Đi đến cùng trái đất
Đời sống môn đồ Chúa Giê-su thời ban đầu
Đi đến cùng trái đất
“Bữa sau, người đi với Ba-na-ba đến thành Đẹt-bơ. Khi hai sứ-đồ đã rao-truyền Tin-lành trong thành đó, và làm cho khá nhiều người trở nên môn-đồ, thì trở về thành Lít-trơ, thành Y-cô-ni, và thành An-ti-ốt”.—CÔNG-VỤ 14:20, 21.
Khách bộ hành hít sâu không khí mát lạnh của buổi sáng. Ông xỏ đôi chân mệt mỏi vào xăng đan đã mòn. Một ngày đi bộ nữa lại bắt đầu.
Dưới ánh nắng ban mai, ông đi trên con đường bụi bậm, qua khỏi vườn nho, xuyên qua rừng ôliu, và lên sườn đồi dốc. Dọc đường, người bộ hành gặp những người khác—nông dân chậm rãi ra đồng, thương nhân đang thúc những con vật chở đầy hàng hóa, và khách hành hương đi lên Giê-ru-sa-lem. Người bộ hành và các bạn đồng hành nói chuyện với những người họ gặp. Mục đích là gì? Đó là thực hiện sứ mệnh Chúa Giê-su giao: làm chứng về ngài “cho đến cùng trái đất”.—Công-vụ 1:8.
Người bộ hành này có thể là sứ đồ Phao-lô, Ba-na-ba hay bất cứ nhà truyền giáo nào vào thế kỷ thứ nhất đã quen gian khổ (Công-vụ 14:19-26; 15:22). Họ là những người bền bỉ, kiên cường. Vào thời đó việc đi lại rất khó nhọc. Miêu tả sự gian nan trên biển, sứ đồ Phao-lô viết: “Ba lần bị chìm tàu. Tôi đã ở trong biển sâu một ngày một đêm”. Đi bằng đường bộ không dễ dàng hơn. Phao-lô nói, ông thường gặp “nguy trên sông-bến” và “nguy với trộm-cướp”.—2 Cô-rinh-tô 11:25-27.
Nếu cùng đi với các nhà truyền giáo thì cuộc hành trình ấy sẽ như thế nào? Bạn sẽ đi được bao xa trong một ngày? Bạn cần mang gì theo, và dọc đường bạn sẽ ở đâu?
Đi bằng đường bộ. Vào thế kỷ thứ nhất, người La Mã đã xây hệ thống đường xá trên diện tích rộng lớn để kết nối những trung tâm chính của đế quốc. Những con đường này được thiết kế kỹ lưỡng và xây dựng vững chắc. Nhiều con đường rộng 4,5m, có lát đá, lề đường và những cột cây số. Trên con đường như thế, nhà truyền giáo như Phao-lô có thể đi bộ khoảng 32 km một ngày.
Tuy nhiên, ở Pha-lê-tin, phần lớn là những con đường đất nguy hiểm, không có rào chắn nơi các cánh đồng và khe núi. Người bộ hành có thể gặp thú dữ hoặc kẻ cướp; đường còn có thể bị tắc nghẽn.
Người bộ hành mang gì theo? Một số thứ cần thiết như gậy để tự vệ (1), túi ngủ (2), túi tiền (3), đôi xăng đan dự trữ (4), túi thực phẩm (5), bộ quần áo để thay (6), gầu múc nước bằng da thuộc để lấy nước dọc đường (7), bầu nước (8), và một túi to bằng da để chứa vật dụng cá nhân (9).
Nhà truyền giáo chắc chắn sẽ gặp thương nhân, những người phân phối hàng hóa đến các chợ địa phương. Những thương nhân ấy cần những con lừa có chân vững chắc. Đây là loài vật tốt nhất để đi trên những con đường đá dốc. Người ta nói rằng với hàng hóa chất đầy, một con lừa mạnh khỏe có thể đi đến 80 km một ngày. Xe bò và xe ngựa thì chậm hơn, chỉ có thể đi từ 8 đến 20 km một ngày. Nhưng xe bò có thể chở nhiều hơn và là phương tiện tốt nhất cho những chuyến đi ngắn. Khách bộ hành có thể vượt đoàn lữ hành bằng lạc đà
hay lừa—hàng chục con vật chất đầy hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới. Người đưa tin cưỡi ngựa có thể vượt qua người lữ hành, mang thư và chiếu chỉ đến một tiền đồn của đế quốc.Khi màn đêm xuống, khách lữ hành ngủ dọc đường trong những lều được dựng lên vội vàng. Một số người ngụ tại khu nhà trọ. Đó là một khu đất có tường bao quanh, trong đó các phòng không có đồ đạc hướng ra một cái sân. Những nơi dơ bẩn này chỉ để tránh mưa gió và kẻ trộm. Khi có thể, các nhà truyền giáo thường ở với gia đình hoặc nhà anh em đồng đạo.—Công-vụ 17:7; Rô-ma 12:13.
Đi bằng đường biển. Tàu nhỏ chuyên chở hàng hóa và người dọc theo bờ biển, qua biển Ga-li-lê (Giăng 6:1, 2, 16, 17, 22-24). Nhiều tàu lớn hơn băng qua biển Địa Trung Hải, chuyên chở hàng hóa đến và về từ những hải cảng xa. Những tàu này cung cấp thực phẩm cho thành Rô-ma, chở các quan chức và chuyển thông tin giữa các cảng.
Thủy thủ định hướng tàu bằng mắt—mốc bờ vào ban ngày, các vì sao vào ban đêm. Thế nên, hành trình bằng đường biển chỉ tương đối an toàn trong khoảng tháng 5 đến giữa tháng 9, khi thời tiết thường yên ả. Việc đắm tàu diễn ra thường xuyên.—Công-vụ 27:39-44; 2 Cô-rinh-tô 11:25.
Người ta chọn đi bằng đường biển không phải vì nó thoải mái hơn đường bộ. Tàu chở hàng hóa là phương tiện chuyên chở chính trên biển, sự thoải mái của hành khách không là điều ưu tiên. Họ sống và ngủ trên boong tàu dù thời tiết như thế nào. Nơi khô ráo dưới boong tàu dùng để chứa hàng quý giá. Hành khách dùng thực phẩm họ mang theo. Tàu chỉ cung cấp nước uống. Đôi khi thời tiết rất bất ổn. Bão và biển động liên tục trong nhiều ngày làm hành khách bị say sóng.
Bất kể mọi gian khổ của cuộc hành trình bằng đường bộ hay đường biển, các nhà truyền giáo như Phao-lô loan báo ‘tin-lành về nước Đức Chúa Trời’ ra khắp mọi nơi mà họ biết thời bấy giờ (Ma-thi-ơ 24:14). Chỉ 30 năm sau khi Chúa Giê-su bảo các môn đồ làm chứng về ngài, Phao-lô có thể viết rằng tin mừng đã được giảng ra “giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời”.—Cô-lô-se 1:23.