niệm tội tổ tông khiến chúng ta xa cách Đức Chúa Trời và làm chúng ta mất đi sự hoàn hảo lúc ban đầu, nhưng đây mới là điều Kinh Thánh thật sự dạy. Qua việc trích những chương đầu tiên của sách Sáng-thế Ký, Chúa Giê-su cho thấy ngài tin nơi lời tường thuật về A-đam và Ê-va.—Sáng-thế Ký 1:27; 2:24; 5:2; Ma-thi-ơ 19:1-5.
Một trong những sự dạy dỗ quan trọng của Kinh Thánh là Chúa Giê-su xuống thế để chuộc tội cho những ai tin nơi ngài (Giăng 3:16). Triển vọng trong tương lai của chúng ta tùy thuộc vào việc chúng ta chấp nhận cách Đức Giê-hô-va sắp đặt để giải cứu nhân loại khỏi tình trạng vô phương cứu chữa. Nhưng nếu không hiểu rõ quan điểm của Đức Chúa Trời về tội lỗi, chúng ta không thể quý trọng cách Ngài sắp đặt để cứu rỗi chúng ta.
Sự hy sinh của Chúa Giê-su—Tại sao cần thiết?
Đức Giê-hô-va ban cho người đàn ông đầu tiên triển vọng sống mãi mãi. Chỉ khi nào phản nghịch Đức Chúa Trời, A-đam mới đánh mất triển vọng tuyệt vời đó. Nhưng ông đã làm thế và trở thành người có tội (Sáng-thế Ký 2:15-17; 3:6). A-đam hành động trái với ý muốn Đức Chúa Trời, mất đi sự hoàn hảo và mối quan hệ của ông với Ngài bị tổn hại. Khi phạm tội, bất tuân luật pháp Đức Chúa Trời, ông bắt đầu chết. Đáng buồn thay, tất cả con cháu của A-đam, trong đó có chúng ta, đều sinh ra trong tội lỗi. Vì thế, cuối cùng chúng ta đều chết. Tại sao thế?
Lý do rất đơn giản. Cha mẹ bất toàn không thể sinh ra những đứa con hoàn hảo. Tất cả con cháu của A-đam đều sinh ra trong tội lỗi và như sứ đồ Phao-lô nói “tiền công của tội-lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23). Tuy nhiên, vế thứ hai của câu đó cho chúng ta hy vọng: ‘Nhưng sự ban-cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus, Chúa chúng ta’. Nói cách khác là qua sự hy sinh mạng sống của Chúa Giê-su, những người trong nhân loại biết vâng lời và có lòng biết ơn có thể được tẩy sạch khỏi những ảnh hưởng của tội lỗi do A-đam gây ra * (Ma-thi-ơ 20:28; 1 Phi-e-rơ 1:18, 19). Bạn cảm thấy thế nào về điều đó?
Tình yêu của Chúa Giê-su “thôi thúc chúng tôi”
Sứ đồ Phao-lô được Đức Chúa Trời tác động để đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi trên. Ông viết: “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng... Đức Ki-tô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2 Cô-rinh-tô 5:14, 15, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Nếu một người hiểu sự hy sinh của Chúa Giê-su có thể giải thoát mình khỏi những ảnh hưởng của tội lỗi và muốn tỏ lòng biết ơn về sự sắp đặt ấy, người đó nên cố gắng sống hòa hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời đối với mình. Điều này bao hàm phải có sự hiểu biết về những gì Đức Chúa Trời đòi hỏi, rèn luyện lương tâm theo tiêu chuẩn Kinh Thánh, rồi sống hòa hợp với những điều đó.—Giăng 17:3, 17.
Những việc làm sai trái gây tổn hại mối quan hệ với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Khi vua Đa-vít nhận thức được tính nghiêm trọng của tội ngoại tình ông đã phạm với Bát-Sê-ba và giết chồng bà, chắc chắn ông vô cùng xấu hổ. Nhưng điều khiến ông lo lắng nhất là tội ông phạm khiến Đức Chúa Trời buồn lòng, và lo lắng như thế là đúng. Ông bày tỏ lòng hối hận khi thú tội với Đức Giê-hô-va: “Tôi đã phạm tội cùng Chúa, chỉ cùng một mình Chúa thôi, và làm điều ác trước mặt Chúa” (Thi-thiên 51:4). Tương tự thế, khi Giô-sép bị cám dỗ phạm tội ngoại tình, lương tâm đã khiến ông nêu lên câu hỏi: “Thế nào tôi dám làm điều đại-ác dường ấy, mà phạm tội cùng Đức Chúa Trời sao?”.—Sáng-thế Ký 39:9.
