Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giáo hoàng có phải là “người kế nhiệm Thánh Phê-rô”?

Giáo hoàng có phải là “người kế nhiệm Thánh Phê-rô”?

Giáo hoàng có phải là “người kế nhiệm Thánh Phê-rô”?

Vào năm 2002, Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II viết một lá thư cho giám mục ở Limburg, Đức, về việc bác bỏ quyết định của giám mục liên quan đến vấn đề phá thai. Giáo hoàng mở đầu bằng cách nói rằng mình chịu trách nhiệm về “phúc lợi và sự hiệp nhất của mọi nhà thờ, theo ý muốn của Đức Giê-su Ki-tô”. Ông cho rằng mình có quyền bác bỏ quyết định của giám mục, vì giáo hoàng được xem là “người kế nhiệm Thánh Phê-rô”.

Một định nghĩa của Công giáo La Mã nói rằng “Đức Ki-tô đã bổ nhiệm Thánh Phê-rô làm đầu mọi tông đồ”. Giáo hội Công giáo cũng khẳng định rằng “Đức Ki-tô đã sắp đặt là Phê-rô phải luôn có người kế nhiệm chức vị đứng đầu này; và các giám mục ở Rô-ma là những người kế nhiệm”.—Cuốn New Catholic Encyclopedia (Tân bách khoa từ điển Công giáo 2003), tập 11, trang 495, 496.

Những lời tuyên bố ấy rất đáng lưu ý. Chính bạn đã xem xét tính chính xác của chúng chưa? Hãy xem câu trả lời cho ba câu hỏi sau: (1) Kinh Thánh có ủng hộ lời tuyên bố rằng Phê-rô (Phi-e-rơ) là giáo hoàng đầu tiên không? (2) Lịch sử nói gì về nguồn gốc sự kế nhiệm của các giáo hoàng? (3) Hạnh kiểm và sự dạy dỗ của họ có chứng tỏ họ là người kế nhiệm Phi-e-rơ không?

Phi-e-rơ có phải là giáo hoàng đầu tiên?

Để chứng minh hội thánh được lập trên Phi-e-rơ, từ lâu các tín đồ Công giáo đã dùng lời của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 16:18: “Ngươi là Phi-e-rơ, ta sẽ lập Hội-thánh ta trên đá nầy”. Những lời này được khắc bằng tiếng La-tinh dưới mái vòm của Giáo đường Thánh Phê-rô tại Rô-ma.

Ông Augustine, một giáo phụ được sùng kính, từng tin rằng hội thánh được lập trên Phi-e-rơ. Tuy nhiên, vào cuối đời, ông thay đổi quan điểm về lời của Chúa Giê-su. Trong một tác phẩm (Retractations), Augustine nói rằng hội thánh được lập trên chính Chúa Giê-su, chứ không phải Phi-e-rơ *.

Đúng là sứ đồ Phi-e-rơ có vai trò nổi bật trong các sách Phúc âm. Chúa Giê-su đã chọn riêng ba sứ đồ Giăng, Gia-cơ và Phi-e-rơ đi cùng với ngài vào vài dịp đặc biệt (Mác 5:37, 38; 9:2; 14:33). Chúa Giê-su đã giao cho Phi-e-rơ các “chìa khóa nước thiên-đàng” để ông mở đường vào Nước Trời—trước tiên cho người Giu-đa và người nhập đạo, rồi cho người Sa-ma-ri và cuối cùng cho dân ngoại (Ma-thi-ơ 16:19; Công-vụ 2:5, 41; 8:14-17; 10:45). Vì có tính hoạt bát nên đôi khi Phi-e-rơ là người nói thay các sứ đồ khác (Công-vụ 1:15; 2:14). Nhưng những điều ấy có khiến Phi-e-rơ trở thành đầu của hội thánh thời đó không?

Đành rằng sứ đồ Phao-lô có viết Phi-e-rơ được giao trách nhiệm làm “sứ-đồ cho những kẻ chịu cắt-bì” (Ga-la-ti 2:8). Tuy nhiên, bối cảnh cho thấy Phao-lô không nói Phi-e-rơ điều khiển hội thánh. Trong lời nhận xét này, Phao-lô muốn nói về vai trò của Phi-e-rơ trong việc rao giảng cho người Do Thái.

Dù Phi-e-rơ có nhiều trọng trách, nhưng chúng ta không thấy nơi nào trong Kinh Thánh nói rằng ông tự nhận mình là đầu hội thánh, và vì thế có quyền quyết định thay cho toàn thể môn đồ. Trong một lá thư, Phi-e-rơ chỉ gọi mình là “sứ-đồ” và “trưởng-lão”, không có gì nổi trội.—1 Phi-e-rơ 1:1; 5:1.

Lịch sử nói gì về nguồn gốc của chức giáo hoàng?

