Coverdale và quyển Kinh Thánh tiếng Anh trọn bộ đầu tiên được in
Coverdale và quyển Kinh Thánh tiếng Anh trọn bộ đầu tiên được in
Quyển Kinh Thánh tiếng Anh trọn bộ đầu tiên được in không cho biết tên của người đã bỏ công dịch ra nó. Người đó là Miles Coverdale, và bản dịch của ông ra mắt vào năm 1535. Cùng lúc đó, bạn của ông là William Tyndale đang ở tù vì một số tác phẩm của ông liên quan đến việc dịch Kinh Thánh. Năm sau đó, Tyndale bị hành hình.
Một phần bản dịch của Coverdale là dựa trên các tác phẩm của Tyndale. Thế thì, làm thế nào Coverdale có thể được phép in bản dịch của mình mà không bị giết, dù những dịch giả Kinh Thánh khác cùng thời phải trả giá bằng mạng sống của mình? Coverdale cuối cùng đã thực hiện được điều gì?
Hạt giống được gieo
Miles Coverdale sinh ra ở Yorkshire, Anh Quốc, có lẽ vào năm 1488. Ông theo học Đại học Cambridge và được phong linh mục Công giáo La Mã vào năm 1514. Thầy của ông là Robert Barnes đã gieo trong ông ý tưởng cải cách giáo hội. Ông Barnes trốn đến châu Âu lục địa vào năm 1528. Mười hai năm sau, nhà cải cách này bị những nhà lãnh đạo tôn giáo thiêu sống.
Đến năm 1528, Coverdale đã bắt đầu giảng trong nhà thờ chống lại những thực hành không dựa trên Kinh Thánh của Công giáo như thờ hình tượng, sự xưng tội, và lễ Mi-sa. Vì tính mạng lâm nguy, ông rời Anh Quốc đến châu Âu lục địa, và sống khoảng bảy năm ở đó.
Tại Hamburg, Đức, Coverdale ở cùng William Tyndale. Hai người cộng tác vì có chung niềm đam mê được làm ra một quyển Kinh Thánh mà dân chúng có thể đọc được. Lúc đó, Coverdale đã học được nhiều điều từ Tyndale về nghệ thuật dịch Kinh Thánh.
Thời thế thay đổi
Cùng thời điểm, hoàn cảnh xã hội Anh Quốc cũng thay đổi. Năm 1534, vua Henry VIII công khai khinh thường uy quyền của giáo hoàng Công giáo ở Rô-ma. Ông cũng cởi mở với ý kiến dịch một quyển Kinh Thánh ra tiếng Anh cho người dân. Cuối cùng, Coverdale đảm nhận trách nhiệm này. Dù Coverdale rất giỏi diễn đạt bằng tiếng Anh nhưng Tyndale, bạn và nhà cố vấn của ông, mới là người thành thạo cả tiếng Hê-bơ-rơ lẫn tiếng Hy Lạp. Vì thế, Coverdale đã dùng bản dịch tiếng La-tinh và tiếng Đức để hiệu đính bản dịch của Tyndale.
Quyển Kinh Thánh của Coverdale được in ở châu Âu lục địa vào năm 1535, trước năm Tyndale bị hành quyết. Sách cũng ghi thêm lời đề tặng để bày tỏ sự tôn kính và ngợi khen cho vua Henry. Coverdale cam đoan với vua Henry là quyển Kinh Thánh đã loại bỏ những chú thích được cho là gây tranh cãi của Tyndale. Một lý do là vì chúng gợi chú ý đến những giáo lý không theo Kinh Thánh của Giáo hội Công giáo. Nhờ đó, vua Henry cho phép xuất bản quyển Kinh Thánh này. Thời thế giờ đây đổi thay.
