Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nói chuyện với chủ nhà—Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời?

Nói chuyện với chủ nhà—Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời?

Nói chuyện với chủ nhà​—Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời?

NHÂN CHỨNG GIÊ-HÔ-VA thích thảo luận Kinh Thánh với người trong khu vực. Bạn có đang thắc mắc về một đề tài nào đó trong Kinh Thánh không? Có khi nào bạn tò mò muốn biết về niềm tin hoặc thực hành nào của Nhân Chứng Giê-hô-va không? Nếu có, bạn đừng ngại nêu ra điều đó khi gặp Nhân Chứng vào lần tới. Họ sẽ vui lòng thảo luận với bạn.

Dưới đây là một cuộc nói chuyện điển hình giữa một Nhân Chứng và chủ nhà. Hãy hình dung Nhân Chứng tên là Khanh đến nhà một người tên là Sương.

Có phải Nhân Chứng Giê-hô-va không tin Chúa Giê-su?

Sương: Mục sư của tôi nói là Nhân Chứng Giê-hô-va không tin Chúa Giê-su. Có phải thế không?

Khanh: Em đảm bảo với chị là chúng em thật sự tin Chúa Giê-su. Chúng em tin là phải thể hiện đức tin nơi ngài thì mới được cứu rỗi.

Sương: Tôi cũng tin điều đó.

Khanh: Như vậy chị và em có điểm chung rồi. Em tên là Khanh. Xin hỏi chị tên gì?

Sương: Tôi tên Sương.

Khanh: Em rất vui gặp chị Sương. Có lẽ chị thắc mắc: “Nếu Nhân Chứng Giê-hô-va thật sự tin Chúa Giê-su thì tại sao mọi người lại nói khác?”, phải không?

Sương: Ừ, tôi cũng có thắc mắc.

Khanh: Nói chung là chúng em rất tin Chúa Giê-su, nhưng không phải điều gì người ta nói về ngài thì chúng em cũng tin.

Sương: Chẳng hạn như là gì?

Khanh: Chẳng hạn như có người nói Chúa Giê-su chỉ là một người tốt. Nhưng chúng em không đồng ý như thế.

Sương: Tôi cũng không đồng ý luôn.

Khanh: Vậy là chị em mình có thêm một điểm chung nữa. Một thí dụ khác là Nhân Chứng Giê-hô-va không đồng ý với sự dạy dỗ đi ngược lại những gì Chúa Giê-su nói về mối quan hệ giữa ngài và Cha ngài.

Sương: Ý cô là gì?

Khanh: Nhiều tôn giáo dạy Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời. Có lẽ đó cũng là điều mà chị đã được dạy.

Sương: Ừ, mục sư của tôi nói Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su là một.

Khanh: Chị có đồng ý là cách tốt nhất để biết sự thật về Chúa Giê-su là xem xét những gì ngài nói về chính ngài không?

Sương: Điều này thì tôi đồng ý.

Chúa Giê-su đã nói gì?

Khanh: Hãy cùng xem một câu Kinh Thánh để giúp chúng ta hiểu rõ vấn đề. Xin chú ý lời Chúa Giê-su nói nơi Giăng 6:38: “Tôi từ trời xuống, không phải để làm theo ý tôi mà theo ý đấng phái tôi đến”. Như thế, nếu Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời thì chẳng phải câu này khiến chúng ta bối rối hay sao?

Sương: Ý cô là gì?

Khanh: Dạ, chị có để ý là Chúa Giê-su nói ngài không từ trời xuống để làm theo ý mình không?

Sương: Đúng, Chúa Giê-su nói là ngài xuống để làm theo ý của đấng đã phái ngài đến.

Khanh: Nhưng nếu Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời, thì ai đã phái ngài từ trời xuống? Tại sao Chúa Giê-su lại vâng theo đấng đó?

Sương: Tôi hiểu ý cô rồi. Nhưng tôi không chắc là chỉ câu này thôi mà có thể chứng minh Chúa Giê-su không phải là Đức Chúa Trời.

Khanh: Vậy, hãy xem điều Chúa Giê-su nói vào một dịp khác. Ngài đã nói một lời tương tự nơi chương kế tiếp trong sách Giăng. Xin mời chị đọc Giăng 7:16.

