Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lá thư từ Nga

Săn tìm báu vật trên dãy núi vàng ở Altay

Săn tìm báu vật trên dãy núi vàng ở Altay

Một ngày đẹp trời tháng năm ở nước Cộng hòa Altay, vùng đất tuyệt đẹp phía tây nam Siberia. Từ cửa sổ, chúng tôi có thể nhìn thấy khu rừng tùng bách rậm rạp; thấp thoáng đằng xa là những đỉnh núi uy nghi phủ đầy tuyết. Đây là vùng đất gồ ghề và xa xôi hẻo lánh của người Altay, là người châu Á có văn hóa và ngôn ngữ riêng. Người Altay sinh sống trên dãy núi Altai. Tên núi này dựa vào một từ trong tiếng Turk-Mông Cổ có nghĩa là “vàng”.

Vài năm rồi kể từ khi tôi với vợ học tiếng Nga ký hiệu và bắt đầu đến thăm các hội thánh cũng như nhóm nhỏ ngôn ngữ ký hiệu của Nhân Chứng Giê-hô-va khiếm thính. Ở nước này có khoảng 170 dân tộc và nhóm sắc tộc sinh sống, họ có ngôn ngữ chung là tiếng Nga. Người khiếm thính thì dùng một ngôn ngữ khác nữa là tiếng Nga ký hiệu. Họ sống gắn bó với nhau, và nhiều người khiếm thính đã háo hức kể về quá khứ của mình cũng như bày tỏ lòng hiếu khách khi gặp chúng tôi. Người Altay thường là như thế.

Khi ở thành phố Gorno-Altaysk, chúng tôi nghe nói có vài người khiếm thính ở một ngôi làng nhỏ cách đó 250km. Chúng tôi cũng biết có vài Nhân Chứng ở đó nhưng không ai biết ngôn ngữ ký hiệu. Khi nghĩ về những người Altay khiếm thính, chúng tôi quyết định lên đường đi tìm họ. Sự hăng hái của chúng tôi đã thôi thúc cặp vợ chồng khiếm thính là anh chị Yury và Tatyana đi cùng. Chúng tôi chất lên xe hơi các ấn phẩm trong ngôn ngữ ký hiệu dưới dạng đĩa DVD và một máy chơi đĩa. Chúng tôi cũng mang theo một bình thủy lớn, bánh mì lúa mạch đen kẹp xúc xích hun khói, và bánh nướng piroshki mới ra lò (là loại bánh nướng rất ngon của người Nga, có nhân bắp cải và khoai tây). Cuối cùng, chúng tôi xịt lên người, quần áo và giày dép thuốc trừ bọ chét vì bệnh viêm não do chúng gây ra thường thấy ở vùng này.

Chúng tôi đi trên con đường uốn lượn quanh những ngọn núi hùng vĩ. Hương thơm hoa lài và đinh hương tràn ngập trong không khí làm chúng tôi thêm phấn khởi! Chúng tôi thích thú khi nhìn thấy bầy hươu Siberia ung dung gặm cỏ. Khu định cư của người Altay là những cụm nhà gỗ có mái nhà lợp gọn gàng bằng kim loại. Kế bên những căn nhà đó có những nhà bằng gỗ gọi là ayyl, thường có hình lục giác với mái hình nón. Một số trông giống loại lều hình nón của người da đỏ có vỏ cây che phủ. Nhiều gia đình người Altay sống trong ayyl từ tháng năm đến tháng chín rồi chuyển vào nhà thường sống vào mùa thu và đông.

