Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

An ủi những tấm lòng đau thương

An ủi những tấm lòng đau thương

Hãy đến gần Đức Chúa Trời

An ủi những tấm lòng đau thương

‘Đức Giê-hô-va chẳng bao giờ yêu thương tôi’. Một chị Nhân Chứng Giê-hô-va đang đấu tranh với bệnh trầm cảm phát biểu như thế. Chị cho rằng Đức Giê-hô-va xa cách chị. Nhưng Đức Chúa Trời có thật sự xa cách những người trung thành đang đương đầu với sự nản lòng không? Bạn sẽ tìm được câu trả lời rất an ủi qua những lời được soi dẫn của người viết Thi-thiên là Đa-vít nơi sách Thi-thiên 34:18.

Vua Đa-vít hiểu rõ nỗi đau mà sự nản lòng cùng cực có thể gây ra cho những người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Khi còn trẻ, ông phải sống như một kẻ trốn chạy bởi sự truy đuổi ráo riết của Sau-lơ, một vị vua vì lòng ghen ghét nên muốn lấy mạng Đa-vít. Ông tìm chỗ trú ẩn ở thành Gát thuộc địa phận của kẻ thù là dân Phi-li-tin, nơi mà ông nghĩ vua Sau-lơ sẽ không thể nghĩ đến. Nhưng Đa-vít bị kẻ thù phát hiện và phải giả điên để trốn thoát. Đa-vít nhận biết chính Đức Chúa Trời đã giải cứu ông, nên dựa vào kinh nghiệm của bản thân, ông sáng tác bài Thi-thiên 34.

Đa-vít có nghĩ Đức Chúa Trời xa cách những người đương đầu với sự nản lòng hoặc những ai cảm thấy không xứng đáng được Ngài quan tâm không? Ông viết: “Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau-thương, và cứu kẻ nào có tâm-hồn thống-hối [“tan nát”, Nguyễn Thế Thuấn]” (câu 18). Hãy xem những lời này mang lại niềm an ủi và hy vọng như thế nào.

“Đức Giê-hô-va ở gần”. Một tài liệu tham khảo cho biết cụm từ này là “một cách đầy cảm xúc để nói rằng Chúa luôn chăm chú trông coi, sẵn lòng giúp đỡ và giải cứu dân Ngài”. Thật ấm lòng khi biết rằng Đức Giê-hô-va chăm sóc dân Ngài. Ngài thấy các vấn đề mà họ phải đương đầu trong “thời-kỳ khó-khăn” này, và biết rõ cảm xúc sâu kín nhất trong lòng của họ.​—2 Ti-mô-thê 3:1; Công-vụ 17:27.

“Những người có lòng đau-thương”. Một số bản khác dịch là “lòng tan vỡ”. Trong một số nền văn hóa, cụm từ “lòng tan vỡ” ám chỉ đến nỗi buồn khi yêu đơn phương. Tuy nhiên, một học giả nói rằng cụm từ này có ý nói đến “nỗi đau khổ và thất vọng theo nghĩa rộng”. Ngay cả những người trung thành thờ phượng Đức Chúa Trời cũng có thể phải trải qua những thử thách khắc nghiệt khiến lòng họ đau đớn.

‘Người có tâm hồn tan nát’. Những người nản lòng cảm thấy mình thấp kém đến nỗi một lúc nào đó họ mất hết hy vọng. Một cuốn sách hướng dẫn dịch Kinh Thánh nói rằng câu này có thể được dịch là “người không còn gì tốt đẹp để hướng đến”.

Đức Giê-hô-va đối xử thế nào với những người có “lòng đau-thương” và ‘tâm hồn tan nát’? Ngài có tỏ ra xa cách vì thấy rằng họ không xứng đáng nhận được tình yêu thương và sự quan tâm của Ngài không? Hoàn toàn không! Giống như bậc cha mẹ yêu thương, luôn vỗ về và an ủi khi con buồn, Đức Giê-hô-va luôn ở gần những người thờ phượng Ngài khi họ cầu xin sự giúp đỡ. Ngài muốn yên ủi và xoa dịu nỗi đau trong tâm hồn họ. Ngài thêm sức và ban sự khôn ngoan cần thiết để họ vượt qua bất cứ thử thách nào.​—2 Cô-rinh-tô 4:7; Gia-cơ 1:5.

Sao bạn không tìm hiểu Kinh Thánh để biết cách đến gần Đức Giê-hô-va? Đức Chúa Trời đầy lòng trắc ẩn hứa: ‘Ta ngự với người có lòng đau-đớn đặng làm tươi-tỉnh lòng người’.​—Ê-sai 57:15.

Phần đọc Kinh Thánh trong tháng sáu:

Thi-thiên 26-​59