Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Có phẩm giá và đáng trọng trước mắt Đức Chúa Trời

Có phẩm giá và đáng trọng trước mắt Đức Chúa Trời

Khi còn trên đất, Chúa Giê-su phản ánh hoàn toàn các đức tính và cách làm việc của Cha trên trời. Ngài nói: “Tôi không tự mình làm gì, nhưng nói những điều Cha đã dạy... tôi luôn làm điều đẹp lòng ngài” (Giăng 8:28, 29; Cô-lô-se 1:15). Như thế, khi xem xét cách Chúa Giê-su giao tiếp với phụ nữ và thái độ của ngài đối với họ, chúng ta có thể thấy và hiểu được quan điểm của Đức Chúa Trời về phụ nữ và sự kỳ vọng của ngài dành cho họ.

Dựa trên những lời tường thuật trong Phúc âm, một số học giả đã thừa nhận rằng quan điểm của Chúa Giê-su về phụ nữ là hoàn toàn mới mẻ. Sao lại thế? Và quan trọng hơn, sự dạy dỗ của ngài vẫn giúp phụ nữ ngày nay có nhiều tự do hơn không?

Cách Chúa Giê-su đối xử với phụ nữ

Chúa Giê-su không hề xem họ là những đối tượng để thỏa mãn tình dục. Theo quan điểm của một số nhà lãnh đạo tôn giáo người Do Thái, tiếp xúc với người khác giới chỉ dẫn đến ham muốn thể xác. Vì phụ nữ bị xem như là nguồn của sự cám dỗ, họ không được phép nói chuyện với đàn ông tại nơi công cộng hoặc phải đeo mạng che mặt khi ra khỏi nhà. Trái lại, Chúa Giê-su khuyên người nam nên kiềm chế ham muốn xác thịt và tôn trọng phẩm giá của phụ nữ thay vì tách biệt họ khỏi các mối quan hệ xã hội.—Ma-thi-ơ 5:28.

Chúa Giê-su cũng nói rằng: “Hễ ai ly dị vợ và cưới người khác là phạm tội ngoại tình và có lỗi với vợ” (Mác 10:11, 12). Do đó, ngài phản bác những dạy dỗ phổ biến của các ráp-bi là cho phép đàn ông được ly dị vợ “vì bất cứ lý do nào” (Ma-thi-ơ 19:3, 9). Khái niệm phạm tội ngoại tình và có lỗi với vợ là xa lạ với đa số dân Do Thái. Các ráp-bi dạy rằng người chồng không đời nào bị xem là phạm tội ngoại tình và có lỗi với vợ, chỉ có phụ nữ mới không chung thủy mà thôi! Một nhà bình luận Kinh Thánh cho biết: “Qua việc buộc người chồng phải giữ bổn phận đạo đức như người vợ, Chúa Giê-su đã nâng cao địa vị và phẩm giá của phụ nữ”.

Sự dạy dỗ của Chúa Giê-su tác động đến thời nay: Trong hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va, người nữ thoải mái giao tiếp với người nam tại các buổi họp. Dù thế, họ không cần phải sợ những cái nhìn khiếm nhã hay sự thân mật quá trớn, vì nam tín đồ đạo Đấng Ki-tô thận trọng cư xử với “phụ nữ lớn tuổi như mẹ, phụ nữ trẻ tuổi như chị em bằng tấm lòng hoàn toàn trong sạch”.—1 Ti-mô-thê 5:2.

Chúa Giê-su dành thời gian dạy phụ nữ. Trái ngược với quan điểm phổ biến của các ráp-bi là để mặc phụ nữ trong sự dốt nát, Chúa Giê-su dạy và khuyến khích họ nói lên ý kiến. Khi từ chối cướp đi niềm vui được học hỏi của Ma-ri, Chúa Giê-su cho thấy phụ nữ không chỉ quanh quẩn nơi xó bếp (Lu-ca 10:38-42). Chị của Ma-ri là Ma-thê cũng nhận lợi ích từ sự dạy dỗ của Chúa Giê-su. Điều này được thấy rõ qua những lời đáp khôn ngoan của bà với ngài sau khi La-xa-rơ qua đời.—Giăng 11:21-27.

