Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đời sống vào thời Kinh Thánh—Ngư dân

Đời sống vào thời Kinh Thánh—Ngư dân

Đời sống vào thời Kinh Thánh​—Ngư dân

“Khi đi dọc bờ biển Ga-li-lê, Chúa Giê-su thấy hai anh em làm nghề đánh cá đang quăng lưới dưới biển; họ là Si-môn còn gọi là Phi-e-rơ, và Anh-rê. Ngài nói với họ: ‘Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những tay đánh lưới người’”.—MA-THI-Ơ 4:18, 19.

Cá, việc đánh bắt và ngư dân thường được nhắc đến trong các sách Phúc âm. Thật vậy, Chúa Giê-su đã dùng một số minh họa về việc đánh cá. Chúng ta không ngạc nhiên về điều đó, vì ngài đã dành nhiều thời gian dạy dỗ ở gần hoặc dọc bờ biển Ga-li-lê (Ma-thi-ơ 4:13; 13:1, 2; Mác 3:7, 8). Đây là một hồ nước ngọt tuyệt đẹp, có chiều dài khoảng 20,92km và rộng khoảng 11,27km. Có đến bảy sứ đồ của Chúa Giê-su—Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ, Giăng, Phi-líp, Thô-ma và Na-tha-na-ên—có thể từng là ngư dân.—Giăng 21:2, 3.

Thời Chúa Giê-su, người ta đánh bắt cá ra sao? Sao không thử tìm hiểu về họ và công việc của họ? Khi làm thế, chúng ta sẽ thêm quý mến các sứ đồ cũng như hiểu rõ hơn về những hành động và minh họa của Chúa Giê-su. Trước tiên, hãy xem công việc ở biển Ga-li-lê ra sao.

“Biển động dữ dội”

Biển Ga-li-lê khoét vào lòng thung lũng, bề mặt của nó nằm dưới mực nước biển khoảng 210m. Ven theo bờ là những dốc đá, và ở phía bắc là núi Hẹt-môn hùng vĩ vươn cao đến tận trời. Vào mùa đông, những cơn gió rét buốt xô gợn sóng lăn tăn. Vào mùa hạ, luồng khí nóng đổ ra ôm chầm lấy mặt nước. Không thèm báo trước, những cơn bão hung hãn tác oai tác quái từ những ngọn núi xung quanh và trút cơn thịnh nộ xuống người đi biển. Chúa Giê-su và các sứ đồ từng gặp một trận bão như thế.—Ma-thi-ơ 8:23-27.

Các ngư dân lái những con thuyền gỗ có kích thước ước chừng 8,27m chiều dọc và 2,3m chiều ngang tại phần rộng nhất. Nhiều thuyền có cột buồm và một khoang giống như cabin ở đuôi thuyền (Mác 4:35-41). Những chiếc thuyền chậm mà chắc này chịu được áp lực của những cơn gió thổi buồm và cột về một hướng, trong khi sức nặng của lưới ghì thuyền lại.

Người điều khiển thuyền dùng những mái chèo gắn ở hai bên mạn thuyền. Một thuyền có thể có từ sáu ngư dân trở lên (Mác 1:20). Thêm nữa, thuyền có thể chở theo các trang thiết bị như buồm vải lanh (1), dây thừng (2), mái chèo (3), neo đá (4), đồ ấm (5), thức ăn (Mác 8:14) (6), thúng (7), gối (Mác 4:38) (8) và lưới (9). Có lẽ họ cũng mang phao dự phòng (10), chì lưới (11), đồ nghề sửa chữa (12) và đuốc (13).

“Bắt được rất nhiều cá”

Ngày nay không khác thế kỷ thứ nhất là bao, những ngư trường cho năng suất cao nhất ở biển Ga-li-lê đều nằm gần nhiều cửa sông và suối, là những nơi cung cấp thức ăn cho biển. Tại những nơi này, lớp phủ thực vật trôi ra biển và thu hút đàn cá. Để bắt được con mồi, ngư dân thời Chúa Giê-su thường làm việc về đêm với những ngọn đuốc. Lần nọ, một số sứ đồ của Chúa Giê-su đánh cá cả đêm mà chẳng được gì. Nhưng ngày hôm sau, theo hướng dẫn của Chúa Giê-su, họ thả lưới lần nữa và bắt được nhiều cá đến nỗi thuyền muốn chìm.—Lu-ca 5:6, 7.

