Hãy tin cậy Đức Giê-hô-va—Ngài sẽ giúp bạn
Hãy tin cậy Đức Giê-hô-va—Ngài sẽ giúp bạn
Do Edmund Schmidt kể lại
Lời khuyên trên hiện lên trong trí khi tôi sắp ra tòa tại bang New York vào tháng 10 năm 1943. Năm ấy tôi mới 25 tuổi và sẽ ngồi tù gần bốn năm vì giữ lập trường trung lập của tín đồ Đấng Christ. Như các môn đồ thời ban đầu, tôi cương quyết “vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta” (Công-vụ 5:29). Nhưng trước khi kể cho các bạn nghe tiếp câu chuyện, hãy để tôi giải thích vì sao tôi hết lòng tin cậy Đức Chúa Trời.
Tôi sinh ngày 23-4-1922 tại thành phố Cleveland, bang Ohio, Hoa Kỳ, trong căn hộ ở tầng trên tiệm bánh của cha. Bốn tháng sau, cha tôi là Edmund tham dự một hội nghị của Học viên Kinh Thánh (tên gọi của Nhân Chứng Giê-hô-va thời bấy giờ) tại Cedar Point, gần Sandusky, cách nhà khoảng 160km.
Tại hội nghị đó, những người tham dự được kêu gọi: “Hãy loan báo, loan báo, loan báo về Vua [do Đức Chúa Trời chọn] và Nước Trời”. Chủ nhật sau, cha tôi bắt đầu tham gia công việc đó. Cha vẫn làm công việc ấy trong suốt 66 năm sau, cho tới lúc ông mất vào ngày 4-7-1988. Mẹ tôi là Mary trung thành với Đức Chúa Trời cho đến khi qua đời vào năm 1981.
Theo cha mẹ thờ phượng Đức Chúa Trời
Gia đình tôi sinh hoạt với hội thánh nói tiếng Ba Lan ở Cleveland. Vào chiều thứ bảy, nhiều trẻ em như tôi đi cùng người lớn tham gia rao giảng tin mừng từng nhà. Ngày chủ nhật, trong khi các bậc cha mẹ nghe bài giảng về Kinh Thánh ở phòng chính thì bọn trẻ chúng tôi, khoảng 30 đứa, được một thầy giàu kinh nghiệm dạy bằng sách Đàn cầm của Đức Chúa Trời (The Harp of God) *. Không lâu sau, tôi cũng hướng dẫn một số học hỏi Kinh Thánh và gặt hái kết quả tốt.
Tháng 7 năm 1931, gia đình tôi, lúc này có cả em Frank, đi dự một hội nghị khác của Học viên Kinh Thánh tại Columbus, cách nhà khoảng 160km về phía nam. Tại hội nghị đó, Học viên Kinh Thánh hân hoan lấy danh hiệu mới, căn cứ vào Kinh Thánh là Nhân Chứng Giê-hô-va (Ê-sai 43:10-12). Vào dịp này, tôi đi rao giảng để mời người ta đến nghe bài diễn văn của anh J. F. Rutherford, người dẫn đầu công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va thời đó. Đã 79 năm trôi qua, việc phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời cùng với dân Ngài vẫn là trọng tâm trong đời sống của tôi.
Rao giảng trong giai đoạn khó khăn
Cuộc Đại Suy Thoái năm 1933 ảnh hưởng trên khắp thế giới. Ở Hoa Kỳ, hơn 15 triệu người, hay 1/4 lực lượng lao động, bị thất nghiệp. Ngân quỹ của các thành phố bị cạn kiệt và không có chế độ an sinh xã hội hoặc trợ cấp cho người nghèo. Tuy nhiên, những anh chị đồng đạo đã giúp đỡ lẫn nhau. Vào mỗi ngày chủ nhật, cả nhà chúng tôi mang bánh mì và bánh ngọt từ tiệm của gia đình đến nơi nhóm họp để chia sẻ với các anh chị. Sau khi đã chi trả các khoản phí vào cuối tháng, số tiền còn dư đều được cha tôi gửi đến trụ sở của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Brooklyn, New York. Cha tôi biết rằng món tiền này sẽ được dùng cho việc in ấn các sách báo giải thích Kinh Thánh.
Thời đó, đài phát thanh đóng vai trò quan trọng trong việc truyền giáo của chúng tôi. Hơn 400 đài đã phát sóng những bài giảng của các kỳ hội nghị. Vào thập niên 1930, Nhân Chứng cũng sản xuất đĩa và máy quay đĩa tại xưởng ở Brooklyn. Chúng tôi dùng các sản phẩm này trong việc giảng đạo, rồi báo cáo số lần đã bật các bài giảng ấy cho người ta nghe và số người chịu lắng nghe.
