Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc

Khi gia đình có tiếng trẻ thơ

Khi gia đình có tiếng trẻ thơ

Anh Chiến *: “Tôi và Mai vô cùng hạnh phúc khi con gái chào đời. Nhưng trong những tháng đầu, tôi bị mất ngủ rất nhiều. Trước đó, chúng tôi có hàng loạt kế hoạch về cách chăm sóc và nuôi con, nhưng rồi mọi chuyện lại diễn ra không đúng kế hoạch”.

Chị Mai: “Từ khi con gái yêu chào đời, tôi không còn làm chủ đời sống của mình nữa. Mọi việc đều xoay quanh em bé, nào là pha sữa, thay tã, nào là dỗ con. Chúng tôi phải thích nghi với sự thay đổi lớn này. Phải mất nhiều tháng, đời sống vợ chồng chúng tôi mới trở lại bình thường”.

Nhiều người đồng ý rằng có con là một trong những niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời. Kinh Thánh nói con cái là “phần thưởng” đến từ Đức Chúa Trời (Thi-thiên 127:3). Tuy nhiên, như anh Chiến và chị Mai, những ai mới làm cha mẹ cũng biết rằng con cái có thể khiến cho đời sống gia đình thay đổi theo cách mà cả hai đều không ngờ đến. Chẳng hạn, giờ đây người mẹ dồn hết tâm lực để chăm sóc con và ngạc nhiên vì cơ thể cũng như tâm trí mình nhạy bén đáp ứng mọi nhu cầu của con. Người cha thì kinh ngạc khi chứng kiến sự gắn bó của hai mẹ con, nhưng có lẽ anh cũng mang cảm giác bị vợ “bỏ quên”.

Trên thực tế, sinh con đầu lòng có thể là yếu tố khiến đời sống hôn nhân căng thẳng. Vì sự vất vả của người làm cha làm mẹ nên những nỗi bất an và các vấn đề chưa được giải quyết giữa hai vợ chồng sẽ bộc phát trở lại, thậm chí trầm trọng hơn.

Vậy, làm thế nào những người mới làm cha mẹ có thể thích nghi trong vài tháng đầu khi đứa bé chiếm hết thời gian của họ? Điều gì có thể giúp vợ chồng duy trì mối quan hệ tốt? Làm sao họ có thể giải quyết những bất đồng trong cách nuôi dạy con? Hãy lưu ý các vấn đề dưới đây và xem những nguyên tắc nào trong Kinh Thánh có thể giúp vợ chồng bạn.

VẤN ĐỀ 1: Cuộc sống đột nhiên chỉ xoay quanh đứa trẻ.

Bé mới chào đời chiếm hết thời gian và tâm trí của người mẹ. Khi chăm sóc con, người mẹ cảm thấy thỏa nguyện sâu xa, trong khi đó, người chồng có thể cảm thấy bị “bỏ rơi”. Anh Manuel, sống ở Brazil, cho biết: “Sự quan tâm của vợ từng dành cho tôi giờ chuyển sang cho con. Đó là sự thay đổi tôi khó chấp nhận nhất. Trước kia, chỉ có hai chúng tôi, nhưng đột nhiên sau đó chỉ còn vợ tôi và em bé”. Làm thế nào bạn có thể thích nghi với sự thay đổi này?

Giải pháp: Hãy kiên nhẫn.

Kinh Thánh nói: “Tình yêu-thương hay nhịn-nhục; tình yêu-thương hay nhân-từ... chẳng kiếm tư-lợi, chẳng nóng-giận” (1 Cô-rinh-tô 13:4, 5). Khi em bé chào đời, làm sao hai vợ chồng có thể áp dụng lời khuyên này?

Người chồng biết suy xét sẽ cho thấy mình yêu vợ bằng cách tìm hiểu việc sinh con ảnh hưởng thế nào đến tâm sinh lý của người phụ nữ. Nếu làm thế, anh sẽ biết tại sao tính khí của vợ hay thay đổi thất thường. * Anh Adam sống ở Pháp, là cha của bé gái 11 tháng, thừa nhận: “Đôi lúc sự thay đổi tính tình của vợ tôi rất khó hiểu, khiến tôi mất kiên nhẫn. Nhưng tôi cố nhớ rằng sự bực tức của vợ không trực tiếp nhắm vào tôi. Đó chỉ là sự phản ứng trước những căng thẳng trong hoàn cảnh mới”.

Có khi nào vợ của bạn không hiểu rằng bạn đang cố gắng giúp cô ấy không? Nếu có, đừng vội giận (Truyền-đạo 7:9). Hãy kiên nhẫn, nghĩ đến lợi ích của vợ trước tiên, bạn sẽ không bị bực mình.—Châm-ngôn 14:29.

Mặt khác, người vợ tinh tế sẽ cố gắng khuyến khích chồng trong vai trò làm cha. Chị sẽ để chồng cùng tham gia chăm sóc con, kiên nhẫn chỉ cho anh biết cách thay tã, pha sữa dù ban đầu anh còn vụng về.

