Câu hỏi độc giả
Môn đồ Chúa Giê-su thời ban đầu có tham gia chính trị không?
▪ Trước khi trở về trời, Chúa Giê-su đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng để giúp các môn đồ thi hành thánh chức, nhưng ngài không đưa ra bất cứ lời khuyên nào về chính trị (Ma-thi-ơ 28:18-20). Vì thế, môn đồ Chúa Giê-su vẫn sống theo nguyên tắc ngài đã nói trước đó: “Của Sê-sa hãy trả cho Sê-sa, của Đức Chúa Trời hãy trả cho Đức Chúa Trời”.—Mác 12:17.
Nguyên tắc ấy giúp các môn đồ sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian như thế nào? Làm sao họ định rõ đâu là ranh giới giữa những gì thuộc về Sê-sa, tức nhà cầm quyền, và những gì thuộc về Đức Chúa Trời?
Sứ đồ Phao-lô xem việc tham gia chính trị là vượt qua ranh giới, không phù hợp với nguyên tắc Chúa Giê-su đưa ra. Một sách nói đến quan điểm của Kinh Thánh về chính trị (Beyond Good Intentions—A Biblical View of Politics) có ghi: “Phao-lô không ngại dùng quyền công dân La Mã của ông để đòi sự bảo vệ mà ông đáng được nhận trong tiến trình xét xử, nhưng ông không dính dáng đến các cuộc vận động ủng hộ những chính sách xã hội được ban hành vào thời đó”.
Phao-lô đưa ra những chỉ dẫn nào cho anh em đồng đạo? Cuốn sách trên nói: “Trong những lá thư Phao-lô viết cho tín hữu ở các thành phố trọng điểm như Cô-rinh-tô, Ê-phê-sô và ngay cả Rô-ma, ông không hề quan tâm đến những cuộc tranh cãi của người đời về chính trị”. Cuốn sách cũng lưu ý rằng Phao-lô “nói anh em đồng đạo phải vâng phục nhà cầm quyền, nhưng các lá thư của ông không hề nhắc đến một chính sách nào đó để hội thánh đề xuất với các cơ quan công quyền”.—Rô-ma 12:18; 13:1, 5-7.
Nhiều chục năm sau khi Phao-lô qua đời, môn đồ Chúa Giê-su vẫn phân biệt rõ ranh giới giữa nghĩa vụ của họ với Đức Chúa Trời và với nhà cầm quyền. Họ luôn tôn trọng quyền hành của nhà nước nhưng không tham gia các hoạt động chính trị. Cuốn sách Beyond Good Intentions nói về các môn đồ ấy: “Dù biết bổn phận của mình là tôn trọng nhà cầm quyền, tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu không liên quan đến các vấn đề chính trị”.
Tuy nhiên, khoảng 300 năm sau cái chết của Chúa Giê-su, mọi chuyện đã đổi khác. Trong sách Between Christ and Caesar, nhà thần học Charles Villa-Vicencio nói: “Khi cơ cấu nhà nước thay đổi dưới triều đại của Constantine, dường như có rất nhiều tín đồ đạo Đấng Ki-tô phục vụ trong cơ quan nhà nước, quân đội và đảm nhận chức vụ trong chính quyền”. Kết quả là gì? Vào cuối thế kỷ thứ tư công nguyên, sự kết hợp của tôn giáo và chính trị đã hình thành nên quốc giáo của đế quốc La Mã.
Thời nay, nhiều tôn giáo nhận là theo Chúa Giê-su vẫn khuyến khích giáo dân tham gia chính trị. Những tôn giáo ấy không noi gương Chúa Giê-su và cũng không làm theo gương của môn đồ ngài vào thế kỷ thứ nhất.