Năm 1933, Adolf Hitler và đảng Quốc Xã lên nắm quyền tại Đức. Nhân Chứng Giê-hô-va ở nước này bị bắt bớ dữ dội vì giữ lập trường trung lập (Giăng 15:19; 17:14). Do không tham gia chính trị hay tung hô Hitler, một số lớn Nhân Chứng bị bỏ vào tù hoặc trại tập trung. Nhiều anh chị bị giết, số khác bị bắt làm việc cho đến chết. Vì bị tra tấn nên không lâu sau khi được trả tự do, nhiều anh chị đã qua đời. Tuy nhiên, ít ai biết rằng Nhân Chứng Giê-hô-va cũng từng bị ngược đãi tại những xứ khác, kể cả Hoa Kỳ.
Năm 1940, chúng tôi đi dự một hội nghị tại Detroit, bang Michigan. Hôm ấy là ngày 28 tháng 7, và tôi làm báp-têm để biểu trưng sự dâng mình cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Vào tháng trước hội nghị, tòa Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã phán quyết rằng ai không chịu tham gia nghi lễ quốc gia là phạm pháp và sẽ bị đuổi học. Nhân Chứng Giê-hô-va đối phó thế nào trước quyết định đó? Nhiều anh chị đã mở trường tư để dạy học cho con em Nhân Chứng. Những ngôi trường này được gọi là Trường Nước Trời.
Thế Chiến II bùng nổ vào tháng 9 năm 1939 ở châu Âu, và giờ đây cơn bão chiến tranh đã quét qua Hoa Kỳ. Các Nhân Chứng trẻ bị những người không hiểu lập
trường của họ chế giễu và đánh đập. Theo một báo cáo, từ năm 1940 đến 1944 tại Hoa Kỳ, có hơn 2.500 trường hợp Nhân Chứng Giê-hô-va bị đám đông hành hung. Sự bắt bớ gay gắt hơn khi quân Nhật tấn công Trân Châu Cảng vào ngày 7-12-1941. Vài tuần trước đó, tôi đã bắt đầu làm tiên phong, tức người truyền giáo trọn thời gian của Nhân Chứng Giê-hô-va. Tôi dành dụm tiền để mua nhà lưu động dài 7m, rồi nhiều người trong chúng tôi dọn đến bang Louisiana để phụng sự.Bị bắt bớ ở miền nam
Chúng tôi được người dân cho phép đậu nhà lưu động tại một vườn cây gần thành phố Jeanerette. Vào ngày thứ bảy nọ, chúng tôi đi rao giảng trên đường phố thì cảnh sát trưởng cho người đến bắt và giải chúng tôi đến tòa thị chính. Khi cảnh sát thả chúng tôi, một đám đông khoảng 200 người đứng bên ngoài, nhưng chúng tôi không hề được cảnh sát bảo vệ. Thật nhẹ nhõm khi đám đông tẽ ra, để chúng tôi đi qua. Hôm sau, chúng tôi đến Baton Rouge, một thành phố lớn kế cận, để báo cho các anh chị Nhân Chứng ở đó về những gì đã xảy ra.
Khi trở lại thành phố Jeanerette, chúng tôi thấy một mảnh giấy dán trên cửa có viết: “Xin đến gặp tôi tại khu trại dành cho công nhân dầu mỏ”. Trong đó có ký tên “E. M. Vaughn”. Chúng tôi tìm được ông Vaughn, và ông mời chúng tôi dùng bữa cùng vợ chồng ông. Ông Vaughn cho biết ông cùng vài người bạn có mặt trong đám đông vào ngày thứ bảy ấy và nếu cần, ông sẽ bảo vệ chúng tôi. Chúng tôi cảm kích sự khích lệ và hỗ trợ của ông.
Ngày hôm sau, các phó quận trưởng cảnh sát mang súng đến bắt chúng tôi và tịch thu các ấn phẩm. Họ lấy chìa khóa nhà và biệt giam tôi 17 ngày mà hầu như không cho ăn gì. Ông Vaughn cố gắng giúp tôi nhưng không thành. Khi tôi bị giam, người ta cướp đồ và đốt mọi thứ, kể cả nhà lưu động của tôi. Lúc ấy, tôi không biết rằng Đức Giê-hô-va đang rèn luyện tôi để đương đầu với những khó khăn sắp đến.
Bị tù ở miền bắc
Sau một tháng trở về miền bắc, tôi được bổ nhiệm làm tiên phong đặc biệt và phái đi thành phố Olean, New York. Tại đây, chính quyền bảo tôi đăng ký nghĩa vụ, và hồ sơ của tôi được ghi là miễn cầm súng vì cớ lương tâm. Tuy nhiên, sau khi trải qua cuộc kiểm tra sức khỏe thể chất và tinh thần, hồ sơ của tôi lại được duyệt cho đi Học viện Huấn luyện Sĩ quan.
Tôi tiếp tục làm tiên phong khoảng một năm. Năm 1943, vì không chịu từ bỏ công việc rao giảng và vì lập trường trung lập, nên tôi bị Cục điều tra Liên bang (FBI) bắt và được lệnh phải ra hầu tòa vào tuần sau tại thành phố Syracuse, bang New York. Tôi bị buộc tội và phiên tòa xét xử mở ra hai ngày sau.