Chị Ellen, người mẹ 26 tuổi, hiểu rằng chị cần thay đổi cách cư xử với chồng. Chị nói: “Tôi nhận ra mình không nên khư khư giữ con. Khi chồng cố gắng làm theo những gợi ý của mình trong việc chăm sóc con thì tôi tự nhắc bản thân không nên quá khó tính”.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Nếu chồng không làm theo cách của bạn, đừng chê bai hoặc làm lại. Khi khen về những gì chồng làm tốt, bạn sẽ khiến anh ấy tự tin và trở thành “trợ thủ đắc lực” của bạn. Còn về phần người chồng thì bạn nên giảm bớt các hoạt động không cần thiết để có nhiều thời gian đỡ đần vợ, đặc biệt trong vài tháng đầu sau khi vợ sinh con.

VẤN ĐỀ 2: Mối quan hệ vợ chồng không còn được như trước.

Mệt mỏi do thiếu ngủ và những vấn đề bất ngờ xảy ra khiến nhiều người mới làm cha mẹ cảm thấy rất khó dành thời gian cho nhau. Một chị người Pháp có hai con, tên là Vivianne thừa nhận: “Lúc đầu, tôi chỉ chú tâm vào vai trò làm mẹ mà suýt quên đi vai trò làm vợ”.

Mặt khác, người chồng có thể không nhận ra rằng việc sinh con khiến vợ kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần. Em bé mới chào đời chiếm hết thời gian và sức lực mà trước kia vợ chồng dành cho việc chăm sóc nhau, kể cả chuyện chăn gối. Vậy, làm sao để em bé đáng yêu không trở thành rào cản giữa hai vợ chồng?

Giải pháp: Hãy củng cố tình cảm vợ chồng.

Nói về hôn nhân, Kinh Thánh cho biết: “Người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính-díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt” (Sáng-thế Ký 2:24). Ý định của Giê-hô-va Đức Chúa Trời là khi khôn lớn con cái sẽ rời cha mẹ và sống tự lập, nhưng sự gắn bó giữa vợ chồng thì phải kéo dài suốt đời (Ma-thi-ơ 19:3-9). Làm thế nào việc hiểu điều này có thể giúp vợ chồng duy trì thứ tự ưu tiên đúng đắn?

Chị Vivianne, được đề cập ở trên, nói: “Tôi ngẫm nghĩ những lời nơi Sáng-thế Ký 2:24. Câu này giúp tôi hiểu rằng tôi và chồng là ‘một’, chứ không phải tôi và con. Vì thế tôi cần phải củng cố hôn nhân của chúng tôi”. Chị Theresa có con gái hai tuổi, cho biết: “Nếu bắt đầu cảm thấy có khoảng cách với chồng, tôi lập tức quan tâm đến chồng nhiều hơn, dù chỉ một chút mỗi ngày”.

Nếu là chồng, bạn có thể làm gì để củng cố hôn nhân? Hãy nói cho vợ biết bạn yêu cô ấy. Hãy chứng minh điều này bằng những cử chỉ trìu mến. Hãy ý thức rằng vợ có thể có một số mặc cảm sau khi sinh và hãy trấn an cô ấy. Chị Sarah, người mẹ 30 tuổi, chia sẻ: “Phụ nữ cần biết rằng mình vẫn được chồng quý trọng và yêu thương, dù vóc dáng đã thay đổi do mang thai”. Anh Alan sống ở Đức, là cha của hai con trai, nhận ra mình cần làm chỗ dựa tinh thần cho vợ. Anh nói: “Tôi trở thành bờ vai để vợ tựa vào khi khóc”.

Sự ra đời của em bé ảnh hưởng đến chuyện chăn gối của vợ chồng nên cả hai cần phải nói ra mong muốn của mình. Kinh Thánh nói rằng ‘hai bên nên ưng-thuận’ về sự thay đổi trong việc chăn gối (1 Cô-rinh-tô 7:1-5). Điều này đòi hỏi phải có sự trò chuyện. Do giáo dục hoặc văn hóa, có lẽ bạn ngại ngùng nói về vấn đề tình dục với người hôn phối. Nhưng việc trao đổi về vấn đề này rất quan trọng trong giai đoạn thích nghi với vai trò làm cha làm mẹ. Hãy tỏ ra thông cảm, kiên nhẫn và thành thật (1 Cô-rinh-tô 10:24). Nhờ đó, vợ chồng bạn sẽ tránh được sự hiểu lầm và tình cảm sẽ khắng khít hơn.—1 Phi-e-rơ 3:7, 8.

