Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tội lỗi—Điều gì đã thay đổi?

Tội lỗi—Điều gì đã thay đổi?

Tội lỗi—Điều gì đã thay đổi?

“Ngày nay, người ta không thích ý tưởng về tội tổ tông (tội mà tất cả chúng ta đều mắc phải do tai họa của tổ tiên đầu tiên). Nhưng họ cũng không thích ý tưởng về tội lỗi... Những người như Adolf Hitler và Josef Stalin đã phạm tội nhưng đa số chúng ta chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh và sự khiếm khuyết”.—The Wall Street Journal.

Như phần trích ở trên cho thấy ý niệm về tội lỗi ngày nay đã ở mức nghiêm trọng. Tại sao thế? Điều gì đã thay đổi? Thật ra, tội lỗi là gì và tại sao nó khiến người ta khó chịu?

Ý niệm về tội lỗi có hai khía cạnh, đó là tội lỗi di truyền và hành động tội lỗi của cá nhân. Khía cạnh đầu tiên là điều chúng ta thừa hưởng, dù thích hay không, khía cạnh thứ hai là điều chúng ta thực hành. Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn mỗi khía cạnh.

Bị vết vì tội tổ tông?

Kinh Thánh nói rằng khiếm khuyết về đạo đức, hay tội tổ tông, là do tổ phụ đầu tiên truyền lại cho mọi người. Hậu quả là tất cả chúng ta sinh ra đều không hoàn thiện. Kinh Thánh cho biết “mọi sự không công-bình đều là tội”.—1 Giăng 5:17.

Tuy nhiên đối với nhiều người đi lễ, ý tưởng mọi người sinh ra là đã không hoàn thiện vì tội lỗi xa xưa mà họ không góp phần cũng không chịu trách nhiệm là điều không thể hiểu được và không thể chấp nhận. Giáo sư thần học là ông Edward Oakes nói: “Giáo lý ấy khiến người ta bất ngờ, hoàn toàn phản đối hoặc có người nói tin nhưng không ảnh hưởng đến đời sống của họ”.

Một yếu tố khiến người ta khó chấp nhận ý niệm về tội tổ tông là những gì giáo hội dạy về tội này. Chẳng hạn, tại công đồng Trent (1545-1563), giáo hội lên án những ai không chịu rửa tội cho em bé sơ sinh hầu giảm bớt tội cho chúng. Những nhà thần học tuyên bố: Nếu đứa trẻ chết mà chưa rửa tội thì chưa được sạch tội và sẽ không bao giờ được lên thiên đàng. Ông Calvin đã đi quá xa khi dạy rằng các đứa trẻ “đã bị kết án từ khi còn trong bụng mẹ”. Ông xác nhận “Thiên Chúa ghét và kinh tởm” bản chất của chúng.

Theo lẽ thường, đa số người ta nhận thấy trẻ sơ sinh là những tạo vật vô tội, nên ý tưởng chúng phải bị đau khổ vì tội lỗi di truyền là ngược với bản tính con người. Thật dễ để biết tại sao những điều giáo hội dạy khiến người ta không còn tin về giáo lý tội tổ tông. Thật vậy, một số nhà lãnh đạo trong giáo hội khó có thể kết án một đứa trẻ chưa rửa tội bị đày xuống hỏa ngục. Đối với họ, số phận sau cùng vẫn còn là điều mà thần học chưa lý giải được. Dù chưa bao giờ trở thành giáo lý, nhưng trong nhiều thế kỷ, sự dạy dỗ trong truyền thống Công giáo là những linh hồn vô tội chưa chịu phép rửa tội sẽ ngụ ở vùng giới tuyến của U Linh Giới *.

Một yếu tố khác góp phần làm mai một niềm tin nơi tội tổ tông là các triết gia, khoa học gia và các nhà thần học sống vào thế kỷ 19. Họ đặt nghi vấn liệu có nên chấp nhận những lời tường thuật trong Kinh Thánh như là lịch sử có thật không. Đối với nhiều người, thuyết tiến hóa của Darwin đã làm cho câu chuyện A-đam và Ê-va trở thành truyện thần thoại. Hậu quả là nhiều người thời nay xem Kinh Thánh chỉ là sự phản ánh quan điểm và phong tục của người viết hơn là sự mặc khải của Thiên Chúa.

Vậy, chúng ta kết luận thế nào về giáo lý tội tổ tông? Rõ ràng, nếu những người đi nhà thờ bị thuyết phục rằng A-đam và Ê-va không có thật, thì kết luận hợp lý là không có tội tổ tông. Ngay cả đối với những người thừa nhận nhân loại bị khiếm khuyết, ý niệm về tội tổ tông chỉ là một cách khác để giải thích về bản tính không hoàn thiện của con người.

Nếu không có tội tổ tông, vậy còn tội cá nhân thì sao?

Đây có thật sự là tội?

Khi được hỏi tội cá nhân là gì, nhiều người nghĩ đến Mười Điều Răn: cấm giết người, ngoại tình, tham lam, quan hệ trước hôn nhân, trộm cướp, v.v. Theo sự dạy dỗ trong truyền thống của giáo hội, bất kỳ người nào phạm những tội như thế mà không hối cải sẽ chịu thống khổ mãi mãi dưới hỏa ngục *.

