Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

An ủi người mất người thân, như Chúa Giê-su làm

An ủi người mất người thân, như Chúa Giê-su làm

An ủi người mất người thân, như Chúa Giê-su làm

La-xa-rơ sống ở Bê-tha-ni, ông bị ốm nặng. Hai em của ông là Ma-thê và Ma-ri chuyển tin cho bạn thân của họ là Chúa Giê-su. Nhưng căn bệnh đã cướp đi mạng sống của La-xa-rơ. Khi La-xa-rơ nằm trong mồ, bạn bè và hàng xóm đến thăm “đặng yên-ủi” Ma-thê và Ma-ri (Giăng 11:19). Cuối cùng, Chúa Giê-su cũng đến Bê-tha-ni và tới gặp những bạn thân của ngài. Bằng cách xem xét những gì Chúa Giê-su nói và làm, chúng ta có thể học được đôi điều về cách an ủi người mất người thân.

Sự có mặt cho thấy bạn quan tâm

Để đến Bê-tha-ni, Chúa Giê-su phải đi mất hai ngày, vượt qua sông Giô-đanh và đi lên con đường dốc quanh co từ thành Giê-ri-cô. Ma-thê nhanh chóng đến gặp Chúa Giê-su ở đầu làng. Khi nghe nói Chúa Giê-su tới, Ma-ri cũng chạy nhanh đến gặp ngài (Giăng 10:40-42; 11:6, 17-20, 28, 29). Sự có mặt của Chúa Giê-su chắc chắn là nguồn an ủi cho hai chị em đang đau buồn.

Ngày nay cũng thế, sự có mặt của chúng ta an ủi những người đang đau buồn. Scott và Lydia đã mất đứa con trai sáu tuổi tên là Theo trong một tai nạn. Họ nhớ lại: “Chúng tôi cần gia đình và bạn bè an ủi. Họ đi thẳng đến bệnh viện vào lúc nửa đêm”. Những người bạn này đã nói gì? Anh chị Scott nói: “Vào lúc đó, chúng tôi không cần lời nói. Sự có mặt của họ cho thấy họ quan tâm”.

Kinh Thánh cho biết khi Chúa Giê-su thấy những người đang than khóc về cái chết của La-xa-rơ, ngài “đau lòng cảm-động” và khóc (Giăng 11:33-35, 38). Chúa Giê-su không cho rằng việc người nam khóc trước mặt người khác là yếu đuối. Ngài hiểu nỗi đau và sự mất mát của họ. Bài học cho chúng ta là gì? Khi đến thăm thân nhân người đã mất, chúng ta đừng bối rối khi khóc với họ (Rô-ma 12:15). Mặt khác, không nhất thiết phải nói những lời làm cho họ khóc. Một số người muốn khóc một mình.

Lắng nghe với lòng trắc ẩn

Có lẽ Chúa Giê-su đã nghĩ đến những lời an ủi Ma-thê và Ma-ri, nhưng dường như ngài để họ nói trước (Giăng 11:20, 21, 32). Khi nói với Ma-thê, ngài đặt câu hỏi rồi lắng nghe.—Giăng 11:25-27.

Một người biết lắng nghe cho thấy lòng quan tâm chân thật. Để an ủi người có thân nhân qua đời, chúng ta cần biết lắng nghe. Chúng ta có thể làm điều này bằng cách đặt câu hỏi để họ bày tỏ cảm xúc. Tuy nhiên hãy cẩn thận, đừng cố gợi chuyện nếu họ không muốn nói. Có thể họ kiệt sức và cần nghỉ ngơi.

Một người có thể chết lặng vì đau buồn và đôi khi họ thường lặp lại một điều gì đó. Một số người muốn nói ra cảm xúc của mình. Ma-ri và Ma-thê đều nói với Chúa Giê-su: “Lạy Chúa, nếu Chúa có đây, thì anh tôi không chết” (Giăng 11:21, 32). Chúa Giê-su đã làm gì? Ngài kiên nhẫn lắng nghe với lòng trắc ẩn. Ngài tránh không bảo họ phải có cảm xúc nào. Ngài hiểu nỗi đau của họ.

Nếu không biết chắc mình nên nói gì khi đến thăm thân nhân người đã mất, bạn có thể gợi chuyện: “Tôi biết anh/chị rất buồn!”. Sau đó hãy chăm chú lắng nghe họ bày tỏ. Hãy nhìn người đối thoại và cố hiểu cảm xúc của người đó.

Nhận ra cảm xúc của người mất người thân là điều không dễ. Chị Lydia giải thích: “Tâm trạng chúng tôi hay thay đổi. Đôi khi không kìm được, chúng tôi chỉ khóc trước mặt những người đến thăm. Nhưng chúng tôi muốn người khác an lòng. Bạn bè đã cố gắng hết sức để hiểu cảm xúc của chúng tôi”.