Ngoài ra, tình cảm vợ chồng sẽ gắn bó hơn nếu cả hai bày tỏ lòng biết ơn lẫn nhau. Người chồng hiểu biết sẽ nhận ra rằng có rất nhiều việc không tên mà người mới làm mẹ phải thực hiện. Chị Vivianne nói: “Cuối ngày, tôi cảm thấy như thể mình chẳng làm được việc gì, dù cả ngày bận bịu chăm sóc con!”. Dù bận đến đâu, một người vợ tinh tế sẽ tránh xem thường sự đóng góp của chồng dành cho gia đình.—Châm-ngôn 17:17.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Người mẹ hãy tranh thủ chợp mắt khi em bé ngủ. Nhờ đó, tinh thần bạn được thư thái và bạn sẽ có lại sức cho đời sống hôn nhân. Còn những người làm cha, nếu có thể hãy thức dậy ban đêm cho em bé ăn hoặc thay tã để vợ nghỉ ngơi. Thường xuyên thể hiện tình cảm với vợ qua việc để lại những lời nhắn, tin nhắn hoặc gọi điện thoại. Vợ chồng hãy dành thời gian trò chuyện với nhau, nói chuyện riêng tư, không nên chỉ nói về con. Hãy giữ cho tình cảm vợ chồng luôn mặn nồng, bạn sẽ vượt qua những vấn đề khi làm cha mẹ.

VẤN ĐỀ 3: Bất đồng trong việc nuôi dạy con.

Do sinh trưởng trong gia đình khác nhau nên vợ chồng có thể bất đồng trong việc nuôi dạy con. Một người mẹ ở Nhật tên là Asami và chồng là Katsuro đã gặp phải vấn đề này. Chị cho biết: “Tôi cảm thấy chồng quá nuông chiều con gái, còn anh ấy thì cảm thấy tôi quá khắt khe”. Làm sao vợ chồng bạn có thể tìm được tiếng nói chung trong việc dạy dỗ con?

Giải pháp: Hãy trao đổi và hợp tác.

Vị vua khôn ngoan Sa-lô-môn viết: “Kiêu ngạo chỉ sinh điều cãi cọ; còn khôn ngoan thuộc về người chịu nghe lời cố vấn” (Châm-ngôn 13:10, Bản Dịch Mới). Vậy, bạn có biết quan điểm của người hôn phối về cách nuôi dạy con không? Nếu đợi cho đến khi em bé chào đời mới bàn những vấn đề cụ thể trong việc nuôi dạy con thì khi vấn đề nảy sinh, có lẽ vợ chồng sẽ cãi nhau thay vì tập trung tìm giải pháp.

Chẳng hạn, vợ chồng bạn có thống nhất câu trả lời cho những câu hỏi này không: “Làm thế nào chúng tôi có thể dạy con có thói quen tốt trong việc ăn ngủ? Có nên chiều con khi nó khóc đòi bế vào giờ ngủ không? Chúng tôi nên phản ứng thế nào nếu con chưa đi vệ sinh đúng cách?”. Dĩ nhiên, mỗi cặp vợ chồng sẽ trả lời khác nhau. Anh Ethan là cha của hai con, cho biết: “Vợ chồng cần bàn bạc các vấn đề với nhau để thống nhất thì mới có thể cùng nhau đáp ứng nhu cầu của bé”.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Hãy nghĩ đến cách mà cha mẹ đã nuôi dạy bạn và xem bạn có thể áp dụng điều gì. Cũng hãy nghĩ đến việc làm và thái độ mà bạn không muốn lặp lại khi nuôi dạy con mình. Sau đó, hãy trao đổi quan điểm với người hôn phối.

Con cái giúp hôn nhân hạnh phúc hơn

Như một đôi trượt băng chưa có kinh nghiệm thì cần thời gian và sự kiên trì mới có thể cùng nhau lướt trên đường băng, vợ chồng cần thời gian để thích nghi và hòa hợp trong vai trò làm cha mẹ. Dần dần, bạn sẽ tự tin hơn.

Việc nuôi dạy con sẽ thử thách hôn nhân của bạn, và mối quan hệ giữa vợ chồng sẽ không còn như trước nữa. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để vun trồng các đức tính đáng quý. Nếu áp dụng những lời khuyên khôn ngoan từ Kinh Thánh, bạn sẽ cảm nhận được điều mà một người cha tên là Kenneth đã trải nghiệm: “Việc nuôi dạy con đã tác động tích cực đến vợ chồng tôi. Giờ đây, chúng tôi không xem mình là quan trọng, chúng tôi trở nên biết yêu thương và thông cảm hơn”. Quả là những thay đổi mang lại sự êm ấm cho gia đình!

^ đ. 3 Các tên đã được đổi.

^ đ. 11 Nhiều người mẹ bị cơn buồn nản thoáng qua trong vài tuần đầu sau khi sinh con. Một số người bị nặng hơn và mắc chứng trầm cảm sau sinh. Để biết thêm thông tin về cách nhận ra và đối phó với chứng bệnh này, xin xem bài “Hiểu về chứng trầm cảm sau sinh” trong Tỉnh Thức! tháng 10-12 năm 2003, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

HÃY TỰ HỎI:

  • Tuần vừa qua, tôi đã làm gì để tỏ lòng biết ơn về những điều người hôn phối làm cho gia đình?

  • Lần gần đây nhất tôi tâm sự với người hôn phối mà không xoay quanh việc nuôi dạy con là khi nào?