Năm 1537, quyển Kinh Thánh của Coverdale được in ra hai phiên bản mới tại Anh Quốc. Cùng năm đó, vua Henry phê chuẩn một phiên bản kết hợp hai tác phẩm của Tyndale và Coverdale được gọi là Kinh Thánh của
Matthew (Matthew’s Bible). Quyển này được in tại Antwerp (ở Bỉ ngày nay).Được ủng hộ bởi ông Cranmer là tổng giám mục ở Canterbury, ông Thomas Cromwell, tham mưu trưởng của nhà vua, sớm thấy được nhu cầu cần có một bản “Kinh Thánh của Matthew” hiệu đính. Vì vậy, ông yêu cầu Coverdale hiệu đính toàn bộ bản đó một lần nữa. Vua Henry cấp phép cho phiên bản mới này vào năm 1539 và đặt nhiều bản để gửi vào các nhà thờ cho mọi người có thể đọc. Phiên bản mới được gọi là Kinh Thánh vĩ đại (Great Bible) vì chính kích thước của nó. Cả Anh Quốc vui mừng đón nhận quyển Kinh Thánh này.
Di sản của Coverdale
Sau khi vua Henry VIII băng hà và người kế vị là Edward VI đăng quang, Coverdale được phong giám mục ở Exeter vào năm 1551. Tuy nhiên, khi nữ hoàng Công giáo Mary, kế vị vua Edward vào năm 1553 thì Coverdale phải trốn chạy sang Đan Mạch. Sau đó, ông đến Thụy Sĩ và tiếp tục công việc của mình. Ông cũng cho ra đời ba phiên bản của phần Kinh Thánh thường được gọi là “Tân ước” bằng tiếng Anh với những dòng bằng tiếng La-tinh để trợ giúp cho giới lãnh đạo tôn giáo.
Một điều bất ngờ là bản Kinh Thánh của Coverdale bỏ sót danh Đức Chúa Trời dưới dạng “Jehovah” (Giê-hô-va). Tyndale đã sử dụng danh này của Đức Chúa Trời hơn 20 lần trong bản dịch của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ (còn được gọi là Cựu ước). Trong sách về ông Coverdale (Coverdale and His Bibles), tác giả J. F. Mozley nhận xét: “Vào năm 1535, Coverdale đã bỏ toàn bộ từ [Giê-hô-va]”. Dù vậy, về sau trong quyển “Kinh Thánh vĩ đại”, ông đã dùng danh của Đức Chúa Trời, Giê-hô-va, ba lần.
Tuy nhiên, Kinh Thánh của Coverdale là quyển Kinh Thánh đầu tiên bằng tiếng Anh có danh Đức Chúa Trời viết bằng bốn ký tự tiếng Hê-bơ-rơ ở ngay trang đầu, trên tựa đề. Đáng chú ý, đây là bản Kinh Thánh đầu tiên nhóm toàn bộ các ngụy thư vào chung một mục thay vì để chúng rải rác trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ.
Nhiều cách diễn đạt và từ ngữ độc đáo của Coverdale đã được các dịch giả về sau sử dụng. Cụm từ “trũng bóng chết” ở Thi-thiên bài 23, câu 4 là một thí dụ. Trong câu 6 cùng bài, cụm từ “thương xót” được ông Coverdale dịch là “yêu thương thành tín” là dựa trên nghĩa của từ nguyên thủy trong tiếng Hê-bơ-rơ. Theo giáo sư S. L. Greenslade, nó là “một cụm từ đặc biệt để phân biệt tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho dân sự của ngài với tình yêu thương nói chung và với lòng thương xót”. Quyển Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới có phần tham khảo (New World Translation of the Holy Scriptures—With References) sử dụng cụm từ này.
Bình luận về “Kinh Thánh vĩ đại” của Coverdale, một sách về những bản dịch Kinh Thánh (The Bibles of England) nói: “Nó là đỉnh cao trong mọi nỗ lực nhằm làm ra quyển Kinh Thánh bằng tiếng Anh... tính từ khi Tyndale bắt đầu dịch Tân Ước”. Thật vậy, chính bản dịch của Coverdale đã giúp những người nói tiếng Anh cùng thời có thể đọc được Kinh Thánh.
[Các hình nơi trang 11]
Bên trái, danh Đức Chúa Trời viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ trong trang đầu của một ấn bản năm 1537
[Nguồn tư liệu nơi trang 10]
From the book Our English Bible: Its Translations and Translators
[Nguồn tư liệu nơi trang 11]
Photo source: From The Holy Scriptures of the Olde and Newe Testamente With the Apocripha by Myles Coverdale