Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ấn tượng ban đầu liệu có đáng tin?

Ấn tượng ban đầu liệu có đáng tin?

Ấn tượng ban đầu liệu có đáng tin?

Một bác sĩ đang ngồi thư giãn trong phòng khách và xem chương trình truyền hình phỏng vấn vị khách mời là một bộ trưởng chính phủ Ai Len. Sau khi nhìn kỹ gương mặt vị bộ trưởng, bác sĩ nhận thấy một điều bất thường mà ông nghĩ là dấu hiệu của một khối u. Ông khuyên vị bộ trưởng ấy mau chóng đi khám.

Kết quả chẩn đoán cho thấy nhận xét trên chính xác. Bác sĩ ấy có thể chẩn đoán bệnh bằng mắt thường, một khả năng giúp nhận xét đúng bệnh lý chỉ qua cái nhìn. Thế nhưng, một số người cảm thấy họ có con mắt nhìn người, có thể “chẩn đoán” hay đánh giá tính cách và mức độ đáng tin cậy của người khác.

Qua hàng thế kỷ, những nhà nghiên cứu đã cố gắng đưa ra một phương pháp phù hợp với khoa học để khám phá tính cách của một người qua tướng mạo. Họ gọi đó là thuật xem tướng. Bách khoa từ điển Anh Quốc (Encyclopædia Britannica) định nghĩa rằng thuật này “không có cơ sở khoa học khi liên kết những đặc điểm của tính cách với các chi tiết trên khuôn mặt hoặc hình dáng cơ thể”. Vào thế kỷ 19, những nhà nhân loại học như Francis Galton (em họ của Charles Darwin) và những nhà tội phạm học như Cesare Lombroso ở Ý đề xuất những học thuyết và phương pháp tương tự mà giờ đây đã gần như chìm vào quên lãng.

Dù vậy, nhiều người vẫn tin là có thể đánh giá đúng về người khác chỉ qua vẻ bề ngoài. Nhưng ấn tượng ban đầu liệu có đáng tin?

Trông mặt mà bắt hình dong

Trong Kinh Thánh, sách 1 Sa-mu-ên cho chúng ta thấy một ví dụ điển hình về việc đánh giá, hay đúng hơn là đánh giá sai lầm khi dựa vào ấn tượng ban đầu. Giê-hô-va Đức Chúa Trời bảo nhà tiên tri Sa-mu-ên đi xức dầu cho một người trong gia đình Y-sai để làm vua tương lai của nước Y-sơ-ra-ên. Kinh Thánh tường thuật: “Khi chúng [các con trai của Y-sai] đến, Sa-mu-ên thấy Ê-li-áp, bèn thầm rằng: Quả hẳn, kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va đương ở trước mặt Ngài. Nhưng Đức Giê-hô-va phán cùng Sa-mu-ên rằng: Chớ xem về bộ-dạng và hình-vóc cao lớn của nó, vì ta đã bỏ nó. Đức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn-thấy trong lòng”. Việc này lặp lại khi Sa-mu-ên gặp sáu người con khác của Y-sai. Cuối cùng, trái với suy nghĩ của nhà tiên tri và Y-sai, người được Đức Chúa Trời chọn làm vị vua tương lai là con trai thứ tám, Đa-vít, một em trẻ mà không ai nghĩ sẽ gọi đến.—1 Sa-mu-ên 16:6-12.

Ngày nay mọi chuyện chẳng khác là mấy. Vài năm trước ở Đức, một giáo sư khoa tội phạm học tiến hành một cuộc thử nghiệm có 500 sinh viên luật tham gia. Ông đã mời 12 “vị khách” ẩn danh, gồm cảnh sát trưởng địa phương, công tố viên địa phương, thủ quỹ trường đại học, nhân viên quan hệ công chúng, vài luật sư cùng nhân viên tòa án và ba phạm nhân. Các sinh viên phải xác định nghề nghiệp của các vị khách, cũng như xác định ai là phạm nhân và đã phạm tội gì. Việc này chỉ dựa vào vẻ bề ngoài của họ và sở thích mà họ cho biết.

Kết quả là gì? Khoảng 75 phần trăm sinh viên xác định đúng ba phạm nhân. Nhưng tính trung bình thì khoảng 60 phần trăm sinh viên cũng cho rằng chín vị khách còn lại là những người vi phạm pháp luật, dù họ chưa từng có tiền án. Cứ 7 sinh viên thì có 1 người cho rằng công tố viên địa phương là kẻ buôn ma túy, và cứ 3 sinh viên thì có 1 người cho rằng cảnh sát trưởng là kẻ cướp! Đánh giá dựa vào ấn tượng thật sai lầm biết bao. Tại sao?

Bề ngoài có thể đánh lừa

Khi gặp một người lần đầu tiên, chúng ta thường dựa vào những gì mình đã trải qua để nhận xét về người ấy. Lúc đó, chúng ta có khuynh hướng nhận xét tổng quát và đánh giá một cách rập khuôn. Ngoài ngoại diện, chúng ta có thể đánh giá hoặc xét đoán một người vì quốc tịch, chủng tộc, vị thế xã hội hoặc tôn giáo của người ấy.

