Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chúa Giê-su có quan điểm nào về chính trị?

Chúa Giê-su có quan điểm nào về chính trị?

Chúa Giê-su có quan điểm nào về chính trị?

Những người viết sách Phúc âm miêu tả một số trường hợp trong thánh chức của Chúa Giê-su đã khiến ngài phải đối mặt với chính trị. Thí dụ, lúc Chúa Giê-su khoảng 30 tuổi và không lâu sau khi ngài báp-têm, Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt đề nghị cho ngài địa vị người cai trị thế gian. Về sau, một đám đông muốn ngài lên làm vua. Rồi sau đó, dân chúng cố ép ngài trở thành nhà hoạt động chính trị. Chúa Giê-su đã phản ứng thế nào? Hãy xem xét những sự kiện sau.

Người cai trị thế gian. Các sách Phúc âm cho thấy Sa-tan đã đề nghị cho Chúa Giê-su cai trị “mọi nước trên thế gian”. Hãy nghĩ đến bao nhiêu điều tốt lành Chúa Giê-su có thể làm cho nhân loại đau khổ nếu ngài được nắm quyền cai trị thế gian! Một người có khuynh hướng chính trị và thật lòng muốn mang lại lợi ích cho nhân loại thì sẽ chấp nhận đề nghị đó. Nhưng Chúa Giê-su đã khước từ (Ma-thi-ơ 4:8-11). Vì Chúa Giê-su rất quan tâm đến nhân loại, hẳn ngài phải có lý do chính đáng để khước từ đề nghị của Sa-tan.

Vua. Nhiều người sống cùng thời Chúa Giê-su đã ước ao có một vị vua có thể giải quyết cho họ những vấn đề về kinh tế và chính trị. Vì ấn tượng trước khả năng của Chúa Giê-su nên dân chúng muốn ngài tham gia chính trị. Ngài phản ứng thế nào? Một người viết Phúc âm là Giăng nói: “Chúa Giê-su biết họ sắp đến ép ngài làm vua nên lại lánh lên núi một mình” (Giăng 6:10-15). Rõ ràng, Chúa Giê-su từ chối dính líu tới chính trị.

Nhà hoạt động chính trị. Hãy chú ý sự kiện đã xảy ra vào những ngày trước khi Chúa Giê-su chết. Các môn đồ của người Pha-ri-si, vốn muốn độc lập khỏi đế quốc La Mã, cùng những người thuộc đảng Hê-rốt, là đảng phái chính trị thân La Mã, đến gặp Chúa Giê-su. Họ muốn ép ngài giành lấy một chỗ đứng trong chính trường. Họ hỏi ngài là người Do Thái có nên đóng thuế cho La Mã không.

Sách Mác ghi lại phản ứng của Chúa Giê-su: “‘Sao các người thử tôi? Hãy đưa tôi xem một đồng đơ-na-ri-on’. Họ đưa cho ngài một đồng tiền. Ngài hỏi họ: ‘Hình và danh hiệu này là của ai?’. Họ trả lời: ‘Của Sê-sa’. Chúa Giê-su bèn nói: ‘Của Sê-sa hãy trả cho Sê-sa, của Đức Chúa Trời hãy trả cho Đức Chúa Trời’” (Mác 12:13-17). Một sách nói về mối quan hệ giữa tôn giáo và chính quyền (Church and State—The Story of Two Kingdoms) bình luận lý do Chúa Giê-su phản ứng như thế: “Ngài từ chối hành động như một nhà lãnh đạo chính trị và thận trọng thiết lập ranh giới giữa những gì thuộc về Sê-sa và những gì thuộc về Đức Chúa Trời”.

Không phải Chúa Giê-su không quan tâm đến những vấn đề như nghèo đói, tham nhũng và bất công. Thật ra, Kinh Thánh cho biết là ngài động lòng thương xót khi thấy dân chúng khốn khổ (Mác 6:33, 34). Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã không khởi động một chiến dịch để loại trừ cảnh bất công trên thế giới, dù một số người cố kéo ngài vào những vấn đề gây tranh cãi thời đó.

Rõ ràng, những thí dụ trên cho thấy Chúa Giê-su từ chối dính líu tới chính trị. Còn môn đồ Chúa Giê-su thời nay thì sao? Họ nên làm gì?