Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Sao người ta dừng lại ở đây?”

“Sao người ta dừng lại ở đây?”

Lá thư từ Nam Phi

“Sao người ta dừng lại ở đây?

“Khu vực nguy hiểm—Trộm cướp và mại dâm” là dòng chữ cảnh báo trên một tấm biển dọc con đường quê chật hẹp. Chúng tôi lái xe xuống lề đường đầy bụi bậm, rồi đậu cạnh một số xe hơi khác, dưới tấm biển lớn chỉ đường đến một khu du lịch và sòng bạc sang trọng. Nhiều chiếc xe hơi đắt tiền phóng qua, chúng tôi nhận thấy ánh mắt ngạc nhiên của những người ngồi trong xe như thể đang thắc mắc: “Sao người ta dừng lại ở đây?”.

Ra khỏi xe, chúng tôi đến chào một nhóm người ăn mặc chỉnh tề đang đứng dưới bóng của tấm biển. Vì gồm những người khác chủng tộc và sắc tộc, nhóm chúng tôi tạo nên một hình ảnh hiếm thấy ở Nam Phi. Chúng tôi đặt chân đến vùng này, cách thành phố Johannesburg về phía tây bắc khoảng 100km, để chia sẻ Kinh Thánh với người dân sống trong những làng quanh đây.

Một buổi họp ngắn diễn ra bên lề đường. Chúng tôi thảo luận một câu Kinh Thánh, sắp xếp đi chia sẻ Kinh Thánh từng nhà, và cầu nguyện. Sau đó, mọi người lên xe đi. Xa xa, những ngôi nhà đơn sơ và nhà lụp xụp nằm rải rác khắp đồng bằng, và các ngọn núi chất thải đen ngòm từ các mỏ bạch kim khiến những ngôi nhà càng trở nên nhỏ bé. Cảnh nghèo nàn xung quanh chúng tôi thật tương phản với sự dồi dào của nguồn khoáng sản dưới lòng đất nơi đây.

Sáng nay, cùng hai người bạn đến từ Đức, tôi và vợ tôi đi chia sẻ Kinh Thánh từng nhà. Khoảng 1/3 dân ở đây bị thất nghiệp, nên nhà cửa thật đơn sơ. Nhiều ngôi nhà rất sơ sài, chỉ là những tấm tôn sóng đặt trên khung yếu ớt bằng gỗ, được đóng lại bằng đinh và nắp chai bia đã đập dẹt thay cho vòng đệm.

Khi đến mỗi nhà, chúng tôi chào lớn tiếng từ ngoài cổng. Người ra tiếp chuyện thường là phụ nữ. Người nào chúng tôi gặp cũng háo hức nghe và xem chúng tôi như khách quý. Ánh nắng mặt trời chiếu rọi trên mái lợp tôn khiến ngôi nhà nóng như lò lửa. Vì thế, những đứa trẻ thường được sai vào nhà mang ghế ra đặt dưới bóng cây để chúng tôi ngồi.

Mọi người trong nhà xúm lại nghe, người thì ngồi ghế đẩu đóng sơ sài, người thì ngồi trên cái thùng úp xuống. Ngay cả những đứa trẻ đang mải mê chơi đồ chơi mà các em tự làm cũng được gọi về để nghe. Chúng tôi chia sẻ vài câu Kinh Thánh và mời các em biết chữ đọc các ấn phẩm. Hầu hết mọi người mà chúng tôi gặp đều vui vẻ nhận sách báo và nhiều người mời chúng tôi trở lại thăm.

