Bạn có biết?
Bạn có biết?
Những nhà lãnh đạo Do Thái giáo vào thời Chúa Giê-su xem dân thường như thế nào?
▪ Vào thế kỷ thứ nhất công nguyên, những người có quyền thế và các nhà lãnh đạo tôn giáo nước Y-sơ-ra-ên xem thường người ít học hoặc thất học. Người Pha-ri-si từng nói: “Lũ dân nầy không biết luật chi cả, thật là dân đáng rủa!”.—Giăng 7:49.
Những nguồn tài liệu thế tục cho biết tầng lớp có đặc quyền trong xã hội gọi người thất học một cách khinh miệt là ʽam ha·ʼaʹrets, hay “dân bản xứ”. Lúc đầu, đây là một từ thể hiện sự tôn trọng với dân sống trong một vùng nào đó. Từ này không chỉ nói đến người nghèo và thấp hèn, mà còn bao gồm những người có địa vị.—Sáng-thế Ký 23:7; 2 Các Vua 23:35; Ê-xê-chi-ên 22:29.
Tuy nhiên vào thời Chúa Giê-su, từ này được dùng để hạ thấp những người được xem là không biết về Luật pháp Môi-se hoặc không giữ theo các chi tiết nhỏ nhặt trong truyền thống của các ra-bi. Sách Mishnah (bộ sưu tập các văn kiện làm nền tảng cho kinh Talmud) cảnh cáo về việc đến nhà của những người ʽam ha·ʼaʹrets. Theo một bách khoa từ điển (The Encyclopedia of Talmudic Sages), học giả Meir thuộc giới ra-bi sống vào thế kỷ thứ hai dạy rằng: “Khi một người cha gả con gái mình cho người am ha’aretz, thì chẳng khác nào ông trói con mình lại và để trước mặt sư tử. Nó sẽ giẫm lên cô ta trước khi ngấu nghiến”. Kinh Talmud trích lời của một ra-bi khác nói rằng “người thất học sẽ không được sống lại”.
Sê-sa được dùng trong Kinh Thánh có ý nghĩa gì?
▪ Sê-sa là họ của một người La Mã tên là Gai-út Giu-lơ Sê-sa, một nhà độc tài của La Mã vào năm 46 trước công nguyên. Các hoàng đế La Mã sau đó đều lấy họ Sê-sa, gồm cả ba người được đề cập trong Kinh Thánh là Au-gút-tơ, Ti-be-rơ và Cơ-lốt.—Lu-ca 2:1; 3:1; Công-vụ 11:28.
Năm 14 công nguyên (CN), Ti-be-rơ trở thành hoàng đế và cai trị trong suốt giai đoạn Chúa Giê-su truyền giáo. Ông là vị Sê-sa đương nhiệm vào lúc Chúa Giê-su trả lời một câu hỏi liên quan đến việc nộp thuế. Ngài nói: “Vật chi của Sê-sa hãy trả lại cho Sê-sa, còn vật chi của Đức Chúa Trời hãy trả lại cho Đức Chúa Trời” (Mác 12:17). Chắc hẳn, Chúa Giê-su không chỉ nói đến Ti-be-rơ. Đúng hơn, từ “Sê-sa” tượng trưng cho chính quyền của một nước.
Khoảng năm 58 CN, trước nguy cơ đối mặt với một vụ xử án bất công, sứ đồ Phao-lô đã sử dụng quyền công dân La Mã để đòi kháng cáo lên Sê-sa (Công-vụ 25:8-11). Khi làm thế, Phao-lô không có ý xin Nê-rô, hoàng đế vào thời đó, xét xử mà là tòa án tối cao.
Họ Sê-sa trở nên quen thuộc và gắn liền với quyền cai trị, ngay cả sau khi triều đại của các Sê-sa suy tàn, họ đó vẫn được dùng làm tước hiệu của vua chúa.
[Hình nơi trang 29]
Đồng bạc có hình của Ti-be-rơ