Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Màu sắc và các loại vải vào thời Kinh Thánh

Màu sắc và các loại vải vào thời Kinh Thánh

Màu sắc và các loại vải vào thời Kinh Thánh

Chúng ta thấy trong Kinh Thánh có đề cập nhiều đến kiểu dáng, màu sắc và chất liệu trang phục của người sống vào những thế kỷ trước đây.

Tất nhiên Kinh Thánh không phải là sách nói về thời trang và kiểu ăn mặc. Dù vậy, những chi tiết như thế trong các lời tường thuật có thật của Kinh Thánh có thể làm các sự kiện trở nên sống động hơn trong tâm trí độc giả.

Thí dụ, chúng ta đọc về bộ đồ sơ sài mà A-đam và Ê-va mặc tạm để che thân, là lá cây vả kết lại với nhau rồi buộc quanh hông. Tuy nhiên, những thứ đó đã được thay thế bằng những bộ đồ bền chắc hơn do Đức Chúa Trời ban, là áo dài kết bằng da thú.—Sáng-thế Ký 3:7, 21.

Nơi Xuất Ê-díp-tô Ký chương 28 và 39 cũng có những lời tường thuật chi tiết về trang phục của thầy tế lễ thượng phẩm Y-sơ-ra-ên, bao gồm một áo và quần trong bằng vải lanh, một áo trắng dài, một cái đai bằng vải dệt, một áo không tay “màu tím” [“màu xanh”, Bản Dịch Mới], một áo ê-phót được thêu, một bảng đeo ngực, một cái mũ và một tấm nẹp bằng vàng sáng bóng trên mũ. Chỉ đọc về cách làm trang phục từ các chất liệu quý giá cũng đủ để chúng ta hình dung chúng trông lộng lẫy đến mức nào.—Xuất Ê-díp-tô Ký 39:1-5, 22-29.

Trang phục của nhà tiên tri Ê-li có nét đặc trưng nên chỉ cần miêu tả là người ta đã nhanh chóng nhận ra ông. Kinh Thánh ghi lại: “Người đó mặc áo lông, và thắt lưng bằng dây da”. Hàng trăm năm sau, một số người tưởng Giăng Báp-tít là Ê-li, có lẽ một phần là vì hai người ăn mặc giống nhau.—2 Các Vua 1:8; Ma-thi-ơ 3:4; Giăng 1:21.

Màu sắc và các loại vải Kinh Thánh cung cấp nhiều thông tin về chất liệu của trang phục, màu sắc và phẩm nhuộm, cũng như về việc xe sợi, dệt vải và may vá *. Loại vải được nhắc đến nhiều nhất là len làm từ lông của vật nuôi và sợi làm từ cây lanh. Kinh Thánh nói A-bên “làm nghề chăn chiên [cừu]”, nhưng ông có nuôi cừu để lấy lông hay không thì Kinh Thánh không cho biết (Sáng-thế Ký 4:2). Lần đầu tiên Kinh Thánh nhắc đến “vải gai mịn”, hay vải lanh, là vào thế kỷ 18 trước công nguyên, khi Pha-ra-ôn mặc các áo làm từ loại vải ấy cho Giô-sép (Sáng-thế Ký 41:42). Kinh Thánh hầu như không nói đến việc người Do Thái dùng sợi bông để may quần áo, nhưng loại sợi này từ lâu đã được sử dụng ở các xứ Trung Đông.

Cả len và lanh đều có thể làm ra những sợi mịn để xe thành chỉ dày, mỏng khác nhau. Chỉ được dệt thành tấm vải. Chỉ và vải dệt được nhuộm thành rất nhiều màu sắc. Sau đó, người ta cắt vải theo kích cỡ người mặc. Trang phục thường được tô điểm bằng họa tiết thêu và nhiều chỉ màu dệt xen kẽ với nhau để tăng thêm vẻ đẹp cũng như giá trị của nó.—Các Quan Xét 5:30.

Xanh dương, tím và đỏ thẫm là những màu để nhuộm vải mà Kinh Thánh thường nhắc đến. Dân Y-sơ-ra-ên được lệnh phải làm “một sợi dây màu điều [“xanh”, BDM]” trên áo như một lời nhắc nhở về mối quan hệ đặc biệt với Đức Chúa Trời của họ, là Đức Giê-hô-va (Dân-số Ký 15:38-40). Những từ tiếng Hê-bơ-rơ tekheʹleth nghĩa là một sắc độ của xanh dương và ’ar·ga·manʹ thì thường dịch là “tím”. Đó là những màu dùng cho trang phục của thầy tế lễ thượng phẩm cùng những vật dụng trang trí trong đền tạm và đền thờ.