Chúa Giê-su quan tâm đến suy nghĩ của phụ nữ. Vào thời ngài, đa số phụ nữ Do Thái tin rằng bí quyết hạnh phúc là có một con trai đáng tự hào, nhất là nếu con làm nhà tiên tri. Khi một người đàn bà cất tiếng rằng: “Hạnh phúc thay người đã mang thai thầy!”, Chúa Giê-su nhân cơ hội để cho bà biết điều tốt hơn (Lu-ca 11:27, 28). Bằng cách cho thấy việc vâng lời Đức Chúa Trời là quan trọng hơn, Chúa Giê-su đã cho bà biết điều quan trọng hơn truyền thống áp đặt trên phụ nữ.—Giăng 8:32.

Sự dạy dỗ của Chúa Giê-su tác động đến thời nay: Những người dạy dỗ trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô lắng nghe lời phát biểu của các chị trong buổi nhóm họp. Họ tôn trọng các chị thành thục vì “dạy dỗ những điều tốt lành”, cả khi riêng tư lẫn khi làm gương cho người khác (Tít 2:3). Các anh cũng nhờ cậy các chị chia sẻ tin mừng về Nước Đức Chúa Trời.—Thi-thiên 68:11; xin xem khung  “Sứ đồ Phao-lô có cấm phụ nữ lên tiếng không?” nơi trang 9.

Chúa Giê-su chăm sóc phụ nữ. Vào thời Kinh Thánh, con gái không quý bằng con trai. Kinh Talmud cho thấy quan điểm này: “Phúc thay được hưởng con trai, khốn thay cho kẻ hoài thai đàn bà”. Một số bậc cha mẹ coi con gái như gánh nặng lớn vì phải tìm chồng cho con cũng như phải cho con rể lễ vật, và họ không thể trông cậy gì nơi con gái khi về già.

Chúa Giê-su cho thấy mạng sống của một em gái cũng quý như mạng sống của một em trai—ngài đã làm cho con gái của Giai-ru cũng như con trai bà góa ở Na-in sống lại (Mác 5:35, 41, 42; Lu-ca 7:11-15). Sau khi chữa lành một phụ nữ bị tà thần làm cho bệnh mười tám năm, Chúa Giê-su gọi bà là “con gái của Áp-ra-ham”, một lời nói dường như xa lạ trong các tác phẩm Do Thái (Lu-ca 13:10-16, Bản Truyền thống). Qua lời nói tôn trọng và tử tế này, ngài không chỉ nhìn nhận vị trí của bà trong xã hội mà còn công nhận đức tin lớn của bà.—Lu-ca 19:9; Ga-la-ti 3:7.

Sự dạy dỗ của Chúa Giê-su tác động đến thời nay: Người xưa quan niệm: “Con gái là con người ta, con dâu mới thật mẹ cha mua về”. Thay vì bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ đó, những người cha là tín đồ đạo Đấng Ki-tô yêu thương chăm sóc cho hết thảy các con, cả trai lẫn gái. Các bậc cha mẹ đạo Đấng Ki-tô lo sao cho con cái nhận được đầy đủ sự chăm sóc về giáo dục và sức khỏe.

Chúa Giê-su cho Ma-ri Ma-đơ-len vinh dự được thông báo về sự sống lại của ngài cho các sứ đồ

Chúa Giê-su tin cậy phụ nữ. Trong tòa án Do Thái, lời chứng của phụ nữ chỉ được xem như của nô lệ. Một sử gia vào thế kỷ thứ nhất là ông Josephus khuyên: “Chớ chấp thuận lời chứng nào của phụ nữ, vì họ có tính hời hợt và dại dột”.