Để một người không chịu kết cuộc như thế, Giáo hội Công giáo đòi hỏi người ấy phải xưng tội với một linh mục, người mà họ cho rằng có quyền xá tội. Tuy nhiên, đối với hầu hết các tín đồ Công giáo, nghi thức xưng tội, xá tội và sám hối đã trở thành dĩ vãng. Chẳng hạn, một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy có hơn 60% tín đồ Công giáo người Ý không còn đi xưng tội nữa.

Rõ ràng, ý niệm xưa về tội cá nhân và hậu quả của nó (như giáo hội giải thích) đã không giúp cho người ta tránh phạm tội. Nhiều người đi lễ xem những thực hành từng bị coi là tội [như các thực hành bị lên án trong Mười Điều Răn] giờ đây là sai trái nữa. Chẳng hạn, một số người lý luận rằng nếu hai người trưởng thành đồng ý quan hệ tình dục và không gây tổn thương cho người thứ ba, thì có hại gì không?

Một điều có thể giải thích cho sự lý luận này là trong thâm tâm của những người đó, họ không tin những gì họ được dạy về tội lỗi. Thật vậy, nhiều người khó tin rằng Thiên Chúa đầy yêu thương lại để những người mắc tội bị thống khổ đời đời trong hỏa ngục. Có lẽ sự hoài nghi như thế là một lý do để giải thích tại sao tội lỗi giảm đi phần nhiều tính nghiêm trọng của nó. Nhưng một yếu tố khác cũng góp phần làm mất đi ý niệm về tội lỗi.

Bác bỏ giá trị đạo đức

Các biến cố diễn ra vài thế kỷ gần đây đã gây ra những thay đổi rất lớn trong xã hội và lối suy nghĩ của con người. Hai cuộc thế chiến, vô số các cuộc chiến nhỏ và nạn diệt chủng đã khiến nhiều người đặt nghi vấn về các giá trị truyền thống. Họ thắc mắc: “Trong thời đại kỹ thuật tiên tiến, việc sống theo tiêu chuẩn cách đây hàng thế kỷ và hoàn toàn lỗi thời, thì có hợp lý không?”. Nhiều người theo chủ nghĩa duy lý và các nhà luân lý học kết luận rằng điều đó không hợp lý. Họ tin rằng xã hội cần giũ bỏ một số ràng buộc về đạo đức và mê tín dị đoan để đạt đến những khả năng to lớn của con người thông qua giáo dục.

Lối suy nghĩ này khiến người ta xa cách Thiên Chúa. Tại nhiều nơi ở châu Âu, chỉ có ít người đi lễ. Ngày càng có nhiều người không tin gì cả, nhiều người công khai chống lại các tín lý của các tôn giáo, điều mà họ xem là lố bịch. Họ lý luận nếu con người chỉ là kết quả của môi trường sống và sự chọn lọc tự nhiên, thì cần gì nói về tội lỗi do vi phạm luân lý đạo đức?

Sự suy yếu về đạo đức nói chung ở phương tây trong thế kỷ 20, cùng với những điều khác, đã dẫn đến cái được gọi là “cách mạng tình dục”. Sinh viên biểu tình, phong trào phản văn hóa và việc sử dụng rộng rãi thuốc ngừa thai, tất cả những điều này góp phần khiến người ta bác bỏ những ý niệm truyền thống đúng đắn. Chẳng mấy chốc, các giá trị đạo đức trong Kinh Thánh đã bị bác bỏ. Một thế hệ mới tán thành tiêu chuẩn đạo đức mới và thái độ mới về tội lỗi. Vì vậy, một tác giả nói kể từ đó “chỉ có một luật duy nhất là luật về tình yêu”—được thể hiện qua tình dục luông tuồng và mọi người đều chấp nhận.

Sự dễ dãi trong tôn giáo

Bình luận về tình trạng ở Hoa Kỳ, tạp chí Newsweek thẳng thắn cho biết: “Hàng giáo phẩm đang cạnh tranh trong một thế giới có nhiều sự lựa chọn, cảm thấy họ không thể làm cho người ta thờ ơ”. Họ sợ rằng nếu đòi hỏi cao về đạo đức thì giáo dân sẽ bỏ họ. Người ta không muốn nghe những điều như phải vun trồng tính khiêm nhường, kỷ luật và đạo đức hoặc họ nên để ý đến lương tâm và sám hối tội lỗi. Vì thế, nhiều giáo hội chấp nhận điều mà tạp chí Chicago Sun-Times gọi là “thông điệp dễ nghe, trục lợi, thậm chí vị kỷ... của Ki-tô giáo [và] bỏ qua Phúc âm”.

