Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Có tình yêu thương giữa anh em”

“Có tình yêu thương giữa anh em”

“Có tình yêu thương giữa anh em”

“Tôi ban cho anh em một điều răn mới, đó là anh em hãy yêu thương nhau; tôi đã yêu thương anh em thế nào, anh em cũng hãy yêu thương nhau thế ấy. Bởi điều này mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đồ tôi: Đó là có tình yêu thương giữa anh em”.—GIĂNG 13:34, 35.

Có nghĩa gì? Đấng Ki-tô đã nói các môn đồ phải yêu thương nhau như cách ngài đã yêu họ. Ngài yêu họ như thế nào? Tình yêu thương của ngài vượt qua định kiến thường thấy về dân tộc và giới tính vào thời đó (Giăng 4:7-10). Tình yêu thương thôi thúc Chúa Giê-su hy sinh thời gian, năng lực và tiện nghi để giúp người khác (Mác 6:30-34). Hơn nữa, Chúa Giê-su bày tỏ tình yêu thương một cách cao cả nhất. Ngài nói: “Tôi là người chăn chiên tốt lành; người chăn tốt lành hy sinh mạng sống mình vì chiên”.—Giăng 10:11.

Tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu thể hiện đặc điểm này ra sao? Vào thế kỷ thứ nhất, các tín đồ gọi nhau là “anh em” hay “chị em” (Phi-lê-môn 1, 2). Họ mời người từ mọi nước đến hội thánh của họ vì tin rằng “không có sự phân biệt giữa người Do Thái và người Hy Lạp, bởi lẽ chỉ có một Chúa trên tất cả mọi người” (Rô-ma 10:11, 12). Sau Lễ Ngũ Tuần năm 33 công nguyên, các môn đồ ở Giê-ru-sa-lem “bán của cải, đất đai và phân phát tiền thu được cho tất cả, tùy theo nhu cầu của mỗi người”. Tại sao họ làm thế? Để những người mới báp-têm có thể tiếp tục ở thành Giê-ru-sa-lem và “chuyên tâm học hỏi nơi các sứ đồ” (Công vụ 2:41-45). Điều gì đã thôi thúc họ? Gần 200 năm sau khi các sứ đồ qua đời, ông Tertullian trích lời của những người khác nói về tín đồ đạo Đấng Ki-tô: “Họ thật lòng yêu thương nhau... và sẵn lòng chết vì nhau”.

Ngày nay ai sống theo gương mẫu của Chúa Giê-su? Một sách nói về sự suy tàn và sụp đổ của đế quốc La Mã (The History of the Decline and Fall of the Roman Empire, 1837) cho biết trong nhiều thế kỷ, những người tuyên xưng là tín đồ đạo Đấng Ki-tô “bị người cùng đạo đối xử tệ bạc hơn là bị người [không cùng đạo] tích cực chống đối”. Một cuộc nghiên cứu gần đây ở Hoa Kỳ cho thấy có sự liên hệ chặt chẽ giữa những người có đạo (đa phần nhận mình là môn đồ Chúa Giê-su) với sự kỳ thị chủng tộc. Những người hay đi nhà thờ ở nước này thường không có liên quan gì với những người đồng đạo ở nước khác, và vì thế họ không thể hoặc không giúp đỡ nhau khi cần.

Năm 2004, sau khi bốn cơn bão lớn liên tiếp quét qua bang Florida trong hai tháng, người đứng đầu cơ quan cứu hộ của bang này đã kiểm tra để bảo đảm hàng cứu trợ được dùng một cách hiệu quả. Ông nói không nhóm người nào được tổ chức tốt như Nhân Chứng Giê-hô-va, và ông sẵn sàng cung cấp bất cứ điều gì họ cần. Trước đó, năm 1997, một nhóm cứu trợ của Nhân Chứng Giê-hô-va đã mang thuốc, lương thực và quần áo đến Cộng hòa Dân chủ Congo nhằm giúp đỡ anh em đồng đạo và những người cần trợ giúp. Các Nhân Chứng ở châu Âu đã quyên góp đồ cứu trợ với tổng giá trị lên đến một triệu đô la Mỹ.