Vật dụng trong đền tạm và đền thờ Đền tạm trong hoang mạc, và về sau là đền thờ tại Giê-ru-sa-lem, là trung tâm thờ phượng của dân Y-sơ-ra-ên. Vì thế, trong Kinh Thánh có nhiều chi tiết liên quan đến việc sửa soạn và trang bị cho đền tạm cũng như đền thờ do Sa-lô-môn xây. Bên cạnh chất liệu và màu sắc, chúng ta còn tìm thấy những chi tiết liên quan đến việc dệt, nhuộm, may, thêu các tấm vải lều và bức màn.

Nhờ được Đức Chúa Trời hướng dẫn, hai thợ thủ công lành nghề là Bết-sa-lê-ên và Ô-hô-li-áp, cũng như những người nam và nữ khác, đã trung thành hoàn tất một nhiệm vụ đặc biệt: làm nên một lều hội họp thích hợp với việc thờ phượng Đức Giê-hô-va (Xuất Ê-díp-tô Ký 35:30-35). Chương 26 của sách Xuất Ê-díp-tô Ký miêu tả rất chi tiết về các vật liệu cũng như việc xây dựng các phần của đền tạm. Chẳng hạn, những tấm vải lều nhiều màu sắc và có thể trải rộng được dệt từ “vải gai mịn, chỉ tím [“xanh”, BDM], đỏ điều và đỏ sặm”. Nhiều chất liệu trong số đó có lẽ được lấy từ xứ Ai Cập khi dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ ấy. Họ chăm chút tỉ mỉ bức màn dày nhiều màu có thêu hình các chê-ru-bim, là màn để phân chia “nơi thánh và nơi chí-thánh” trong đền tạm (Xuất Ê-díp-tô Ký 26:1, 31-33). Dưới sự hướng dẫn của vua Sa-lô-môn, các chi tiết trên được nhắc lại với những thợ làm vải sợi cho đền thờ Giê-ru-sa-lem.—2 Sử-ký 2:1, 7.

Từ những chi tiết được ghi lại trong Kinh Thánh, chúng ta thấy người Do Thái cổ rất có óc sáng tạo và khéo léo trong việc tận dụng các chất liệu sẵn có. Họ không phải là một dân tộc chỉ sống với những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống, cùng những trang phục nhàm chán và những loại vải sợi thô kệch. Trái lại, họ thích mặc các kiểu thời trang đa dạng, nhiều màu sắc, tùy vào những dịp khác nhau, tùy theo mùa và khả năng tài chính của mỗi người.

Kinh Thánh cho chúng ta biết dân Y-sơ-ra-ên được ban cho một xứ “đượm sữa và mật” để sinh sống (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:8; Phục-truyền Luật-lệ Ký 26:9, 15). Khi tiếp tục thờ phượng Đức Giê-hô-va, họ được ngài ban phước. Họ có cuộc sống tốt đẹp, mọi người đều hạnh phúc và thỏa nguyện. Kinh Thánh ghi lại: “Trọn đời vua Sa-lô-môn trị-vì, dân Giu-đa và Y-sơ-ra-ên ăn-ở yên-ổn vô-sự từ Đan cho đến Bê-e-Sê-ba, ai nấy đều ở dưới cây nho và cây vả mình”.—1 Các Vua 4:25.

[Chú thích]

^ đ. 7 Để biết thêm chi tiết về quy trình xử lý vải, xin xem các khung.

[Khung/Các hình nơi trang 26]

Len và lanh

Vào thời Kinh Thánh, cừu được nuôi chủ yếu để lấy sữa và lông. Chỉ cần vài con cừu, một nông dân có thể thu đủ len để may đồ cho cả nhà. Nếu nuôi nhiều cừu, người ấy có thể bán phần dư cho những người sản xuất vải dệt ở địa phương. Một số thị trấn và làng mạc có hội dệt vải riêng. Thời xưa, hớt lông cừu là công việc mà người ta phải làm trong năm.—Sáng-thế Ký 31:19; 38:13; 1 Sa-mu-ên 25:4, 11.

Vải lanh làm từ sợi của “cây gai”, hay cây lanh, và được nhiều người sử dụng để may trang phục (Xuất Ê-díp-tô Ký 9:31). Cây lanh được thu hoạch khi sắp trưởng thành. Thân cây được phơi khô rồi ngâm nước cho mềm. Sau khi làm khô thân cây một lần nữa, người ta đập và tước sợi, rồi xe lại thành chỉ để dệt. Những quan chức cao cấp và người thuộc hoàng gia thích mặc trang phục bằng vải lanh.

