Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Làm Đức Giê-hô-va mỉm cười”

“Làm Đức Giê-hô-va mỉm cười”

Lễ mãn khóa thứ 131 của Trường Ga-la-át

“Làm Đức Giê-hô-va mỉm cười”

Lễ mãn khóa thứ 131 của Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh diễn ra vào ngày 10 tháng 9 năm 2011. Gia đình, bạn bè của học viên và các khách mời đã vui mừng đến dự buổi lễ này. Lúc bắt đầu chương trình, cả diễn giả lẫn học viên đều hồi hộp, phấn khởi. Khi kết thúc, tất cả 9.063 người hiện diện cảm thấy thoải mái, tươi cười và thích thú các bài giảng, các màn trình diễn và phỏng vấn.

Anh Stephen Lett, thành viên Hội đồng Lãnh đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va làm chủ tọa chương trình, trình bày bài giảng mở đầu. Anh phân tích các câu Kinh Thánh nói về Giê-hô-va Đức Chúa Trời có một thân thể theo nghĩa bóng. Anh tập trung vào những đoạn bàn về cách Đức Giê-hô-va dùng mắt, tai, bàn tay và cánh tay của ngài theo nghĩa bóng.

Trước tiên, anh Stephen Lett xem xét câu 2 Sử-ký 16:9: “Con mắt của Đức Giê-hô-va soi-xét khắp thế-gian, đặng giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài”. Các học viên được khuyến khích giữ tấm lòng trọn vẹn với Đức Giê-hô-va. Anh cho biết, họ có thể noi gương ngài qua việc tìm những điểm tốt nơi người khác. Tiếp đến, anh Lett xem xét 1 Phi-e-rơ 3:12. Câu ấy nói tai của Đức Giê-hô-va nghe lời cầu xin của người công chính. Anh khuyến giục các học viên luôn cầu nguyện với Đức Giê-hô-va và nhớ rằng ngài thật sự muốn nghe lời cầu nguyện của họ.

Diễn giả cũng xem xét lời hứa của Đức Giê-hô-va nơi Ê-sai 41:13: “Ta, là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, sẽ nắm tay hữu ngươi, và phán cùng ngươi rằng: Đừng sợ, ta sẽ giúp-đỡ ngươi”. Với giọng chân thành nồng ấm, anh Lett nói: “Hãy chú ý đến hành động thật ấm lòng của Đức Giê-hô-va. Ngài đưa tay ra nắm lấy tay chúng ta”. Tiếp đến, anh nói với các học viên hãy luôn để Đức Giê-hô-va giúp và đừng bao giờ khước từ sự giúp đỡ của ngài. Anh cũng cho biết các học viên có thể noi gương Đức Giê-hô-va bằng cách đưa tay ra giúp người khác.

Cuối cùng anh Lett đọc Ê-sai 40:11. Anh mời cử tọa hình dung tình cảm yêu thương trìu mến mà câu Kinh Thánh đó diễn đạt. Anh Lett nói: “Đức Giê-hô-va thâu chúng ta vào cánh tay ngài và ẵm chúng ta vào lòng”. Chúng ta nên đáp lại như thế nào? Các học viên được khuyên hãy luôn ngoan ngoãn và hiền lành như chiên con để Đức Giê-hô-va muốn ẵm vào lòng.

“Chúng tôi đựng của báu ấy trong bình bằng đất”

Anh David Splane thuộc Hội đồng Lãnh đạo khai triển câu Kinh Thánh chủ đề của chương trình (2 Cô-rinh-tô 4:7). Của báu được nói đến trong câu Kinh Thánh trên là gì? Đó là sự hiểu biết hay sự khôn ngoan? Anh trả lời: “Không phải các điều đó. Của báu mà sứ đồ Phao-lô nói là ‘chức vụ bày tỏ sự thật’” (2 Cô-rinh-tô 4:1, 2, 5). Anh Splane nhắc các học viên rằng trong 5 tháng qua, các học viên đã dành thời gian để chuẩn bị cho chức vụ đặc biệt này. Chức vụ ấy rất được quý trọng.

