Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có biết?

Bạn có biết?

Bạn có biết?

Các hoạt động tại đền thờ của Đức Giê-hô-va ở Giê-ru-sa-lem được tài trợ ra sao?

Các hoạt động tại đền thờ được tài trợ nhờ tiền thuế, chủ yếu là thuế thập phân. Tuy nhiên, cũng có thể dùng các loại thuế khác. Chẳng hạn lúc xây đền tạm, Đức Giê-hô-va đã bảo Môi-se thu nửa siếc-lơ bạc của mỗi người Y-sơ-ra-ên có tên trong sổ, xem đó như là “của dâng cho Đức Giê-hô-va”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 30:12-16.

Dường như điều này đã trở thành thông lệ cho mỗi người Do Thái, họ phải đóng góp một số tiền nhất định được xem là thuế hằng năm của đền thờ. Đây là loại thuế mà Chúa Giê-su đã bảo Phi-e-rơ lấy một đồng bạc từ trong miệng con cá.—Ma-thi-ơ 17:24-27.

Cách đây vài năm, người ta đã phát hiện tại Giê-ru-sa-lem hai đồng bạc của loại được dùng để đóng thuế cho đền thờ. Một đồng được đúc ở Ty-rơ vào năm 22 công nguyên (CN), được tìm thấy tại kênh thoát nước xây dựng vào thế kỷ thứ nhất. Một mặt của đồng siếc-lơ này có hình đầu của Melkart, hay Ba-anh, vị thần chính của nước Ty-rơ. Mặt bên kia có hình một con đại bàng đậu trên mũi tàu. Đồng thứ hai được tìm thấy trong đống gạch vụn được lấy từ khung của đền thờ, có niên đại vào năm đầu tiên người Do Thái nổi loạn chống lại La Mã, tức năm 66-67 CN. Trên đồng tiền này có hình một cái ly, nhánh lựu có ba bông cùng chữ khắc “Nửa siếc-lơ” và “Giê-ru-sa-lem thánh”. Về khám phá này, giáo sư Gabriel Barkay nói đồng xu có “dấu hiệu bị lửa hủy hoại, rất có thể là lửa đã hủy diệt Đền Thờ Thứ Hai vào năm 70 CN”.

Các dự án xây dựng của Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn, nguy nga đến mức nào?

Sách Đa-ni-ên trong Kinh Thánh có ghi lại lời Nê-bu-cát-nết-sa đã nói: “Đây chẳng phải là Ba-by-lôn lớn mà ta đã dựng, bởi quyền cao-cả ta, để làm đế-đô ta, và làm sự vinh-hiển oai-nghi của ta sao?” (Đa-ni-ên 4:30). Thành cổ này có thật sự lớn như thế không?

Các nhà sử học quy cho Nê-bu-cát-nết-sa đã xây những công trình như đền thờ, cung điện, tường thành và vườn treo tuyệt mỹ. Đền thờ chính tại trung tâm của Ba-by-lôn có một tòa tháp, hay kim tự tháp, có lẽ cao hơn 70m. Tuy nhiên, sách Babylon—City of Wonders (Ba-by-lônThành phố của các kỳ quan) cho biết: “Thành tựu nổi bật nhất [của Nê-bu-cát-nết-sa] là Đường Rước Kiệu và Cổng Ishtar”. Dọc theo hai bên Đường Rước Kiệu, dẫn qua Cổng Ishtar, có hình của nhiều con sư tử đang sải bước. Còn về Cổng Ishtar, cổng nguy nga nhất ở Ba-by-lôn, sách này viết: “Toàn bộ cổng được lát gạch màu xanh đậm bóng loáng, được trang trí bằng hàng trăm hình con bò và rồng đang bước đi, cảnh chào đón khách thời xưa đến với thủ đô này chắc hẳn khó lòng quên được”.

Vào đầu thế kỷ 20, các nhà khảo cổ học đã khai quật được hàng ngàn mảnh vỡ của Đường Rước Kiệu lẫn Cổng Ishtar. Sau đó, họ đã dùng phần lớn các mảnh này để dựng lại hai kỳ công ấy trong viện bảo tàng Pergamon, ở Berlin, nước Đức.

[Các hình nơi trang 12]

Kích cỡ thật

[Nguồn tư liệu]

Top: Clara Emit, Courtesy of Israel Antiquities Authority; bottom: Zev Radovan

[Hình nơi trang 12]

Cổng Ishtar được dựng lại