Chúa Giê-su đã làm điều này cách hoàn hảo. Ngài biết rằng mỗi người có “tai-vạ và sự đau-đớn của mình” (2 Sử-ký 6:29). Khi hai em của La-xa-rơ đến chào, Chúa Giê-su đáp lời mỗi người cách khác nhau. Vì Ma-thê bày tỏ cảm xúc nên Chúa Giê-su nói chuyện với bà. Còn Ma-ri thì cứ khóc nên ngài không nói nhiều (Giăng 11:20-28, 32-35). Chúng ta có thể học được gì từ gương của Chúa Giê-su? Có thể điều tốt nhất là để thân nhân người đã khuất chủ động cuộc nói chuyện. Khi họ bày tỏ nỗi đau buồn, việc bạn sẵn lòng lắng nghe sẽ mang lại cho họ nhiều an ủi.

Những lời xoa dịu

Khi Ma-ri và Ma-thê thưa với Chúa Giê-su: “Nếu Chúa có đây”, ngài đã không quy lỗi cho ai, và cũng không bắt lỗi lời họ nói. Chúa Giê-su đã làm yên lòng Ma-thê khi phán: “Anh ngươi sẽ sống lại” (Giăng 11:23). Bằng lời này, Chúa Giê-su giúp bà nhìn về phía trước và ân cần nhắc bà rằng có hy vọng.

Khi nói với người mất người thân, hãy nhớ rằng những lời chân thành và tích cực, dù chỉ vài lời, có thể giúp ích rất nhiều! Bạn có thể nói hoặc viết ra những lời an ủi. Người ta có thể đọc lại các lá thư và thiệp, những lời trong đó có thể mang lại niềm an ủi lâu dài. Chín tháng sau khi anh Bob, chồng của chị Kath qua đời, chị đọc lại các tấm thiệp đã nhận. Chị nói: “Tôi thấy những tấm thiệp ấy an ủi tôi nhiều hơn là lúc mới nhận”.

Bạn có thể viết những lời chia buồn ngắn gọn nào? Bạn có thể viết về người quá cố—một kỷ niệm của bạn với người ấy, hoặc một đức tính đáng quý của người đó. Chị Kath nói: “Những lời chân tình về anh Bob và cá tính của anh làm tôi vừa muốn cười lại vừa muốn khóc. Những câu chuyện hài hước về anh khiến tôi thầm cười và nhớ lại cuộc sống hạnh phúc bên nhau. Nhiều thiệp mà tôi trân trọng gìn giữ cũng ghi những câu Kinh Thánh”.

Giúp đỡ thực tế

Để giúp gia đình của La-xa-rơ, Chúa Giê-su đã làm La-xa-rơ sống lại (Giăng 11:43, 44). Dù không thể làm thế, chúng ta có thể làm những điều thực tế trong khả năng của mình như: chuẩn bị bữa ăn, cung cấp chỗ ở cho người tới thăm, đưa đón, giặt quần áo, chăm sóc trẻ con, hoặc chạy việc vặt. Người đã mất người thân chắc chắn sẽ biết ơn chúng ta về những việc làm đơn giản thể hiện tình yêu thương chân thật.

Đôi khi người có người thân qua đời muốn ở một mình. Tuy vậy, bạn có thể chủ động liên lạc với họ cách tế nhị. Một người mẹ mất con, nói: “Không biết khi nào nỗi đau buồn này sẽ vơi đi”. Một số người cố gắng nhớ đến người mất người thân vào những ngày quan trọng như kỷ niệm ngày cưới hoặc ngày qua đời. Nếu thăm hỏi họ vào những dịp như thế, bạn có thể trở thành người bạn đáng quý trong lúc khó khăn.—Châm-ngôn 17:17.

Khi an ủi, Chúa Giê-su cũng nói về hy vọng mà ngài chia sẻ với môn đồ: “La-xa-rơ, bạn ta, đương ngủ; nhưng ta đi đánh thức người” (Giăng 11:11). Chúa Giê-su đảm bảo với môn đồ rằng người chết sẽ sống lại. Ngài hỏi Ma-thê: “Ngươi tin điều đó chăng?”. Ma-thê đáp: “Lạy Chúa, phải”.—Giăng 11:24-27.

Bạn có tin Chúa Giê-su sẽ làm người chết sống lại không? Nếu có, hãy chia sẻ hy vọng quý báu này với thân nhân người đã mất. Hãy giúp họ cách thực tế. Lời nói và việc làm của bạn sẽ góp phần an ủi họ.—1 Giăng 3:18.

[Bản đồ nơi trang 9]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

PHÊ-RÊ

Sông Giô-đanh

Giê-ri-cô

Bê-tha-ni

Biển Chết

Giê-ru-sa-lem

SA-MA-RI