Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có biết?

Bạn có biết?

Thư được gửi như thế nào vào thời Kinh Thánh?

Một lính trạm đưa thư người Phe-rơ-sơ

Việc chuyển phát các lá thư công của chính quyền Phe-rơ-sơ được giao cho một cơ quan bưu chính nhà nước. Sách Ê-xơ-tê trong Kinh Thánh miêu tả cách hệ thống của người Phe-rơ-sơ vận hành: “Mạc-đô-chê viết nhân danh vua A-suê-ru và ấn dấu bằng chiếc nhẫn vua; rồi sai lính trạm đem thơ đi cỡi ngựa hăng và ngựa nòi, bởi ngựa để giống sanh ra” (Ê-xơ-tê 8:10). Đế quốc La Mã cũng có dịch vụ tương tự để chuyển phát các thư hành chính và quân sự.

Thư riêng, chẳng hạn như các lá thư được sứ đồ Phao-lô hoặc những người khác viết, thì không đủ điều kiện để chuyển phát theo cách trên. Nếu giàu có, một người có thể sai nô lệ đi đưa thư. Nhưng hầu hết mọi người nhờ người quen, hay thậm chí người lạ, thuận đường chuyển thư đi. Gia đình, bạn bè, binh sĩ, hoặc nhà buôn đều có thể là người đưa thư. Dĩ nhiên, một điều cần nhớ là uy tín của người chuyển thư cũng như việc anh ta có chuyển thư cẩn thận và còn nguyên vẹn hay không. Kinh Thánh hàm ý là Phao-lô đã giao ít nhất một số lá thư cho các anh em đồng đạo đi đường xa.—Ê-phê-sô 6:21, 22; Cô-lô-se 4:7.

Việc mua bán được thực hiện như thế nào ở Y-sơ-ra-ên xưa?

Phù điêu về chợ hoa quả

Nền kinh tế quốc gia này phụ thuộc chính vào trồng trọt, chăn nuôi và trao đổi hàng hóa. Kinh Thánh đề cập đến các chợ tại những cửa thành—“cửa Chiên”, “cửa Cá”, và “cửa Gốm” (Nê-hê-mi 3:1, 3; Giê-rê-mi 19:2). Các tên này có lẽ nói đến loại hàng hóa được bán tại mỗi nơi đó. Lời Đức Chúa Trời cũng đề cập đến “phố hàng bánh” của thành Giê-ru-sa-lem, cũng như một số loại hàng hóa thương mại.—Giê-rê-mi 37:21.

Thế còn giá cả thì sao? Một tài liệu bình luận Kinh Thánh nói: “Giá cả dao động tự nhiên qua nhiều thế kỷ, và thật khó xác định giá của một món hàng nào đó vào một thời điểm và địa điểm nhất định”. Mặc dù vậy, thông tin từ các tài liệu xưa, bao gồm Kinh Thánh, cho thấy vào thời đó giá cả cũng bị lạm phát. Ví dụ, vào thời xưa người ta thường mua bán nô lệ. Giô-sép bị bán giá 20 miếng bạc, có thể là siếc-lơ, là giá trung bình của một nô lệ vào thế kỷ thứ 18 trước công nguyên (TCN) (Sáng-thế Ký 37:28). Ba trăm năm sau, một nô lệ giá là 30 siếc-lơ (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:32). Đến thế kỷ thứ tám TCN, giá là 50 siếc-lơ (2 Các Vua 15:20). Hai thế kỷ sau đó, vào thời của người Phe-rơ-sơ, giá lên cao đến mức 90 siếc-lơ hoặc hơn. Hình như nạn lạm phát đã là một vấn đề trong suốt lịch sử và ngày nay vẫn thế.