Chúng tôi được các Nhân Chứng địa phương chào đón nồng nhiệt khi đến làng. Họ dẫn chúng tôi đến nhà một cặp vợ chồng khiếm thính người Altay. Hai người này rất vui khi gặp chúng tôi, họ muốn biết chúng tôi từ đâu đến và đang làm việc gì. Thấy nhà họ có máy vi tính nên chúng tôi lấy ra một DVD, và họ muốn xem liền. Ngay lập tức, cuộc thảo luận bị gián đoạn, cứ như chúng tôi không hề có mặt ở đó. Mắt họ dán chặt vào màn hình, thỉnh thoảng họ bắt chước theo những ký hiệu trong phim và gật gù cảm kích. Vì họ xem say mê nên chúng tôi hơi khó ngừng DVD để quay lại những cảnh đầu phim miêu tả vườn địa đàng xinh đẹp trên đất. Tạm ngừng ở một cảnh, chúng tôi thảo luận về những gì Đức Chúa Trời sẽ làm cho nhân loại và ai mới được sống mãi mãi trong hoàn cảnh tốt đẹp như thế. Sự chú ý của họ làm chúng tôi thấy phấn khởi. Khi chúng tôi sắp ra về, họ cho chúng tôi biết có một cặp vợ chồng khiếm thính sống ở ngôi làng khác, cách đó vài giờ đi xe.

Chúng tôi lại lên đường, băng qua một đèo đá ngoạn mục xuyên qua dãy núi, rồi đi tiếp theo con đường quanh co đến một ngôi làng nhỏ hơn nhiều. Ở đó, chúng tôi gặp một gia đình khiếm thính, gồm hai vợ chồng, mẹ vợ và con trai nhỏ của họ. Họ vui mừng khi thấy những vị khách bất ngờ đến nhà. Chúng tôi bước vào cửa nhỏ xíu của ayyl, trong đó có mùi hương dễ chịu của gỗ và sữa. Từ trên nóc nhà hình nón có một lỗ tròn để ánh sáng lọt vào. Đằng góc nhà có lò gạch quét vôi trắng và cái bếp, còn trên tường thì treo những tấm thảm màu đỏ tươi. Họ mời chúng tôi ăn món Altay là bánh chiên nhỏ và nước trà đựng trong chén theo kiểu châu Á. Chúng tôi hỏi họ có bao giờ nghĩ mình có thể làm bạn với Thượng Đế không. Câu hỏi làm họ phải nghĩ ngợi. Mẹ của chị vợ kể một lần khi còn nhỏ, bác đã mang thức ăn đến một nơi trên núi để dâng cho các thần. Bác nhún vai và cười: “Nhưng tôi chẳng biết điều đó có nghĩa gì. Hồi xưa đó là phong tục của chúng tôi”.

Chúng tôi cho họ xem một DVD về chủ đề này, và gương mặt của họ bừng sáng lên. Họ hăm hở muốn tiếp tục thảo luận với chúng tôi. Nhưng bằng cách nào? Dù nhắn tin qua điện thoại thường là cách dễ dàng để giữ liên lạc với người khiếm thính, nhưng ở khu vực này không có sóng điện thoại. Vì vậy, chúng tôi hứa sẽ giữ liên lạc với họ qua thư từ.

Hoàng hôn buông xuống, chúng tôi lưu luyến chia tay họ, bắt đầu cuộc hành trình dài trở về Gorno-Altaysk, dù mệt mỏi nhưng mãn nguyện. Ít lâu sau, chúng tôi hỏi những Nhân Chứng địa phương về gia đình này thì biết cứ cách tuần, người chồng đến một ngôi làng lớn hơn để học Kinh Thánh và dự nhóm họp, với sự trợ giúp của một chị địa phương biết ngôn ngữ ký hiệu. Thật vui mừng biết bao khi thấy nỗ lực của mình đơm hoa kết trái!

Việc tìm kiếm những người khiếm thính có lòng thành có thể ví như việc săn tìm những báu vật ẩn sâu trong các dãy núi. Nhiều giờ tìm kiếm đã được tưởng thưởng khi chúng tôi tình cờ tìm thấy một hòn ngọc bị đánh mất. Với chúng tôi, dãy núi Altay mãi mãi là vàng, nhắc chúng tôi nhớ về những con người chân thật mình đã gặp giữa các đỉnh núi gồ ghề.