Diễn giả giải thích “bình bằng đất” ám chỉ thân thể bất toàn của chúng ta. Anh so sánh sự khác biệt giữa bình bằng đất với bình bằng vàng. Người ta ít sử dụng bình bằng vàng nhưng thường sử dụng bình bằng đất. Nếu đặt của báu trong bình bằng vàng, chúng ta sẽ chú ý nhiều đến bình và của báu. Anh Splane nói: “Các anh chị không muốn thu hút sự chú ý đến bản thân. Là giáo sĩ, anh chị muốn hướng người ta đến Đức Giê-hô-va. Anh chị là những ‘bình bằng đất’ khiêm tốn”.

Tiếp tục sự so sánh này, diễn giả nói rằng vào thời Kinh Thánh, một số bình bằng đất chống được lửa, và vài chiếc bình có lớp men tráng bên ngoài để tránh bị rạn nứt. Làm sao giáo sĩ có thể giống như bình bằng đất theo cách này? Trong những tháng đầu tiên tại nhiệm sở, chắc chắn các giáo sĩ sẽ hình thành được lớp men cứng. Họ sẽ ít nhạy cảm hơn với sự chỉ trích và không dễ bị tổn thương. Anh Splane nói: “Anh chị sẽ khám phá rằng anh chị cứng cỏi hơn mình nghĩ”. Đức Giê-hô-va giao của báu này, không phải cho các thiên sứ nhưng cho những bình bằng đất. Anh kết luận: “Điều đó cho thấy Đức Giê-hô-va tin cậy anh chị”.

Anh chị chạy thi với người chạy bộ thì làm sao thi được với ngựa?’

“Anh chị có thể chạy nhanh đến mức nào và chạy được bao lâu?”. Đó là câu mà anh Samuel Herd thuộc Hội đồng Lãnh đạo đã hỏi các học viên. Tại sao anh hỏi như vậy? Anh so sánh những trải nghiệm của học viên và của nhà tiên tri Giê-rê-mi. Người đàn ông trung thành này đã có một thời gian đối phó với nhiều thách thức. Nhưng nhiều thử thách khó khăn hơn đợi ông ở phía trước. Vì thế Đức Giê-hô-va hỏi ông: “Nếu ngươi chạy thi với kẻ chạy bộ, mà còn mỏi-mệt, thì làm sao thi được với ngựa?”.—Giê-rê-mi 12:5.

Áp dụng điểm này cho các học viên, anh Herd nói: “Có thể anh chị cảm thấy mình đã chạy đua với ngựa khi làm các bài kiểm tra. Nhưng thực ra anh chị chưa đua với ngựa đâu, chỉ mới đua với người chạy bộ thôi. Tại nhiệm sở mới anh chị sẽ chạy đua với ngựa, hay nói cách khác anh chị sẽ đối mặt với những khó khăn lớn hơn mà mình có thể hình dung bây giờ. Anh chị sẽ đối phó ra sao? Sự huấn luyện ở Trường Ga-la-át đã chuẩn bị để anh chị đua với ngựa mà không mệt”. Anh khuyến khích các học viên tiếp tục rèn luyện mình về mặt thiêng liêng, duy trì thói quen đều đặn học Kinh Thánh và cầu nguyện.

Anh Herd công nhận rằng trong tương lai một vài giáo sĩ có thể bị nản lòng hoặc đối mặt với sự thờ ơ của người ta. Những người khác có thể bị bệnh hoặc cảm thấy mình không đủ khả năng. Nhưng một lần nữa, anh đoan chắc với học viên rằng họ có một nguồn sức mạnh giúp họ vượt qua bất cứ nghịch cảnh nào và không mệt mỏi. Anh nói: “Dù đua với người chạy bộ hay với ngựa, anh chị hãy tin cậy rằng cánh tay quyền năng của Đức Chúa Trời có thể giúp mình lướt nhanh đến đích. Khi đó anh chị sẽ là giáo sĩ hữu hiệu để tôn vinh và ca ngợi Đức Giê-hô-va”.