Giờ trưa, chúng tôi tạm nghỉ để ăn bánh mì kẹp và uống nước mát trước khi đi thăm lại một số người. Đầu tiên, chúng tôi đến thăm anh Jimmy, một người nhập cư đến từ Malawi, đang làm việc trong một mỏ bạch kim ở đây. Chúng tôi biết anh đã nhiều tháng, anh luôn vui khi gặp chúng tôi. Mỗi lần đến, chúng tôi đều dành thời gian để thảo luận Kinh Thánh với anh. Anh Jimmy kết hôn với một phụ nữ địa phương tên là Setswana và họ có hai con rất dễ thương. Lần trước đến thăm, anh không có ở nhà nên hôm nay chúng tôi rất mong được gặp anh.

Khi đến ngôi nhà bình dị của anh Jimmy, ngay lập tức chúng tôi thấy có điều gì đó khác thường. Mảnh vườn đẹp trước đây giờ đã hoang tàn, cây bắp thì khô héo và những con gà bới đất tìm thức ăn nay cũng không còn. Cửa nhà được khóa bằng dây xích to. Khi một người hàng xóm đến xem có chuyện gì, chúng tôi hỏi bà có biết anh Jimmy đi đâu không. Bà cho biết một tin sửng sốt: Anh Jimmy đã chết, và vợ anh mang con về sống với gia đình chị.

Dù người ở đây nghĩ rằng tò mò chuyện của người khác là mất lịch sự, nhưng chúng tôi vẫn muốn hỏi rõ. Bà cho biết: “Anh ta chết vì bị bệnh. Gần đây, có nhiều loại bệnh, và nhiều người chết”. Bà ấy không nói anh Jimmy bị bệnh gì vì người ở đây hiếm khi nói đến bệnh tật, nhưng số ngôi mộ tăng đều trong nghĩa địa là thực tế đáng buồn xác minh lời của bà. Chúng tôi chia sẻ với bà hy vọng về sự sống lại, rồi tạm biệt bà mà lòng nặng trĩu.

Chúng tôi tới một ngôi làng khác để thăm người kế tiếp. Đến dãy nhà sau cùng gần núi chất thải từ một hầm mỏ, cuối đường chúng tôi rẽ vào ngõ dẫn đến nhà của người ấy. Trong vườn, một tảng đá có sơn dòng chữ màu sắc sặc sỡ: “Do dự là kẻ cướp thời gian, trì hoãn là kẻ đồng lõa”. Anh David *, người viết dòng chữ này, ló đầu ra từ phía sau chiếc xe mẫu Con bọ hiệu Volkswagen đã có tuổi. Anh nheo mắt vì nắng chiều chói lọi và khi nhận ra chúng tôi, anh cười tươi để lộ ra những cái răng bọc vàng lấp lánh. Anh lau tay và đến chào chúng tôi.

Anh nói: “Chào anh chị. Lâu lắm mới thấy anh chị đến!”. Chúng tôi rất mừng khi được gặp lại anh David. Anh xin lỗi vì sắp phải đến mỏ làm việc nên không thể dành nhiều thời gian cho chúng tôi, anh đã tìm được việc kể từ lần trước gặp chúng tôi. Suốt cuộc trò chuyện sôi nổi, anh luôn tươi cười. Anh hồ hởi nói: “Đời tôi thay đổi hẳn từ ngày đầu tiên gặp anh chị! Nếu không có ngày đó, thì bây giờ không biết tôi ra sao”.

Với lòng phấn chấn, chúng tôi chào tạm biệt anh. Khi hoàng hôn buông xuống, chúng tôi lái xe để về nhà. Nhìn cảnh đồng bằng lần cuối, giờ đây mờ mờ dưới ánh nắng của buổi chiều tàn như có vô số cát được tung lên trời, chúng tôi tự hỏi: Làm sao để chia sẻ tin mừng cho tất cả người dân ở đây? Chúng tôi cảm nghiệm rõ ý nghĩa của lời Chúa Giê-su: “Mùa gặt thì trúng, song con gặt thì ít”.—Lu-ca 10:2.

[Chú thích]

^ đ. 12 Tên đã đổi.

[Nguồn hình ảnh nơi trang 17]

Kind permission given by the South African Post Office