Vậy, ý niệm về chức giáo hoàng xuất hiện khi nào và như thế nào? Ý niệm về việc một người có thể nổi trội hơn những người đồng đạo khác đã xuất hiện từ khi các sứ đồ còn sống. Nhưng các sứ đồ nghĩ sao về quan niệm ấy?

Chính sứ đồ Phi-e-rơ bảo những người chăn dắt hội thánh đừng “thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em”; họ phải khiêm nhường khi đối xử với nhau (1 Phi-e-rơ 5:1-5, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Sứ đồ Phao-lô đã cảnh báo rằng trong hội thánh sẽ dấy lên những người ‘nói lời hung-ác, ráng sức dỗ môn-đồ theo họ’ (Công-vụ 20:30). Trong một lá thư viết vào cuối thế kỷ thứ nhất, sứ đồ Giăng lên án mạnh mẽ một môn đồ tên Đi-ô-trép. Tại sao? Một lý do là vì người này “ưng đứng đầu” hội thánh (3 Giăng 9). Những lời khuyên ấy của các sứ đồ giúp ngăn ngừa tham vọng của những người muốn được nổi bật.—2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:3-8.

Tuy nhiên, không lâu sau khi sứ đồ cuối cùng qua đời, một số người bắt đầu có địa vị nổi bật hơn. Một sách về lịch sử Ki-tô giáo (The Cambridge History of Christianity) cho biết: “Cho đến giữa thế kỷ thứ hai, có lẽ ở Rô-ma không có giám mục nào theo ‘chế độ quân chủ’”. Đến thế kỷ thứ ba, giám mục ở Rô-ma đã có được quyền lực cao nhất, ít ra là đối với một phần của giáo hội *. Nhằm tăng giá trị của lời tuyên bố rằng giám mục Rô-ma có uy quyền, một số người đã ghi lại danh sách của những người kế nhiệm Phi-e-rơ.

Danh sách này không giúp ích gì nhiều cho lời tuyên bố ấy. Tại sao? Trước hết, không thể kiểm tra tính xác thực của một số tên trong danh sách. Quan trọng hơn nữa, cơ sở của danh sách này có thiếu sót. Như thế nào? Ngay cả nếu Phi-e-rơ có rao giảng ở Rô-ma, như hàm ý trong một số tài liệu của thế kỷ thứ nhất và thứ hai, thì cũng không có bằng chứng nào nói rằng ông là đầu hội thánh ở đó.

Một bằng chứng cho thấy Phi-e-rơ không làm đầu hội thánh ở Rô-ma là khi sứ đồ Phao-lô viết thư cho người Rô-ma, ông nhắc đến tên nhiều tín đồ ở đó nhưng không đề cập gì đến Phi-e-rơ (Rô-ma 16:1-23). Nếu Phi-e-rơ là đầu hội thánh ở đó, làm sao Phao-lô có thể bỏ qua hoặc lờ đi Phi-e-rơ?

Ngoài ra, hãy lưu ý là khoảng thời gian Phi-e-rơ viết lá thư thứ nhất dưới sự hướng dẫn của thánh linh cũng là lúc Phao-lô đang viết lá thư thứ hai cho Ti-mô-thê. Trong lá thư đó Phao-lô không ngần ngại đề cập đến Rô-ma. Thật ra, Phao-lô đã viết sáu lá thư khi ở Rô-ma, nhưng không lần nào đề cập đến Phi-e-rơ.

Khoảng 30 năm sau khi Phao-lô viết những lá thư của ông, sứ đồ Giăng đã viết ba lá thư và sách Khải-huyền. Trong đó, không hề có câu nào cho thấy Giăng nói hội thánh ở Rô-ma là nổi bật nhất, và ông cũng không đề cập đến người lãnh đạo hội thánh, người giữ chức vụ cao nhất được gọi là người kế nhiệm Phi-e-rơ. Cả Kinh Thánh lẫn các bằng chứng trong lịch sử đều không chứng thực lời tuyên bố rằng Phi-e-rơ tự phong làm giám mục đầu tiên của hội thánh ở Rô-ma.

Hạnh kiểm và sự dạy dỗ của các giáo hoàng có chứng thực lời tuyên bố của họ không?

Hẳn chúng ta mong rằng một người tự nhận mình là “người kế nhiệm Thánh Phê-rô” và “Đại diện Đức Ki-tô” thì phải làm theo hạnh kiểm và sự dạy dỗ của Phi-e-rơ lẫn Chúa Giê-su. Chẳng hạn, Phi-e-rơ có đồng ý để anh em đồng đạo đối xử đặc biệt với mình không? Không. Ông từ chối bất cứ hành động sùng kính nào dành cho ông (Công-vụ 10:25, 26). Còn Chúa Giê-su thì sao? Ngài nói ngài đến để phục vụ người khác, chứ không phải để được phục vụ (Ma-thi-ơ 20:28). Trái lại, các giáo hoàng có danh tiếng thế nào? Họ có tránh trở nên nổi bật, từ chối các tước vị và không phô trương sự giàu có cũng như quyền lực của mình không?

