Bạn có biết?
Bạn có biết?
Tại sao Đức Chúa Trời chọn chim cút làm thức ăn cho dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng?
▪ Sau khi dân Y-sơ-ra-ên rời xứ Ê-díp-tô, có hai lần Đức Chúa Trời ban cho họ rất nhiều chim cút làm thức ăn.—Xuất Ê-díp-tô Ký 16:13; Dân-số Ký 11:31.
Chim cút là loài chim nhỏ, dài khoảng 18cm và nặng khoảng 100g. Chúng sinh sản ở nhiều vùng thuộc châu Âu và miền tây châu Á. Là loài chim di trú, chim cút trú đông ở Bắc Phi và bán đảo Ả Rập. Trong mùa di trú, từng đàn lớn chim cút bay qua những bờ biển phía đông của Địa Trung Hải và qua bán đảo Sinai.
Theo một cuốn từ điển Kinh Thánh (The New Westminster Dictionary of the Bible), chim cút “bay nhanh, giỏi và biết tận dụng sức gió. Thế nhưng, khi gió đổi hướng hoặc chúng bị kiệt sức sau chặng đường dài thì cả đàn chim dễ bị rơi xuống đất và choáng váng”. Để tiếp tục chuyến hành trình, chúng phải nghỉ trên mặt đất một hoặc hai ngày và vì thế dễ bị thợ săn bắt. Đầu thế kỷ 20, mỗi năm Ai Cập xuất khẩu khoảng ba triệu chim cút làm lương thực.
Cả hai lần dân Y-sơ-ra-ên được nuôi bằng chim cút đều vào mùa xuân. Dù chim cút thường bay qua vùng Sinai vào thời điểm đó nhưng chính Đức Giê-hô-va “khiến một trận gió” nổi lên thổi đàn chim rơi xuống trại của dân Y-sơ-ra-ên.—Dân-số Ký 11:31.
“Lễ Khánh-thành đền thờ” được nhắc đến nơi sách Giăng 10:22 là lễ gì?
▪ Ba kỳ lễ mà Đức Giê-hô-va lệnh cho dân Giu-đa phải giữ—Lễ Bánh Không Men, Lễ Ngũ Tuần, Lễ Mùa Gặt—đều được tổ chức theo thứ tự vào đầu xuân, cuối xuân và mùa thu. Tuy nhiên, kỳ lễ được nhắc đến nơi sách Giăng 10:22 diễn ra vào “mùa đông”, nhằm kỷ niệm ngày tái khánh thành đền thờ Đức Giê-hô-va vào năm 165 trước công nguyên (TCN). Lễ này kéo dài tám ngày, bắt đầu từ ngày 25 tháng Kít-lơ, gần đông chí (khoảng ngày 21 tháng 12). Do đâu mà có lễ này?
Nhằm xóa bỏ sự thờ phượng và phong tục của người Do Thái, vào năm 168 TCN, vua Antiochus IV (Epiphanes), thuộc vương triều Seleucus, đặt một bàn thờ tà giáo lên trên bàn thờ Đức Giê-hô-va trong đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. Nơi bàn thờ này, ông dâng tế lễ cho thần Hy Lạp là Dớt.
Sự việc này dẫn đến cuộc nổi dậy Mác-ca-bê. Một người Do Thái là Judas Maccabaeus đã dẫn đầu cuộc nổi dậy và giành lại Giê-ru-sa-lem từ tay vương triều Seleucus. Sau đó, ông phá hủy bàn thờ bị ô uế và xây bàn thờ mới. Đúng ba năm sau khi bàn thờ bị xâm phạm, Judas tái dâng hiến đền thờ thánh sạch cho Đức Giê-hô-va. Từ đó, người Do Thái tổ chức “lễ Khánh-thành đền thờ” (tiếng Do Thái cổ là chanuk·kahʹ) vào tháng 12 hằng năm. Ngày nay, lễ này được gọi là Hanukkah.
[Hình nơi trang 14]
Hình mô tả Judas Maccabaeus, Lyon, 1553
[Nguồn hình ảnh nơi trang 14]
From the book Wood’s Bible Animals. 1876