Tương phản rõ rệt với quan điểm đó, Chúa Giê-su chọn phụ nữ để làm chứng về sự sống lại của ngài (Ma-thi-ơ 28:1, 8-10). Dù những phụ nữ trung thành này đã tận mắt chứng kiến việc hành quyết và chôn cất Chúa Giê-su nhưng các sứ đồ vẫn khó tin lời của họ (Ma-thi-ơ 27:55, 56, 61; Lu-ca 24:10, 11). Tuy nhiên, khi xuất hiện cho phụ nữ thấy trước tiên, Đấng Ki-tô sống lại đã nhìn nhận họ xứng đáng được làm chứng như mọi môn đồ của ngài.—Công vụ 1:8, 14.

Sự dạy dỗ của Chúa Giê-su tác động đến thời nay: Trong hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va, người nam có trách nhiệm lưu tâm đến phụ nữ bằng cách ân cần tiếp nhận ý kiến của họ. Về phần mình, người chồng “trân trọng vợ” khi lắng nghe họ.—1 Phi-e-rơ 3:7; Sáng-thế Ký 21:12.

Các nguyên tắc Kinh Thánh góp phần đem lại hạnh phúc cho phụ nữ

Những người làm theo nguyên tắc Kinh Thánh thì tôn trọng và đề cao phẩm giá phụ nữ

Khi người nam noi theo gương Đấng Ki-tô, phụ nữ được tôn trọng và tự do đúng như ý định ban đầu Đức Chúa Trời dành cho họ (Sáng-thế Ký 1:27, 28). Thay vì hành xử theo kiểu “chồng chúa vợ tôi”, người chồng đạo Đấng Ki-tô để Kinh Thánh hướng dẫn nhằm góp phần đem lại hạnh phúc cho người bạn đời của mình.—Ê-phê-sô 5:28, 29.

Từ trước khi Yelena bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh, chị đã phải âm thầm chịu đựng sự đối xử khắc nghiệt của chồng. Anh lớn lên trong một môi trường đầy bạo lực, nơi mà chuyện bắt cóc cô dâu và bạo hành không hề xa lạ. Chị Yelena nói: “Những điều học được từ Kinh Thánh đã cho tôi sức mạnh. Tôi hiểu là có một đấng vô cùng yêu thương tôi, trân trọng và quan tâm đến tôi. Tôi cũng hiểu là nếu chồng tôi tìm hiểu Kinh Thánh thì thái độ của anh đối với tôi có thể sẽ thay đổi”. Điều chị ao ước đã thành sự thật khi cuối cùng chồng chị cũng chấp nhận tìm hiểu Kinh Thánh và làm báp-têm trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. “Anh ấy làm gương về tính tự chủ. Chúng tôi đã học cách sẵn lòng tha thứ nhau”, chị Yelena cho biết thêm. Chị kết luận gì? “Các nguyên tắc Kinh Thánh thật sự giúp tôi thấy mình được quý trọng và che chở trong hôn nhân”.—Cô-lô-se 3:13, 18, 19.

Kinh nghiệm của chị Yelena không phải là duy nhất. Hàng triệu phụ nữ được hạnh phúc vì họ cùng chồng cố gắng áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh vào hôn nhân. Họ tìm thấy sự tôn trọng, an ủi và tự do trong vòng tín đồ đạo Đấng Ki-tô.—Giăng 13:34, 35.

Nam và nữ tín đồ đạo Đấng Ki-tô đều nhìn nhận họ là những người tội lỗi, không hoàn hảo, và là những tạo vật “đã bị khuất phục sự hư không”. Dù thế, nhờ đến gần Cha yêu thương là Đức Giê-hô-va, họ có hy vọng “được giải thoát khỏi ách nô lệ của sự mục nát” và hưởng “sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời”. Thật là một viễn cảnh tuyệt vời cho cả nam lẫn nữ dưới sự chăm sóc của Đức Chúa Trời!—Rô-ma 8:20, 21.