Sương: “Chúa Giê-su đáp: ‘Những gì tôi dạy không phải của tôi mà của đấng phái tôi đến’”.

Khanh: Cám ơn chị. Theo câu này, Chúa Giê-su có dạy theo ý riêng không?

Sương: Không, ngài nói là ngài dạy theo đấng phái ngài đến.

Khanh: Đúng rồi. Một lần nữa chúng ta có thể tự hỏi: “Ai đã phái Chúa Giê-su đến? Những sự dạy dỗ của ngài đến từ ai?”. Chẳng phải đấng đó lớn hơn Chúa Giê-su sao? Bởi vì người phái thì có địa vị cao hơn người được phái.

Sương: Lạ quá ha. Tôi chưa từng đọc câu này.

Khanh: Cũng hãy xem lời của Chúa Giê-su nơi Giăng 14:28: “Anh em đã nghe tôi nói rằng: Tôi sắp đi và sẽ trở lại cùng anh em. Nếu yêu thương tôi, anh em sẽ vui mừng vì tôi sắp đến cùng Cha, vì Cha lớn hơn tôi”. Dựa theo câu này, chị thấy Chúa Giê-su xem địa vị của Cha như thế nào?

Sương: Chúa Giê-su nói là Cha lớn hơn ngài. Chắc ngài xem Cha có địa vị cao hơn ngài.

Khanh: Đúng thế. Một thí dụ khác được thấy qua lời Chúa Giê-su nói với các sứ đồ nơi Ma-thi-ơ 28:18: “Tôi đã được giao mọi quyền hành ở trên trời và dưới đất”. Có phải Chúa Giê-su nói là ngài có mọi quyền hành từ trước không?

Sương: Không, Chúa Giê-su nói là ngài được giao mọi quyền hành.

Khanh: Nhưng nếu Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời thì làm sao ngài còn được giao thêm quyền hành? Ai đã giao cho ngài quyền hành đó?

Sương: Tôi phải xem lại điều này.

Đấng đó đang phán với ai?

Khanh: Có một điều khác cũng gây hoang mang nếu Chúa Giê-su thật sự là Đức Chúa Trời.

Sương: Điều gì vậy?

Khanh: Đó là điều liên quan đến việc Chúa Giê-su làm báp-têm. Hãy chú ý lời tường thuật nơi Lu-ca 3:21, 22. Chị đọc giúp em hai câu này nhé.

Sương: “Khi mọi người chịu phép báp-têm, Chúa Giê-su cũng chịu phép báp-têm. Trong lúc ngài cầu nguyện, các tầng trời mở ra, thần khí ngự xuống trên ngài dưới hình chim bồ câu và có tiếng từ trời phán: ‘Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con’”.

Khanh: Câu này cho thấy Chúa Giê-su làm gì khi ngài báp-têm?

Sương: Ngài cầu nguyện.

Khanh: Thế thì chúng ta có thể thắc mắc: “Nếu Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời thì ngài đã cầu nguyện với ai?”.

Sương: Câu hỏi của cô cũng hay. Tôi sẽ hỏi lại mục sư của tôi.

Khanh: Tương tự, hãy chú ý là sau khi Chúa Giê-su ra khỏi nước, có một đấng nào đó đã phán từ trời. Chị có để ý lời đấng đó phán không?

Sương: Đấng đó phán Chúa Giê-su là Con ngài, ngài yêu Con và hài lòng về Con.

Khanh: Rất đúng. Nhưng nếu Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời thì ai đã phán những lời đó từ trời?

Sương: Tôi chưa từng nghĩ về điều này.

Tại sao lại là “Cha” và “Con”?

Khanh: Còn một điều khác để xem xét. Chúng ta biết Chúa Giê-su nói về Đức Chúa Trời như là Cha trên trời của mình. Khi Chúa Giê-su làm báp-têm, có tiếng từ trời đã nhận ngài là “Con yêu dấu của Cha”. Hơn nữa, chính Chúa Giê-su gọi mình là Con Đức Chúa Trời. Nếu muốn minh họa về hai người ngang hàng, chẳng hạn như trong một gia đình, chị sẽ nói đến ai?