Những điểm nổi bật khác của chương trình

“Chớ mượn ít”. Anh John Ekrann, thành viên Ủy ban chi nhánh Hoa Kỳ, thảo luận về lời tường thuật liên quan đến Ê-li-sê và bà góa có các con trai sắp bị bắt làm nô lệ (2 Các Vua 4:1-7). Bà góa chỉ có một hũ dầu. Ê-li-sê bảo bà thu gom bình từ những người hàng xóm và nói: “Chớ mượn ít”. Qua Ê-li-sê, Đức Giê-hô-va đã thực hiện phép lạ làm các bình của bà góa đầy dầu. Sau khi bán dầu, bà có đủ tiền để trả nợ và nuôi gia đình trong một thời gian.

Những giáo sĩ tương lai học được gì từ lời tường thuật này? Khi mượn thêm bình, dường như bà góa không kén chọn. Anh Ekrann nói: “Có lẽ bà thu gom bất cứ bình nào dùng để đựng dầu và bình càng lớn càng tốt”. Sau đó, anh khuyến khích các học viên nhận bất cứ việc nào được giao, dù lớn hay nhỏ. Anh nói: “Đừng kén chọn”. Anh cũng nhắc các học viên rằng những ân phước mà bà góa nhận liên quan trực tiếp đến mức độ chú tâm của bà đối với những chỉ dẫn của Ê-li-sê. Các học viên rút ra bài học nào? Những ân phước chúng ta nhận liên quan trực tiếp đến mức độ chúng ta thể hiện lòng sốt sắng và đức tin. Anh khuyên: “Hãy tránh thái độ thích an nhàn”.

‘Họ sẽ là đồ nuôi chúng ta’. Anh William Samuelson, giám thị Ban phụ trách các trường thần quyền, khai triển chủ đề này dựa trên Dân-số Ký 14:9. Anh nêu bật gương tốt của Giô-suê và Ca-lép. Từ “đồ nuôi”, tức thức ăn, được dùng trong trường hợp này có nghĩa là dân Ca-na-an có thể dễ dàng bị đánh bại, kinh nghiệm này sẽ thêm sức và làm vững mạnh dân Y-sơ-ra-ên. Các học viên học được gì? Anh cho biết: “Đối với thánh chức trong tương lai, hãy xem các khó khăn là điều sẽ thêm sức và làm vững mạnh anh chị”.

‘Liệu con thuyền đức tin của họ có được thả neo vững chắc trước giông bão không?’. Một giảng viên là anh Sam Roberson đề cập đến lời cảnh báo của sứ đồ Phao-lô về đức tin của một số người “bị hủy hoại như con thuyền bị đắm” (1 Ti-mô-thê 1:19). Anh khuyến khích các học viên giúp người khác xây dựng đức tin như con thuyền thả neo vững chắc nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Anh nói: “Công việc của anh chị có thể ví như công việc của thợ rèn”. Như thế nào? Thợ rèn gắn các mắt xích thành dây xích để con thuyền được thả neo vững chắc. Tương tự, các giáo sĩ giúp người tìm hiểu Kinh Thánh vun trồng những phẩm chất mà Đức Giê-hô-va yêu mến và đòi hỏi để được ngài cứu rỗi.

Diễn giả liên kết các mắt xích với tám đức tính nơi 2 Phi-e-rơ 1:5-8. Anh Roberson nói nếu giáo sĩ giúp người học Kinh Thánh biết Đức Giê-hô-va thể hiện các đức tính tuyệt vời của ngài như thế nào, người học có thể phát triển mối quan hệ gắn bó với ngài. Nhờ đó, đức tin của họ sẽ đứng vững trước bất cứ nghịch cảnh nào ví như giông bão.

Phần phỏng vấn và kể kinh nghiệm

Một giảng viên khác là anh Michael Burnett mời các học viên kể và diễn lại một số kinh nghiệm rao giảng thú vị mà họ có gần đây. Cử tọa thích thú nghe các học viên kể lại kinh nghiệm rao giảng tại trung tâm mua sắm, sân bay và rao giảng từng nhà, thậm chí qua điện thoại cho một người gọi nhầm số.