[Hình]

Cây lanh khô trước khi ngâm

[Khung/​Hình nơi trang 27]

Xe sợi

Một sợi, chẳng hạn như bằng lanh, len hay lông dê, thì không thể sử dụng được vì rất ngắn và dễ đứt. Do đó, nhiều sợi được xe lại để tạo thành chỉ có độ dài và dày tùy ý. Kinh Thánh nói về “người nữ tài-đức” như sau: “Nàng đặt tay vào con quay, và các ngón tay nàng cầm con cúi” (Châm-ngôn 31:10, 19). Đây là lời miêu tả về phương pháp xe sợi bằng con quay và con cúi, hay con suốt. Hai dụng cụ này về cơ bản chỉ là hai cây que bình thường.

Bằng một tay, người phụ nữ cầm con quay có các sợi quấn lỏng. Tay kia của cô thì kéo vài sợi, xe chúng thành chỉ và gắn vào cái móc ở một đầu con suốt. Gần đầu kia của con suốt là một cái đĩa nặng có tác dụng như một bánh đà. Khi treo con suốt thẳng đứng và quay nó, cô xe các sợi với nhau thành chỉ theo độ dày tùy ý. Chỉ được quấn quanh cái cán của con suốt như quấn quanh ống chỉ. Quy trình này được lặp đi lặp lại cho đến khi tất cả sợi từ con quay trở thành một sợi chỉ dài, có thể mang đi nhuộm hoặc dệt.

[Khung/Các hình nơi trang 28]

Nhuộm

Sau khi xe và làm sạch, chỉ len, chỉ lanh hoặc vải dệt sẽ được nhuộm thành những màu khác nhau. Sau vài lần ngâm trong thuốc nhuộm thì chúng sẽ có màu sắc đậm hơn. Vì thuốc nhuộm đắt tiền nên sau khi lấy vật liệu khỏi bể, người ta vắt lấy thuốc nhuộm để tái sử dụng. Tiếp theo, chỉ hay vải nhuộm sẽ được phơi khô.

Vì không có màu hóa học để sử dụng, người cổ xưa đã chế ra những loại thuốc nhuộm bền màu từ động thực vật, với màu sắc và sắc độ đa dạng. Chẳng hạn, thuốc nhuộm màu vàng được làm từ lá cây hạnh và bột nghiền từ vỏ trái lựu, còn thuốc nhuộm màu đen thì từ vỏ cây lựu. Thuốc nhuộm màu đỏ được chiết xuất từ rễ cây thiên thảo hoặc từ rệp kermes. Màu xanh dương thì làm từ hoa chàm. Sự phối hợp các sắc tố từ các loại ốc gai biển có thể tạo ra độ đậm nhạt và các màu sắc từ lam tím, xanh dương đến đỏ thẫm.

Cần bao nhiêu ốc biển để nhuộm một bộ đồ? Mỗi con ốc biển chỉ cho được chút xíu chất màu. Theo một nghiên cứu, chừng 10.000 con ốc mới có thể tiết ra đủ chất màu để nhuộm một cái áo dài hoặc áo choàng thành một màu đậm mà chỉ nghe tên cũng đủ thấy giá trị của nó, đó là màu tím hoàng gia. Được biết, trong triều đại của vua Ba-by-lôn là Nabonidus, vải len nhuộm màu tím đắt gấp 40 lần vải len nhuộm những màu khác. Vì người Ty-rơ cổ đại nổi tiếng là chuyên cung cấp loại thuốc nhuộm đắt đỏ này nên người ta đã gọi màu tím là tím Ty-rơ.

[Hình]

Vỏ ốc biển

Bể nhuộm màu tím vào thế kỷ thứ hai hoặc thứ ba trước công nguyên ở Tel Dor, Y-sơ-ra-ên

The Tel Dor Project

[Khung/​Hình nơi trang 29]

Dệt

Một khung cửi được dùng để dệt chỉ thành vải theo kích thước của trang phục hay thứ cần dùng. Nhiều sợi chỉ được đan vào nhau, theo chiều dọc là sợi dọc và theo chiều ngang là sợi ngang. Những sợi ngang được luồn lên xuống qua những sợi dọc.

Khung cửi vào thời Kinh Thánh là một khung dọc đặt sát mặt đất hoặc một khung ngang và cao. Một số khung ngang có treo những vật nặng bên dưới những sợi dọc. Vật nặng của khung cửi thời cổ được tìm thấy ở nhiều nơi tại Y-sơ-ra-ên.

Việc dệt vải thường là việc nhà nhưng có những nơi cả làng chuyên nghề dệt vải. Thí dụ như trong 1 Sử-ký 4:21, chúng ta thấy nhắc đến những người “dệt vải gai mịn”. Họ chắc hẳn là một nhóm thợ dệt vải chuyên nghiệp.

[Hình nơi trang 26, 27]

Chỉ xanh và vải len nhuộm tím.—Xuất Ê-díp-tô Ký 26:1, BDM