Sương: Tôi sẽ nói đến hai anh em.

Khanh: Rất đúng, có lẽ chị còn nói đến hai anh em sinh đôi. Nhưng Chúa Giê-su xem Đức Chúa Trời là Cha và chính mình là Con. Chị nghĩ Chúa Giê-su muốn nói lên điều gì?

Sương: Tôi hiểu rồi. Chúa Giê-su đang miêu tả một trong hai người là lớn hơn và có uy quyền hơn người kia.

Khanh: Đúng thế. Hãy nghĩ xem, để minh họa về sự ngang hàng, chị và em đều nói đến hai anh em hoặc cặp song sinh. Vậy, Chúa Giê-su là Thầy Vĩ Đại nên nếu ngài thật sự là Đức Chúa Trời thì ngài cũng có thể minh họa tương tự hoặc thậm chí dễ hiểu hơn về sự ngang hàng. Chị có nghĩ như vậy không?

Sương: Tất nhiên rồi.

Khanh: Thế mà Chúa Giê-su lại dùng từ “Cha” và “Con” để miêu tả mối quan hệ giữa mình với Đức Chúa Trời.

Sương: Điểm này hay đó.

Các môn đồ thời ban đầu của Chúa Giê-su nói gì?

Khanh: Trước khi đi, em muốn xin chị ít phút để cùng xem thêm một điểm nữa.

Sương: Cũng được.

Khanh: Nếu Chúa Giê-su thật sự là Đức Chúa Trời thì các môn đồ của ngài cũng sẽ công nhận điều đó phải không?

Sương: Có lý.

Khanh: Nhưng không có nơi nào trong Kinh Thánh dạy như thế. Trái lại, hãy chú ý điều được một môn đồ thời ban đầu của Chúa Giê-su là Phao-lô viết. Nơi Phi-líp 2:9, ông miêu tả việc Đức Chúa Trời đã làm sau khi Chúa Giê-su chết đi và sống lại: “Đức Chúa Trời đã nâng ngài lên địa vị cao hơn và nhân từ ban cho ngài danh trên hết mọi danh”. Theo câu này, Đức Chúa Trời đã làm gì cho Chúa Giê-su?

Sương: Câu này nói là Đức Chúa Trời nâng ngài lên một địa vị cao hơn.

Khanh: Đúng. Nhưng nếu trước khi chết mà Chúa Giê-su đã ngang hàng với Đức Chúa Trời rồi thì khi Đức Chúa Trời nâng ngài lên một địa vị cao hơn, chẳng phải ngài sẽ cao hơn Đức Chúa Trời hay sao? Ai có thể cao hơn Đức Chúa Trời?

Sương: Không ai có thể.

Khanh: Em đồng ý. Vậy dựa vào tất cả những bằng chứng này, chị có thấy Kinh Thánh dạy rằng Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời không?

Sương: Hình như không. Kinh Thánh nói ngài là Con của Đức Chúa Trời.

Khanh: Rất đúng. Dù vậy, em đảm bảo với chị Sương là Nhân Chứng Giê-hô-va rất tôn trọng Chúa Giê-su. Chúng em tin rằng cái chết của ngài với tư cách là Đấng Mê-si được hứa từ trước đã mở ra cơ hội cho những người trung thành được giải cứu.

Sương: Tôi cũng tin như vậy.

Khanh: Có thể chị thắc mắc: “Làm sao chúng ta bày tỏ lòng biết ơn Chúa Giê-su vì đã hy sinh mạng sống cho chúng ta *?”, phải không?

Sương: Tôi cũng thắc mắc điều đó.

Khanh: Em xin phép được trở lại lần sau để chia sẻ thêm những lời giải đáp trong Kinh Thánh với chị. Em có thể gặp lại chị ở đây, giờ này tuần sau, được không?

Sương: Được, giờ này tôi có ở nhà.

Khanh: Hay quá, hẹn gặp lại chị nhé.

[Chú thích]

^ đ. 76 Để biết thêm thông tin, xin xem sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, chương 5.