Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Câu hỏi độc giả

Chúa Ba Ngôi có phải là sự dạy dỗ dựa trên Kinh Thánh?

Chúa Ba Ngôi có phải là sự dạy dỗ dựa trên Kinh Thánh?

▪ Giáo lý Chúa Ba Ngôi có rất nhiều định nghĩa, một trong số đó là: “Mỗi Ngôi trong Ba Ngôi chí thánh (Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần) đều hằng có đời đời và quyền phép vô biên, đều được thờ phượng và suy tôn như nhau, đều là Thiên Chúa đích thực, nhưng Ba Ngôi mà chỉ là một Thiên Chúa”. Đó có phải là điều Kinh Thánh dạy không?

Người ta thường trích Ma-thi-ơ 28:19 để chứng minh giáo lý này. Bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ trích lời Chúa Giê-su: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Đúng là câu Kinh Thánh này nhắc đến Cha, Con và thánh thần (hay thần khí) nhưng không có gì cho thấy cả ba là một. Chúa Giê-su đã giao cho các môn đồ Do Thái sứ mệnh dạy dỗ và làm báp-têm cho người khác nhân danh Cha, Con và thần khí. Nhưng với tư cách một quốc gia, người Do Thái tin gì?

Khi quốc gia Y-sơ-ra-ên nhận giao ước Luật pháp, tức một phần của Kinh Thánh, họ được lệnh: “Trước mặt ta ngươi chớ có các thần khác” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:7). Có bao nhiêu đấng đang nói câu này? Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4 ghi: “Hỡi Y-sơ-ra-ên! Hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai”. Qua câu này, chúng ta thấy rõ Đức Chúa Trời có một, chứ không phải ba trong một. Dân Y-sơ-ra-ên vừa được giải thoát khỏi Ai Cập, là nơi thờ nhiều bộ ba thần, chẳng hạn như bộ ba Osiris, Isis và Horus (hình bên trái). Do đó, dân Y-sơ-ra-ên được lệnh là phải thờ chỉ một Đức Chúa Trời. Đối với họ, việc hiểu điều này quan trọng như thế nào? Một thầy ra-bi là tiến sĩ J. H. Hertz cho biết: “Lời tuyên bố tối thượng đòi hỏi sự thờ phượng chuyên độc này là một lời tuyên chiến với mọi chủ nghĩa đa thần... Kinh Shema loại bỏ giáo lý Chúa Ba Ngôi của tín đồ Ki-tô giáo vì điều đó xúc phạm Thiên Chúa duy nhất” *.

Vì sinh ra là người Do Thái, Chúa Giê-su được dạy làm theo mệnh lệnh đó. Sau khi làm báp-têm, Chúa Giê-su bị Kẻ Quỷ Quyệt cám dỗ, ngài nói: “Hỡi Sa-tan, hãy đi cho khuất mắt ta! Vì có lời viết: ‘Ngươi phải thờ phượng Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ phụng sự một mình ngài mà thôi’” (Ma-thi-ơ 4:10; Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:13). Chúng ta có thể học được ít nhất hai điều từ trường hợp này. Thứ nhất, Sa-tan cố lôi kéo Chúa Giê-su thờ phượng hắn thay vì Đức Giê-hô-va. Cám dỗ này sẽ thật vô lý nếu Chúa Giê-su cũng là Đức Chúa Trời. Thứ hai, Chúa Giê-su cho thấy rõ chỉ được thờ phượng một Đức Chúa Trời khi dùng cụm từ “một mình ngài”. Nếu Chúa Giê-su là một phần của Chúa Ba Ngôi, ngài đã nói phải thờ phượng “chúng ta”.

Khi người ta đạt được sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời và muốn phụng sự ngài, họ làm báp-têm “nhân danh Cha, Con và thần khí” (Ma-thi-ơ 28:19). Họ hiểu và nhìn nhận quyền hành của Đức Giê-hô-va cùng vai trò của Chúa Giê-su trong việc thực hiện ý định của Cha ngài (Thi-thiên 83:18; Ma-thi-ơ 28:18). Họ cũng hiểu rõ vai trò và hoạt động của thần khí Đức Chúa Trời, tức lực hoạt động của ngài.—Sáng-thế Ký 1:2, GKPV; Ga-la-ti 5:22, 23; 2 Phi-e-rơ 1:21.

Trong nhiều thế kỷ, giáo lý Chúa Ba Ngôi đã làm người ta lầm lạc. Trái lại, Chúa Giê-su soi sáng các môn đồ và hướng họ đến “Đức Chúa Trời có thật và duy nhất”, Đức Giê-hô-va.—Giăng 17:3.

[Chú thích]

^ đ. 5 Kinh Shema là lời cầu nguyện dựa trên Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4. Lời tuyên xưng về Thiên Chúa độc nhất được ghi lại trong kinh Shema là một phần chính của sự thờ phượng tại nhà hội.

[Nguồn tư liệu nơi trang 23]

Musée du Louvre, Paris