Thỉnh thoảng, các ngư dân lái thuyền đến chỗ nước sâu. Khi đến vùng đánh bắt, hai thuyền phối hợp với nhau. Họ căng lưới giữa hai thuyền; sau đó chèo hết sức ra hai hướng khác nhau, thả lưới khi họ vây quanh lũ cá. Cuối cùng, hai thuyền giáp nhau tạo thành một vòng và khép lưới lại. Rồi họ ra sức kéo các dây đã đính chặt vào các góc lưới, lôi những gì bắt được lên thuyền. Lưới có thể dài hơn 30m và sâu khoảng 2,44m, đủ lớn để tóm lấy cả đàn cá. Mép lưới trên nổi lên nhờ các phao, và mép dưới buộc chặt các chì nặng. Các ngư dân thả lưới, rồi lại kéo lên, cứ thế hết giờ này sang giờ khác.

Ở những chỗ nước nông hơn, một đội đánh bắt có thể dùng kỹ thuật khác. Một thuyền giữ một đầu của lưới kéo chạy từ bờ ra biển rồi quay vòng lại bờ, tóm lấy lũ cá. Những người trên bờ liền kéo lưới vào, mang chiến lợi phẩm lên bờ và phân loại ngay tại đó. Họ cho những con đạt phẩm chất vào thúng. Một số được bán ngay tại địa phương. Phần lớn được đem phơi và muối hoặc đem ngâm, trữ trong các vò hai quai bằng đất sét, và gửi đi Giê-ru-sa-lem hoặc nước ngoài. Những con không có vảy hoặc vây, chẳng hạn như lươn, bị xem là không sạch và phải loại bỏ (Lê-vi Ký 11:9-12). Chúa Giê-su đã đề cập đến phương pháp đánh cá này khi ngài ví “Nước Trời” như một cái lưới kéo, những người tốt và xấu như những loại cá khác nhau.—Ma-thi-ơ 13:47-50.

Người đánh cá một mình có thể dùng dây câu có lưỡi đồng gắn mồi. Hoặc anh có thể dùng chài. Để quăng chài, anh phải lội xuống nước, đặt chài trên tay rồi tung lên ra xa chỗ đứng. Cái chài hình vòm trải ra, rơi xuống và chìm xuống nước. Nếu gặp thuận lợi, lưới sẽ bắt được một ít cá khi anh kéo chài bằng dây cột ở giữa lưới.

Lưới thời đó đắt tiền và đòi hỏi nhiều công sức để bảo quản, vì vậy người ta phải sử dụng nó thật cẩn thận. Người đánh cá dành nhiều thời gian để vá, giặt và phơi lưới, là những việc vặt mà anh phải làm cho xong sau mỗi chuyến ra khơi (Lu-ca 5:2). Lúc Chúa Giê-su mời hai anh em Gia-cơ và Giăng theo ngài thì họ đang ngồi trên thuyền vá lưới.—Mác 1:19.

Nguồn cá rô phi dồi dào là một trong những loại thủy sản mà ngư dân sống vào thế kỷ thứ nhất đánh bắt. Hầu hết dân vùng Ga-li-lê thường dùng loại cá này trong bữa ăn của họ, và dường như Chúa Giê-su đã ăn loại cá ngon lành này. Có thể Chúa Giê-su đã dùng hai con cá rô phi muối khô để làm phép lạ cấp thức ăn cho hàng ngàn người (Ma-thi-ơ 14:16, 17; Lu-ca 24:41-43). Cũng chính loại cá này hay ngậm con trong miệng và bơi. Những lúc không mang theo con, nó có thể mang theo sỏi, hoặc ngay cả một đồng xu sáng bóng nhặt được từ đáy biển.—Ma-thi-ơ 17:27.

Vào thế kỷ thứ nhất, ngư dân giỏi là những người kiên nhẫn, siêng năng và có ý chí chịu đựng gian khổ để được đền đáp xứng đáng. Những người nhận lời mời của Chúa Giê-su để theo ngài làm công việc sứ đồ cũng cần có những phẩm chất như thế nếu muốn trở thành “những tay đánh lưới người” hữu hiệu.—Ma-thi-ơ 28:19, 20.

[Hình nơi trang 19]

(Xin xem ấn phẩm)