Nếu nhận xét của chúng ta về người ấy chính xác thì đó là điều đáng mừng vì chúng ta đã đánh giá đúng, và chúng ta có thể càng tin nơi ấn tượng ban đầu của mình. Tuy nhiên, khi nhận ra mình đã kết luận hoàn toàn sai, chúng ta sẽ phản ứng thế nào? Nếu chân thật, chúng ta sẽ xua đi những định kiến và tìm kiếm sự thật. Nếu không, chúng ta có thể gây tổn thương cho người khác và thậm chí phạm sai lầm nghiêm trọng, tất cả chỉ vì chúng ta tự phụ cho rằng mình có khả năng đánh giá chính xác về người khác.

Việc đánh giá qua vẻ bề ngoài không chỉ gây hại cho nạn nhân mà còn cho cả người đánh giá. Chẳng hạn, vào thế kỷ thứ nhất, nhiều người Do Thái đã không xem xét việc Chúa Giê-su có thể là Đấng Mê-si được hứa trước. Tại sao? Vì quan điểm của họ dựa vào vẻ bề ngoài. Tất cả những gì họ nhìn thấy chỉ là con trai của một thợ mộc quê mùa. Những dạy dỗ khôn ngoan và việc làm đầy quyền năng của Chúa Giê-su gây ấn tượng với họ. Dù vậy, họ vẫn không chịu tin ngài là một nhân vật vượt xa những suy nghĩ định kiến của họ. Chính thái độ đó đã khiến Chúa Giê-su tập trung rao giảng cho người khác, ngài nói: “Nhà tiên tri chỉ bị xem thường ở quê hương và nhà mình mà thôi”.—Ma-thi-ơ 13:54-58.

Những người Do Thái đó là dân của một nước đã chờ đợi Đấng Mê-si hằng bao thế kỷ. Chỉ vì những ấn tượng ban đầu mà họ đã không nhận ra Đấng Mê-si khi ngài đến. Do đó, họ đánh mất ân huệ của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 23:37-39). Các môn đồ của Chúa Giê-su cũng gặp phải những thành kiến tương tự. Thật vậy, nhiều người nghĩ một nhóm nhỏ ngư dân tầm thường, vốn bị tầng lớp trí thức và những nhà lãnh đạo của tôn giáo chính vào thời đó khinh miệt, thì có gì quan trọng để mà nói. Những người ấy tiếp tục tin vào ấn tượng ban đầu để rồi mất đi cơ hội tuyệt diệu là làm môn đồ của Con Đức Chúa Trời.—Giăng 1:10-12.

Thay đổi quan điểm

Một số người sống cùng thời với Chúa Giê-su đã khiêm nhường thay đổi quan điểm khi tận mắt chứng kiến những điều ngài làm (Giăng 7:45-52). Trong số đó có vài thành viên của gia đình Chúa Giê-su, dù ban đầu họ đã không tin việc một người nhà của mình có thể là Đấng Mê-si (Giăng 7:5). Nhưng thật đáng khen, với thời gian, họ đã thay đổi quan điểm và đặt đức tin nơi ngài (Công vụ 1:14; 1 Cô-rinh-tô 9:5; Ga-la-ti 1:19). Tương tự thế, nhiều năm sau tại thành Rô-ma, một số người đại diện cho cộng đồng Do Thái đã sẵn lòng lắng nghe sứ đồ Phao-lô, thay vì tin những lời đồn đại của kẻ thù đạo Đấng Ki-tô. Sau khi nghe ông giảng, vài người trong họ đã tin đạo.—Công vụ 28:22-24.

Ngày nay, nhiều người có quan điểm tiêu cực về Nhân Chứng Giê-hô-va. Tại sao? Trong hầu hết trường hợp, lý do không phải vì họ đã xem xét sự thật hoặc chứng minh được những niềm tin và thực hành của Nhân Chứng Giê-hô-va không phù hợp với Kinh Thánh. Đơn giản là họ không thể tin Nhân Chứng Giê-hô-va có tín ngưỡng đúng. Có lẽ bạn nhớ rằng vào thế kỷ thứ nhất, nhiều người cũng có quan điểm y như thế về tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi những người cố gắng noi theo Chúa Giê-su bị chê bai hoặc gièm pha. Sao lại thế? Vì Chúa Giê-su đã cảnh báo các môn đồ chân chính của mình: “Anh em sẽ bị mọi người thù ghét vì là môn đồ tôi”. Dù vậy, ngài khích lệ họ: “Ai bền chí cho đến cuối cùng thì sẽ được cứu”.—Ma-thi-ơ 10:22.

Vâng theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su, ngày nay Nhân Chứng Giê-hô-va nỗ lực rao truyền tin mừng về Nước Đức Chúa Trời cho mọi người trên thế giới (Ma-thi-ơ 28:19, 20). Những ai kiên quyết không nghe có thể sẽ đánh mất cơ hội hưởng sự sống vĩnh cửu (Giăng 17:3). Còn bạn thì sao? Bạn có bị chi phối bởi thành kiến và ấn tượng ban đầu không? Hay bạn sẵn sàng xem xét các bằng chứng với tinh thần cởi mở? Hãy nhớ rằng: Vẻ bề ngoài có thể khiến chúng ta nhầm lẫn và ấn tượng có thể sai lầm, nhưng việc xem xét các bằng chứng một cách khách quan sẽ mang lại kết quả đáng ngạc nhiên.—Công vụ 17:10-12.

[Hình nơi trang 11]

Ấn tượng ban đầu khiến nhiều người Do Thái không chấp nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si

[Hình nơi trang 12]

Quan điểm của bạn về Nhân Chứng Giê-hô-va dựa vào ấn tượng hay sự thật?