Tiếp đến, anh Michael Hansen thuộc nhà Bê-tên Hoa Kỳ phỏng vấn ba anh có nhiều năm kinh nghiệm làm giáo sĩ: Anh Stephen McDowell ở Panama, anh Mark Noumair ở Kenya và anh William Yasovsky ở Paraguay. Kinh nghiệm của họ nêu bật chủ đề của phần này: “Vui mừng làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va” (Thi-thiên 40:8). Chẳng hạn, anh Mark Noumair nói về lý do cụ thể khiến vợ chồng anh vui mừng khi phụng sự tại nhiệm sở của mình. Tình bạn bền chặt với các anh chị Nhân Chứng địa phương mang lại cho họ sự thỏa nguyện sâu xa. Lý do khác là nhìn thấy các anh chị làm theo sự hướng dẫn của tổ chức, thực hiện những thay đổi lớn trong đời sống và cách Đức Giê-hô-va ban phước cho nỗ lực của họ. Anh đảm bảo rằng những niềm vui lớn nhất đang chờ đón các giáo sĩ ở phía trước.

Sau khi một học viên đại diện cho khóa thứ 131 đọc lá thư cảm động bày tỏ lòng biết ơn, anh Lett kết thúc chương trình bằng cách khuyến khích các học viên tốt nghiệp hành động khôn ngoan. Anh nói rằng nếu làm thế họ sẽ “làm Đức Giê-hô-va mỉm cười”. Chắc chắn những giáo sĩ này sẽ làm Đức Giê-hô-va mỉm cười khi trung thành phụng sự ngài tại nhiệm sở.—Ê-sai 65:19.

[Bảng thống kê/​Bản đồ nơi trang 31]

SỐ LIỆU THỐNG KÊ

10 quốc gia có học viên tham dự

34,7 số tuổi trung bình

19,0 số năm trung bình đã làm báp-têm

13,5 số năm trung bình trong thánh chức trọn thời gian

[Bản đồ]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Học viên được phái đến các quốc gia được liệt kê bên dưới

NHỮNG NƠI ĐƯỢC BỔ NHIỆM ĐẾN

BENIN

BRAZIL

BUN-GA-RI

BURUNDI

CAMEROON

CANADA

CỘNG HÒA TRUNG PHI

ĐỨC

GHANA

HỒNG KÔNG

INDONESIA

KENYA

LIBERIA

LITHUANIA

MALAYSIA

MOZAMBIQUE

NEPAL

PANAMA

PARAGUAY

SIERRA LEONE

SLOVAKIA

NAM PHI

HOA KỲ

VENEZUELA

[Hình nơi trang 30]

Học viên diễn lại kinh nghiệm rao giảng

[Hình nơi trang 31]

Khóa tốt nghiệp thứ 131 của Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh

Trong danh sách dưới đây, hàng được đánh số từ trước ra sau, và tên được liệt kê từ trái sang phải.

(1) Lesch, C.; Lesch, N.; Shakarjian, P.; Shakarjian, T.; Budden, R.; Budden, K.; Nash, T.; Nash, L.

(2) Tremblay, E.; Tremblay, C.; Garvey, D.; Garvey, G.; Gaunt, R.; Gaunt, P.; Lau, J.; Lau, J.

(3) Davis, S.; Davis, S.; Sargeant, J.; Sargeant, J.; Fonseca, C.; Fonseca, S.; Thenard, E.; Thenard, A.

(4) Petratyotin, A.; Petratyotin, R.; Reyes, N.; Reyes, N.; Eisiminger, B.; Eisiminger, S.; Hacker, J.; Hacker, C.

(5) Hartman, E.; Hartman, T.; Goolia, W.; Goolia, K.; Thomas, J.; Thomas, E.; Okazaki, N.; Okazaki, M.

(6) Mills, C.; Mills, A.; Benning, L.; Benning, T.; Sobiecki, S.; Sobiecki, T.; Gagnon, L.; Gagnon, E.

(7) Hansen, B.; Hansen, M.; Fahie, A.; Fahie, M.; Dalgaard, J.; Dalgaard, J.; Andersson, M.; Andersson, R.