Vậy thì tội lỗi không chỉ là cảm giác xấu hổ khi bị phát hiện. Nó cũng không chỉ là vấn đề khai trình với xã hội vì chúng ta có thể vi phạm một tiêu chuẩn nào đó. Việc vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời về tình dục, tính lương thiện, lòng tôn trọng, sự thờ phượng, v.v. sẽ làm tổn hại mối quan hệ của chúng ta với Ngài. Nếu cố tình thực hành tội lỗi, chúng 1 Giăng 3:4, 8.
ta sẽ tự biến mình thành kẻ thù của Đức Chúa Trời. Đây là một chân lý đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc.—Vậy, tội lỗi hiện nay ra sao? Sự thật là không có gì xảy ra cho nó. Người ta chỉ cố làm nhẹ bớt tính nghiêm trọng của nó bằng cách dùng một cách gọi khác. Nhiều người lờ đi lương tâm hoặc khiến nó bị chai lì. Tất cả những ai muốn hưởng ân huệ của Đức Chúa Trời phải kháng cự lại khuynh hướng này. Như đã xem xét, tiền công của tội lỗi không chỉ là làm tổn thương lòng tự trọng hoặc gây xấu hổ, nhưng là cái chết. Vậy, tội lỗi là vấn đề sinh tử.
Tin tốt lành là nếu thật lòng hối cải và từ bỏ tội lỗi, chúng ta sẽ được tha thứ nhờ sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su. Sứ đồ Phao-lô viết: “Phước thay cho kẻ, lỗi mình được tha-thứ, tội mình được che-đậy! Phước thay cho người mà [Đức Giê-hô-va] chẳng kể tội-lỗi cho!”.—Rô-ma 4:7, 8.
[Chú thích]
^ đ. 10 Để biết rõ làm sao việc Chúa Giê-su hy sinh mạng sống có thể cứu rỗi nhân loại biết vâng lời, xin xem sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, trang 47-54, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
[Khung/Hình nơi trang 10]
Một tín điều đã thay đổi hoàn toàn
Đối với đại đa số những người đi nhà thờ Công giáo, ý niệm về U Linh Giới luôn mơ hồ. Trong những thập niên gần đây, nó dần dần phai nhạt, đến mức ý niệm ấy không còn xuất hiện trong các sách giáo lý vấn đáp nữa. Trong năm 2007, Giáo hội Công giáo chính thức ký “bản khai tử” cho U Linh Giới trong một tài liệu đề cập đến “những lý lẽ về thần học và nghi lễ đưa ra hy vọng những đứa trẻ chết mà chưa rửa tội có thể được cứu rỗi và đưa đến cõi hạnh phúc vĩnh hằng”.—Ủy ban thần học quốc tế.
Tại sao tín điều này đã hoàn toàn thay đổi? Nói một cách đơn giản là nó giúp cho giáo hội thoát được cái mà ông Henri Tincq (một người phụ trách chuyên mục của một tờ báo ở Pháp) gọi là “một gánh nặng mà giáo hội âm mưu giữ từ thời Trung Cổ đến thế kỷ 20. Họ muốn dùng hậu quả trong U Linh Giới để cha mẹ rửa tội cho con càng sớm càng tốt”. Tuy nhiên, tín điều lâu đời này đã phát sinh những vấn đề khác.
Theo truyền thống hay theo Kinh Thánh? Về mặt lịch sử, niềm tin nơi U Linh Giới bắt nguồn từ những cuộc tranh luận về thần học vào thế kỷ 12 liên quan đến nơi luyện tội. Giáo hội Công giáo dạy rằng linh hồn vẫn còn tồn tại sau khi con người chết. Vì thế, phải tìm một nơi cho các linh hồn của trẻ em không lên thiên đàng được vì chưa rửa tội và không đáng bị đày xuống địa ngục. Ý niệm về U Linh Giới đã ra đời từ đó.
Tuy nhiên, Kinh Thánh không dạy là linh hồn tiếp tục sống sau khi thân xác chết. Thay vì thế, theo Kinh Thánh, linh hồn chính là sự sống của một người hoặc chính người đó, đồng thời cũng nói rõ nó không bất tử nhưng “linh-hồn nào phạm tội thì sẽ chết” (Ê-xê-chi-ên 18:4). Vì linh hồn không bất tử nên U Linh Giới là nơi không có thật. Hơn nữa, Kinh Thánh ví sự chết như là một tình trạng vô ý thức, giống như giấc ngủ.—Truyền-đạo 9:5, 10; Giăng 11:11-14.
Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời xem con cái của các môn đồ Chúa Giê-su là thánh, tức thanh khiết (1 Cô-rinh-tô 7:14). Nếu một đứa trẻ chưa rửa tội cần được cứu rỗi thì lời này sẽ vô nghĩa.
Tín điều về U Linh Giới thật sự sỉ nhục Đức Chúa Trời, vì mô tả Ngài như một bạo chúa, trừng phạt những người vô tội chứ không phải là người Cha yêu thương và công bình theo như bản tính của Ngài (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4; Ma-thi-ơ 5:45; 1 Giăng 4:8). Vậy, điều dễ hiểu là sự dạy dỗ trái với Kinh Thánh này không bao giờ hợp lý đối với các môn đồ chân chính của Chúa Giê-su!
[Các hình nơi trang 9]
Sống hòa hợp với Lời Đức Chúa Trời giúp chúng ta có mối quan hệ tốt với Ngài và người đồng loại