Cả Phi-e-rơ lẫn Chúa Giê-su đều là những người ngay thẳng về đạo đức và yêu chuộng hòa bình. Hãy so sánh danh tiếng của họ với những gì một bách khoa từ điển Công giáo (Lexikon für Theologie und Kirche) nói về Giáo Hoàng Leo X: “Vì lo việc chính trị, tổ chức gia đình trị và theo lối sống xa hoa, Leo X đã lơ là những nhiệm vụ cấp bách thuộc về tâm linh”. Theo ông Karl Amon, một linh mục Công giáo và giáo sư về lịch sử giáo hội, những báo cáo được kiểm chứng về Giáo Hoàng Alexander VI đã tiết lộ “vô số bằng chứng về sự bất lương, lạm quyền, buôn bán chức vụ và vô đạo đức”.

Còn về sự dạy dỗ của các giáo hoàng thì sao? Chúng có đúng với những gì Phi-e-rơ và Chúa Giê-su dạy không? Phi-e-rơ không tin rằng mọi người tốt đều lên thiên đàng. Đề cập đến vị vua tốt là Đa-vít, ông nói rõ: “Đa-vít chẳng hề lên trời” (Công-vụ 2:34). Phi-e-rơ cũng không dạy rằng phải rửa tội cho trẻ sơ sinh. Thay vì thế, ông dạy rằng phép rửa tội hay báp-têm là một bước mà người tin đạo phải thận trọng xem xét.—1 Phi-e-rơ 3:21.

Chúa Giê-su dạy rằng các môn đồ của ngài không nên tìm cách để nổi bật hơn người khác. Ngài phán: “Nếu ai muốn làm đầu, thì phải làm rốt hết và làm tôi-tớ mọi người” (Mác 9:35). Không lâu trước khi chết, Chúa Giê-su cho các môn đồ chỉ thị rõ ràng này: “Các ngươi đừng chịu người ta gọi mình bằng thầy; vì các ngươi chỉ có một Thầy, và các ngươi hết thảy đều là anh em. Cũng đừng gọi người nào ở thế-gian là cha mình; vì các ngươi chỉ có một Cha, là Đấng ở trên trời. Cũng đừng chịu ai gọi mình là chủ; vì các ngươi chỉ có một Chủ, là Đấng Christ” (Ma-thi-ơ 23:1, 8-10). Bạn nghĩ các giáo hoàng có làm theo dạy dỗ của Phi-e-rơ và Chúa Giê-su không?

Một số người nói rằng việc kế vị giáo hoàng vẫn được duy trì ngay cả khi người giữ chức không sống đúng với lối sống của môn đồ Chúa Giê-su. Theo bạn, lập luận như thế có đúng không? Chúa Giê-su phán: “Hễ cây nào tốt thì sanh trái tốt; nhưng cây nào xấu thì sanh trái xấu. Cây tốt chẳng sanh được trái xấu, mà cây xấu cũng chẳng sanh được trái tốt”. Theo những bằng chứng trên, bạn có nghĩ rằng Phi-e-rơ hoặc Chúa Giê-su muốn can dự đến những “trái xấu” của các giáo hoàng không?—Ma-thi-ơ 7:17, 18, 21-23.

[Chú thích]

^ đ. 7 Cuộc thảo luận giữa Chúa Giê-su với Phi-e-rơ xoay quanh việc nhận diện Đấng Chirst và vai trò của ngài, không phải vai trò mà Phi-e-rơ sẽ đảm nhận (Ma-thi-ơ 16:13-17). Sau này, chính Phi-e-rơ cho biết Chúa Giê-su là đá mà hội thánh được lập lên trên (1 Phi-e-rơ 2:4-8). Sứ đồ Phao-lô khẳng định rằng Chúa Giê-su là “đá góc nhà” của hội thánh, chứ không phải Phi-e-rơ.—Ê-phê-sô 2:20.

^ đ. 14 Cả Chúa Giê-su và các sứ đồ đều cảnh báo rằng những người dạy các giáo lý bội đạo sẽ tràn ngập hội thánh (Ma-thi-ơ 13:24-30, 36-43; 2 Ti-mô-thê 4:3; 2 Phi-e-rơ 2:1; 1 Giăng 2:18). Những lời này đã ứng nghiệm khi hội thánh vào thế kỷ thứ hai bắt đầu du nhập phong tục ngoại giáo và pha trộn giáo lý Kinh Thánh với triết lý Hy Lạp.

[Các hình nơi trang 25]

Các bằng chứng có cho thấy các giáo hoàng theo gương của Phi-e-rơ không?