Điều này dẫn đến một loại tư tưởng trong tôn giáo mà người ta định nghĩa về Thiên Chúa theo ý riêng của họ. Giáo hội không còn chú tâm vào Thiên Chúa và những điều Ngài đòi hỏi nơi chúng ta, mà tập trung vào con người cùng những điều tôn lên lòng tự trọng của họ. Mục tiêu duy nhất của họ là đáp ứng nhu cầu của giáo dân. Kết quả là tôn giáo của họ thành ra trống rỗng, không có giáo lý. Tờ The Wall Street Journal nêu lên câu hỏi: “Điều gì thay thế các chuẩn mực đạo đức mà trước đây Ki-tô giáo xem trọng? Chỉ có duy nhất một giá trị “đạo đức” tức dung thứ, nghĩa là “một người dễ mến” cũng đủ để được tha thứ mọi tội”.

Thế nên, tất cả những điều này hình thành một thái độ: bất cứ tôn giáo nào làm cho người ta cảm thấy thoải mái được xem là tốt. Tờ The Wall Street Journal nhận xét bất cứ ai chấp nhận quan điểm đó thì “có thể theo bất kỳ tôn giáo nào, nếu không bị bắt phải làm theo tiêu chuẩn đạo đức, tức họ cần một tôn giáo an ủi nhưng không đoán xét”. Các tôn giáo sẵn sàng chấp nhận người ta “theo bản chất của họ” chứ không buộc họ phải theo tiêu chuẩn đạo đức nào.

Những điều đề cập ở trên có lẽ khiến các độc giả Kinh Thánh nhớ đến lời tiên tri do tông đồ (sứ đồ) Phao-lô viết vào thế kỷ thứ nhất công nguyên. Ông cho biết: “Sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư-dục mà nhóm-họp các giáo-sư xung-quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật”.—2 Ti-mô-thê 4:3, 4.

Khi các nhà lãnh đạo tôn giáo bào chữa cho tội lỗi, phủ nhận sự tồn tại của nó, làm êm tai giáo dân bằng cách nói những điều họ muốn nghe thay vì những gì Kinh Thánh nói, các nhà lãnh đạo tôn giáo gây nguy hại cho họ. Thông điệp ấy là giả dối và nguy hiểm. Nó xuyên tạc một trong những giáo lý cơ bản trong đạo của Chúa Giê-su. Tội lỗi và sự tha thứ có một vị trí quan trọng trong tin mừng mà Chúa Giê-su và các sứ đồ ngài dạy. Để biết tại sao lại như thế, mời bạn đọc tiếp bài sau.

[Chú thích]

^ đ. 9 U Linh Giới là một sự dạy dỗ không có trong Kinh Thánh, khiến nhiều người hoang mang. Có lẽ đây là lý do khiến sự dạy dỗ này bị loại ra khỏi hầu hết các sách giáo lý vấn đáp Công giáo hiện nay. Xem khung “Một tín điều đã thay đổi hoàn toàn”, nơi trang 10.

^ đ. 14 Niềm tin về sự thống khổ đời đời trong hỏa ngục không có trong Kinh Thánh. Muốn biết thêm chi tiết, xin xem chương 6, “Những người chết ở đâu?”, trong sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Câu nổi bật nơi trang 7]

Sự dễ dãi trong tôn giáo gây ra hậu quả xấu

[Khung nơi trang 6]

Tội lỗi ư? “Chúng ta không còn bận tâm”

▪ “Một trong những trở ngại lớn nhất của giáo hội ngày nay chính là vấn đề này. Chúng ta không còn xem mình là “những người có tội” cần được tha thứ. Có lẽ tội lỗi từng là vấn đề, nhưng hiện nay chúng ta không còn bận tâm. Dù giáo hội có một giải pháp cho vấn đề tội lỗi nhưng trong mắt của đa số người Mỹ, nó không còn là vấn đề nữa, nếu có nó cũng không nghiêm trọng”.​—Ông John A. Studebaker, Jr., một người viết về tôn giáo.

▪ “Người ta nói: “Tôi mong đợi mình và người khác có tiêu chuẩn cao về đạo đức, nhưng tôi biết chúng ta chỉ là con người nên tôi chỉ cố gắng hết sức”. Chúng ta tìm một phạm vi đạo đức mà mình cảm thấy thoải mái, ở mức độ tương đối mà chúng ta nghĩ rằng mình là người tốt... Nhưng chúng ta lờ đi vấn đề lớn hơn của tội lỗi”.​—Ông Albert Mohler, hiệu trưởng trường Thần học Báp-tít Miền nam.

▪ “Ngày nay, người ta hãnh diện về những điều mà trước đây bị xem là xấu hổ [như cái được gọi là “bảy mối tội đầu”]: Các bậc cha mẹ khuyến khích lòng kiêu ngạo là điều cần thiết cho lòng tự trọng; một nhóm bếp trưởng người Pháp to béo thỉnh cầu Vatican không quy việc tham ăn là tội lỗi. Ghen tị khiến người ta muốn theo dõi tin tức về giới nghệ sĩ để có được những gì họ có. Các chiến lược quảng cáo kích thích lòng tham; giận dữ là điều đúng đối với người nóng nảy. Đôi khi tôi chỉ muốn làm biếng”.​—Bà Nancy Gibbs, nói trong tạp chí Time.

[Hình nơi trang 5]

Nhiều người ngày nay xem lời tường thuật về A-đam và Ê-va là truyện thần thoại