Tôi tự bào chữa cho mình. Tại các buổi nhóm họp, những Nhân Chứng trẻ chúng tôi được hướng dẫn cách để bảo vệ quyền công dân và cách cư xử thích hợp trước tòa án. Tôi nhớ rất rõ lời khuyên được đề cập ở đầu bài. Thậm chí, một số công tố viên nói rằng Nhân Chứng biết rõ luật pháp hơn cả họ. Tuy nhiên, hội đồng xét xử đã kết án tôi. Khi thẩm phán hỏi tôi có muốn nói thêm gì không, tôi chỉ đáp: “Hôm nay, cả quốc gia phải chịu trách nhiệm trước mắt Đức Chúa Trời về cách quốc gia đối xử với những người phụng sự Ngài”.
Tôi lãnh án bốn năm tù tại nhà tù liên bang ở thành phố Chillicothe, Ohio. Ở đây, tôi được giao làm thư ký cho một viên quản lý nhà tù. Sau vài tuần, một đặc phái viên từ Washington D.C. đến văn phòng và nói rằng họ đang điều tra ông Hayden Covington. Anh Hayden Covington là luật sư biện hộ cho Nhân Chứng Giê-hô-va và là một trong
những luật sư về nhân quyền giỏi nhất Hoa Kỳ.Đặc phái viên này đã nói ông muốn hoàn tất hồ sơ của hai tù nhân, đó là Danny Hurtado và Edmund Schmidt. Viên quản lý đáp lại: “Thật trùng hợp, đây là Schmidt”. Đặc phái viên đang thi hành một nhiệm vụ bí mật, nhưng ông nhận ra giờ đây chúng tôi đã biết hết mọi chuyện. Chẳng bao lâu, tôi bị chuyển công việc xuống nhà bếp.
Làm tiên phong, phụng sự tại Bê-tên và kết hôn
Vào ngày 26-9-1946, tôi được phóng thích trước thời hạn sau khi cam kết. Tôi trở lại công việc tiên phong và kết hợp với hội thánh Highland Park ở California. Vào tháng 9 năm 1948, mục tiêu bấy lâu của tôi đã thành hiện thực. Tôi được mời vào làm bánh tại trụ sở của Nhân Chứng Giê-hô-va (nhà Bê-tên) ở Brooklyn, nơi sản xuất sách báo giải thích Kinh Thánh để dùng trong công việc rao giảng trên khắp thế giới. Ngay lập tức, tôi thôi việc ở một nhà hàng tại thành phố Glendale và chuyển đến Bê-tên.
Bảy năm sau đó, năm 1955, nhiều hội nghị quốc tế được tổ chức ở châu Âu. Gia đình tôi tài trợ chi phí để tôi đi dự hội nghị. Tôi được tham dự hội nghị ở Luân Đôn, Paris, Rome và đặc biệt thích hội nghị ở Nuremberg, Đức. Ở đây có hơn 107.000 người tham dự trong một sân vận động lớn, là nơi Hitler từng duyệt binh. Trong số họ có những Nhân Chứng từng bị Hitler thề thủ tiêu. Thật khích lệ khi được ngồi cạnh họ!
Tại hội nghị ở Nuremberg, tôi đã gặp và yêu một chị Nhân Chứng trẻ người Đức tên là Brigitte Gerwien. Chưa đầy một năm sau, chúng tôi kết hôn và trở về Glendale để ở gần cha mẹ tôi. Chúng tôi sinh con trai đầu lòng là cháu Tom vào năm 1957, cháu thứ hai là Don, năm 1958, và cháu gái Sabena vào năm 1960.
Đời sống ý nghĩa và thỏa nguyện
Một số người hỏi rằng phụng sự Đức Chúa Trời mà bị đám đông hành hung và bỏ tù, tôi có hối tiếc không? Không. Trái lại, tôi cảm ơn Đức Giê-hô-va đã ban cho tôi đặc ân được phụng sự Ngài vai kề vai với nhiều anh chị trung thành. Tôi hy vọng kinh nghiệm của mình sẽ khuyến khích người khác đến gần Đức Chúa Trời và không bao giờ lìa bỏ Ngài.
Nhiều tôi tớ của Đức Chúa Trời chịu thử thách cam go vì phụng sự Ngài. Nhưng chẳng phải chúng ta đã được báo trước về điều đó rồi sao? Kinh Thánh nói: “Hết thảy mọi người muốn sống cách nhân-đức trong Đức Chúa Jêsus-Christ, thì sẽ bị bắt-bớ” (2 Ti-mô-thê 3:12). Những lời nơi Thi-thiên 34:19 thật đúng biết bao: “Người công-bình bị nhiều tai-họa, nhưng Đức Giê-hô-va cứu người khỏi hết”!
[Chú thích]
^ đ. 7 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản nhưng hiện nay không còn ấn hành.
[Hình nơi trang 27]
Rao giảng ở bang Louisiana vào đầu thập niên 1940
[Hình nơi trang 29]
Làm bánh ở nhà Bê-tên
[Hình nơi trang 29]
Với vợ tôi là Brigitte